RSS

Bệnh nhân COVID-19 đổ về ồ ạt, các bệnh viện Mỹ sắp hết ngưỡng chịu đựng

12:49 18/07/2020

Các bệnh viện ở những bang thuộc Vành đai Mặt Trời tại Mỹ đang trải qua những ngày căng thẳng khi số ca mắc COVID-19 tăng vọt, bệnh nhân tràn về ngày một nhiều.

Theo tờ Washington Post, ở California, bác sĩ phải đưa bệnh nhân đi xa tới gần nghìn km vì không thể chăm sóc họ tại nơi họ ở. Ở Florida, y tá từ các bang khác phải về đây để viện trợ cho nhân viên y tế đã kiệt sức. Còn ở Texas, các thị trưởng đòi quyền đóng cửa các thành phố để tránh tình trạng bệnh viện quá tải.

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Miami, bang Florida, Mỹ ngày 16/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Ở một quốc gia đang có số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục với nhiều ổ dịch bùng phát ở nhiều bang và khu vực, hệ thống y tế ngày càng căng thẳng khi thiếu trầm trọng nhân sự, thiết bị và năng lực xét nghiệm.

Các quan chức ngày 16/7 cho biết họ lo ngại các bệnh viện sẽ sớm chạm ngưỡng chịu đựng nếu xu hướng gia tăng ca bệnh không thay đổi.

Ông Jason Wilson, Phó giám đốc khoa cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tampa, nói: “Chúng tôi có thể chịu được số bệnh nhân tăng. Chúng tôi có thể chịu thảm họa. Nhưng chúng tôi không thể chịu thảm họa lặp đi lặp lại hàng ngày”.

Dữ liệu ngày 16/7 ở Florida cho thấy bang này ghi nhận số người chết cao kỷ lục (156) và có thêm gần 14.000 ca mắc – cao thứ hai tới nay. Khắp bang, gần 9.000 người vẫn nằm viện để điều trị COVID-19.

Khi bệnh nhân ồ ạt tràn vào phòng cấp cứu, Thị trưởng thành phố Miami, ông Francis Suarez cho biết các bệnh viện thành phố đã chạy 95% công suất. 

Ông Wilson cho biết các bệnh viện khắp khu vực Tampa đang bổ sung giường bệnh ở khu vực chăm sóc đặc biệt và điều thêm nhân viên từ khác khu vực khác về để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Các bác sĩ cũng tìm cách điều trị bệnh nhân từ xa nếu có thể hạn chế người tới bệnh viện.

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Miami, bang Florida, Mỹ ngày 16/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình hình ở Florida cũng giống như ở nhiều khu vực khác. Đặc biệt là ở miền Tây và miền Nam, số lượng ca bệnh đã tăng theo cấp số nhân trong những tuần gần đây khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau khi đóng cửa vào mùa xuân.

Ở California, nơi bị tác động nặng nhất là ở miền Nam. Các bệnh viện đã chật kín bệnh nhân. Ở hạt Imperial dọc biên giới với Mexico, các bác sĩ quá tải tới mức họ bắt đầu đưa bệnh nhân xa tới tận Sacramento cách đó 9 giờ lái xe.

Các bệnh viện khắp vùng Tây Nam đều chịu áp lực cùng một lúc hoặc chuẩn bị phải chịu áp lực tương tự, khiến các bệnh viện khó lòng mà giúp đỡ lẫn nhau.

Thống đốc bang Florida, ông Ron DeSantis, đã đề nghị Cơ quan Quản lý Tình trạng khẩn cấp Liên bang (FEMA) điều cho 1.500 y tá. 

Khắp Texas, các thị trưởng tại một số thành phố lớn nhất bang cũng lo lắng về nhu cầu nhân sự tại các bệnh viện địa phương đến mức họ đề nghị chính quyền tái áp đặt lệnh yêu cầu dân ở nhà.

