Bang của Mỹ thấm đòn vì chống Covid-19 khác người, không cách ly
Thống đốc bang South Dakota vẫn bảo lưu quan điểm không cách ly xã hội bất chấp kiến nghị của cấp dưới, điều đó khiến bang này trở thành điểm nóng bùng phát dịch bệnh Covid-19.
Khi thống đốc các tiểu bang trên khắp nước Mỹ rơi vào tình trạng khó khăn trong những tuần gần đây để đối phó với đại dịch Covid-19, thống đốc bang South Dakota vẫn bình thản và sẽ không có lệnh cách ly xã hội để yêu cầu người dân ở nhà, Washington Post cho biết.
Cách ly xã hội là cần thiết để chống lại sự lây lan của virus corona, nhưng thống đốc Kristi L. Noem của bang South Dakota nói rằng đó là hành động theo "tâm lý bầy đàn". Bà nói rằng cách ly xã hội là tùy thuộc vào mỗi cá nhân, chứ không phải chính quyền trong việc quyết định quyền của ai đó để đi làm việc, các nghi lễ tôn giáo, vui chơi, thậm chí là ở trong nhà.
Thống đốc Noem, thành viên đảng Cộng hòa đã nói với các phóng viên trong cuộc họp báo ngắn vào tháng này, rằng South Dakota không phải là New York.
Phớt lờ cảnh báo
Nhưng giờ đây, South Dakota đang trở thành một trong những ổ dịch cụm lớn nhất nước Mỹ, với hơn 300 công nhân tại nhà máy chế biến thịt khổng lồ nhiễm bệnh.
Lãnh đạo các địa phương trong bang ngày càng bức xúc, các chuyên gia y tế công cộng và nhân viên y tế đã cầu xin thống đốc Noem can thiệp với phản ứng mạnh hơn của chính quyền tiểu bang.
Thống đốc Noem cho rằng cách ly xã hội hay không là quyền của người dân. Ảnh: AP.
“Một lệnh ở nhà là cần thiết ngay bây giờ, nó là cần thiết ngay hôm nay”, Paul TenHaken, thị trưởng thành phố Sioux Falls, trung tâm bùng phát dịch bệnh ở South Dakota nói, người đã đưa ra một số khuyến nghị trong khi không có hành động nào trên toàn tiểu bang.
Sioux Falls, thành phố với dân số gần 200.000 người, là thành phố lớn nhất tiểu bang South Dakota. Thị trưởng TenHaken cho biết ông đã làm mọi thứ trong khả năng của mình để thực hiện cách ly xã hội, bao gồm áp dụng lệnh yêu cầu các nhà hàng và chuyển sang dịch vụ giao hàng thay vì dùng trực tiếp, các doanh nghiệp không quan trọng buộc phải đóng cửa.
Tuy vậy, thị trưởng TenHaken có ít quyền lực để thực thi và không thể kiểm soát những gì bên ngoài Sioux Falls.
Hiệp hội Y khoa South Dakota đã viết cho thống đốc Noem một lá thư vào ngày 3/4, cảnh báo thống đốc rằng bang có thể sớm phải đối mặt với thảm họa tương tự ở New York và các tiểu bang khác nếu không áp dụng lệnh cách ly xã hội ngay lập tức.
Tuy vậy, Thống đốc Noem vẫn phớt lờ cảnh báo của cấp dưới. Thay vào đó, bà sử dụng một cuộc họp báo hôm 13/4 để công bố các thử nghiệm về loại thuốc mà Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần gọi là bước đột phá tiềm năng trong cuộc chiến chống virus corona, dù thiếu bằng chứng khoa học.
“Đây là một ngày thú vị”, nữ thống đốc tự hào và liên tục trích dẫn các cuộc trò chuyện với con rể của Tổng thống Trump, Jared Kushner.
Bà Noem trích dẫn các nguyên tắc tự do cá nhân và những hạn chế của chính phủ để ra lệnh cho hành vi của người dân, ngay cả khi sức khỏe cộng đồng có thể phụ thuộc vào điều đó. Trích dẫn mô hình khoa học, thống đốc thừa nhận có tới 70% cư dân ở bang có thể bị nhiễm bệnh, nhưng bà nói rằng chính quyền sẽ nói cho người dân biết cách hành xử.
