Cô gái Việt thành công nhờ kinh doanh mỹ phẩm ở Úc
Trần Ngọc Bích Hằng bỏ vị trí tốt, lương cao tại một tập đoàn khách sạn, khởi nghiệp ngành mỹ phẩm với giấc mơ tạo thương hiệu của riêng mình.
Emily Trần mong muốn sẽ xây dựng thương hiệu làm đẹp của riêng mình trong tương lai không xa. Ảnh: NVCC.
Tại Australia, mọi người gọi Hằng là Emily Tran. Cô gái sinh năm 1991 đến xứ sở chuột túi năm 2009 để học ngành quản lý khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Những tưởng cuộc đời cô sẽ hoàn toàn rẽ theo con đường này nhưng một đam mê đã thay đổi tất cả những giấc mơ trước lúc rời Việt Nam. Emily Trần tham vọng mở một thương hiệu làm đẹp của riêng mình trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, ở hiện tại, cô tập trung toàn lực trong việc làm nhà phân phối cho thương hiệu Dermalyana.
Bỏ việc để theo đuổi đam mê
Tháng 8/2013, khi vừa tốt nghiệp và lấy bằng cử nhân của trường quản lý khách sạn và khu nghỉ dưỡng quốc tế Blue Mountains, Emily bắt đầu với vị trí lễ tân tại TFE Hotels – một nhánh của tập đoàn Toga hiện có hơn 70 khách sạn 3-5 sao tại Australia, New Zealand và châu Âu. Sau một năm, cô được chọn vào chương trình đào tạo quản lý tương lai và đầu năm 2016 được ký hợp đồng chính thức với vị trí Relief Duty Manager cho tập đoàn TFE Hotels, hỗ trợ quản lý bảy khách sạn tại Tây và Bắc Australia.
“Tôi nghĩ là do thái độ làm việc của mình tốt, tận tâm với khách hàng, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp và siêng năng học hỏi nên được chọn vào các chương trình đạo tạo quản lý và thăng chức nhanh chóng”, Emily nhớ lại.
Trong thời gian này, cô bắt đầu thích làm đẹp và các sản phẩm chăm sóc da. Năm 2013, Emily làm việc tại thành phố Darwin với thời tiết nóng bức, mỗi ngày cô đi bộ tới công sở mà không sử dụng kem chống nắng hay bất cứ công cụ che chắn nào nên da bị cháy nắng khá nặng. Các bác sĩ kê thuốc cho cô bôi và dặn chỉ được sử dụng những sản phẩm dịu nhẹ cho da hoặc có thành phần chiết xuất thiên nhiên.
Emily nói đây là thời điểm mà cô nhớ mãi vì trong thời gian này còn bị dị ứng với một số mỹ phẩm khác. Cô bắt đầu học về các thành phần có trong các sản phẩm trong sóc da, công dụng và cách sử dụng chúng. Càng nghiên cứu, cô lại càng thích hơn khi biết tác động của từng loại và thấy sự thay đổi trên da của mình. “Tôi bắt đầu mua và thử nhiều nhãn hiệu khác nhau và bị cuốn vào chúng lúc nào không hay”, cô nói.
Sau nhiều năm công tác trong nghành kinh doanh khách sạn, Emily dần nhận ra chăm sóc da mới thật sự là niềm đam mê của mình. Cô quyết định rẽ ngoặt sự nghiệp, theo đuổi con đường kinh doanh các sản phẩm chăm sóc da và làm đẹp trên đất Australia từ cuối năm 2017. Cô bắt đầu bằng việc lập một trang Facebook và Instagarm để đăng tải các bài viết cũng như hình ảnh sản phẩm và bán online. Tuy nhiên, doanh thu năm ấy rất thấp vì cô mới khởi nghiệp lần đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm.
Tháng 3/2018, Emily tình cờ biết đến thương hiệu Dermalyana, dòng sản phẩm làm trắng da 100% sản xuất tại Australia do công ty Rogers Healthcare có chủ và CEO là một người Anh có tên Stephen Rogers nên chủ động tới công ty để tìm hiểu. Cô ấn tượng khi xem qua và thử các sản phẩm, có ý định mua về bán nhưng để đảm bảo hiệu quả, cô mua năm chai một lúc mang về cho bạn bè và người thân sử dụng.
Hai tuần sau đó, khi nhận những phản hồi tích cực, cô quyết định quay trở lại công ty này để xin làm nhà phân phối chính thức. Đến tháng 12, khi lượng tiêu thụ khá tốt và cho thấy tiềm năng phát triển của dòng sản phẩm này, Emily đề nghị và được công ty đồng ý đặt bút ký thỏa thuận trở thành phân phối độc quyền của hãng tại Sydney và New South Wales. Lúc này, cô biết con đường tương lai và giấc mơ của mình đang rõ ràng hơn bao giờ hết.
