RSS

Donald Trump - từ tỷ phú bất động sản đến tổng thống 'nói là làm'

01:55 17/09/2020

Rất lâu trước khi đắc cử tổng thống Mỹ, Donald Trump vốn nổi tiếng với vị trí tỷ phú bất động sản kiêm ngôi sao truyền hình thực tế.

Sinh ngày 14/6/1946 tại quận Queens, thành phố New York, Mỹ, Donald Trump là con thứ tư của ông trùm bất động sản Fred Trump. Dù sinh ra trong gia đình giàu có, Trump từng bị sắp xếp làm ở những vị trí cấp thấp nhất trong công ty của cha và được gửi tới một trường quân sự vào năm 13 tuổi, khi ông bắt đầu cư xử không tốt tại trường học.

Kết thúc bậc trung học vào năm 1964, Trump theo học hai năm tại Đại học Fordham, New York, rồi chuyển sang Trường Tài chính và Thương mại Wharton thuộc Đại học Pennsylvania để nối nghiệp cha, sau khi anh trai Fred của ông quyết định theo đuổi nghề phi công. Tuy nhiên, chứng nghiện rượu khiến anh trai của Trump mất sớm ở tuổi 43, sự cố khiến Trump tránh rượu và thuốc lá suốt đời.

Trump cho biết ông bước chân vào lĩnh vực bất động sản với khoản vay "nhỏ" trị giá một triệu USD từ cha mình, trước khi gia nhập công ty. Sau đó, ông giúp quản lý những dự án nhà dân của cha tại các quận ở thành phố New York. Năm 1974, Trump trở thành chủ tịch tập đoàn của cha và đổi tên nó thành Trump Organization. Cha của Trump, người mà ông coi là "nguồn cảm hứng", qua đời năm 1999.

Sau khi tiếp quản tập đoàn, Trump chuyển hướng kinh doanh của gia đình từ những khu dân cư ở Brooklyn và Queens sang các dự án xa hoa ở quận Manhattan, như biến khách sạn Commodore xuống cấp thành Grand Hyatt lộng lẫy, hay xây dựng Tháp Trump gồm 68 tầng trên Đại lộ số 5, tài sản nổi tiếng nhất của ông. Nhiều dự án bất động sản khác cũng kèm theo tên của ông như một thương hiệu, bao gồm Tháp Thế giới Trump, Tháp và Khách sạn Quốc tế Trump. Tháp Trump cũng hiện diện ở Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Philippines.

Donald Trump gọi điện thoại sau khi công bố kế hoạch phát triển khu phía tây của Manhattan tại New York, Mỹ, vào tháng 11/1985. Ảnh: NY Times.
Donald Trump gọi điện thoại sau khi công bố kế hoạch phát triển khu phía tây của Manhattan tại New York, Mỹ, vào tháng 11/1985. Ảnh: NY Times.

Trong những năm 1980, Trump còn mở những khách sạn kiêm sòng bạc ở thành phố Atlantic, bang New Jersey, thâu tóm khách sạn Plaza ở Manhattan và mua lại khu Mar-a-Lago tại Palm Beach, bang Florida, nơi ông biến thành câu lạc bộ tư nhân. Trump còn từng sở hữu một hãng hàng không và một đội bóng chuyên nghiệp trong thời gian ngắn.

Năm 1987, Trump xuất bản cuốn hồi ký và kinh nghiệm kinh doanh có tên "Nghệ thuật Đàm phán", một trong những cuốn sách bán chạy hàng đầu. Theo Forbes, tài sản ròng của ông vào năm 1989 trị giá 1,5 tỷ USD. Đây cũng là năm mà lần đầu tiên ông xuất hiện trên trang bìa tạp chí Time.

Tuy nhiên, vào đầu những năm 1990, sau khi nền kinh tế suy thoái, thị trường bất động sản lao dốc, Trump lâm vào cảnh nợ nần và một số sòng bạc của ông phải nộp đơn xin phá sản. Năm 1995, Trump báo lỗ gần một tỷ USD trong hồ sơ thuế, nhưng cuối cùng vẫn từng bước trở lại thị trường, tiếp tục mua và phát triển bất động sản. Tính đến năm 2016, khi Trump trở thành tỷ phú đầu tiên đắc cử tổng thống Mỹ, "đế chế" của ông bao gồm các tòa nhà văn phòng, khách sạn và sân golf khắp thế giới.