“Bản thân người dân chịu trách nhiệm cho sự an toàn của họ. Họ là những người được giao phó quyền tự do”, thống đốc Noem nói. Nói cách khác, chính quyền sẽ cho người dân biết sự nguy hiểm của dịch bệnh, còn ở nhà hay không là quyền của người dân.
Thống đốc Noem tiếp tục bảo vệ cách tiếp cận của bà trong cuộc họp báo hôm 13/4, bà nói rằng tiểu bang có mức độ tham gia tự nguyện cao trong chiến lược cách ly xã hội, lớn hơn nhiều so với một số tiểu bang áp dụng lệnh cách ly xã hội.
Dịch bệnh bắt đầu lan rộng
Cách tiếp cận của thống đốc Noem trong chiến lược đối phó với virus corona có thể cung cấp một lát cắt về tương lai của đất nước, khi áp lực tăng lên từ Tổng thống Trump để mở cửa đất nước trở lại vào đầu tháng 5.
Kinh nghiệm tại South Dakota cho thấy không nơi nào của đất nước miễn nhiễm với sự tàn phá của virus. Quyết định không áp dụng cách ly xã hội như trường hợp của South Dakota mang đến nhiều nguy hiểm.
Nhà máy chế biến thịt Smithfield đang trở thành ổ dịch lớn nhất bang. Ảnh: AP.
Thực tế tại bang đã cho thấy sự nguy hiểm của việc không cách ly xã hội, từ đầu tháng 4, thành phố Sioux Falls chỉ có rất ít ca nhiễm Covid-19, nhưng trong tuần này, số ca nhiễm đang tăng nhanh khi virus lây lan qua nhà máy chế biến thịt Smithfield, cơ sở sản xuất sử dụng 3.700 lao động, nhiều người trong số họ là dân nhập cư.
Chỉ tính hôm 13/4 đã có thêm 57 công nhân dương tính với virus, nâng số ca nhiễm trong nhà máy lên 300 người, đưa nơi đây trở thành ổ dịch cụm lớn nhất nước Mỹ, gồm nhà tù Cook County ở Chicago và tàu sân bay USS Theodore Roosevelt.
Smithfield đã chịu áp lực ngày càng tăng và tuyên bố đóng cửa vô thời hạn nhà máy vào ngày 12/4. Nhưng trước khi nhà máy đóng cửa, các công nhân phàn nàn rằng họ không được cung cấp các phương tiện để bảo vệ sức khỏe cá nhân, như khẩu trang, nước rửa tay. Công ty yêu cầu công nhân làm việc rất gần nhau khiến họ không thể đảm bảo giãn cách xã hội.
Tính đến ngày 13/4, bang South Dakota ghi nhận 868 ca nhiễm Covid-19, trong đó ổ dịch phức tạp nhất tại nhà máy thực phẩm Smithfield.
“Ở các khu vực nông thôn có ít quyền tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe và chỉ cần một ca nhiễm để lan rộng trong cộng đồng nhỏ”, DenYelle Kenyon, giám đốc chương trình y tế công cộng, Đại học South Dakota nói.
Trước tình thế chính quyền tiểu bang không có hành động nào mang tính tổng thể, hơn 30.000 người đã ký vào bản kiến nghị trực tuyến, nhiều người trong đó là nhân viên y tế yêu cầu thống đốc Noem áp dụng lệnh cách ly xã hội trên toàn tiểu bang.
“Tôi không thể hiểu tại sao chúng ta không làm gì đó để có thể cứu tính mạng con người”, Amy Taylor, một y tá ở Sioux Falls, người đã ký vào bản kiến nghị nói.
160 lãnh đạo các quận và thành phố trực thuộc South Dakota cũng kiến nghị yêu cầu thống đốc Noem ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn tiểu bang.
Link nguồn: https://zingnews.vn/bang-cua-my-tham-don-vi-chong-covid-19-khac-nguoi-khong-cach-ly-post1072865.html
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.