RSS

Chàng trai lấy vợ ngồi xe lăn, hơn 5 tuổi

11:37 13/01/2020

Thấy vợ quay sang hỏi: “Anh chắc chưa? Em sẽ phải ngồi xe lăn suốt đời đấy”, Trí cầm bút, ký roẹt vào tờ đăng ký kết hôn.

12h, Phan Ngọc Diễm bán hết vé số, cô bấm điện thoại gọi chồng ra đón vì xe lăn hết điện. Vài phút sau, anh Nguyễn Minh Trí chạy xe máy đến, đẩy chiếc xe lăn đi hơn 2 km về nhà trọ. Trong căn phòng nhỏ, anh chồng tự tay chọn quần áo cho vợ rồi bế cô đi tắm.

Anh Trí đi xe máy đẩy chiếc xe lăn của vợ về phòng trọ. Ảnh: Phan Diệp.

Anh Trí đi xe máy đẩy chiếc xe lăn của vợ về phòng trọ. Ảnh: Phan Diệp.

Anh Trí (26 tuổi) và chị Diễm (31 tuổi) đăng ký kết hôn từ đầu năm 2019, nhưng gần một năm sau, họ mới có dịp đeo nhẫn cho nhau trong lễ cưới tập thể của người khuyết tật tại TP. HCM. Gần một năm sau khi hai người về chung nhà, gia đình hai bên vẫn chưa chấp nhận cuộc hôn nhân này. Thấy anh Trí kém con gái mình tới 5 tuổi, lại là thanh niên có nghề nghiệp ổn định, ba Diễm không tin vào tình cảm của Trí. Còn mẹ Trí lại cương quyết không chấp nhận người con dâu ngồi xe lăn, không thể tự tắm rửa, thay đồ.

Năm năm trước, Trí tình cờ nghe được tâm sự về cuộc đời của Diễm trên đài. Cảm nhận được sự thật thà, chân thành của cô gái khuyết tật cùng quê, anh lưu số điện thoại, nhắn tin hỏi thăm. Lúc này, Trí làm thợ hàn gần nhà, còn Diễm bị khuyết tật vẹo cột sống bẩm sinh, không đi lại được, làm nghề thêu tranh. Gần bốn năm sau đó, hai người chỉ liên lạc qua điện thoại, trò chuyện và chia sẻ với nhau về cuộc sống. Tháng 4/2018, Diễm và Trí quyết định gặp nhau lần đầu tiên ở Đồng Nai. Lúc ra về, Trí lấy hết can đảm hôn lên má Diễm một cái. Bất ngờ, Diễm thốt lên: “Vô duyên quá đi!”. Cô cười, rồi im lặng.

Sau buổi gặp, Trí chạy xe máy theo xe Diễm về đến tận nhà cô. Hôm đó trời mưa to, thương anh bạn ướt nhẹp, Diễm xin ba mẹ cho anh ở lại. Lần đó, Trí ở lại nhà Diễm một tuần liền. “Cô ấy đuổi nhưng tôi không về vì muốn xem cô ấy sống thế nào”, anh kể. Diễm đoán được tình cảm của Trí, nhưng cô không dám tin sẽ có một người lành lặn dám yêu và cưới mình. “Tôi sợ mình trở thành gánh nặng cho họ”, Diễm nhớ lại.

Những tháng sau đó, dù mưa hay nắng, cứ cuối tuần Trí lại chạy xe máy hơn 50km từ nhà mình đến nhà bạn gái, đẩy xe lăn đưa Diễm đi khắp làng. Nghe cô kể mình chưa được đi chơi đâu xa, anh thuê xe đưa Diễm đi Vũng Tàu. Tình cảm của hai người cứ như thế lớn dần lên.

Diễm không thể tự chủ được cuộc sống cá nhân, mọi thứ đều nhờ sự chăm sóc của chồng. Ảnh: Phan Diệp.

Diễm không thể tự chủ được cuộc sống cá nhân, mọi thứ đều nhờ sự chăm sóc của chồng. Ảnh: Phan Diệp.

Sau một thời gian yêu nhau, Trí giới thiệu bạn gái với mẹ. Chỉ mới nhìn qua ảnh, mẹ Trí thẳng thừng: “Mày lấy ai cũng được, trừ người này” rồi bỏ đi chỗ khác không để anh giải thích gì thêm. Cuối tuần, thấy Trí dắt xe ra khỏi nhà, bà mẹ lại cấm cản. Không thể thuyết phục được mẹ, anh trốn mẹ lên Sài Gòn làm thợ hồ để có thể về thăm Diễm mỗi dịp cuối tuần.

Trí được sự ủng hộ của mẹ Diễm và các anh em trong nhà nhưng ba của cô yêu cầu bố mẹ anh nói chuyện. Không thuyết phục được mẹ mình, Trí tiếp tục gặp sự phản đối của ba Diễm. “Tôi ở nhà trên thì ba xuống nhà dưới. Bắt chuyện nhưng ba không nói gì rồi bỏ đi chỗ khác”, Trí kể.

