Cảm nhận về văn hóa ứng xử ở Mỹ
Cảm nhận về văn hóa ứng xử ở Mỹ
Ăn xin cũng có văn hóa ứng xử của người ăn xin. Họ không bao giờ đeo bám, kể lể hay chìa tay trước mặt người đi đường, mà thường đứng ở ngã tư đông người giơ tấm biển “cần giúp đỡ”.
Sau hơn một năm sống ở Mỹ, tôi có cảm nhận về văn hóa trong ứng xử của xã hội Mỹ mà tôi được tiếp xúc, xin nêu ra để chúng ta cùng nhau trao đổi.
– Văn hóa ứng xử nơi công cộng: Tiếng xin lỗi và lời cám ơn luôn được sử dụng nơi công cộng như siêu thị, nhà hàng, xe buýt… Khi lên xuống xe buýt, hành khách chào tài xế và ngược lại. Khi vào cửa bất cứ nơi nào, người đi trước đứng lại giữ cửa cho những người đi sau bước vào xong mới đến phiên mình và người đi sau luôn nói tiếng cám ơn người đã giữ cánh cửa cho mình đi vào. Khi có sự cố va chạm xảy ra thì lời xin lỗi luôn được vui vẻ chấp nhận. Từ khi ở Mỹ đến nay, tôi chưa thấy ai to tiếng hay cãi vã nhau nơi công cộng, mọi người luôn nhường nhịn nhau trong giao tiếp, nhất là xếp hàng theo thứ tự không bao giờ chen lấn giành chỗ cho dù bạn là ai (mới đây tôi xem trên một tờ báo online của Việt Nam nói về kỳ nghỉ hè ở Hawaii của Tổng thống Obama, ông ấy cũng đứng xếp hàng mua kem cho con như bao người khác, có kèm theo hình ảnh).
– Văn hoá ứng xử trong giao thông: Không có chuyện phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu trên đường. Mọi người chấp hành luật giao thông như là một nét văn hóa của người lái xe. Đặc biệt ở ngã tư khi đèn tín hiệu giao thông bất ngờ trục trặc không hoạt động hay báo hiệu không đúng, thì mọi người nhường nhau, mỗi chiều di chuyển khoảng 4-5 chiếc sau đó tự động nhường đường cho chiều kia đi, 4-5 chiếc cứ thế lần lượt mà đi không xảy ra kẹt xe dù không có cảnh sát ở đó. Ở Mỹ có luật cấm uống rượu bia khi lái xe, nhưng điều quan trọng tôi thấy là ý thức tự giác của mọi người, hầu như không ai uống rượu bia khi lái xe (nếu có thì rất hiếm không đáng kể).
Tôi nói như vậy vì ở Việt Nam mỗi buổi chiều tối nhất là những ngày lễ hay cuối tuần, các nhà hàng, quán nhậu người đi xe (gắn máy, xe hơi) đến ăn nhậu rồi sau đó lái xe về có ai chấp hành đâu, mặc dầu có luật cấm uống rượu bia khi lái xe (trong số đó có tôi khi còn ở Việt Nam).
Những con đường nội bộ trong siêu thị, khu mua sắm, khu dân cư khi gặp người đi bộ băng ngang qua thì tất cả lái xe phải dừng lại nhường đường sau đó mới chạy tiếp. Xe hơi chạy rất nhiều trên đường cũng như trong trung tâm thành phố nhưng không có một tiếng còi xe, nhiều lúc thèm được nghe một tiếng còi xe như hồi còn ở Việt Nam nhưng không có, dù nhà tôi ở cạnh đường xe lưu thông. Giữa đêm khuya vắng vẻ không có chiếc xe nào qua lại nhưng người lái xe vẫn chờ đèn xanh ở ngã tư bật sáng lên rồi mới tiếp tục chạy.
– Văn hóa ứng xử nơi công sở, bệnh viện: Khi đến công sở, điều đầu tiên bạn nhận được là lời chào hỏi của nhân viên làm việc và hỏi bạn có cần được giúp không, sau đó rất vui vẻ giải quyết công việc cho bạn đến khi xong và không quên chúc bạn có một ngày tốt đẹp. Trong bệnh viện, khi bạn đến nhân viên hành chánh nhanh chóng làm các thủ tục, các cô y tá niềm nở đón bạn vào phòng chờ đợi, sau đó họ đi mời bác sĩ đến khám bệnh cho bạn. Các bác sĩ khám bệnh rất tận tình, nói chuyện nhỏ nhẹ với người bệnh, thật tuyệt vời trong giao tiếp với bệnh nhân làm cho bạn cảm thấy bệnh tình cũng được thuyên giảm phần nào.
– Văn hoá ứng xử trong mua sắm: Hàng hóa bạn mua được đổi hay trả lại trong vòng một tháng sau khi sử dụng nếu bạn cảm thấy không thích nó (không cần sản phẩm bị hư hay trục trặc) và người bán vui vẻ nhận lại. Tại mỗi nơi mua sắm đều có một quày chuyên nhận lại hàng hoá đã bán mà khách đem trả lại, mọi người đều vui vẻ không có tiếng cãi vã giữa người mua và người bán. Ở Mỹ khi mua nhà bạn cũng được trả lại cho người chủ trong một tháng vào ở nếu bạn không thích ngôi nhà đó nữa (việc này tôi đã chứng kiến).
