RSS

Bán hàng rong mưu sinh ở Mỹ

01:25 28/12/2019

Guadalupe Galicia, người mẹ đơn thân 40 tuổi, thức dậy lúc 4h sáng, chuẩn bị món bánh ngô và pudding gạo để bán rong trên đường phố New York.

Nhập cư bất hợp pháp từ Mexico vào Mỹ, Galicia đã bám trụ gánh hàng này suốt 20 năm qua ở New York để nuôi 6 đứa con. Bà là một trong hàng nghìn người bán hàng rong ngày ngày bươn chải kiếm sống ở thành phố sôi động bậc nhất nước Mỹ.

New York không chỉ nổi tiếng với bánh mì kẹp xúc xích, pizza, bánh mì vòng và bánh quy xoắn, mà còn là thiên đường ẩm thực với nhiều món ăn đa dạng. Từ bánh ngô arepas của Venezuela, thịt heo quay Ecuador tới bánh mì Trung Đông hay bánh momo Tây Tạng, tất cả đều có ở New York.

Galicia thường bán bánh tamales với giá 2,25 USD mỗi chiếc, cùng nhiều đồ ăn khác của Mexico tại khu vực Bushwick ở quận Brooklyn. “Tôi chỉ kiếm đủ tiền nuôi con”, Galicia nói trong khi lấy champurrado, đồ uống làm từ chocolate, bột ngô và phụ gia, cho khách.

Bên cạnh thời tiết khắc nghiệt với nhiệt độ thường giảm tới mức đóng băng vào mùa đông, người bán rong còn đối mặt với nhiều rủi ro khác như bị tấn công, cướp giật, phạt tiền, tịch thu hàng hóa, bị cảnh sát bắt. Nếu bị bắt, họ nhiều khả năng bị trục xuất do không có giấy tờ hợp pháp.

Guadalupe Galicia đứng bên xe hàng rong trên con phố ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP.

Guadalupe Galicia đứng bên xe hàng rong trên con phố ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP.

Julie Torres Moskowitz, thành viên nhóm hỗ trợ Dự án Bán rong trên Đường phố (SVP), cho biết nhiều người bán rong không dám trình báo cảnh sát khi bị trộm cắp hoặc tấn công vì sợ. “Người bán rong rất sợ cảnh sát và đó là lý do khiến họ bị chịu thiệt nhiều hơn”, Moskowitz nói.

Theo SVP, đa số người bán hàng rong ở New York là phụ nữ và đây là nhóm người đặc biệt dễ bị tổn thương. Họ thường bị khách hàng quấy rối và có nguy cơ bị cảnh sát bắt phạt nhiều hơn so với nam giới.

Người bán hàng phải nộp 50 USD để có giấy phép bán hàng trên phố và thêm 200 USD tiền phí cho các giỏ hàng kèm theo. Tuy nhiên, việc xin giấy phép bán hàng không dễ dàng ở New York. Giới chức thành phố giới hạn số giấy phép ở mức 2.900 từ năm 1983, trong khi New York có hơn 10.000 người bán rong. Dù chính quyền đã cấp thêm 2.000 giấy phép bổ sung cho những lao động tạm thời, nhiều người khác phải bán hàng “chui”.

Galicia bán hàng rong không giấy phép từ nhiều năm nay. Cô ước tính đã nộp phạt 12.000 USD. Nhiều lần, quầy hàng rong của cô bị cảnh sát tịch thu. “Chúng tôi cũng nộp thuế bán hàng nên đáng lẽ phải được cấp phép làm việc”, cô phàn nàn. Tiền phạt đôi khi có thể lên tới 2.500 USD một lần.

“Chỉ có hai lựa chọn: để gia đình chết đói hoặc nộp phạt”, Sabina Morales, 62 tuổi, người di cư bất hợp pháp từ Mexico, bán rau quả ở Queens, cho biết. Phần lớn phụ nữ bán hàng rong là lao động chính trong gia đình. Họ phải làm việc từ sáng sớm để có thời gian chăm sóc con cái sau khi chúng tan học.

Một gánh bán hàng rong ở Queens, thành phố New York, Mỹ. Ảnh: AFP.

Jessica Ramos, thành viên đảng Dân chủ thuộc hội đồng bang New York, đã đề xuất dự luật xóa bỏ các hạn chế về bán hàng rong ở thành phố. Một dự luật khác về tăng giấy phép bán hàng lên 4.000 trong một thập kỷ cũng được đệ trình lên hội đồng thành phố.

“Người bán hàng rong đang cố gắng kiếm sống một cách chân chính”, Ramos, người lớn lên tại khu phố Jackson Height được ví như thiên đường ẩm thực đường phố, cho biết.

Tuy nhiên, Ramos cho biết các đại lý bất động sản, siêu thị và nhà hàng phản đối việc tăng số lượng giấy phép bán hàng rong, bởi họ cho rằng người bán hàng trên đường phố cạnh tranh kinh doanh không lành mạnh khi đưa ra mức giá thấp hơn.

Hệ quả của hạn chế cấp phép bán hàng là sự xuất hiện của “chợ đen” cung cấp giấy phép, nơi nhiều người cho thuê lại giấy phép với giá 25.000 USD thông qua người trung gian môi giới. Nhiều người bán rong còn trở thành “con mồi” của những kẻ làm giấy phép giả.

Vài năm trước, Morales, người mẹ bán hàng rong để nuôi 6 đứa con, đã mất hết số tiền tiết kiệm 15.000 USD vì mua nhầm giấy phép giả. “Chúng tôi phải tìm tới chợ đen để có thể làm việc ở đây. Làm việc, kiếm tiền, cải thiện cuộc sống gia đình là lý do chúng tôi đến đất nước này”, Morales chia sẻ.

Nguồn: VnExpress.net

Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao

Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao

Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.