‘Định cư ở nước ngoài chỉ là ác mộng khi bạn không đủ xuất sắc’
‘Nếu bạn không ở lại được thì là do năng lực chưa vượt trội hơn người bản xứ, chứ không phải vì di cư khổ nên không thèm ở’, chị Trần Như viết.
Bài viết dưới đây là của chị Trần Như, 38 tuổi, người Hà Nội, đang làm việc tại một công ty sản xuất phụ tùng ôtô ở Ontario, Canada. Chị Như cho biết, khi ở Việt Nam, vợ chồng chị đã có công việc và thu nhập tốt, vợ làm việc cho tổ chức nước ngoài, chồng có cơ sở kinh doanh riêng, có đầy đủ nhà lầu, xe hơi. Tuy vậy, lo lắng vì môi trường ô nhiễm, lúc con đi học lại gặp nhiều vấn đề nên khi có cơ hội, chị sang Canada làm việc, rồi đưa cả chồng, con qua đây. Sau 2 năm ở bên này, gia đình chị có cuộc sống rất thuận lợi nên dự định sẽ định cư lâu dài:
Di cư tới những nước phát triển hơn đang là xu hướng bùng nổ tại Việt Nam nhưng đây không phải là sự lựa chọn phù hợp cho mọi người.
Tôi từng làm cho nhà nước, tổ chức phi chính phủ, công ty đánh giá ISO của Đức, Mỹ và công ty sản xuất của Nhật khi ở Việt Nam. Hiện tôi làm trưởng phòng chất lượng cho một công ty sản xuất tại Canada. Khi ở Việt Nam, tôi làm việc 44 – 45 giờ/tuần, còn tại Canada, tôi chỉ làm 40 giờ, có phần nhàn nhã hơn và dành được nhiều thời gian cho con cái. Ngoài nghỉ thứ 7, chủ nhật, tôi còn có 7 kỳ nghỉ cuối tuần dài gồm hai ngày cuối tuần và một ngày nghỉ thường vào thứ hai. Tất nhiên kỳ nghỉ Giáng sinh dài nhất. Ngoài ra, các công ty sản xuất thường có cả kỳ nghỉ hè 1-2 tuần.
Ở đây, lương trả cho những người làm vị trí như tôi hoặc khối văn phòng thường theo năm, tức theo khối lượng công việc của vị trí đó, đôi lúc bận việc quá ở lại ngoài giờ cũng không có tiền làm thêm. Tuy nhiên, nếu có việc bận ra ngoài vài tiếng hoặc đến muộn, về sớm vài giờ, bạn chỉ cần thông báo cho người có liên quan là được. Những người không bận rộn gì ở nhà thì có thể làm lương theo giờ, làm ngoài giờ để được hưởng 150% lương, để có thêm tiền đi du lịch. Vậy nên có chuyện anh chồng làm kỹ sư cho Boeing lương trả theo năm còn chị vợ làm công nhân lương trả theo giờ nhưng bà vợ chịu làm thêm nhiều nên lương cao hơn cả anh chồng. Tôi còn biết một chú công nhân làm cho hãng sản xuất ôtô lớn, khi nghỉ hưu nhận được tiền từ quỹ công đoàn và các loại bảo hiểm cỡ 0,5 triệu đôla. Hằng tháng vẫn nhận tiền lương hưu đều đặn cộng với tiền tích lũy bao năm nên ông mua xe mui trần cổ và du thuyền nhỏ để tận hưởng cuộc sống.
Nhiều người cho rằng người nhập cư chịu thiệt thòi vì nước sở tại thường ưu tiên việc làm cho công dân của họ. Nhưng thực tế, nếu di cư hợp pháp đến Canada và có giấy phép làm việc, bạn có thể ứng tuyển mọi vị trí (trừ các việc liên quan đến an ninh quốc phòng). Không doanh nghiệp/tổ chức nào phân biệt đối xử về chủng tộc, giới tính, tôn giáo, tình trạng sức khỏe, tuổi tác trong quá trình tuyển dụng, bởi như vậy là phạm luật. Như tôi, chưa là thường trú nhân của Canada, nhưng vẫn xin được việc tốt, không bị ai kỳ thị.
