Bill Gates: 'Nghi ngờ Trung Quốc là cách tiếp cận điên rồ của Mỹ khi muốn tận dụng sự đổi mới'
Mới đây, nhà sáng lập Microsoft đã chỉ trích quan điểm "nghi ngờ" đối với Trung Quốc - yếu tố đã gây ra sự cạnh tranh về công nghệ cao giữa quốc gia này và Mỹ. Bill Gates cho biết việc nỗ lực ngăn chặn Bắc Kinh phát triển các công nghệ đổi mới là điều "vượt quá thực tế."
Tổng thống Donald Trump và nhiều nhà lập pháp của Mỹ, đến từ cả 2 đảng Cộng hoà và Dân chủ, đã lên tiếng về những lo ngại đối với vấn đề an ninh quốc gia khi làm việc với những "gã khổng lồ" công nghệ của Trung Quốc, như Huawei. Nhà cung cấp thiết bị viễn thông này đã bị đưa vào "danh sách đen" của Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 5, bị hạn chế mua các thành phần, linh kiện công nghệ của Mỹ.
Phát biểu tại sự kiện The New York Times DealBook Conference, Bill Gates nói: "Huawei, cũng như tất cả các hàng hoá và dịch vụ, phải chịu một bài kiểm tra khách quan. Quan điểm mọi thứ đến từ Trung Quốc đều xấu xa - là một cách tiếp cận điên rồ trong việc nỗ lực tận dụng sự đổi mới."
DealBook Conference là sự kiện dành cho những người mang tư tưởng đổi mới và những lãnh đạo doanh nghiệp tham gia thảo luận với nhà báo của NYT - Andrew Ross Sorkin.
Tại đây, nguời đàn ông giàu thứ 3 thế giới cho biết Mỹ và Trung Quốc nên tận dụng những sáng kiến đổi mới của nhau, chứ không phải cạnh tranh, đối đầu như hiện tại. Ông chia sẻ, Microsoft trước đây từng cung cấp mã nguồn cho các chính phủ và các vị quan chức đó đã thoải mái hơn với những sản phẩm của công ty Mỹ, sau khi kiểm tra hệ thống ấy. Do đó, đối với Huawei cũng có thể áp dụng cách tiếp cận tương tự.
Khi ông Sorkin - người chủ trì của sự kiện, cho rằng chính quyền Tổng thống Trump khó có thể coi cách tiện cận đó là hiệu quả để giải quyết những mối lo ngại về an ninh, Bill Gates trả lời: "Bất kỳ ai có chuyên môn về công nghệ cũng sẽ nghĩ như tôi."
Hôm thứ Ba, Ajit Pai, chủ tịch Uỷ ban Truyền thông Liên bang (FCC), cho biết Mỹ phải khai thác thiết bị cho mạng 5G từ những nguồn đáng tin cậy, và Huawei thì không. Ông cũng đề cập đến những lập luận coi công ty này là mối đe doạ về an ninh và kêu gọi các nhà mạng Mỹ tránh mua sản phẩm của Huawei.
Dẫu vậy, vị tỷ phú cho biết niềm tin sẽ có lợi cho cả đôi bên. Nếu Washington không tin tưởng các thiết bị công nghệ của Trung Quốc, thì tại sao Bắc Kinh phải tin tưởng những sản phẩm tương tự đến từ Mỹ, như động cơ phản lực - về mặt lý thuyết chúng có thể được tắt đi từ xa.
Tâm lý nghi ngờ lan rộng đến mức các kỹ sư người Trung Quốc làm việc tại Mỹ cũng chịu ảnh hưởng. Hồi tháng 5, Viện Kỹ nghệ Điện và Điện tử (IEEE) đã cấm các học giả có liên quan đến Huawei tham gia quá trình biên tập tạp chí của tổ chức này, dù vài ngày sau đó họ đã rút lại quyết định. Vào tháng 6, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cắt giảm thời hạn thị thực từ 5 năm xuống 1 năm cho các sinh viên ngành hàng không, sản xuất robot và sản xuất hiện đại của Trung Quốc
Bill Gates nhận định: "Nếu bạn quá nghi ngờ, thì những dòng code đã được viết bởi một người quá cố đến từ Trung Quốc thì sao? Có phần mềm nào trên thế giới mà bạn tin tưởng hay không?"
Tháng 5 vừa rồi, FCC đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu nhằm ban hành lệnh cấm nhà cung cấp dịch vụ viễn thông China Mobile phát triển dịch vụ tại Mỹ, vì lo ngại liên quan đến vấn đề bảo mật. Cơ quan này dự định tổ chức thêm một cuộc bỏ phiếu trong tháng 11 để loại bỏ và thay thế các thiết bị Trung Quốc của các nhà mạng ở vùng nông thôn Mỹ. Những công ty này hiện đang sử dụng thiết bị của Huawei hoặc ZTE.
Bill Gates cho hay: "Bạn nên sử dụng những biện pháp khách quan. Có nhiều người phát triển phần mềm đều sinh ra ở nước ngoài mà!"
Nguồn: Cafef.vn
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.