RSS

Chia sẻ của một người mẹ Việt ở Úc có con gái kiếm tiền từ lúc 5 tuổi

11:00 19/06/2019

Sau khi nghe câu chuyện về cô bạn Bảo Ngọc, 10 tuổi ở Tuyên Quang buôn bán để kiếm tiền mua Iphone, giày, hàng hiệu… cô Lê Xuân, du học sinh Úc đã có bài chia sẻ về cách kiếm tiền và tiết kiệm tiền của con gái cô – bạn Lê Phan Lê Bảo An, 8 tuổi.

5 tuổi, Bảo An đã đi bán băng đĩa cũ để gây quỹ cho người nghèo

Với cương vị là một phụ huynh tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến nên dạy cho trẻ cách tiết kiệm và kiếm tiền bởi việc dạy trẻ tiết kiệm tiền và tiết kiệm từ nhỏ tôi thấy có nhiều lợi ích.

Bảo An năm nay 8 tuổi, theo bố mẹ sang Úc sinh sống từ năm 4 tuổi. Khác với Việt Nam, ở Úc trẻ được dạy cách sử dụng tiền từ rất sớm. Trẻ còn được dạy kiếm tiền để giúp đỡ người khác. Việc này sẽ giúp trẻ tự tin, tự lập, biết cách chi tiêu khi trưởng thành và đặc biệt biết yêu thương, chia sẻ.

Từ lúc bắt đầu đi học lúc 5 tuổi, nhà trường đã phát cho các bạn ấy hộp socola, các loại bánh về nhà để trẻ bán gây quỹ cho nhà trường hoặc bệnh nhân bị ung thư. Trẻ sẽ tự đi bán cho hàng xóm hoặc ở siêu thị , điều này cũng góp phần khiến trẻ tự tin trong giao tiếp.

Bảo An đang cùng bạn làm bánh bán để gây quỹ

Bảo An là một ví dụ điển hình. Ban đầu Bảo An rất rụt rè, nhưng dần dần bạn ấy đã tự tin đi gặp khách hàng để mời chào. Tuy là trường tiểu học nhưng trong trường của Bảo An cũng có canteen, vì thế các bạn đều được bố mẹ cho tiền để tự mua món ăn mà mình thích.

Trường học Bảo An cũng lập tài khoản ngân hàng cho các bạn học sinh, nhằm giúp các bạn học sinh kiếm tiền và tiết kiệm tiền. Trẻ kiếm được bao nhiêu tiền mang lên trường vào thứ Hai đầu tuần, rồi nhà trường sẽ gửi giúp vào ngân hàng cho các bạn ấy.

Các bạn cùng lứa tuổi của Bảo An đều rất tự tin trong cách học kiếm tiền và chi tiêu.

Ý tưởng kiếm tiền giúp đỡ người khác của Bảo An cũng được hình thành từ lúc 5 tuổi. Đầu tiên Bảo An cùng cậu bạn hàng xóm bán băng đĩa, đồ chơi cũ cho những người đi qua đường. Tôi cũng không ngờ rằng con mình lại tự tin như vậy. Mọi người cũng ủng hộ. Lần đầu tiên Bảo An và một bạn nữa đã bán được 15$ từ băng đĩa và đồ chơi cũ.

Sau lần đó Bảo An rất hào hứng với việc làm gì để kiếm tiền. Có lần Bảo An pha chế nước hoa bằng cách cho các loại hoa và liều lượng nước cho vào hộp nhỏ rồi mang đi khắp xóm để bán, cuối buổi cháu mang về được 7$.  

Sau đó Bảo An cùng các bạn tiếp tục rao bán ruy băng và nơ cột tóc tự làm, rồi  lại vẽ tranh và học origami (nghệ thuật gấp giấy) lên bán cho các bạn trong lớp, làm cupcake mang lên trường bán gây quỹ. Có những sản phẩm chưa hoàn hảo (như nước hoa bạn nghĩ là cứ cho hoa vào nước ủ sẽ ra mùi thơm) nhưng làm gì Bảo An cũng giành nhiều thời gian để tự học và thực hành để cho ra sản phẩm.

8 tuổi, Bảo An luôn tính toán hợp lý khi đi siêu thị

Lúc này tôi cũng nhận ra rằng trẻ kiếm tiền khi tuổi còn nhỏ không những giúp trẻ tự tin, biết giúp đỡ người khác mà còn giúp trẻ sáng tạo và phát triển sự đam mê. Số tiền Bảo An kiếm được không nhiều nhưng rất đáng quí. Bảo An nhờ mẹ giữ để giúp đỡ những người không may mắn, tôi đã giúp cháu ủng hộ bệnh nhân ung thư.

Còn việc dạy trẻ tiết kiệm tiền thực sự là điều cần thiết. Dạy trẻ tiết kiệm tiền chính là giúp trẻ biết quý trọng đồng tiền, chi tiêu hợp lí yêu thương cha mẹ và người khác.

Cũng cần nói thêm rằng, trước lúc sang Úc sinh sống Bảo An phải sống xa bố mẹ một thời gian, được ông bà chiều nên Bảo An muốn gì là phải có bằng được. Nếu tính cách này, lớn lên sẽ không tốt nên tôi đã suy nghĩ rất nhiều về cách dạy con làm sao để tiết kiệm. Cho đến giờ thì tôi nghĩ tôi đã bước đầu thành công.

