Cô gái gốc Việt ngủ nhờ ở sân bay để học thành phi công
Nhiều lần đến trung tâm bay ở Atlanta để dạy, Anh Thư bị nhân viên an ninh chặn lại, vì không tin cô gái gốc Á này là phi công.
“Hoàng hôn giữa không trung này là một trong những lý do trở thành phi công”, Nguyễn Anh Thư đăng một bức ảnh ráng chiều vàng ruộm bên cửa kính buồng lái lên trang cá nhân hôm 22/10. Là giảng viên dạy bay 2 năm và có kinh nghiệm hàng nghìn giờ bay, Thư vẫn thấy mình như một đứa trẻ, mắt sáng ngời khi nhìn thấy máy bay.
Thư đang dạy bay tại Atlanta, Georgia, Mỹ, đồng thời làm nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật hàng không – Vũ trụ tại Học viện công nghệ Georgia. Cô cũng đang thực hiện ước mơ lớn hơn: một mình bay vòng quanh thế giới.
Anh Thư sinh ra trong một ngôi làng không có điện ở Xuân Hòa, Tuy Hòa, Phú Yên. Thời thơ ấu, niềm vui nhất trong ngày của cô bé là cùng các bạn ngước lên bầu trời nhìn những chiếc máy bay ngang qua, lắng nghe tiếng động cơ ù ù, đôi lúc cô còn chạy trên những cánh đồng chỉ để nhìn máy bay lâu hơn.
Năm Thư 12 tuổi, gia đình tới Mỹ, định cư ở bang Indiana. Như đa phần người nhập cư, cha mẹ cô phải vật lộn về tài chính và văn hóa ở đất nước mới, song họ luôn đặt giáo dục cho con cái lên đầu.
Anh Thư vốn học giỏi từ ngày ở Việt Nam. Những năm trung học phổ thông tại Mỹ, tiếng Anh kém nên Thư bị cô lập, không bạn bè. Bù lại, cô học rất giỏi Toán. “Tôi học đam mê suốt ngày đêm. Là người nhập cư, tôi thấy mình phải có trách nhiệm với cuộc sống của mình và luôn muốn làm cho cha mẹ tự hào”, Thư nói.
Cô đã tốt nghiệp cấp 3 với điểm số đứng đầu trong tổng số 1.500 học sinh của trường và sau đó giành học bổng toàn phần ngành Toán, tại Đại học Purdue, Indiana.
Kịch bản này không hiếm với những người nhập cư Mỹ, rằng học rất giỏi, đứng đầu, giành học bổng. Nhưng với Anh Thư, ước vọng không dừng lại đó.
“Tôi nói với ba ước mơ làm phi công năm 16 tuổi. Ba phản đối”, cô kể. Đây là điều dễ hiểu, bởi ông vẫn nghĩ con là cô gái da vàng nhỏ bé, trường y là đích đến chứ không phải học viện không quân.
“Năm 18 tuổi, tôi nghĩ mình đang ở Mỹ, có thể làm gì mình muốn mà không cần phải răm rắp nghe theo cha mẹ”, cô nhớ lại.
Anh Thư tham gia các bài học bay bất cứ khi nào có đủ khả năng tài chính. Song song, cô vẫn tốt nghiệp đại học, lọt top 10 cử nhân xuất sắc của lớp và sau này học tiếp thạc sĩ về ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ.
“Khi còn là sinh viên, cứ một giờ học bay tôi phải làm gia sư toán trong 20 giờ mới đủ tiền trả”, Thư kể. Trong khi, để học bay một bằng cơ bản nhất thì phải bay khoảng 60 giờ. Mỗi điều kiện thời tiết, mỗi một loại máy bay cần bằng khác nhau. Anh Thư đã có hơn 10 loại bằng như thế.
Lần đầu tiên bay solo (một mình không có thầy giáo), cô gái nhỏ bé lo âu nhưng “lồng ngực căng đầy hạnh phúc, cảm giác như mình đã chinh phục được bầu trời rồi. Mình sẽ thành phi công”. Dấu mốc quan trọng này cho Anh Thư chứng chỉ lái máy bay tư nhân, sau nhiều thời gian cố gắng, ngắt quãng.
