RSS

David Dương Bảo Long: Từ chán ghét tên họ, ‘giấu nhẹm’ quê hương đến sinh viên Đại học Y khoa – Harvard, chủ trì dự án 14 tỷ USD nhằm đổi mới giáo dục y tế Việt

16:13 04/01/2020

Bác sĩ ở trạm xá đã nói một điều rất quan trọng, mà tôi mang theo mình đến tận bây giờ: “Việt Nam không giàu có về vật chất, nhưng Việt Nam rất giàu về tình cảm”.

David Duong sinh ra ở Đà Lạt với tên “cúng cơm” là Dương Bảo Long. Năm 1990, khi mới khoảng 4 tuổi, anh cùng gia đình di cư sang Jacksonville, bang Florida sau đó chuyển tới Holland, bang Michigan, Mỹ. Tên David được thêm vào từ ấy, đánh dấu sự đảo lộn trong cuộc sống của cậu bé.

Khi cái tên đã là một sự xấu hổ

Chuyển sang một vùng đất hoàn toàn mới, văn hóa mới, nơi mà lúc ấy gia đình anh là những người châu Á duy nhất sinh sống, nỗi sợ bị kỳ thị đã khiến David ghét bỏ chính tên khai sinh của mình.

Do người Mỹ không đọc từ Long như người Việt, mà thành “long” (nghĩa là dài) trong tiếng Anh, khiến cậu bé luôn bị bạn bè trêu trọc, đem ra làm trò cười.

David Dương Bảo Long: Từ chán ghét tên họ, ‘giấu nhẹm’ quê hương đến sinh viên Đại học Y khoa - Harvard, chủ trì dự án 14 tỷ USD nhằm đổi mới giáo dục y tế Việt - Ảnh 1.

David Duong

“Tôi từng xấu hổ về phần tiếng Việt trong tên mình suốt thời thơ ấu và thời trẻ. Tôi giấu chữ Bảo Long đi, đổi cách phát âm từ Dương.

Khi bố mẹ đón ở trường, tôi sẽ bảo họ đứng chờ cách đó hai dãy phố. Tôi sợ các bạn sẽ nghĩ mình được nhận nuôi. Tôi cũng sợ nếu ở gần trường thì những phụ huynh khác sẽ nói chuyện với bố mẹ, giọng địa phương của họ vẫn còn rất nặng”, anh chia sẻ tại chương trình Talk Vietnam.

Con tự đổi tên rồi nói với giáo viên và chúng tôi. Đến khi con học trung học, tôi đến buổi họp phụ huynh nhưng chẳng nói được nhiều. Tôi cũng không tham gia vào các hoạt động ở trường của David và chẳng thể chuẩn bị được như những bà mẹ Mỹ khác. Hồi nhỏ, những điều này khiến David xấu hổ”, mẹ anh hồi tưởng.

“Tôi từng mong bố mẹ không bận nhiều đến thế!”

Di cư sang đất nước cờ hoa, bố mẹ David Duong phải làm việc cật lực trong một nhà máy đóng gói thịt và một dây chuyền đóng hộp dưa chuột muối cho hãng Heinz. Cuối tuần, cậu bé cùng họ đi thu gom chai, lọ nhôm trên vỉa hè để đổi lấy tiền.

Cuộc sống mưu sinh bận rộn, con chẳng mấy khi thấy mặt ba mẹ, tình cảm của gia đình chỉ gói gọn trong những thanh socola và chiếc tủ lạnh.

David Dương Bảo Long: Từ chán ghét tên họ, ‘giấu nhẹm’ quê hương đến sinh viên Đại học Y khoa - Harvard, chủ trì dự án 14 tỷ USD nhằm đổi mới giáo dục y tế Việt - Ảnh 2.

Khi lớn lên ở Việt Nam, tôi nhớ rằng mình luôn được gặp bố mẹ, cô chú, anh chị em họ. Khi chuyển đến Florida, ký ức đầu tiên của tôi là bố mẹ không bao giờ có mặt vì họ phải làm việc vào ban ngày như dọn nhà vệ sinh, nhặt rác, ban đêm thì phải đến trường học. Vì vậy họ về nhà rất muộn, tôi cũng ngủ mất rồi. Lúc tôi thức dậy, bố mẹ đã ở chỗ làm.

Mẹ biết tôi thích ăn Mr. Goodbar – những thanh socola nhỏ, bên trong có đậu phộng, bọc trong gói giấy vàng nên bà thường giấu chúng sau tủ lạnh cùng mấy dòng chữ: “Mẹ yêu con, mẹ rất muốn chúng ta gặp được nhau”. Nhờ đó, tôi biết rằng mẹ luôn nhớ đến mình.

