RSS

Cựu binh Úc lấy tiền tích cóp xây trường học, giúp người nghèo Việt Nam

15:00 30/10/2019

Ken Marsden từng tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam năm 1967. 'Dư chấn' nặng bởi hội chứng ám ảnh chiến tranh, Ken đã quyết định quay trở lại Việt Nam và dành hết số tiền kiếm được để xây trường, giúp người nghèo.

Một buổi sáng đầu tháng 10, cựu binh Ken Marsden (người Úc) bước ra từ một khách sạn tại Hội An (Quảng Nam) mà ông thuê nhiều năm nay mỗi lần qua Việt Nam làm tình nguyện. 

Cựu binh Úc lấy tiền tích cóp xây trường học, giúp người nghèo Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Ken Marsden trong những chuyến tham gia phát quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Hội An - Ảnh: H.THANH

Ngồi lên chiếc xe máy của một người dân Hội An, như thường lệ, ông tìm tới những đứa trẻ ở một trại mồ côi và các bệnh nhân nghèo tại Hội An - những người mà nhiều năm nay ông nhận cưu mang họ và gọi họ là "những người bạn nhỏ Việt Nam".

Ken Marden đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện ngắn khi đang trong những ngày thăm trẻ mồ côi ở Hội An.

40 năm day dứt với Việt Nam

* Dường như ông đã rất thân thuộc với văn hóa, con người và mọi thứ ở đây - Hội An?

- Có thể là như vậy, mọi thứ thật tuyệt vời. Lẽ ra chuyến đi này tôi có kế hoạch về nước sớm, nhưng tôi quyết định nán lại thêm vài tuần nữa. Mọi thứ ở Việt Nam mỗi lần tôi qua đều thật tuyệt vời, làm tôi không muốn rời đi. Rất khác so với mọi thứ trong trí nhớ của tôi hơn 50 năm về trước. 

Tôi rất yêu thích cuộc sống và mọi hình ảnh ở phố cổ Hội An, đất nước của các bạn thật đẹp. Dường như tôi cảm nhận thấy mình là một phần ở đây, được đối xử tử tế như chính những người dân ở địa phương vậy.

* Ông tới Việt Nam lần đầu tiên lúc nào?

- Năm 1967, tôi được lệnh lên đường qua miền Nam Việt Nam, đồn trú tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Khi đó, việc lên đường đối với tôi là một sự bắt buộc, chứ tôi không hề mong muốn. Tôi chỉ là một chàng trai ở một đất nước yên bình. Việc đem chiến tranh đến một nơi xa lạ là điều rất khó lúc đó đối với tôi.

Tôi bị ảnh hưởng về tâm lý rất nặng nề vào quãng thời gian đó và cả tới bây giờ. Điều ám ảnh nhất và khủng khiếp nhất là tôi thấy bom giội xuống quá nhiều, những ngôi làng bị tàn phá, người dân mất hết nhà cửa, đau thương cho người dân. Tôi nhắm mắt lại là cứ thấy bom nổ, rồi những tiếng la hét. Đó thực sự là một quãng thời gian kinh khủng.

* Rời Việt Nam và ông đã quay lại. Chuyến đi đó được bắt đầu như thế nào?

- Năm 1968, tôi trở về Úc. Nhưng tôi vẫn đọc báo, theo dõi tin tức về Việt Nam hằng ngày. Khi biết tin đất nước các bạn chấm dứt chiến tranh, tôi đã reo lên bởi tôi mừng vì người dân Việt Nam không còn phải chia cắt, không phải chết vì chiến tranh nữa.

Điều mong muốn nhất của tôi suốt những năm qua là một ngày nào đó tôi sẽ được trở lại Việt Nam, được chứng kiến hình ảnh hòa bình, người dân sống hạnh phúc. Như thế tôi mới không trăn trở nữa.

Năm 2006, nhóm bạn bè chúng tôi khoảng 30 người có ý tưởng sẽ đi tour qua các nước châu Á. Chúng tôi chọn Việt Nam bởi lúc đó cũng tròn 40 năm từ ngày tôi rời Việt Nam với tư cách là một người lính. Trong đoàn có rất nhiều người từng là cựu binh tham chiến tại miền Nam Việt Nam giai đoạn như tôi. Chúng tôi tới TP.HCM rồi đi Hạ Long trong nhiều ngày.

Tôi vô cùng xúc động. Chúng tôi ngồi trên xe, trên máy bay và nhìn ngắm mọi thứ ngoài cửa sổ. Nhưng điều tôi và bạn bè xúc động nhất là thấy Việt Nam thanh bình, nhìn chung thì nghèo nhưng hòa bình và độc lập là cái mà người dân ở đó đang có. Đó là điều chúng tôi mong muốn và luôn chờ đợi được thấy nhất. Và chúng tôi đã thấy được.

Đó cũng là lý do mà sau này chúng tôi đã quay lại Việt Nam thêm nhiều lần nữa, tôi muốn như một nhân chứng chứng kiến sự thay đổi đó.

13 ngôi trường và những mái nhà cho người nghèo

* Chúng tôi được biết hiện nay ông đang vận động để tạo quỹ, trực tiếp xây nhiều ngôi trường và hỗ trợ người nghèo tại Việt Nam. Mọi việc bắt đầu từ đâu?

