Bloomberg: Bơm hàng tỷ USD cho nền kinh tế nhưng tại sao người Mỹ vẫn thiếu tiền đi giặt ủi trong mùa dịch Covid-19?
"Đây là một tình thế vô cùng bất ngờ mà tôi nghĩ không ai trong chúng ta dự đoán được", CEO Brian Wallace của Hiệp hội cửa hàng giặt ủi Mỹ (CLA) nhận định.
Vào mỗi buổi sáng, ông Charles Boukas lại lái xe quanh 6-8 ngân hàng ở San Diego để đổi tiền xu. Ông chủ của tiệm giặt ủi tự động Coin Hut Laudromat này dù rất vất vả nhưng buộc phải làm vậy khi nhiều người đến cửa hàng ông đổi tiền xu nhưng không dùng dịch vụ của tiệm.
Với việc đổi tiền lẻ, ông Boukas mất khoảng 2 tiếng mỗi sáng chỉ để đổi tiền xu và tối đa chỉ thu được khoảng 120 USD tổng giá trị do nhiều ngân hàng giới hạn số tiền xu được đổi.
Đại dịch Covid-19 đang khiến cuộc sống của người dân Mỹ thay đổi. Cửa hàng không hoạt động khiến lượng lớn tiền xu nằm lại trong các quầy thanh toán. Thậm chí nhiều cửa hàng bán lẻ lớn đã phải treo biển hiệu khuyến khích người tiêu dùng trả tiền sát với hóa đơn để giảm tiền xu trả lại hoặc chấp nhận những món đồ rẻ tiền tương đương như kẹo cao su hay túi nilon để thay thế.
Một số chuyên gia nhận định nền kinh tế Mỹ đang lâm vào một cuộc khủng hoảng thiếu tiền xu, thế nhưng báo cáo tháng 4/2020 của Bộ tài chính Mỹ cho thấy 47,8 tỷ USD tiền xu đang lưu thông trên thị trường, cao hơn mức 47,4 tỷ USD cùng kỳ năm trước.
"Tôi không cho rằng chúng ta đang thiếu tiền xu, vấn đề là chúng chẳng lưu thông trong nền kinh tế", CEO Jim Gaherity của Coinstar, công ty cung cấp dịch vụ thu nhận tiền xu tại các máy tự động nhấn mạnh.
Nghiên cứu của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chi nhánh San Francisco cho thấy dù kỷ nguyên của thương mại điện tử và thanh toán số đang đến nhưng tiền mặt vẫn được dùng trong 49% số thanh toán có giá trị dưới 10 USD. Chính điều này đã khiến an toàn thanh khoản trên thị trường Mỹ gặp rủi ro vì dịch bệnh. Người dân không có tiền lẻ cho nhiều dịch vụ còn công ty không có tiền trả lại.
Tỷ lệ sử dụng tiền lẻ trong thanh toán tại Mỹ (2018)
Trên thực tế, chính quyền Washington quá quan tâm đến những vấn đề lớn lao mà quên mất chuyện nhỏ nhặt này. Kể từ khi đại dịch bùng phát, FED đã tung nhiều chính sách đảm bảo lượng lớn tiền vẫn lưu thông trên thị trường, hàng triệu USD trái phiếu đã được mua vào.
Thế nhưng, hầu hết các nhà hoạch định chính sách lại chẳng lưu ý đến việc người dân đang không có nổi 75 cent cho các máy giặt ủi.
"Đây là một tình thế vô cùng bất ngờ mà tôi nghĩ không ai trong chúng ta dự đoán được, rằng nền kinh tế đang thiếu tiền xu", CEO Brian Wallace của Hiệp hội cửa hàng giặt ủi Mỹ (CLA) nhận định.
Mặc dù là quốc gia có công nghệ hàng đầu thế giới nhưng phần lớn tiệm giặt ủi tại Mỹ vẫn dùng tiền xu. Nguyên nhân chủ yếu là nhiều người nghèo hay vô gia cư, thậm chí là dân nhập cư không có tài khoản ngân hàng. Hiện nay, chỉ khoảng 27% số máy giặt ủi tại các tiệm có nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Năm 2019, Coinstar thu nhận khoảng 2,7 tỷ USD tiền xu tại các máy tự động trong nền kinh tế Mỹ. Hãng sẽ thu khoảng 11,9% lệ phí để đổi ra tiền mặt cho các cửa hàng và doanh nghiệp. Ngoài Mỹ, hãng cũng cung cấp dịch vụ tại Nhật Bản, Canada, Italy và nhiều nước Châu Âu. Tuy nhiên, Coinstar cho biết họ chưa hề gặp phải vấn nạn thiếu tiền xu tại các nước khác ngoài Mỹ.
Tình hình tồi tệ đến mức vào ngày 21/7/2020, Ngân hàng cộng đồng liên bang (CSB) của bang Wisconsin đã phải ra quyết định trả thêm 5 USD tiền phí cho bất cứ ai đổi 100 USD tiền xu.
Mặc dù vậy, Chủ tịch Jerome Powell của FED nhấn mạnh rằng việc thiếu tiền xu hiện nay chỉ mang tính tạm thời khi Mỹ đã tăng sản lượng đúc thêm tiền xu.
Link nguồn: https://cafebiz.vn/bloomberg-bom-hang-ty-usd-cho-nen-kinh-te-nhung-tai-sao-nguoi-my-van-thieu-tien-di-giat-ui-trong-mua-dich-covid-19-20200803163832511.chn
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.