Còn bố, hai chúng tôi trò chuyện với nhau qua phiếu báo cáo học tập. Tôi sẽ mang phiếu báo cáo về nhà với toàn điểm A và dán lên tủ lạnh. Bố về nhà rất muộn, ông thường viết lên phiếu: “Làm tốt lắm, con trai!”.”

Và như bao đứa trẻ khác, mong muốn có gia đình cạnh bên, David cũng từng mong bố mẹ đừng bận nhiều đến thế. Nhưng chấp nhận thực tế, chàng trai cố gắng học tập để đạt điểm cao, mang về khoe và khiến gia đình tự hào.

Từ chối bỏ mọi thứ về Việt Nam…

Một điều khác khiến chàng trai có nhiều động lực học tập chính là muốn chối bỏ mọi thứ liên quan đến quê hương, đất nước. Anh muốn một danh tiếng khác cho mình, không chỉ là một đứa trẻ Mỹ gốc Việt.

David Dương Bảo Long: Từ chán ghét tên họ, ‘giấu nhẹm’ quê hương đến sinh viên Đại học Y khoa - Harvard, chủ trì dự án 14 tỷ USD nhằm đổi mới giáo dục y tế Việt - Ảnh 3.

Kết quả là, David luôn đạt điểm cao nhất tại mọi lớp mà mình tham gia. Anh nhận được bằng Thạc sĩ Y tế công cộng từ Đại học Michigan, sau đó tiếp tục theo học tại Đại học Y Harvard và nhận học bổng Fulbright.

Hiện anh là giám đốc Chương trình Chăm sóc Ban đầu Toàn cầu và Thay đổi Xã hội của Đại học Y Harvard. Đồng thời, David cũng là bác sĩ tại Bệnh viện Brigham & Women’s ở Boston.

Với David, ký ức về lần đầu tiên trở về quê hương chỉ là mọi thứ quá bẩn thỉu, mọi người nói quá nhanh thứ tiếng mà anh không thực sự hiểu.

… đến trở về tìm lẽ sống

Bước ngoặt tới khi David theo học tại Đại học Michigan, lần đầu tiên anh nhìn thấy những người giống mình. “Tôi bắt đầu nhận ra rằng không phải da trắng cũng được, không sống theo kiểu của người Mỹ cũng không sao cả”.

Anh tò mò về văn hóa của quê hương và tự mình trở lại Việt Nam cùng vài người bạn nước ngoài. Nhưng chẳng về “tay không”, David Duong đã thành lập tổ chức phi chính phủ có tên Crossing Borders (Xuyên Biên Giới), cùng nhóm bạn là sinh viên Mỹ, làm tình nguyện tại trạm y tế xã Điêu Lương, Phú Thọ trong ba mùa hè, từ năm 2005 đến 2007.

David trong một lần về thăm lại gia đình bác sĩ tại Điêu Lương, người đã cho anh ở nhờ trong suốt thời gian làm tình nguyện.

Họ đã tham gia và chứng kiến các hoạt động từ tiêm vắc xin đến sinh nở, từ các lớp học về dinh dưỡng đến băng bó, cứu thương,… David thậm chí còn trải qua ca hộ sinh trong đêm tối mất điện, chỉ có ánh sáng của nến và đèn pin, một trải nghiệm không bao giờ có ở Mỹ hay nhiều nước khác.

Hành trình chưa kết thúc tại Điêu Lương. Suốt 5 năm qua, bác sĩ David Duong tiếp tục đến với hàng chục trạm y tế cấp xã trên khắp Việt Nam để giúp đỡ, tập huấn cho các nhân viên y tế. Đồng thời, anh cũng đang phụ trách một dự án hợp tác công tư trị giá 14 tỷ USD nhằm đổi mới giáo dục y tế của Việt Nam, khởi đầu bằng việc áp dụng giáo trình mới cho 5 trường đại học.

David Dương Bảo Long: Từ chán ghét tên họ, ‘giấu nhẹm’ quê hương đến sinh viên Đại học Y khoa - Harvard, chủ trì dự án 14 tỷ USD nhằm đổi mới giáo dục y tế Việt - Ảnh 5.

“Điều khiến tôi thỏa mãn qua những dự án, là tình yêu Việt Nam của tôi lớn lên từng ngày. Bác sĩ ở trạm xá đã nói một điều rất quan trọng mà tôi mang theo mình đến tận bây giờ, rằng: “Việt Nam không giàu có về vật chất, nhưng Việt Nam rất giàu về tình cảm”.

Tôi không biết từ “tình cảm” dịch sang tiếng Anh là gì, nhưng có lẽ đó là cảm xúc khi bạn muốn đất nước này tốt đẹp hơn.”

Nguồn: Cafef.vn

Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao

Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao

Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.