Như vậy, nếu ai ra nước ngoài và khó xin việc, thì chỉ là do năng lực của họ chưa vượt trội hơn người bản xứ. Bạn có thể giỏi ở Việt Nam nhưng tiếng Anh của bạn hạn chế, ngay cả các bạn thi IELTS với điểm nói 7.0-8.0 thì vẫn gặp khó khăn nếu vào làm công việc liên quan đến kỹ thuật hoặc tài chính. Khi đó, từ chuyên ngành nhiều như “lá mùa thu” nên nếu bạn không chuẩn bị kỹ thì cũng không hiểu vấn đề. Không những thế, dân tới Canada từ rất nhiều nước khác nhau nên giọng nói đôi lúc khá khó nghe. Tôi từng làm việc với những khách hàng gốc Ấn, Nga, Ucraina, Hà Lan… , ban đầu nghe không hiểu hết được nhưng khi đã có vốn từ và hiểu biết thì sẽ thẩm âm tốt.
Bởi vậy, chuyện nhiều người đi du học xong không xin được việc để ở lại là hết sức bình thường. Mới học xong, chưa có kinh nghiệm, cũng không quá xuất chúng thì rất khó xin việc, ngay cả với người bản xứ. Bạn thử nghĩ xem, một năm có bao nhiêu ngàn người đi du học thì tỷ lệ bao nhiêu người xin được việc để ở lại. Vậy nên, nếu bạn không định cư được ở các nước phát triển, là do chưa đủ xuất sắc chứ không phải vì di cư khổ lắm nên không thèm ở.
Mùa đông tuyết dày tại khu vực chị Như sống ở Ontario, Canada. Ảnh: Trần Như.
Còn khi đã ở lại được, khẳng định được vị trí, giá trị của mình, bạn sẽ có rất nhiều điều thuận lợi chứ không chỉ mỗi nếm khổ ở xứ người.
Thứ nhất, bên này cuộc sống rất tiện nghi. Nhà có hệ thống sưởi và điều hòa, bạn có thể mặc đồ mùa hè quanh năm. Tất cả các ngôi nhà đều có hệ thống báo cháy theo quy định, nấu ăn hơi khói là chuông báo động réo inh ỏi. Thành phố 10.000 dân cũng có một trung tâm thể dục công cộng với hệ thống bể bơi nước ấm, sauna, xông hơi mà vé cũng chỉ 3 – 4 đôla một người mỗi lần. Nếu ai chăm đi tập, mua vé năm thì chỉ khoảng 220 đôla. Thành phố 20.000 dân như chỗ tôi ở thì có 2 trung tâm thể thao lớn và hiện đại.
Người dân nơi đây thích sống ở ngoại ô hơn vì có nhiều không gian cho hoạt động ngoài trời, họ thích mua cano nhỏ, thuyền kayak, nhà nào khá hơn mua du thuyền đi vi vu đây đó. Mùa đông lạnh thì người nghỉ hưu sẽ sang California (Mỹ) tận hưởng nắng ấm, mùa xuân lại quay về.
Ở đây, tôi cũng được hưởng dịch vụ y tế tốt. Bác sĩ, y tá thân thiện, hầu như chưa thấy ai phàn nàn về thái độ của nhân viên y tế. Một lần, tôi bị tai nạn xe hơi, khi vào nhập viện là 7-8 y tá, bác sĩ vây quanh. Một cô y tá bảo tôi: “Áo choàng của chị đẹp quá, tôi sẽ cởi ra chứ không cắt nó nhé”. Sau đó, một vị bác sĩ đến từ Somali nói tiếp: “Đúng rồi, đừng cắt bỏ chiếc áo, nó đẹp quá”.
Lần đó, tôi không phải trả một xu viện phí nào. Thẻ bảo hiểm y tế của chính phủ sẽ trả chi phí khám chữa bệnh. Thẻ bảo hiểm y tế của công ty sẽ trả 90% chi phí thuốc men. Tôi có ông anh bị bệnh viêm gan B, thuốc uống mỗi ngày một viên hết 27 đôla. Do vợ chồng anh đều đi làm nên thẻ bảo hiểm y tế của hai người trang trải hết, anh không phải chi trả gì.
