RSS

Cuộc chiến Covid-19 của gia đình gốc Việt ở Australia

08:30 25/08/2020

Sau khi cha mẹ được xác định nhiễm nCoV, Tina Dinh cũng xét nghiệm nhưng không cần chờ kết quả, cô cảm nhận được virus trong xương của mình.

Hôm 17/7, Tina Dinh đã nài nỉ mẹ cô, bà Dung Huynh, 60 tuổi, đừng đi làm. Nhiều đồng nghiệp của bà ở công ty thực phẩm Bertocchi Smallgoods tại Sunshine, một vùng ngoại ô của Melbourne, bang Victoria, đã mắc Covid-19. Tuy nhiên, là một công nhân bình thường, bà không có lựa chọn nào khác.

Đến trưa, bà Dung và các đồng nghiệp được yêu cầu về nhà, làm xét nghiệm nCoV và cách ly.

"Cuối tuần trôi qua thật đáng sợ khi mẹ tôi nhận được hết cuộc này đến cuộc gọi khác từ những người đang khóc và nói rằng họ đã dương tính", Tina kể. "Trong cuối tuần, có 17 người bị nhiễm nCoV. Từ chủ nhật đó trở đi, bố mẹ tôi trở bệnh, thực sự rất nặng".

Y tá Daniel Nolan kiểm tra tình hình của Tina Dinh ở bệnh viện Footscray, Sunshine, bang Victoria. Ảnh: Herald Sun.
Y tá Daniel Nolan kiểm tra tình hình của Tina Dinh ở bệnh viện Footscray, bang Victoria. Ảnh: Herald Sun.

Sau kết quả âm tính ban đầu, bà Dung và chồng là ông Hoang, 72 tuổi, trải qua một cuộc xét nghiệm khác hôm 25/7 và đều được xác nhận dương tính với nCoV. Dù không có triệu chứng, Tina, 26 tuổi, cũng làm xét nghiệm chiều hôm đó, nhưng cô sớm nhận ra mình không cần phải đợi kết quả.

"Tôi thức dậy và biết mình đã mắc Covid-19. Tôi có thể cảm thấy nó trong xương của mình", cô gái gốc Việt nói. "Đó không phải là cơn đau bình thường. Bạn đột ngột mất vị giác, mất khứu giác và đau đầu liên tục 24/7. Tôi nhớ từng cảm thấy ớn lạnh đến mức tôi không thể nào dứt ra được".

Dù bố mẹ nằm liệt giường trước, Tina nhanh chóng trở thành người bị nặng nhất trong nhà. Cô còn trẻ và không có bệnh lý nền, ngoại trừ hen suyễn nhẹ, nhưng vẫn sốt cao liên tục, đau đầu, buồn nôn, ớn lạnh và cuối cùng được đưa lên xe cấp cứu vào lúc 20h ngày 29/7.

Tại bệnh viện Footscray, Tina hồi phục trong 24 giờ tiếp theo và được xuất viện với máy theo dõi nồng độ oxy tại nhà. Cô cũng thường xuyên nhận được điện thoại kiểm tra từ các y bác sĩ.

Nhưng có một lần ở nhà, cô hoảng hốt khi thấy bố mình được chuyển tới bệnh viện Sunshine. Sau khi rùng mình suốt đêm, ông trở nên không phản ứng gì. Vài ngày sau, lượng oxy của Tina giảm xuống mức nguy hiểm 84% và các bác sĩ cũng yêu cầu cô quay lại bệnh viện.

"Họ đưa tôi đi vì tôi không thở được. Mọi thứ xảy ra rất nhanh và tôi ngừng thở. Tôi không thể hít vào chút không khí nào", cô nhớ lại. "Tôi thậm chí không thể mô tả được nó. Đó là cảm giác tồi tệ nhất vì bạn không hiểu tại sao lại như thế. Bạn cố gắng làm mọi thứ có thể bằng miệng và mũi, bạn cố gắng há miệng thở nhưng không được. Cứ như nghẹt thở".

Tina Dinh trước khi mắc Covid-19. Ảnh: Herald Sun.
Tina Dinh trước khi mắc Covid-19. Ảnh: Herald Sun.

Một nhóm khoảng 10 chuyên gia ở khoa hô hấp của bệnh viện Footscray đã nhanh chóng nhận ra rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài đặt máy thở cho cô trong tình trạng hôn mê.

4 ngày sau, Tina tỉnh lại, nằm trong một bong bóng nhựa với các đường ống trong họng và khắp mọi nơi".