– Văn hoá ứng xử với người tàn tật: Tất cả xe buýt công cộng đều thiết kế bộ phận nâng và hạ người ngồi trên xe lăng lên xuống xe buýt và được mọi người nhường cho đi lên hay xuống trước, trên xe có chỗ dành riêng cho họ. Tại các bãi đậu xe đều có nơi đậu xe hơi riêng của người tàn tật. Các siêu thị có loại xe đặc biệt giúp họ di chuyển lựa chọn hàng hóa trong siêu thị. Trong thiết kế đường xá ở Mỹ các vỉa hè đều có độ dốc thoai thoải với mặt đường tại các giao lộ ngã ba hay ngã tư, để người tàn tật ngồi xe lăn tự mình điều khiển lên xuống vỉa hè dễ dàng. Do đó họ có thể đi dạo phố một mình như người bình thường. Nhìn chung người tàn tật ở Mỹ được xã hội quan tâm giúp đỡ và hoà nhập tốt với cộng đồng.
– Văn hóa ứng xử với thiên nhiên: Thành phố nơi bạn tôi ở có rất nhiều hồ, các loài chim hoang dã như vịt trời, mòng biển, quạ, bồ câu… sinh sống, tụ tập đông đúc và thân thiện bên cạnh con người đi chơi xung quanh hồ. Khi đi chơi trên núi, tôi gặp những đàn nai, dê núi bình thản ngậm cỏ trên vách núi gần đường xe chạy qua mà không hề sợ sệt vì chúng không bị ai săn bắt cả.
Thậm chí ăn xin cũng có văn hóa ứng xử của người ăn xin, họ không bao giờ đeo bám, kể lể hay chìa tay trước mặt người đi đường. Thỉnh thoảng tôi thấy họ thường đứng ở ngã tư có đèn giao thông xe cộ hay dừng lại và cầm tấm bản nhỏ ghi chữ “cần giúp đỡ” hay ngồi một chỗ xin nơi có đông người qua lại mà không làm phiền ai cả (cũng xin nói thêm thường họ không làm việc và là những người nát rượu).
Xã hội nào cũng có nhiều nét văn hóa, trong đó văn hóa ứng xử tuy không có gì cao siêu, nó rất giản dị và bình thường, nhưng nó làm cho con người đối xử với nhau tốt đẹp hơn. Tôi chỉ nêu ra những cái phổ biến đã thấy và tiếp xúc được. Qua phần trình bày trên tôi không có ý đề cao xã hội Mỹ, tôi chỉ nhìn với góc độ văn hóa và tôi nghĩ rằng dù bạn là ai, sống ở nước nghèo, hay nước giàu có thì văn hóa ứng xử tốt trong sinh hoạt hàng ngày là giá trị chung cho mọi xã hội, chẳng qua là ta có hành xử nó như là một thói quen và trở thành ý thức của mỗi người trong cộng đồng qua nhiều thế hệ thì nó sẽ trở thành văn hóa.
Một nền giáo dục tốt cho con cái học tập, môi trường sống trong lành, xã hội mà mọi người đối xử với nhau có văn hóa và cơ hội đồng đều cho mọi người vươn lên tùy theo năng lực của mình đó là cái tôi cần khi đi định cư ở Mỹ. Còn việc kiếm tiền ư? Không phải là mục đích của tôi ở đây, vì ở Việt Nam tôi từng kiếm tiền, đối với tôi tiền như thế là đủ. Sau này đến tuổi già “Lá rụng về cội ” tôi sẽ về Việt Nam nơi tôi sinh ra để sống vui vẻ hết quảng đời còn lại. Với tài sản còn ở Việt Nam (tiền gửi ngân hàng và nhà để lại tôi không phải lo lắng gì cả). Lúc đó tôi sẽ cố gắng sống tốt, làm gương cho cháu con và giáo dục chúng sống sao cho là người ứng xử có văn hóa.
Cuối cùng xin góp một ý kiến nhỏ gửi đến người giàu ở Mỹ, các bạn lên diễn đàn nói về nghề nghiệp, cách kiếm tiền làm giàu của mình đó là quyền của bạn và bạn có thể tự hào về điều đó. Chỉ có điều đừng nên khuyên bảo mọi người nên làm theo cách làm và cách suy nghĩ của bạn để tránh những tranh luận bài bác nhau không cần thiết trên diễn đàn.
Nɢười Việł ᵭi пước пɢoài ảo ʋới łưởпɢ ƙiếɱ łiềп łɾiệᴜ ᵭô, пɦưпɢ ƙɦôпɢ пɢờ 10 пăɱ lại łɾở ʋề Việł Nɑɱ ʋới 2 ɓàп łɑy łɾắпɢ
Được ᵭịпɦ cư ở Mỹ là пỗi ƙɦáł ƙɦɑo ᵭếп á.ɱ ả.пɦ củɑ пɦiềᴜ пɢười Việł. Kɦôпɢ íł łɾườпɢ ɦợρ, cả ᵭời cầy cᴜốc, ɢoɱ ɢóρ łiềп ɓạc ᵭể ɢửi coп sɑпɢ Mỹ ɦọc. Tiếρ łɦeo, ɓ.áп пɦà cửɑ, ɢoɱ ɢóρ łiềп ɓạc ᵭưɑ cả ɢiɑ ᵭìпɦ ɗi cư sɑпɢ Mỹ.