Đại sứ Australia tại Việt Nam: Sinh viên Việt Nam rất xuất sắc!
Tối 12/6, tại Đại sứ quán Australia (Hà Nội) diễn ra sự kiện chào mừng cựu sinh viên Australia mới về nước. Xôn xao tiếng cười nói, những cái ôm, bắt tay chia sẻ, không khí thật ấm cúng như một gia đình, giống như lời chào đón rất chân tình của Đại sứ Craig Chittick với các cựu sinh viên: Chào đón các bạn trở về nhà!
Chia sẻ với báo chí, Đại sứ Craig Chittick rất phấn khởi với lứa “quả ngọt” về hợp tác giáo dục giữa Việt Nam – Australia. Ông cho biết năm 2018 là năm kỉ niệm 45 năm mối quan hệ ngoại giao giữa Australia và Việt Nam. Ngay từ đầu, trọng tâm của mối quan hệ giữa hai quốc gia chúng ta luôn luôn là hợp tác giáo dục. Từ năm 1974 đã có những sinh viên Việt Nam đầu tiên sang Australia học tập. Từ đó đến nay đã có hàng nghìn sinh viên Việt Nam được nhận học bổng để học tập tại Australia.
Chúng tôi ước tính có khoảng 60.000 người Việt Nam đã học tập tại Australia và đều có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Việt Nam. Họ làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, họ là những nhà chức trách, những doanh nhân, những học giả… Do đó, giáo dục đã, đang và sẽ luôn là lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác giữa Australia và Việt Nam. Khoảng 30.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Australia và còn nhiều hơn số đó đang học tập tại các trường, cơ sở giáo dục của Australia tại Việt Nam.
* Đại sứ đánh giá như thế nào về năng lực của du học sinh Việt Nam đang học tập tại Australia?
– Học bổng Chính phủ Australia là một chương trình rất cạnh tranh. Những người được nhận học bổng đều là những cá nhân xuất sắc. Họ đã có cơ hội được học tập và trải nghiệm nền giáo dục chuẩn quốc tế tại Australia. Các trường đại học tại Australia chia sẻ với tôi rằng sinh viên Việt Nam nằm trong nhóm những sinh viên tốt nhất của trường. Vì thế các trường đại học này cũng chủ động tiếp cận sinh viên Việt Nam.
Một trong những cách tiếp cận là xây dựng các chương trình nghiên cứu cao cấp có liên kết với các trường đại học tại Việt Nam. Một ví dụ điển hình là Đại học Công nghệ Sydney (UTS) hiện đang có chương trình liên kết đào tạo ngành kỹ sư và công nghệ thông tin ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Các chương trình này tạo cơ hội cho các trường đại học của Australia làm việc với các nghiên cứu sinh hàng đầu của Việt Nam. Do đó, không chỉ tôi đánh giá sinh viên Việt Nam rất xuất sắc, mà chính đại diện các trường đại học của Australia cũng khẳng định điều đó bằng việc tiếp tục theo đuổi sinh viên Việt Nam.
Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick
* Xin Đại sứ cho biết Chính phủ Australia sẽ có những chính sách gì để tiếp tục hỗ trợ lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam?
Mặc dù một số quốc gia khác đã ngừng cấp học bổng nhưng chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục trao học bổng cho sinh viên Việt Nam. Không chỉ Chính phủ Australia mà cả các trường đại học của Australia cũng đang cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đang đầu tư cho sinh viên Việt Nam học tập tại Australia. Ngay cả các bậc phụ huynh cũng chủ động đầu tư cho con em mình du học tại Australia. Giờ đây, sinh viên Việt Nam không chỉ tìm cơ hội học bổng thông qua chương trình Học bổng Chính phủ Australia mà còn tìm đến nhiều nguồn hỗ trợ tài chính khác nữa, đặc biệt còn có rất nhiều sinh viên tự túc du học tại Australia. Tất nhiên, Học bổng Chính phủ Australia vẫn có một vai trò quan trọng, nhưng tôi rất vui mừng khi thấy nhiều bậc phụ huynh Việt Nam tin tưởng lựa chọn Australia như một điểm đến học tập chất lượng cao cho con em mình.
* Theo Đại sứ, Việt Nam nên có chính sách như thế nào để thu hút nhiều hơn nữa các sinh viên đã học tập ở nước ngoài trở về nước làm việc nhiều hơn?
– Một yêu cầu của Học bổng Chính phủ Australia là sinh viên cần phải trở về Việt Nam sau khi kết thúc khóa học. Chúng tôi đang đầu tư vào sinh viên Việt Nam để giúp họ có thêm những kĩ năng chuyên môn, kĩ năng lãnh đạo. Chúng tôi mong muốn họ trở về với hành trang là những kiến thức, kỹ năng học tại Australia và sử dụng chúng để đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững của Việt Nam.
Theo quan sát của tôi thì phần lớn các sinh viên Việt Nam khác cũng đều trở về nước sau khi hoàn thành chương trình học. Họ yêu thích cuộc sống ở Australia, nhưng họ vẫn trở về vì gia đình và cộng đồng của mình. Họ trở về vì họ có mong muốn đóng góp xây dựng Việt Nam trở thành đất nước tốt đẹp hơn.
Đại sứ Craig Chittick trao chứng chỉ hoàn thành chương trình học sau đại học (Học bổng Chính phủ Australia) cho một cựu sinh viên
* Đại sứ có thể cho biết Chính phủ Australia đã trao bao nhiêu học bổng cho sinh viên Việt Nam trong năm qua và tập trung vào những lĩnh vực gì?
– Năm 2017, Chính phủ Australia đã trao 60 suất học bổng thạc sỹ cho sinh viên Việt Nam học tập tại Australia, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như quản lý nhà nước, kinh tế, môi trường, quản lý nông nghiệp, hỗ trợ người khuyết tật…
Nhiều lần tôi ngạc nhiên khi thấy tỉ lệ nữ nhận được Học bổng Chính phủ Australia khá cao. Chương trình Học bổng Chính phủ Australia luôn trao cơ hội bình đẳng cho cả nam giới và nữ giới. Tôi nhận thấy chất lượng hồ sơ của các ứng viên nữ không kém gì so với các ứng viên nam.
Như các bạn có thể thấy, hôm nay có rất nhiều cựu sinh nữ tham dự Lễ chào mừng cựu sinh viên Australia mới về nước. Đây là minh chứng rõ ràng thể hiện năng lực cạnh tranh và tài năng của phụ nữ Việt Nam có mong muốn học tập tại nước ngoài. Chúng tôi rất hài lòng khi được trao cơ hội cho người Việt Nam học tập tại Australia trong nhiều lĩnh vực để giúp họ đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam sau khi trở về.
* Xin cảm ơn Đại sứ về cuộc trao đổi!
PV
(Theo Giáo dục và Thời đại)
Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao
Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.