“Khởi nghiệp không dễ dàng nhưng phải biết nắm bắt cơ hội”
Tự tin khi tìm được sản phẩm tốt để cung ứng cho thị trường, Emily vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận khách hàng. “Công ty có những chiến lược quảng cáo sản phẩm trên các trang cộng đồng người Việt và giới thiệu về Việt Nam. Sản phẩm cũng được bán tại các nhà thuốc lớn tại Australia. Tôi còn quay thêm video để giới thiệu dòng sản phẩm mới”, cô chia sẻ về các nỗ lực đưa sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng hơn.
Vì là startup và công ty mới thành lập nên để tiết kiệm chi phí, cô thuê nhân viên kế toán, khai thuế và vận chuyển từ bên ngoài, còn lại chỉ có hai người làm chính thức. Trong thời gian tới, cô có có kế hoạch tuyển thêm nhân viên để việc kinh doanh phát triển nhanh hơn.
Emily thừa nhận mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm chăm sóc sắc đẹp là rất lớn vì có hàng nghìn thương hiệu trên thị trường. “Nhưng tôi nghĩ với sản phẩm có một không hai thì sẽ có thị trường riêng cho mình – dòng sản phẩm làm trắng da, sản xuất tại Australia theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt thì độ an toàn và hiệu quả rất được đảm bảo”, cô tự tin cho biết.
Nữ doanh nhân trẻ cho biết đã đề xuất ký hợp đồng trị giá hàng triệu USD cùng công ty Rogers Healthcare. Cô hiện nắm giữ lượng khách hàng sỉ và lẻ lớn, có mười nhà phân phối và cửa hàng tại Australia, Mỹ, Hong Kong và một số nước khác.
“Tôi cũng huy động lực lượng bán hàng online hùng hậu và từng ngày xây dựng và phát triển đội ngũ bán hàng online một cách sáng tạo nhất. Bây giờ là thời đại của trí tuệ, của công nghệ thông tin và đột phá trong kinh doanh, công ty của tôi cũng không phải ngoại lệ”, cô nói.
Emily chia sẻ thành công hiện nay đến từ việc áp dụng quy tắc “tám có”. Cụ thể, điều đầu tiên là phải có kiến thức về sản phẩm hay công ty sản xuất ra chúng. Cô đặt tiêu chí chất lượng và hiệu quả là cốt yếu cho việc kinh doanh. “Nhìn chung, Rogers Healthcare đã thỏa mãn tất cả những tiêu chí mà tôi cần có cho một đối tác bền vững để cùng phát triển tại Sydney và New South Wales. Cụ thể là ngoài các công cụ tìm kiếm trên mạng, tôi đã tới gặp trực tiếp người sáng lập và lãnh đạo công ty, thêm vào đó là tin vào giác quan của mình”, cô giải thích. Theo cô, cái “có thứ hai” là phải có sự nhạy bén trong kinh doanh. Cụ thể là phải nắm bắt cơ hội đúng lúc. Cái “có” kế tiếp là người kinh doanh online cần phải có đủ kênh bán hàng trực tuyến mà khách hàng tiềm năng hay lui tới để giúp người tiêu dùng dễ dàng nhìn thấy và mua hàng nhất.
Ngoài ra, Emily cũng chú trọng đến tác động xã hội và môi trường, tức làm sao sản phẩm phải giúp bản thân và người khác tự tin hơn cũng như việc giúp bảo vệ môi trường nơi cô đang sống. Nữ doanh nhân cho một ví dụ là túi xách đựng hàng của Dermalyana không cán màn nilon và có thể tái sử dụng nhiều lần. Tuy nhiên, tất cả những yếu tố đó không thể tạo nên thành công nếu không có đủ đam mê, quyết tâm, ý chí tiến thủ và lòng kiên trì bởi khởi nghiệp không bao giờ là một việc dễ dàng. “Nếu áp dụng phương pháp ‘tám có’ cho bản thân và câu trả lời của bạn là có cho tất cả thì khả năng thành công rất cao”, cô nói.
Với sự siêng năng của mình, khi không còn làm công ăn lương mà mỗi ngày là hàng trăm câu hỏi phải giải đáp, hàng trăm công việc không tên, Emily lại thấy yêu thích cuộc sống bây giờ của mình hơn. Không có cả thời gian đi chơi hay du lịch nhưng đổi lại cô được kinh doanh ngành hàng mà mình đam mê, mỗi ngày đều thấy vui vẻ với công việc.
Cô gái sinh năm 1991 thích đọc thông tin trên các báo online để nắm bắt các xu hướng làm đẹp tại Autralia, Việt Nam và trên thế giới rồi viết lại những mục thú vị, có ích cho công việc kinh doanh. Emily muốn một ngày không xa sẽ hợp tác với công ty Rogers Healthcare để ra mắt thương hiệu mỹ phẩm của riêng mình. Còn hiện tại, cô muốn tích lũy kiến thức và học hỏi để trở thành beauty blogger – chia sẻ những kinh nghiệm và giới thiệu các sản phẩm làm đẹp tốt đến mọi người.
Trương Sanh – Vnexpress
Link nguồn: https://startup.vnexpress.net/tin-tuc/hanh-trinh-khoi-nghiep/co-gai-viet-thanh-cong-nho-kinh-doanh-my-pham-o-australia-3887505.html
Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao
Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.