33 triệu người Mỹ mất việc làm, người thất nghiệp mòn mỏi đợi trợ cấp
Số lượng người thất nghiệp tăng mạnh lên 33 triệu do Covid-19 khiến chính quyền các bang Mỹ quá tải khi nhận hồ sơ xin trợ cấp. Điều này buộc nhiều người trông chờ trong mòn mỏi các khoản hỗ trợ.
Claudia Alejandra vẫn đang mòn mỏi chờ đợi tiền trợ cấp trong khi hóa đơn ngày một nhiều (Ảnh: Reuters)
Với Claudia Alejandra, thất nghiệp bây giờ đã trở thành “công việc toàn thời gian”. Người phụ nữ này mất việc tại một quầy mỹ phẩm ở trung tâm thương mại Macy tại Orlando, Florida ngày 28/3. Sau đó, Alejandra đã dành nhiều ngày chờ đợi được nhận khoản trợ cấp thất nghiệp mà cô dự kiến nhận được vài tuần trước. Có những ngày, cô phải gọi tới hơn 100 cuộc điện thoại.
Sau đó, Alejandra tiếp tục chật vật đăng ký thông tin trực tuyến, nhưng sau hàng giờ đồng hồ bị báo lỗi, cô nhận được thông báo ngắn gọn rằng danh tính của cô không thể được xác thực. Nếu may mắn, cô có thể gọi được cho một đại diện, người sẽ thông báo rằng họ không thể giúp gì được cô.
Ngược lại, những gì mà Alejandra có thể nghe được là tín hiệu báo tổng đài bận, hoặc chờ hàng giờ đồng hồ rồi đầu dây bên kia đột ngột bị ngắt.
Alejandra, 37 tuổi, đã rút tiền từ quỹ hưu trí trị giá 800 USD để trả góp hàng tháng cho chiếc ô tô. Tuy nhiên, cô không biết kiếm đâu ra tiền để trả tiền thuê nhà hay đóng tiền điện thoại. Những dự định dài hạn như được thăng chức, lập gia đình, tự mua nhà riêng dường như ngày càng xa vời.
Trải nghiệm của Alejandra tương tự như với hàng chục người Mỹ thất nghiệp khác vì Covid-19 mà Reuters phỏng vấn trong tuần qua.
Theo quy định của chính phủ Mỹ, những người thất nghiệp đủ điều kiện nhận trợ cấp sẽ được nhận tiền sau 3 tuần đăng ký hồ sơ, nhưng nhiều người như Alejandra vẫn đang mòn mỏi chờ đợi.
Để sống sót, nhiều người đã xếp hàng ở các ngân hàng lương thực hoặc thương lượng với chủ nhà để hoãn thanh toán tiền thuê. Họ dành phần lớn thời gian để liên lạc, chờ câu trả lời từ cơ quan chính phủ vốn đang quá tải vì lượng người thất nghiệp tăng vọt. Số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp hiện tại ở Mỹ đã lên tới 33 triệu.
Ách tắc trong khâu xử lý
Để sống sót, nhiều người Mỹ đã tới xếp hàng ở các ngân hàng lương thực nhận đồ ăn miễn phí (Ảnh: Reuters)
Alejandra chưa nghe được thông tin gì từ bang nơi cô sinh sống về khoản trợ cấp. Trong khi đó, Thống đốc Florida Ron DeSantis hồi đầu tuần cho biết những người đăng ký trợ cấp vào tháng 3 và chưa nhận được thanh toán có thể chưa cung cấp đủ thông tin cần thiết hoặc không đạt yêu cầu.
Trong 6 tuần qua, nhiều bang vẫn đang nỗ lực hết sức trong việc xử lý số lượng đơn xin trợ cấp đổ tới dồn dập trong một thời gian ngắn.
Một khảo sát quy mô hẹp do Reuters thực hiện trên 4 bang Florida, Michigan, Arizona và Minnesota cho thấy sự khác nhau rõ rệt về vấn đề nhận trợ cấp. Ví dụ, tại Minnesota - nơi các quan chức bang xử lý hồ sơ trên nền tảng mạng xã hội và bằng điện thoại, 6/7 người được hỏi cho biết đã nhận được trợ cấp.
Tuy nhiên, ở Florida - nơi có hệ thống máy tính gặp trục trặc, chỉ có 3/8 người được hỏi cho biết đã nhận được trợ cấp. Trong khi đó, toàn bộ 6 người ở Arizona và 8 người ở Michigan khi được hoi cho biết họ chưa nhận được trợ cấp.