Ông Bill McKeon, Tổng giám đốc điều hành Trung tâm Y tế Texas, cho biết hệ thống bệnh viện khổng lồ của ông có đủ phòng cho thêm bệnh nhân COVID-19 nhưng họ không thể xử lý làn sóng bệnh nhân cứ dâng cao mãi mãi vì thiếu nhân viên. Ông hy vọng dịch bệnh đang đạt đỉnh và đây không phải là điều bình thường mới.

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Long Beach, Nam California, Mỹ ngày 29/6. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Cuộc khủng hoảng hiện tại khắp khu vực Vành đai Mặt trời khiến quân đội cũng phải hỗ trợ, nhưng họ cũng gặp khó khăn vì không thể xây dựng các cơ sở dã chiến kịp với tốc độ bệnh nhân nhập viện.

Xe cứu thương thỉnh thoảng phải chờ ở ngoài phòng cấp cứu vì bệnh viện không còn chỗ chứa thêm bệnh nhân. Các bệnh viện ở nông thôn có thể quá tải cho dù chỉ có ít bệnh nhân COVID-19.

Để đáp ứng nhu cầu gia tăng, một số bệnh viện đã mở lại khu vực không sử dụng hoặc đặt thêm giường vào phòng cấp cứu hoặc phòng phục hồi. 

Các bệnh viện không chỉ lo vấn đề thiếu nhân viên y tế mà còn lo về sức khỏe của họ. Bà Saskia Popescu, nhà dịch tễ học tại Đại học Arizona, cho biết số ca tử vong tăng nhanh đã làm ảnh hưởng mạnh tới tinh thần của các bác sĩ, y tá đang kiệt sức.

Bà nói: “Nhân viên y tế hoạt động như vậy từ tháng 2, tháng 3. Họ mệt mỏi và ngay thời điểm chúng ta hi vọng mọi thứ sẽ giảm dần lại là lúc chúng ta mở cửa lại và bắt đầu chứng kiến số ca tăng vọt này”. Bản thân nhân viên y tế cũng bắt đầu đổ bệnh khi virus lây lan.

Trong khi đó, nhiều người Arizona vẫn không chịu chấp nhận thực tế về virus SARS-CoV-2 và không nghĩ virus này nguy hiểm. Nhiều người phản đối đeo khẩu trang.

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Los Angeles, California (Mỹ) ngày 24/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Phần lớn các bang giờ đã có quy định đeo khẩu trang nơi công cộng. Thống đốc bang Colorado và Arkansas vừa mới áp đặt quy định này. Trong khi đó, thống đốc bang Arizona và Florida vẫn từ chối áp dụng.

Các đợt bùng phát dịch không chỉ tác động mạnh tới các bang lớn ở Vành đai Mặt Trời mà ngày càng ảnh hưởng tới cả các bang nhỏ có nhiều cộng đồng nông thôn từng tương đối vô sự trước COVID-19.

Ở Mississippi, 10 khoa chăm sóc đặc biệt không còn giường bệnh và tình trạng này đã ảnh hưởng tới việc chăm sóc bệnh nhân.

Ông Tim Moore, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Mississippi, cho biết như ở các bang khác, mối lo ngại hàng đầu không phải là giường bệnh mà là con người. Mississippi đang tìm cách tuyển thêm y tá, nhưng họ phải cạnh tranh với các bang miền Nam khác và mức lương y tá đang tăng nhanh.

Ông Moore cho biết một công ty đã cho thuê y tá hợp đồng với mức 100 USD/giờ - gấp đôi mức bình thường và cao hơn mức mà bệnh viện ở Mississippi có thể trả. Còn với các y tá ở bang, nhiều người gần tới ngưỡng chịu đựng. Ông Moore nói: “Mọi người đã mệt mỏi dần dần. Tôi thực sự lo lắng”.

Link nguồn: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/benh-nhan-covid19-do-ve-o-at-cac-benh-vien-my-sap-het-nguong-chiu-dung-20200717192026205.htm

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.