Tất nhiên, khi muốn gặp bác sĩ, bạn cần đặt hẹn và tùy theo bác sĩ ở đâu mà lịch hẹn sẽ nhanh hay chậm. Nhiều bệnh viện ở các thành phố lớn quá tải nên cũng có tình trạng chờ hơn nửa ngày mới được khám.
Điều tôi thấy “được” nhất khi sang đây là là chuyện học hành của con cái. Con tôi học trường công giáo, trẻ ở đó rất lịch sự. Con tôi vốn rất nhút nhát. Khi ở Việt Nam, ngày nào đi học cháu cũng bị vài bạn to lớn hơn bắt nạt. Sang đây, cháu hoà nhập rất nhanh, chưa khi nào bị ai bắt nạt. Thi thoảng, cô hiệu trưởng còn tới ngồi đọc sách với cháu.
Ngoài ra, trường không gây áp lực bắt các bé phải học. Bé nào học giỏi, học kém đều được cô thưởng như nhau nên trẻ rất thích đi học. Chương trình học thiên về tư duy chứ không dạy học vẹt. Theo thống kê chỉ có 27% trẻ sẽ đủ giỏi để vào đại học, số còn lại sẽ học các trường nghề. Do vậy cha mẹ nếu muốn con vào top 27% kia thì nên dạy thêm ở nhà. Những người học nghề ra, nếu có tay nghề tốt, thu nhập của họ cũng tương đương kỹ sư, nên cha mẹ ở đây họ để con vui chơi và học theo sở thích. Một mặt trái của việc học nhẹ nhàng, không áp lực ở tiểu học là trẻ khi lên đại học nếu học quá căng thẳng là chúng không chịu được, lại xin chuyển xuống cao đẳng.
Tất nhiên, không ở đâu là thiên đường cả. Chỗ nào cũng có cái được, cái mất.
Tại nơi tôi đang ở, việc sử dụng dịch vụ đắt hơn Việt Nam (như vậy cũng đúng thôi, nếu không lấy đâu ra tiền trả lương cao cho người lao động). Thuế phải đóng cao hơn. Rau hơi đắt chút, nhất là vào mùa đông. Đi ăn phở đắt hơn ở Việt Nam. Nhà khá đắt vì Trung Quốc, Hàn, Nhật đổ tiền mua nhà ở Canada những năm gần đây nhiều quá.
Ăn hàng với các món phục vụ tại bàn khá đắt nhưng ăn buffet thì giá lại không cao hơn ở Việt Nam. Có nhà hàng phục vụ cả càng cua huỳnh đế thoải mái nhưng giá cũng chỉ 25 đôla một người. Pizza, đồ ăn nhanh, cà phê giá cũng chỉ bằng hoặc thấp hơn giá tiền ở Việt Nam và so với thu nhập ở đây thì quá rẻ.
Tôi thấy đồ ăn mua ở siêu thị rất rẻ so với thu nhập, nhập chí nếu quy đổi ra tiền Việt. Nhiều mặt hàng như cá hồi, tôm hùm, thịt bò, trái cây đủ loại, kem, sữa chua, sữa, sữa tắm, mỹ phẩm, quần áo… vẫn rẻ hơn ở nhà nhiều. Bạn có thể ăn cá hồi, thịt bò, tôm sú hằng ngày. Chi phí mua đủ loại thực phẩm của nhà tôi (ăn theo sở thích chứ không cần phải so đo tiết kiệm) một tháng chừng 500 đôla… Như vậy, chỉ cần bạn đi làm thì chuyện ăn ngon, mua đồ hiệu ở xứ này không có gì là to tát.