Ngoài kinh doanh, Trump còn là một người thành công trong lĩnh vực giải trí. Từ năm 1996 đến 2015, ông là người sở hữu các cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Mỹ và Hoa hậu Thiếu niên Mỹ. Năm 2003, Trump cho ra mắt chương trình truyền hình thực tế "Người tập sự" trên kênh NBC, nơi các thí sinh cạnh tranh vị trí quản lý trong tập đoàn của ông. Sau 14 mùa dẫn dắt chương trình, Trump cho biết ông được trả tổng cộng 213 triệu USD.

Trump đã kết hôn ba lần, đầu tiên là với Ivana Zelnickova, một vận động viên kiêm người mẫu Czech. Họ có ba người con là Donald Jr, Ivanka và Eric, đệ đơn ly hôn vào năm 1990. Năm 1993, Trump cưới diễn viên Marla Maples, có một con gái tên Tiffany trước khi ly hôn vào năm 1999. Trump cưới Đệ nhất phu nhân Melania, một người mẫu, hồi năm 2005 và hai người có một con trai là Barron. Các con của Trump đều đang giúp điều hành Trump Organization.

Trump bày tỏ sự quan tâm đến việc chạy đua tổng thống ngay từ năm 1987, thậm chí từng tham gia cuộc bầu cử năm 2000 với tư cách ứng viên đảng Cải cách. Sau năm 2008, ông trở thành một trong những người nhiệt tình nhất nêu nghi vấn về nơi sinh của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông nghi ngờ liệu Obama có đúng là sinh ở Mỹ để đủ tư cách tranh cử hay không, nhưng cuối cùng thừa nhận nghi vấn này không có căn cứ.

Tháng 6/2015, Trump chính thức tuyên bố tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng.

"Chúng ta cần ai đó thực sự đảm nhiệm và đưa đất nước này vĩ đại trở lại. Chúng ta có thể làm việc đó", Trump phát biểu trong bài tuyên bố tranh cử, cam kết rằng với tư cách một ứng viên không cần gây quỹ, ông sẽ không phục vụ nhóm lợi ích đặc biệt nào và trở thành ứng viên ngoại lệ hoàn hảo.

Với khẩu hiệu "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" và quan điểm "Nước Mỹ trên hết", Trump đã tiến hành một chiến dịch gây tranh cãi, dựa trên những lời hứa như củng cố nền kinh tế Mỹ, tạo ra hàng triệu việc làm mới, xây dựng bức tường ở biên giới phía nam với Mexico để ngăn nhập cư trái phép, giảm đáng kể ảnh hưởng của các nhà vận động hành lang ở Washington, rút Mỹ khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, áp thuế với những quốc gia bị cáo buộc có hành vi thương mại không công bằng với Mỹ.

Bất chấp những cuộc biểu tình lớn tại các sự kiện tranh cử của ông, cùng nỗ lực từ hai đối thủ cùng đảng là Ted Cruz và Marco Rubio, Trump vẫn giành được đề cử tổng thống của phe Cộng hòa hồi năm 2016. Khó khăn chưa dừng lại ở đó, khi xuất hiện một đoạn ghi âm từ năm 2005, ghi lại những nhận xét khiếm nhã của Trump về phụ nữ, cùng đánh giá từ các đảng viên Cộng hòa rằng ông không phù hợp làm tổng thống. Kết quả thăm dò cũng cho thấy Trump luôn theo sau đối thủ phía đảng Dân chủ là Hillary Clinton.

Tuy nhiên, Trump đã làm nên lịch sử với việc trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ vào ngày 20/1/2017, là tổng thống Mỹ đầu tiên chưa từng giữ một chức vụ dân cử hoặc phục vụ trong quân đội.

Trump phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống tại thủ đô Washington vào ngày 20/1/2017. Ảnh: AP.
Trump phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống tại thủ đô Washington vào ngày 20/1/2017. Ảnh: AP.

Gần như ngay sau khi nhậm chức, Trump bắt đầu ban hành một loạt sắc lệnh hành pháp nhằm hiện thực hóa những cam kết trong chiến dịch tranh cử, tạo ấn tượng nhanh chóng, dứt khoát.