Từ đây, con đường đi trong cô càng sáng tỏ. Cô đi làm đúng chuyên ngành hàng không vũ trụ để có tiền chi trả cho các khóa học phi công. Có thời điểm, không còn tiền, cô phải ngủ trong xe. Thầy giáo thấy cô tội nghiệp đã cho phép vào sân bay ngủ.
“Tôi không dám nói với ba mẹ vì sợ họ đau lòng. Tôi cũng sợ họ không cho phép theo hàng không. Cuộc sống đã quá khó khăn, họ không có điều kiện để giúp tôi”, cô chia sẻ. Tổng cộng, cô mất 12 năm từ ngày học chứng chỉ đầu tiên, cho đến khi trở thành một giảng viên bay.
Năm 2017, Anh Thư trở thành huấn luyện viên xuất sắc của Aircraft Owners and Pilots Association (Hiệp hội các chủ sở hữu và phi công máy bay), sau khi đào tạo cho hàng trăm phi công. Cô đồng thời cũng hoàn thành bằng lái máy bay thương mại cỡ lớn.
Nhưng, cô gái gốc Việt vẫn chưa dừng lại. Anh Thư đang chuẩn bị cho hành trình một mình bay vòng quanh thế giới.
Lý do chính của việc này xuất phát từ những trở ngại hàng ngày Anh Thư phải nhận. Cô là giảng viên nữ, người da vàng và nhập cư duy nhất bên cạnh hơn 10 giảng viên nam da trắng tại một trung tâm huấn luyện bay ở Atlanta. Sự hiện diện của cô vào sân bay năm 2019 “vẫn bị cho là nhầm lẫn và là cú sốc với nhiều người, kể cả nhân viên an ninh”.
“Nhiều lần, dù trên người đang mặc đồng phục phi công nhưng nhân viên an ninh từ chối cho tôi qua cổng. Tôi phải đưa các giấy tờ chứng minh thân phận”, Thư kể.
Với các học sinh cũng tương tự. Lần đầu nhìn thấy cô, họ không vui. “Zach M, một sinh viên ban đầu không ưng khi thấy tôi, nhưng sau buổi bay cậu ấy nói ‘Bạn là một trong số ít người hướng dẫn tốt nhất tôi từng có'”, Thư chia sẻ thêm.
Chỉ hơn 5% phi công trên toàn thế giới là nữ, theo Forbes năm 2018. Tính đến nay mới có 8 phụ nữ hoàn thành chuyến bay toàn cầu. Nguyễn Anh Thư hy vọng mình trở thành người thứ 9 và là người gốc Việt đầu tiên.
Chuyến bay sẽ cần khoảng một triệu đôla, đi qua 4 lục địa, đến 25 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ bằng chiếc máy bay nhỏ bé một động cơ. Thư cũng sẽ đến Việt Nam và trở về quê hương Tuy Hòa trong hành trình này. Cô đang vận động kinh phí, chuẩn bị hậu cần, thị thực và giấy phép trên các lãnh thổ bay qua.
Anh Thư gọi đây là chuyến bay cho mọi cô gái, bởi sâu thẳm trong cô là cô gái nông thôn giản dị ở Phú Yên, nuôi giấc mơ lớn.
Ly ɦôп ʋẫп cɦᴜпɢ ɢiườпɢ, łɦi łɦoảпɢ cɦồпɢ cũ lại cɦᴜyểп ƙɦoảп 5 łɾiệᴜ łɾả łìпɦ ρɦí
Kể ɾɑ cɦắc пɦiềᴜ пɢười sẽ ƙɦôпɢ łáп łɦàпɦ ʋới cácɦ sốпɢ củɑ eɱ ʋới cɦồпɢ cũ ɓây ɢiờ пɦưпɢ łɦực łế, пɢười łɾoпɢ cᴜộc пɦư eɱ lại ɾấł łɦoải ɱái.