Chàng trai gốc Việt tại Úc bỏ học giữa chừng để kiếm 170,000 mỗi năm nhờ “mua rẻ bán đắt”
Từ một người bỏ học đại học giữa chừng, chàng trai gốc Việt Andy Mai đã trở thành một doanh nhân có thể kiếm được 170,000 đô một năm từ phòng ngủ của mình.
Chàng trai 19 tuổi đến từ Sefton ở miền tây Sydney này là một trong số ngày càng nhiều doanh nhân trực tuyến kiếm được nhiều tiền từ “dropshipping”.
Dropshipping là một mô hình thương mại điện tử mà người bán không thực sự nắm giữ hàng, nhưng lại nhận đơn đặt hàng, mua các mặt hàng từ nhà sản xuất và chuyển chúng trực tiếp đến khách hàng.
Lợi nhuận từ mô hình này thấp nhưng đòi hỏi rất ít vốn trả trước – điều duy nhất mà người bán cần mua là quảng cáo trên Facebook để quảng cáo sản phẩm của mình – và tất cả có thể được thực hiện nhanh chóng hoàn toàn trực tuyến.
Nó đã trở nên ngày càng phổ biến với sự tăng trưởng của các trang web như AliExpress và Taobao, giúp bạn có thể mua hàng từ nhà sản xuất. Và nếu bạn thành công, bạn còn có thể kết nối trực tiếp với các nhà sản xuất Trung Quốc.
“Tôi phát hiện ra điều này sau khi học đại học năm đầu tiên được 6 tháng,” Mai nói. “Tôi đã xem video trên YouTube về cách kiếm tiền và dropshipping cứ liên tục xuất hiện”.
Cậu con trai của bố mẹ là người tị nạn Việt Nam này đã bị “ám ảnh” về kiếm tiền từ khi lên 8, khi bố mẹ cậu ly hôn và cậu thấy mẹ phải vất vả để nuôi 3 đứa con với thu nhập thấp.
Khi 10 tuổi, cậu đã tham gia game nhập vai trực tuyến nổi tiếng MapleStory – nhưng thay vì đánh quái vật và tăng cấp nhân vật của mình, thì cậu quan tâm hơn đến việc mua và bán các vật phẩm ảo.
“Tôi đã bị ám ảnh bởi việc kiếm tiền trong game thay vì chơi bình thường,” Mai nói. “Đó là cách tôi lần đầu được nếm trải hương vị của thương lượng, chênh lệch giá, mua thấp và bán cao.”
Khi còn học trung học, cậu đã tham gia game bắn súng trực tuyến Counter-Strike: Global Offensive, và bắt đầu làm điều tương tự với “skin” nhân vật – những vật phẩm trang trí cho nhân vật ảo có thể bán bằng tiền thật – trong thị trường trực tuyến của game.
“Cuối cùng tôi đã có một bộ sưu tập skin trị giá 2,000 đô”, cậu nói.
Từ đó, cuối cùng cậu chuyển sang các sản phẩm thực sự, bằng cách mua và bán quần áo trên Facebook, Gumtree và eBay. “Tôi sẽ mua một chiếc áo khoác Nike với giá 40 đô và bán nó với giá 80 đô, hoặc một chiếc áo khoác North Face với giá 50 đô và bán nó với giá 120 đô,” cậu nói.
“Tôi đã được nếm trải hương vị đầu tiên của tiền thật, chứ không phải tiền ảo.”
Sau khi tốt nghiệp trung học với điểm số HSC 94.95, cậu ghi danh học bằng thống kê bảo hiểm. Vào cuối năm đầu tiên của mình, Mai bắt đầu tìm hiểu về dropshipping, và thiết lập một số cửa hàng trực tuyến bán đồ chơi mô hình nhân vật và đồ tập thể dục.
Đó là một thất bại lớn. “Sau 4 tháng tôi đã bị lỗ 5,000 đô,” cậu nói.
Nhưng cậu vẫn tiếp tục với nó, và cuối cùng thành công với các sản phẩm cho em bé. “Tôi bắt đầu bán và thực sự thu hồi lại được tất cả tiền của mình trong một tuần,” cậu nói.