Sắc lệnh đầu tiên, được ký vào ngày đầu tiên Trump giữ cương vị tổng thống, yêu cầu giảm bớt gánh nặng pháp lý và kinh tế liên quan tới Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (ACA), di sản nổi bật của Obama, trong khi chờ "bãi bỏ nhanh chóng" luật đó.

5 ngày sau, ông chỉ đạo Bộ An ninh Nội địa Mỹ bắt đầu lên kế hoạch xây dựng bức tường dọc biên giới phía nam đất nước. Một sắc lệnh khác áp đặt lệnh cấm 5 năm đối với "các hoạt động vận động hành lang" của những cựu nhân viên nhánh hành pháp. Tuy nhiên, một số quy định giúp hạn chế vận động do chính quyền tiền nhiệm ban hành bị loại bỏ hoặc làm suy yếu.

Một trong những sắc lệnh gây tranh cãi nhất của Trump khi mới cầm quyền, ký ngày 27/1/2017, là tạm thời đình chỉ nhập cư vào Mỹ đối với người dân từ 7 quốc gia Hồi giáo lớn, tương ứng với lời hứa "cấm Hồi giáo" khi tranh cử của ông. Bất chấp các cuộc biểu tình tại nhiều sân bay lớn ở Mỹ, Trump tiếp tục chỉ đạo chính phủ "tăng cường sàng lọc" việc tiếp nhận người tị nạn vào tháng 10/2017 sau khi sắc lệnh trên hết hạn, nhưng quy định này bị một thẩm phán liên bang ở Seattle dỡ bỏ một phần đáng kể.

Tháng 4/2018, chính quyền Trump ban hành chính sách nhập cư "không khoan nhượng", truy tố hình sự tất cả người nước ngoài trưởng thành vào Mỹ bất hợp pháp, buộc trẻ em trong những gia đình nhập cư trái phép phải rời cha mẹ, hoặc người giám hộ, và bị đưa vào những cơ sở tạm trú. Hình ảnh những đứa trẻ kêu khóc bên trong hàng rào khiến chính sách của Trump bị dư luận quốc tế phản đối dữ dội. Cùng sức ép từ phía quốc hội, tới cuối tháng 6/2018, Trump đã ký sắc lệnh chấm dứt tình trạng chia rẽ.

Về chính sách đối ngoại, một chủ đề chính trong chiến dịch tranh cử của Trump là quan điểm Mỹ lâu nay bị đối xử bất công, hoặc bị các nước khác lợi dụng, bao gồm cả một số đồng minh truyền thống, dẫn tới quyết định rút khỏi một số thỏa thuận.

Tháng 1/2017, Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một trong những thành tựu đối ngoại của Obama. Tháng 6/2017, ông rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, vì cho rằng nó làm suy yếu nền kinh tế và gây bất lợi cho Mỹ. Tháng 5/2018, ông tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, được ký giữa nước này với 6 cường quốc hồi năm 2015 sau 15 năm đàm phán ngoại giao nhằm kiềm chế Tehran làm giàu uranium và phát triển hạt nhân.

Trump cũng tăng thuế với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ các nước, bao gồm cả đồng minh như Hàn Quốc, Canada, Brazil và các quốc gia Liên minh châu Âu (EU). Đặc biệt, những đòn thuế ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây ra chiến tranh thương mại giữa hai nước từ năm 2018, sau đó được xoa dịu nhờ thỏa thuận thương mại giai đoạn một ký hồi đầu năm.

Lập trường chống Bắc Kinh mạnh mẽ cũng là điểm nhấn trong nhiệm kỳ đầu của Trump và là "vũ khí" đắc lực giúp ông tái tranh cử, khi người Mỹ ngày càng ác cảm với Trung Quốc. Quan hệ giữa hai nước xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, căng thẳng trên một loạt vấn đề như thương mại, công nghệ, Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương, Biển Đông, hay gần đây là Covid-19.

Trong khi đó, Trump lại phát triển mối quan hệ tốt đẹp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Hai người từng trực tiếp gặp mặt ba lần tại Singapore hồi tháng 6/2018, Hà Nội hồi tháng 2/2019 và biên giới liên Triều hồi tháng 6/2019, đồng thời thường xuyên trao đổi thư từ. Tuy nhiên, quá trình đàm phán giữa hai nước vẫn bế tắc do bất đồng về lệnh trừng phạt và quy mô phi hạt nhân hóa.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc vận động ở thành phố Henderson, bang Nevada, hôm 13/9. Ảnh: AFP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc vận động ở thành phố Henderson, bang Nevada, hôm 13/9. Ảnh: AFP.