Trẻ nhỏ thường hay đòi mua đồ mà không cần biết giá trị của nó. Khi đi siêu thị Bảo An cũng như nhiều bạn khác đều rất thích mua đồ. Tuy nhiên, khác với một số bạn sẽ đòi cho bằng được và gây rắc rối cho bố mẹ nếu không được mua món đồ mình thích, Bảo An bây giờ rất biết nghe lời bởi tôi luôn dạy con cách tiết kiệm, tôi nói với bạn ấy rằng, khả năng mẹ chỉ có thể cho con bấy nhiêu tiền, con hãy suy nghĩ trong những thứ con muốn thì cái gì là cần nhất và vừa số tiền mẹ cho thì con mua. Từ đó, đi siêu thị Bảo An luôn xem giá và tính toán xem mình cần mua gì? Liệu số tiền mẹ cho và số tiền mình có liệu có đủ để mua món đồ đó hay không? Nếu vượt quá số tiền đó Bảo An sẽ vui vẻ chọn món đồ khác.

Khi đi siêu thị Bảo An thích cái gì sẽ nhặt cho vào giỏ. Sau đó hai mẹ con sẽ ngồi chọn xem món nào hợp lý cần mua nhất thì mới mua. Ví dụ như có hai hộp màu một hộp to một hộp nhỏ, tôi sẽ nói với con mua hộp màu nhỏ thôi, khi nào hết hộp nhỏ chúng ta sẽ mua hộp to hơn, như vậy cho đỡ lãng phí… Hoặc con thử mua ít thôi về dùng thử có được mình sẽ mua cái to hơn và đẹp hơn. Bảo An vui vẻ đồng ý.

Thay vì mua chiếc giường mới giá 13 triệu, Bảo An rất hài lòng với chiếc giường cũ sơn màu trắng mới tinh với giá 300 nghìn đồng

Có lần tôi đưa con đi mua cái giường tầng mà Bảo An thích bởi vì cái cầu thang và màu sơn trắng, tuy nhiên khi xem giá xong bạn ấy nói: Mẹ ơi đắt lắm, con không mua nữa đâu. Lời bạn ấy nói đã khiến cho người bán hàng và cô bạn tôi đi cùng vô cùng kinh ngạc tại sao một đứa trẻ 8 tuổi có thể nói ra điều này?

Trên đường về nhà Bảo An nói với tôi là sao mẹ không sơn cái giường cũ màu trắng và làm cầu thang. Thế là thay vì 13 triệu cho chiếc giường mới tôi chỉ bỏ ra 300 nghìn đồng để sửa lại cái giường cũ mà con tôi vẫn rất vui.

Sau đó tôi muốn mua cho Bảo An một chiếc bàn học mới cho con thay chiếc bàn đã cũ, tuy nhiên bạn ấy nói rằng: Nhà mình cần tiết kiệm tiền để nuôi em, con dùng bàn cũ cũng được, mẹ không phải mua bàn mới cho con đâu, bàn cũ đang sử dụng được tại sao lại phải mua bàn mới hả mẹ? Tôi rất vui vì con mình đã biết tiết kiệm và đây là kinh nghiệm dạy con của tôi.

Bảo An trong hoạt động ngoại khóa ở trường

Tôi luôn giải thích về sự vất vả của lao động kiếm ra đồng tiền và khi cho con tiền, bao giờ tôi cũng phải có điều kiện để bé trân trọng đồng tiền. Khi Bảo An làm được điều gì cùng bố mẹ như rửa xe, làm vườn… tôi sẽ khuyến khích bằng việc cho con tiền để mua những món đồ yêu thích. Như vậy, thì bé mới biết quý trọng đồng tiền được cho.

Bảo An có lần thích cái đồng hồ octopus (gần một triệu đồng), tôi không phản đối mà thay vào đó tôi giải thích hiện tại mẹ chưa có đủ , giải thích rằng con có biết giá trị một chiếc đồng hồ mà người nghèo có thể mua thức ăn được cả tháng hoặc em con có bỉm dùng cả tháng. Nêú con thương bố mẹ, thương em, thương người nghèo họ đang không có ăn thì con nên suy nghĩ có nên mua không. Thế là Bảo An không đòi nữa. Sau đó tôi vẫn mua cho cháu chiếc đồng hồ khác rẻ tiền hơn.

Việc giải thích chọn lọc rõ ràng sẽ giúp trẻ tự hiểu được giá trị sử dụng và biết cách tiết kiệm tránh lãng phí.

Tôi cũng đã rút ra được rằng, cần phải tôn trọng con, giải thích đúng sai để trẻ tự nhận biết chứ không thể cho rằng người lớn luôn đúng và áp đặt, như vậy trẻ sẽ không nghe lời. Trong cách kiếm tiền hay tiết kiệm tiền cũng vậy, cần tôn trọng trẻ. Đừng bao giờ phản đối những thứ con thích, cũng đừng quát mắng nói với con đắt lắm không mua được sẽ con mất hứng và phản tác dụng, chỉ có cách giải thích đúng trẻ mới nghe.

Từ kinh nghiệm của bản thân tôi khẳng định việc dạy con kiếm tiền, tiêu tiền và kiệm tiền từ lúc nhỏ là một điều nên làm. Còn việc kiếm tiền phụ giúp cha mẹ là tùy từng hoàn cảnh gia đình.

Theo Thiếu Niên

Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao

Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao

Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.