Những khảo sát này chắc chắn không thể đại diện cho trải nghiệm nói chung của người Mỹ với hệ thống trợ cấp thất nghiệp vì con số người được phỏng vấn quá ít. Tuy nhiên, những người tham gia trả lời đều mô tả những câu chuyện tương đồng nhau ở mỗi bang.
Những người đã nhận được trợ cấp cho biết họ tin rằng các viên chức đã làm hết sức mình để xử lý hồ sơ trong cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng này.
Trước Covid-19, Deshan Hedrick - nhân viên phục vụ một nhà hàng ở Detroit, Michigan - thường lo ngại về các khoản tiết kiệm để mua nhà. Giờ đây, bà đã đối mặt với vấn đề mới là kiếm đồ ăn để sống qua ngày.
Hedrick, người chưa bao giờ bị sa thải trong 25 năm làm phục vụ, chưa nhận được trợ cấp sau khi mất việc hôm 16/3.
Tuy nhiên, Michigan tính đến cuối tháng trước đã xử lý xong 21,1% những người mất việc thuộc chương trình trợ cấp thất nghiệp, cao thứ 3 nước Mỹ và cao hơn hẳn mức trung bình ở Mỹ là 13,3%.
Điều này phần nào an ủi Hedrick, 40 tuổi, khi trong những ngày qua bà chật vật nộp hồ sơ đăng ký trực tuyến sau khi không thể liên lạc với bộ phận hỗ trợ qua điện thoại. Đơn đăng ký của Hedrick vẫn chưa được chấp thuận tính tới ngày 18/4 dù theo lý thuyết, bà phải nhận được trợ cấp từ đầu tháng trước.
Hedrick kiếm được khoảng 3.200 USD một tháng tại nhà hàng bà làm việc. Tới giữa tháng 4, bà đã tiêu hết 1.700 USD trong tiền tiết kiệm. Giờ đây, bà sống nhờ vào món mì và đồ hộp do bạn bè hỗ trợ và đối diện với khoản hóa đơn 4.000 USD cho các khoản thuê nhà, bảo hiểm…
Quan chức Michigan Erica Quealy thừa nhận sự chậm trễ trong việc xử lý hồ sơ, tuy nhiên, lý do được đưa ra là số lượng yêu cầu đổ về chính quyền ngày một lớn trong khi số lượng người xử lý chỉ hạn chế dù họ đã làm tăng ca và tuyển thêm người.
Các câu chuyện về sự chờ đợi mòn mỏi cũng xảy ra với Jamell Verse ở Virginia. Đây là một trong những bang xử lý được ít hồ sơ của người thất nghiệp nhất khi tính tới ngày 25/4 mới chỉ có 5,9% số người hợp lệ được nhận trợ cấp.
Verse, 41 tuổi, cho biết ông nộp hồ sơ từ ngày 10/4, chỉ một ngày sau khi bị mất việc, nhưng tới bây giờ, ông vẫn chưa nhận được tiền. Quy định của bang yêu cầu Verse phải trao đổi với một đại diện trước khi nhận được tiền, nhưng đường dây điện thoại luôn trong tình trạng tắc nghẽn. Ông từng gọi 100 cuộc mỗi ngày, thậm chí gọi trước 2 giờ đồng hồ khi đường dây bắt đầu hoạt động với hy vọng có thể “xí chỗ”.
Tại Minesota, nhân viên bán xe hơi Preston Jorgensen nói rằng ông đã gọi 200 cuộc điện thoại một ngày trong 2 tuần kể từ khi hồ sơ của ông bị từ chối hôm 5/4. Tuy nhiên, các cuộc gọi luôn báo bận. Sau vài tuần nỗ lực, ông cuối cùng đã có thể vào được đường dây chờ. Nhưng tất cả những gì ông có thể làm là chờ 5 giờ đồng hồ, trước khi đường dây tự động ngắt.
May mắn cho Jorgensen khi 2 tuần sau, một nhân viên chính quyền gọi cho ông báo rằng khiếu nại của ông đã được xử lý. Dù khoản trợ cấp khá nhỏ so với tiền mà Jorgensen kiếm được trước khi mất việc, nhưng ông cho biết nó cũng giúp ông trong giai đoạn khó khăn và ông cũng thông cảm với chính quyền trong nỗ lực hỗ trợ người dân.
Đức Hoàng
Theo Reuters
Link nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/33-trieu-nguoi-my-mat-viec-lam-nguoi-that-nghiep-mon-moi-doi-tro-cap-20200508104938492.htm
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.