Một trong những vấn đề phủ bóng nhiệm kỳ đầu tiên của Trump là nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Tháng 2/2017, Michael Flynn, người mới được Trump chỉ định làm cố vấn an ninh quốc gia, bị buộc phải từ chức sau khi báo chí tiết lộ ông không báo cáo đầy đủ nội dung cuộc gọi với đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak cho Phó tổng thống Mike Pence.

Mối liên hệ giữa Flynn và Kislyak, cả trước và sau bầu cử, đều bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) giám sát như một phần của cuộc điều tra bí mật kể từ tháng 7/2016 về khả năng thông đồng giữa giới chức Nga và các thành viên chủ chốt trong chiến dịch tranh cử của Trump.

Tháng 5/2017, cựu giám đốc FBI Robert Mueller được chỉ định làm công tố viên đặc biệt để điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ và mối quan hệ giữa đội ngũ tranh cử của Trump với Moskva. Trump nhiều lần bác bỏ cáo buộc, chỉ trích cuộc điều tra là "cuộc săn phù thủy" xuất phát từ "xung đột lợi ích". Nga cũng cho rằng nghi vấn này "lố bịch" và là "màn hài kịch đáng xấu hổ".

Xuyên suốt cuộc điều tra kéo dài 22 tháng, đội ngũ của Mueller đã truy tố tổng cộng 34 người, bao gồm một loạt cựu phụ tá và cộng sự thân cận của Trump. Tuy nhiên, báo cáo điều tra công bố hồi tháng 3/2019 kết luận chiến dịch của Trump không thông đồng với Nga, cũng không đủ bằng chứng truy tố Tổng thống tội cản trở pháp lý, dù Mueller đã liệt kê 10 trường hợp Trump cố ngăn chặn cuộc điều tra.

Rắc rối nổi bật khác mà Trump phải đương đầu trong nhiệm kỳ đầu tiên là việc bị xem xét bãi nhiệm. Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát hồi tháng 12/2019 thông qua hai điều khoản xem xét bãi nhiệm Trump, bao gồm lạm quyền và cản trở quốc hội.

Tổng thống Mỹ bị cáo buộc gây sức ép với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, nhằm buộc nước này điều tra Joe Biden và con trai Hunter, trong bối cảnh cựu phó tổng thống Mỹ trở thành đối thủ tranh cử lớn nhất của ông. Bất chấp nỗ lực của phe Dân chủ, Thượng viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát không kết tội Trump.

Thành tựu kinh tế là một trong những "quân bài" quan trọng mà Trump sử dụng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Cuối năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, Mỹ đã được tận hưởng nền kinh tế phát triển kỷ lục trong vòng 11 năm. Các công ty tuyển 2,2 triệu người vào năm ngoái, đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 3,5%, mức thấp nhất trong nửa thế kỷ.

Tuy nhiên, nền kinh tế lao dốc cùng cách xử lý đại dịch bị đánh giá sai lầm của chính quyền Trump khiến tỷ lệ tín nhiệm của ông trong các cuộc thăm dò bị kéo xuống, tạo thời cơ cho Biden dẫn trước. Nhằm cứu vãn tình hình, Trump dường như nỗ lực thuyết phục cử tri rằng chính phủ đã phản ứng phù hợp với đại dịch, đổ lỗi cho Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồng thời gợi lại bức tranh kinh tế "màu hồng" trước cuộc khủng hoảng.

Bất chấp một loạt khó khăn bủa vây, tỷ lệ tín nhiệm với Trump trong vấn đề kinh tế vẫn cao, số cử tri ủng hộ ông tại các bang chiến trường cũng tăng dần, thắp lên hy vọng "lội ngược dòng" cho Tổng thống Mỹ.

"Bạn đã sẵn sàng đón nhận chiến thắng của Trump chưa? Bạn có chuẩn bị tinh thần để xem Trump đánh bại đối thủ một lần nữa không?", Michael Moore, nhà quan sát chính trị Mỹ, viết trên Facebook ngày 28/8.

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.