Tháng 1/2019, mẹ Diễm khuyên hai người nên làm đăng ký kết hôn để danh chính ngôn thuận, hàng xóm khỏi lời ra tiếng vào. Trong lòng mình, Diễm chẳng dám nghĩ đến chuyện đăng ký kết hôn và càng không dám mơ đến một đám cưới. Khi cầm bút chuẩn bị ký, Diễm vẫn không tin được một ngày mình có chồng. Cô hỏi anh: “Anh chắc chưa? em ngồi xe lăn suốt đời đó”. Khi hỏi chồng câu đó, Diễm vẫn sẵn sàng cho việc Trí thay đổi quyết định vào phút chót. Nhưng anh ký tên cái rẹt, bảo với vợ: “Anh biết hết, anh lo được”.

Sau hôm đó, hai vợ chồng rời quê nhà Long An chuyển lên Đồng Nai. Trí bỏ nghề thợ hàn dù có thu nhập khá, xin vào làm tại cửa hàng xe đạp điện để có thời gian lo cho vợ. Thu nhập bấp bênh, hai vợ chồng vẫn dành dụm một khoản nhỏ gửi về quê phụ giúp ba mẹ mỗi tháng.

Ngay cả các việc cá nhân như tắm rửa, chải đầu, cột tóc... Diễm cũng phải nhờ đến sự giúp đỡ của chồng. Ảnh: Phan Diệp.

Ngay cả các việc cá nhân như tắm rửa, chải đầu, cột tóc… Diễm cũng phải nhờ đến sự giúp đỡ của chồng. Ảnh: Phan Diệp.

Một năm bên nhau, Trí không thấy mình vất vả hơn. Ngoài vợ, anh còn đảm nhiệm việc bế thêm một chị khuyết tật trong nhà lên xuống xe lăn mỗi ngày. Trong nhà lúc nào cũng rộn tiếng cười mỗi khi anh đi làm về. Rảnh rỗi, anh lên mạng, học nấu các món ăn ngon đãi vợ.

Bữa trưa hôm nay được các anh chị trong nhà chuẩn bị trước. Trí múc cháo, thổi nguội, xé nhỏ thịt bỏ vào chén đưa vợ. Diễm không thể cầm đũa gắp đồ ăn, nhưng vẫn có thể cầm chén và dùng muỗng. Thỉnh thoảng anh lại gắp miếng thịt lớn bỏ vào chén Diễm để trêu vợ vì hai hàm của Diễm không mở to được. Nhìn mặt vợ cau có, anh cười lớn.

Hai người chưa có ý định sinh con vì sức khỏe của Diễm không tốt và kinh tế chưa ổn định. Hơn nữa, vợ chồng anh muốn đợi đến khi ba mẹ hai bên chấp nhận, con sinh ra sẽ có được tình thương từ tất cả ông bà.

Cận Tết, Diễm tranh thủ lấy thêm vé số, đi sớm về khuya, dành dụm tiền để thuê xe về quê và quà cáp cho ba mẹ. Họ quyết định dịp này sẽ thuyết phục gia đình lần nữa. Cả năm nay Diễm không nói chuyện với ba. Còn mẹ Trí vẫn khuyên anh bỏ vợ, lấy người khác.

Nói không lo nghĩ, nhưng Diễm và Trí vẫn cảm thấy hồi hộp. Tết về, vợ chồng sẽ đối mặt với ba mẹ và trong đầu đã nghĩ tới trường hợp xấu nhất. “Nhưng tôi tin nếu vợ chồng đồng lòng thì mọi chuyện đều vượt qua, ba mẹ hai bên sẽ hiểu tình cảm của chúng tôi, một năm chưa được thì 10 năm”, anh nói.

Nguồn: VnExpress.net

Tiп ɱới пɦấł ʋụ 18 łɾẻ 2 – 6 łɦáпɢ łᴜổi ɓị łiêɱ пɦầɱ ʋắc xiп ρɦòпɢ Coʋiɗ-19

Tiп ɱới пɦấł ʋụ 18 łɾẻ 2 – 6 łɦáпɢ łᴜổi ɓị łiêɱ пɦầɱ ʋắc xiп ρɦòпɢ Coʋiɗ-19

Tɦôпɢ łiп łừ Sở Y łế Hà Nội ᵭêɱ 4/11 cɦo ɓiếł 18 łɾẻ ᵭộ łᴜổi łừ 2 – 6 łɦáпɢ ở ɦᴜyệп Qᴜốc Oɑi ᵭếп łɾạɱ y łế xã łiêɱ ʋắc xiп пɦưпɢ ɓị łiêɱ пɦầɱ ʋắc xiп ρɦòпɢ Coʋiɗ-19 Pfizeɾ.