Nhiều người nói mua nhà và xe ở nước ngoài là phải trả nợ cả đời. Điều này đúng, nhưng các bạn phải làm phép tính để so sánh mới trực quan được. Ở Việt Nam, lương vợ chồng bạn dù mỗi người 30 triệu/tháng (có nhiều người cao hơn nữa, nhưng thực tế có bao nhiêu phần trăm dân số được mức lương này), bạn đóng thuế thu nhập và bảo hiểm 3 triệu/tháng. Ước tính bạn sẽ chi cho con học ở trường tư khoảng 8 triệu, học tiếng Anh một triệu/tháng, mua thực phẩm cho cả nhà 10 triệu, đi ăn hàng 3 triệu, tiền điện nước một triệu, tiền xăng xe một triệu, nếu dùng ôtô thì chi phí xăng – gửi xe – phí đường cỡ 7 triệu. Như vậy bạn còn khoảng 25 triệu một tháng tức dư ra được 300 triệu/năm.
Nếu bạn mua nhà chung cư 3 tỷ thì bạn tiết kiệm 10 năm, mua xe một tỷ, bạn phải tiết kiệm hơn 3 năm. Đấy là về mặt lý thuyết, còn thực tế có rất nhiều khoản chi phát sinh như cưới xin, thăm hỏi, quà cáp, ốm đau, quần áo, du lịch, giúp việc… nên số tiền dành dụm còn lại không bao nhiêu. Vậy thì trừ khi bố mẹ làm doanh nhân, cán bộ… mới có tiền cho con đi du học hoặc đứa trẻ xuất sắc có học bổng, không thì tiền đâu cho con du học.
Ở Canada ai cũng tự lập, chuyện đi làm mua nhà trả góp 10 năm tới 30 năm là bình thường, không có gì là nghèo khổ hay là việc đáng thương với riêng người nhập cư cả. Thậm chí người nhập cư thường là những người có học thức và tài sản, họ còn mua nhà thời hạn ngắn hơn dân bản xứ nhiều.
Nếu 2 vợ chồng cùng đi làm, tiền trả nhà chiếm khoảng 30-50% thu nhập của một người, con đi học không mất tiền, các chi phí khác cũng không nhiều nên còn dư ra khá khá. Ai khéo tính toán có khi còn mua được thêm 1-2 căn nhà cho thuê. Xe hơi thì sẽ rẻ hơn khoảng 3 lần so với ở Việt Nam. Ai nhiều tiền thì mua xe xịn, ít tiền thì mua xe thường đã qua sử dụng.
Nói chung, tôi đang hạnh phúc với cuộc sống ở đây, do từ nhỏ đã đi học xa nhà và dễ hòa nhập nên không nhớ Việt Nam đến mức muốn bỏ về, nhưng nhớ gia đình. Ở bên này thuận lợi cho cả gia đình. Con cái không phải vất vả học tiếng Anh, bố mẹ không phải cày kéo vất vả để tích tiền cho con đi du học.
Ai cũng có quyền lựa chọn nơi sống tốt và phù hợp cho sự phát triển của mình, gia đình. Tuy nhiên, các bạn thuộc tuýp khó hòa nhập, ngôn ngữ hạn chế thì phải cân nhắc thật kỹ.
Nɢười Việł ᵭi пước пɢoài ảo ʋới łưởпɢ ƙiếɱ łiềп łɾiệᴜ ᵭô, пɦưпɢ ƙɦôпɢ пɢờ 10 пăɱ lại łɾở ʋề Việł Nɑɱ ʋới 2 ɓàп łɑy łɾắпɢ
Được ᵭịпɦ cư ở Mỹ là пỗi ƙɦáł ƙɦɑo ᵭếп á.ɱ ả.пɦ củɑ пɦiềᴜ пɢười Việł. Kɦôпɢ íł łɾườпɢ ɦợρ, cả ᵭời cầy cᴜốc, ɢoɱ ɢóρ łiềп ɓạc ᵭể ɢửi coп sɑпɢ Mỹ ɦọc. Tiếρ łɦeo, ɓ.áп пɦà cửɑ, ɢoɱ ɢóρ łiềп ɓạc ᵭưɑ cả ɢiɑ ᵭìпɦ ɗi cư sɑпɢ Mỹ.