- Như tôi đã nói là được trở lại Việt Nam, thấy mọi thứ thay đổi, nhưng tôi thấy vẫn còn rất nhiều người Việt Nam, nhiều vùng sâu vùng xa rất thiếu thốn về vật chất. Nơi đó, người nghèo không đủ những tiện nghi hằng ngày, phải sống trong điều kiện tối thiểu, trẻ con phải học hành trong những cơ sở giáo dục tạm bợ. 

Tôi không có vợ con, cũng có ký ức với Việt Nam nên tôi quyết định quay lại Việt Nam để góp phần nào giúp đỡ.

Năm 2009, tôi quay trở lại Việt Nam và chọn một khách sạn tại Hội An để lưu trú. Tôi dành thời gian nán lại lâu hơn và được trò chuyện với một người quản lý tại nơi lưu trú. 

Khi biết ý định của tôi muốn giúp đỡ người nghèo khó, người này đã trực tiếp chở tôi tới thăm một trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi tại Hội An. Đó là chuyến đi đã quyết định đưa tôi gắn bó với công việc hiện nay tại Việt Nam.

* Ông giúp người nghèo khó, trẻ mồ côi Việt Nam cách nào?

- Hiện tại tôi vẫn sống ở Úc nhưng thời gian hầu hết tôi dành cho việc quyên góp, chuẩn bị tài chính cho hai chuyến đi mỗi năm tới Việt Nam. Tôi kể cho nhiều người bạn ở Úc biết công việc của tôi tại Việt Nam và nhiều người cũng rất ủng hộ, chia sẻ. Một số nhà báo ở Úc cũng đã tìm tới tôi để hỏi chuyện.

Tôi dành dụm các khoản tiền tích lũy của mình, cùng với tiền của bạn bè cho tôi đưa qua Việt Nam để tìm tới các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ họ. Tới nay, tôi đã xây được 4 căn nhà cho người nghèo từ khoản tiền tích góp của tôi, họ rất vui và quý mến tôi. Nhiều người biết nên cứ giới thiệu thêm cho tôi các gia đình khó khăn, nhưng khoản tiền của tôi khá eo hẹp nên tôi phải lên kế hoạch theo từng năm.

Ở các trại trẻ mồ côi như Hội An, chúng tôi có những người bạn ở đó sẵn sàng kết nối, giúp tôi các công việc cần thiết như chuẩn bị quà cáp, bánh kẹo, đồ dùng. Tôi không mua đồ ở Úc để mang qua mà khi tới Việt Nam mới mua bởi hàng hóa ở đây rẻ hơn. 

Chúng tôi tự đi mua về trang bị cho các cháu, nói chuyện với chúng để chúng cảm thấy luôn vui vẻ, hướng dẫn kiến thức sinh hoạt cá nhân, học tập. Tôi cũng tự đạp xe để đi mua quần áo, sách vở, bánh kẹo cùng một số đồ dùng khác cho bọn trẻ.

Ngoài ra, vào các dịp cuối tuần, chúng tôi cũng tìm tới các bệnh viện để phát cơm, đồ ăn, đồ dùng hằng ngày cho những bệnh nhân nghèo.

* Ông đã trực tiếp chi tiền xây 13 ngôi trường vùng cao ở Quảng Nam hay tham gia với tư cách là thành viên?

- Sau một thời gian sống ở Hội An, tôi có biết một người bạn ở Hội An rất tốt bụng là anh Huỳnh Đắc Thanh - chủ tịch Câu lạc bộ thiện nguyện Ong Vàng. Qua trao đổi, tôi biết anh Thanh cũng có những tâm nguyện và việc làm giống tôi nhằm trợ giúp những người khó khăn, đặc biệt là các vùng dân tộc thiểu số. 

Tôi quyết định tham gia cùng anh Thanh và từ đó tới nay, khi anh Thanh triển khai các chương trình tình nguyện trợ giúp vùng cao thì tôi tham gia. Chúng tôi đã làm việc cùng nhau, cùng quyên góp tiền để tới nay làm được 13 điểm trường cho học sinh vùng khó khăn.

Nguồn: Tuoitre.vn

Tiп ɱới пɦấł ʋụ 18 łɾẻ 2 – 6 łɦáпɢ łᴜổi ɓị łiêɱ пɦầɱ ʋắc xiп ρɦòпɢ Coʋiɗ-19

Tiп ɱới пɦấł ʋụ 18 łɾẻ 2 – 6 łɦáпɢ łᴜổi ɓị łiêɱ пɦầɱ ʋắc xiп ρɦòпɢ Coʋiɗ-19

Tɦôпɢ łiп łừ Sở Y łế Hà Nội ᵭêɱ 4/11 cɦo ɓiếł 18 łɾẻ ᵭộ łᴜổi łừ 2 – 6 łɦáпɢ ở ɦᴜyệп Qᴜốc Oɑi ᵭếп łɾạɱ y łế xã łiêɱ ʋắc xiп пɦưпɢ ɓị łiêɱ пɦầɱ ʋắc xiп ρɦòпɢ Coʋiɗ-19 Pfizeɾ.