Chồng bác sĩ ở New York: Xin hãy bảo vệ vợ tôi!
“Nếu em phải dùng máy thở, em không muốn anh đến thăm. Anh cũng phải tìm mọi cách để ngăn bố mẹ em tới”, bác sĩ GI Jane dặn chồng.
Đó là khoảnh khắc khiến Shahar Ziv sợ hãi. Dù là thời bình nhưng anh hiểu cảm giác của những người vợ tiễn chồng ra mặt trận.
Anh chưa bao giờ nghĩ sẽ phải nói những lời tiễn biệt như thể không còn cơ hội gặp lại vợ khi họ mới chỉ ở độ tuổi 30. Các đây vài ngày, vợ anh, một bác sĩ nội khoa đã nhắn nhủ chồng rất kĩ trước khi tới bệnh viện New York để tham gia cuộc chiến với Covid-19.
Bác sĩ lấy mẫu của một nhân viên bệnh viện tại lều kiểm dịch bên ngoài bệnh viện St. Barnabas ở Bronx, New York hôm 24/3. Ảnh: AP.
Anh mô tả vợ anh, GI Jane, là một bác sĩ thông minh và nhân hậu. Giống như những người khác, cô đã tuyên thệ chăm sóc bệnh nhân của mình, đặc biệt là trong các cuộc khủng hoảng như Covid-19. Dù Jane có kỹ năng để cứu sống rất nhiều người, Ziv lo lắng cho chính sức khỏe của cô.
"Giống như có vợ đi chiến đấu, tôi ở nhà, làm phần việc của mình và lo lắng về chiến trường mà cô ấy đang bước vào. Tôi có một lời cầu xin: Giống như việc không đưa một người lính Mỹ không được trang bị áo giáp đầy đủ vào một trận chiến, xin đừng tiếp tục đưa vợ tôi vào trận chiến mà không có thiết bị bảo vệ thích hợp", Ziv cho hay.
Khi số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ lên hơn 100.000 người, có một sự thiếu hụt đáng sợ về thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) dành cho nhân viên y tế. Cho dù đó là khẩu trang N95 hay tấm chắn mặt, nguồn cung đang cạn kiệt nhanh chóng. Các bác sĩ đang bị buộc phải dùng đến những cách không đúng tiêu chuẩn để phòng virus, bao gồm tái sử dụng khẩu trang nhiều lần.
"Khi vợ tôi làm việc vào tuần trước, bệnh viện chỉ cho cô ấy một chiếc khẩu trang y tế để sử dụng cho một ngày làm việc. Loại khẩu trang này được cho là không đủ để bảo vệ hiệu quả nCoV", Ziv kể.
Khi nhiều bệnh nhân dương tính, khả năng phơi nhiễm tăng lên đối với tất cả nhân viên y tế và nguy cơ lây bệnh cao hơn đối với những người thường xuyên thực hiện các thao tác như đặt nội khí quản và nội soi. "Đó là những việc vợ tôi thường xuyên làm. Hoàn toàn không an toàn nếu không có sự bảo vệ, không chỉ đối với vợ tôi và các đồng nghiệp của cô ấy mà còn đối với các y tá, bác sĩ gây mê và nhân viên dọn dẹp giữa các ca bệnh. Ngoài ra, gia đình của họ và bất cứ ai khác mà họ gặp cũng có nguy cơ.
Tôi nhìn sang Italy ngày hôm nay và rùng mình. Các bác sĩ đã chết vì tiếp xúc với nCoV khi thiếu thiết bị bảo vệ. Chúng ta sẽ chờ các bác sĩ Mỹ gặp số phận tương tự rồi mới có hành động thực sự ư?", Ziv đặt câu hỏi.
Theo anh, chính phủ liên bang, dù từ tháng 1 đã biết có thể xảy ra đại dịch, nhưng rất chậm trong phản ứng và huy động nguồn lực để giải quyết khủng hoảng. Các tiểu bang được yêu cầu tự mua máy thở và các thiết bị bảo vệ thay vì chính phủ liên bang mua số lượng lớn các mặt hàng đó rồi chuyển cho họ.
"Đây là một cuộc khủng hoảng đòi hỏi phản ứng tập trung, phối hợp. Chính phủ liên bang có nghĩa vụ tổ chức, mua và phân phối đủ thiết bị để đảm bảo an toàn cho những người ở tuyến đầu", Ziv cho biết.
Anh lo ngại khi Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) nói vợ anh nên sử dụng khăn che mũi miệng nếu không còn khẩu trang.
Ziv cáo buộc các chính trị gia ở Mỹ đang dành năng lượng của họ để bảo vệ danh mục đầu tư chứng khoán thay vì người dân. Trong khi đó, nhiều người và các công ty đang tập hợp để hỗ trợ các bác sĩ, nhân viên y tế hay đội quân tiền tuyến. Họ thu gom khẩu trang ở những nơi dư thừa để cung cấp cho những nơi đang bị thiếu thốn hay có nhu cầu ngày càng tăng.
"Tôi rất vui khi quản lý khu chung cư của chúng tôi lùng sục để tìm khẩu trang N95 còn sót lại khi làm vách thạch cao gần đây...
Xin hãy làm phần việc của các bạn để bảo vệ vợ tôi, các bác sĩ, y tá và tất cả các chuyên gia dũng cảm đang đặt bản thân vào tình thế nguy hại để chăm sóc chúng ta. Vợ tôi có năng lực cứu sống mọi người trong cuộc khủng hoảng này. Tôi chỉ muốn chính phủ liên bang quan tâm cô ấy hơn một chút", người chồng khẩn thiết yêu cầu.
Ánh Dương (Theo Time)
Link nguồn: https://vnexpress.net/doi-song/chong-bac-si-o-new-york-xin-hay-bao-ve-vo-toi-4076157.html
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.