"Khi tôi mở mắt, tôi không biết mình đã nằm đó bao lâu và không biết mình đang ở đâu. Tôi chỉ nhớ rằng nằm đó thực sự rất đáng sợ. Tôi hoàn toàn cô độc và không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình. Tất cả những gì tôi biết là tôi không thở được", cô kể. "Tôi nợ các bác sĩ và y tá tính mạng của mình. Tôi không thể mô tả tôi yêu thương họ nhiều như thế nào. Điều duy nhất tôi hướng tới mỗi ngày, mỗi lần họ đến, điều đầu tiên họ làm là cầm tay tôi và siết chặt. Đó là giao tiếp duy nhất bạn có thể làm và lời nhắc nhở duy nhất rằng bạn vẫn còn ở đây".

Tina nằm 24/7 trong bong bóng nhựa, không được chạm vào bất cứ thứ gì trừ lớp nhựa. Nhiều ngày trôi qua, Tina trở nên khá hơn, nhưng cô đau đớn khi biết bố mình đã được đặt nội khí quản cùng ngày với mình. Bệnh tình của ông nặng đến mức không thể tháo các thiết bị trợ sinh.

"Đó là những khoảnh khắc mà tôi chỉ muốn chết. Tôi không chịu đựng nổi thêm nữa. Tôi lo lắng cho bố mình nhưng tôi không muốn chịu đựng thêm nữa", cô nói.

Khi khoẻ lại, Tina mới được cầm điện thoại để cập nhật tin tức về thế giới bên ngoài. Những gì cô đọc được rất khủng khiếp. Một người đàn ông 33 tuổi ở Melbourne đã tử vong do Covid-19 và Tina sợ hãi nghĩ đến viễn cảnh mình được đưa tin như "một phụ nữ trong độ tuổi 20".

Nỗi sợ của cô biến thành giận dữ.

"Tôi thực sự sợ hãi và khi xem tin tức mọi người biểu tình chống phong toả, nghe tin mọi người không tuân thủ các quy định và gọi Covid-19 là một trò bịp bợm, tôi rất tức giận", cô nói. "Tôi đang mắc kẹt ở đây. Không ai biết những người như chúng tôi đang ở trong phòng điều trị tích cực ICU lúc này và không thể tự thở được. Tôi muốn xé toạc mọi thứ vì có quá nhiều thứ gắn vào người tôi, những đường ống kim tiêm ở khắp nơi và đó là sự thật. Tôi không hiểu sao có những người không tin".

Tina Dinh khi điều trị Covid-19 ở phòng chăm sóc tích cực, bệnh viện Footscray, Sunshine, bang Victoria. Ảnh: Herald Sun.
Tina Dinh khi điều trị Covid-19 ở phòng chăm sóc tích cực, bệnh viện Footscray, bang Victoria. Ảnh: Herald Sun.

Quyết tâm quay về nhà và giúp đỡ mẹ, Tina cuối cùng được rời khỏi ICU và trở về hôm 17/8. Bị viêm phổi và vẫn dương tính với Covid-19, Tina sẽ mất nhiều tháng nữa để hồi phục.

"Tôi không còn sức. Tôi không thể tự mình làm điều gì. Tôi không thể ngồi dậy quá nửa giờ, không thể đi lại, không thể đứng, vì thế các bác sĩ trị liệu phải giúp tôi xây dựng cơ trở lại. Không có nơi nào trên cơ thể họ không tiêm hay tác động gì đó", cô kể. "Tôi có vị Covid-19 trong miệng, nó có vị kim loại và không biến mất. Tôi thậm chí thức dậy lúc 4h sáng chỉ để đánh răng vì tôi không thể chịu được".

Nhưng giờ đây, mọi tâm trí của Tina đều dồn vào cha cô. Những chiếc máy thở bảo toàn tính mạng cho ông Hoang hai tuần qua hiện phải tháo đi trước khi cơ thể ông bị tổn thương thêm. Chiến đấu với viêm phổi và ba căn bệnh nhiễm trùng, rất may tim và thận của ông Hoang vẫn khỏe, dù không ai biết điều gì sẽ xảy ra khi ông tỉnh lại.

"Tôi hy vọng bố sẽ sớm khỏe lại vì chúng tôi đều rất nhớ ông. Chúng tôi gọi điện cho bố mỗi ngày và rất đau đớn khi nhìn thấy bố như vậy, chúng tôi chỉ muốn ôm bố", Tina nói. "Bố nghe thấy chúng tôi. Đêm qua, bố thực sự cố gắng cử động và khóc, vì vậy các y tá đã chấm nước mắt cho bố. Điều đó khiến trái tim tôi tan nát vì các bác sĩ và y tá nói rằng bố đang cố gắng đáp lại".

Link nguồn: https://vnexpress.net/cuoc-chien-covid-19-cua-gia-dinh-goc-viet-o-australia-4150678.html

Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao

Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao

Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.