Trong thời gian nghỉ ngơi 3 tháng, Mai đã đặt mục tiêu – nếu có thể kiếm được 500 đô một ngày đều đặn từ dropshipping, cậu sẽ tạm ngưng học. Một tuần trước khi bắt đầu học kỳ, cậu đã đạt được mục tiêu của mình.
Giờ đây, cậu đã “hoàn toàn tự động hóa” công việc kinh doanh dropshipping của mình với một nhóm tại Philippines. Các cửa hàng trực tuyến của cậu tạo ra hơn 350,000 đô doanh số bán hàng với tỷ lệ 20%, kiếm được 70,000 đô một năm cho thu nhập “thụ động”.
Công việc kinh doanh lớn của cậu bây giờ là huấn luyện những người khác, và nó mang về khoảng 100,000 đô một năm.
Mai có một kênh YouTube với hơn 6,000 người theo dõi và cung cấp các khóa học trực tuyến từ vài trăm đô cho tới các gói huấn luyện cá nhân có giá 20,500 đô.
“Những gì họ nhận được về cơ bản là toàn bộ kiến thức của tôi,” cậu nói.
“Đó là cách làm thế nào để xây dựng một đội ngũ, làm thế nào để tự động hóa toàn bộ quá trình, làm thế nào để tìm sản phẩm sẽ bán, làm thế nào để mở rộng quy mô quảng cáo Facebook – nó không đơn giản chỉ là như bơm nhiều tiền hơn.”
“Phương châm lớn nhất” của Mai cho việc tìm kiếm sản phẩm để bán là “không tốn thời gian và công sức để tạo ra thứ đã có sẵn”.
“Hãy sử dụng những gì đã mang lại kết quả,” cậu nói. “Hãy tìm kiếm sản phẩm mà mọi người hiện đang bán. Hãy quảng cáo trên Facebook. Nếu bạn thấy nó trên phần new feed của bạn thì họ đang chi tiền vào quảng cáo. Thực tế như vậy có nghĩa là họ đang chi tiêu để kiếm tiền.”
Đối với những người mới bắt đầu, cậu khuyên nên bắt đầu với AliExpress. “Khi mọi người mua, bạn sẽ gửi nó đến nhà của họ,” cậu nói.
“Cuối cùng bạn bắt đầu hợp tác với các nhà cung cấp. Khi nhà cung cấp thấy bạn đã thực hiện hơn 100 đơn đặt hàng từ cửa hàng của họ, hãy liên hệ với họ và nói, ‘Tôi đã đặt hàng nhiều sản phẩm của bạn, ta có thể xem xét cách chúng ta có thể tăng cường mối quan hệ này không?’”
Đó là “cấp độ 2”. Cấp độ 3 là làm việc trực tiếp với các đại lý ở Trung Quốc. “Họ sẽ đi và tìm nguồn các mặt hàng cho bạn, đi đến các nhà máy, rồi đàm phán,” cậu nói.
“Họ được chia 10%, nhưng như vậy vẫn là rẻ hơn AliExpress.”
Mai nói rằng cậu hiện có khoảng 10 khách hàng trả tiền để thuê riêng một người cố vấn và 30 người khác thì tham gia khóa đào tạo trực tuyến của mình. Hiện cậu đang phân nhánh để cung cấp các dịch vụ tiếp thị truyền thông xã hội cho thương hiệu.
Trong hai tuần nữa, cậu sẽ bay tới Thung lũng Silicon để gặp một công ty khởi nghiệp nhỏ làm các hộp nhạc cổ điển có những giai điệu phổ biến như bài hát chủ đề Game of Thrones hoặc Harry Potter.
“Họ thực sự muốn nó bùng nổ,” cậu nói.
Mai nói rằng mục tiêu của cậu là có thể hỗ trợ mẹ mình. Bà hiện đang làm đại diện bán hàng trong một cửa hàng đo thị lực và làm nghề giữ trẻ trong khi vẫn nuôi hai đứa em gái của Mai.
“Tôi muốn kiếm thêm 50,000 đô nữa cho những gì tôi đang làm để dành cho mẹ , để bà ấy không phải làm hai công việc, để bà ấy không phải làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều mà có thể sống phần còn lại của cuộc đời mình một cách thoải mái,” cậu nói.
Theo: Alo Úc
Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao
Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.