Bánh mì Việt Nam phục vụ tuyến đầu chống đại dịch COVID-19 ở Pháp
Một nhà hàng của người Việt tại Pháp đã gửi tặng bệnh viện Kremlin Bicetre (Paris) hơn 100 suất bánh mì Việt Nam nhằm hỗ trợ các y bác sĩ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Tính tới hết ngày 11/4, Pháp là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, với 124,869 người nhiễm bệnh và 13,197 người tử vong. Hệ thống y tế của Pháp đang chịu gánh nặng lớn trong khi đội ngũ y bác sĩ bị quá tải, phải làm việc liên tục để chữa trị, cứu sống tính mạng người bệnh.
Giữa bối cảnh đó, một nhà hàng của người Việt tại Pháp đã có sự ủng hộ quý báu dành cho các nhân viên y tế thuộc bệnh viện Kremlin Bicetre (tại thủ đô Paris, Pháp), một trong những bệnh viện tuyến đầu đang trực tiếp chống chọi với đại dịch ở Pháp.
Chị Nguyễn Phương Anh, chủ nhà hàng Bún Mì ở Paris cho biết đã tự tay chuẩn bị từng nguyên liệu, cùng các nhân viên cửa hàng làm hơn 100 chiếc bánh và đóng gói gọn gàng để gửi tặng các y bác sĩ.
"Đợt này, nhà hàng phải đóng cửa theo chỉ thị của chính phủ Pháp từ ngày 15/3. Dù không có doanh thu, gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề nhân viên, chi phí vận hành nhưng nghĩ lại tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người," chị Phương Anh chia sẻ.
"Tôi rất khâm phục lực lượng bác sĩ, cảnh sát, những người đang chiến đấu trên tuyến đầu phòng chống dịch nên muốn đóng góp một chút tâm huyết của mình. Dù cửa hàng còn nhiều món ăn ngon và thuần Việt khác, nhưng tôi muốn chọn bánh mì vì đây là món ăn yêu thích và là biểu tượng của Việt Nam với bạn bè quốc tế".
Kể về công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, chị Phương Anh cho biết chị đã quyết định làm bánh mì gà nướng sả bởi đây là món ăn được khách hàng ưa chuộng và gọi nhiều nhất. Ngoài ra, một phần lí do cũng bởi thịt gà dễ ăn và hợp khẩu vị nhiều người hơn những loại thịt khác. Việc lọc thịt gà, làm nguyên liệu bánh mì hết khoảng 7-8 tiếng nhưng vẫn "dễ thở" hơn những công đoạn khác.
"Khó khăn nhất là lúc đi mua sắm. Ở Paris, ra ngoài phải khai báo giấy tờ đầy đủ. Các cửa hàng đóng cửa hết, chợ châu Á thì mở theo khung giờ nhất định nên tôi phải tranh thủ đi sớm, xếp hàng rất lâu mới tới lượt để vào trong mua đồ," chị Phương Anh nói.
Nguyễn Phương Anh, chủ nhà hàng món ăn Việt Nam tại Pháp. Ảnh: NVCC
"Việc xin giấy tờ để được cấp phép mang đồ ăn đến tài trợ cho bệnh viện cũng rất phức tạp. Tôi phải gửi email đi nhiều bệnh viện khác nhau và chờ để được hướng dẫn thủ tục. Để được thông qua, Bún Mì cần phải đảm bảo được 3 tiêu chí.
Thứ nhất, đây là nhà hàng hoặc cơ sở kinh doanh được cấp phép. Thứ hai, nhà hàng phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Thứ ba, phải được bệnh viện cấp phép mới được đưa đồ ăn vào".
Những nỗ lực và cống hiến của nhà hàng đã được bệnh viện Kremlin Bicetre ghi nhận. Sau khi hơn 100 chiếc bánh mì tới tận tay các y bác sĩ, bệnh viện đã nhiều lần gọi điện và gửi lời cảm ơn hành động ý nghĩa của nhà hàng.
"Dù không phản hồi về bánh mì, nhưng các bác sĩ Pháp cho biết rất biết ơn và quý trọng tình cảm của người Việt Nam," chị Phương Anh xúc động kể lại.
Chị Phương Anh cũng cho biết, đợt đóng góp này chỉ là "thử nghiệm" trước khi kêu gọi các nhà hàng Việt Nam tại Pháp và các doanh nghiệp Pháp cùng tham gia đóng góp với quy mô lớn hơn.
"Để yêu thương lan tỏa yêu thương, tôi sẽ cố gắng hết sức thực hiện kế hoạch này," chị Phương Anh khẳng định.
Link nguồn: https://soha.vn/de-yeu-thuong-lan-toa-yeu-thuong-banh-mi-viet-nam-xuat-hien-tren-tuyen-dau-chong-dai-dich-covid-19-o-phap-20200412005032958.htm
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.