Giấc mơ Anh của người vượt biên: 10.000 bảng Anh đổi lấy một 'chỗ ngồi trong thùng xe' và những cái chết ở nấm mồ không đáy
Vụ việc 39 thi thể được phát hiện trong container ở Anh được coi là thảm kịch vượt biên kinh hoàng nhất trong 20 năm qua.
"Có người vượt biên, là vì cuộc sống; có người phản đối vượt biên, là vì ảnh hưởng uy tín quốc gia. Trước thảm kịch hiện tại, chúng ta có lẽ cần hơn sự thông cảm và thấu hiểu. Chúng ta có thể không bao giờ biết được, những người ở trong container đó, họ đã mơ giấc mơ nào khi rời đi, có hay không người thân ở đích đến, cũng không còn cơ hội đoàn tụ và sau lưng họ là bao nhiêu người thân đang đau khổ", tạp chí New Weekly (Trung Quốc) viết.
Theo tạp chí này, vụ 39 người chết tại Anh là thảm kịch nhập cư bất hợp pháp kinh hoàng nhất trong 20 năm qua. Vào lúc 1h40 sáng giờ địa phương ngày 23/10, cảnh sát địa phương đã tìm thấy 39 thi thể trong container ở một khu công nghiệp tại Essex. Sở cảnh sát Essex sẽ phải đối mặt với vụ mưu sát lớn nhất trong lịch sử địa phương.
Một số phương tiện truyền thông báo cáo rằng, 39 người đã bị nhốt trong container với nhiệt độ hạ thấp tối thiểu âm 25°C. "Họ bị đóng băng dần cho tới chết trong điều kiện vô cùng khủng khiếp". Điều đáng sợ hơn nữa là theo đại diện cảng Zeebrugge, Bỉ, khi container đến cảng vào sáng sớm ngày 23/10, nó đã bị niêm phong: "Nạn nhân không thể vào container từ cảng". Chủ sở hữu container, một công dân Ireland, đã thuê container sớm nhất vào ngày 15/10. Do đó, chúng ta không thể biết những nạn nhân đã ở trong container bao lâu. Truyền thông địa phương cho biết, họ có thể đã ở trong đó ít nhất 15 giờ.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói trong một cuộc họp báo với các phóng viên rằng, đây là một "thảm kịch kinh hoàng". Nghị sĩ Anh Doyle-Price khẳng định, hành vi coi thường sinh mạng của thủ phạm đáng bị pháp luật trừng trị. Hội đồng Thurrock (chính quyền địa phương) đã treo cờ rủ đề tưởng niệm các nạn nhân của vụ việc.
10.000 bảng Anh để mua lấy một "chỗ ngồi trong xe hàng"
Theo cảnh sát Anh, đầu kéo container đã khởi hành từ Dubin vào Chủ nhật và tới cảng Holyhead, ở phía bắc Xứ Wales rồi vào Anh. Phần thùng xe được thuê từ cảng Zeebrugge ở Bỉ và được vận chuyển bằng phà tới cảng Purfleet, Essex, Anh vào thứ Tư.
Xử lý ảnh: Đỗ Linh
Vào lúc 0h30 ngày 23/10, hai bộ phận của container đã hợp nhất tại cảng và sau đó rời đi. Khoảng hơn một giờ sau, tài xế đã mở container trong khu công nghiệp và "phát hiện các thi thể". Tài xế container Maurice Robinson là một người Bắc Ireland, năm nay 25 tuổi đã bị cảnh sát bắt giữ sau khi sự việc được phát hiện.
Theo Reuters, Robinson đã bị truy tố với 39 tội danh ngộ sát, âm mưu vận chuyển người trái phép, âm mưu hỗ trợ nhập cư phi pháp và rửa tiền. Bên cạnh đó, 4 nghi phạm khác cũng đã bị giới chức Anh bắt giữ.
Trước đó, Robinson khai với cảnh sát rằng, anh ta không hề biết có người bên trong thùng xe nên anh ta đã gọi xe cứu thương ngay sau khi phát hiện ra vụ việc. Cảnh sát sau đó đã nhận được một cuộc gọi báo án từ nhân viên y tế.
Chia sẻ với tờ Mirror (Anh), một tài xế xe tải cho biết, người di cư bất hợp pháp ngồi trong thùng xe tải là một hiện tượng phổ biến. "Hai tuần trước, tôi và một tài xế khác đã gặp một nhóm khoảng 20 người". Vấn đề bảo mật đã tiêu tốn phần lớn năng lượng của anh ta trong quá trình vận chuyển, "một ngày 24 giờ đều không thể lơ là".
Một phóng viên của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã đi đến khu công nghiệp - hiện trường vụ án - và thấy rằng có rất ít cư dân ở đây. Chỉ có một vài cửa hàng ở bên ngoài với nhiều xe tải lớn đi qua gần đó. Một nhân viên khu công nghiệp cho biết: "Do khu vực này kề bên sông Thames, không chỉ hàng hóa được vận chuyển từ Bỉ, mà hàng hóa từ các cảng khác trên thế giới cũng có thể được vận chuyển đến đây qua Eo biển Manche... Khu vực dân cư thưa thớt càng dễ trở thành địa điểm lựa chọn hàng đầu để thực hiện hành vi phạm tội".
Ai đã lên kế hoạch cho một bi kịch như vậy? Nhiều phương tiện truyền thông suy đoán rằng đây là vụ án do băng đảng buôn lậu xuyên quốc gia có tên "Đầu rắn" gây ra, rất phổ biến trong những năm gần đây.
Tân Kinh báo (Trung Quốc), cho biết tập đoàn "Đầu rắn" xuyên quốc gia sau khi thu số tiền không nhỏ từ người vượt biên, đã lợi dụng quy định Schengen - hiệp ước về đi lại tự do do một số nước Châu Âu ký kết - đưa những người này trốn trong các container và chuyển chúng từ đất liền hoặc biển sang nhiều nước EU mà Vương quốc Anh thường được chọn là điểm đến cuối cùng.
Theo điều tra của BBC, 10.000 bảng có thể mua được "một chỗ ngồi trong thùng hàng" và mức độ rủi ro rõ ràng không được tính vào số tiền trên. Tờ này cũng cho hay, trong bối cảnh Anh hoàn tất rời EU, một số lượng lớn người vượt biên đã ngồi trên những chiếc thuyền cao su nhỏ đổ về Anh từ lục địa châu Âu.
Địa Trung Hải trở thành một nấm mồ không đáy
Không phải đợi tới năm 2019, mà vào năm 2000 đã có một thảm kịch tương tự xảy ra với những người vượt biên vào Dover. Sau gần 20 năm, bi kịch vẫn chưa kết thúc. Vào ngày 18/6/2000, cảnh sát Dover, Anh, kiểm tra một chiếc xe tải đông lạnh vận chuyển cà chua, phát hiện 60 người chồng chất trong thùng xe - 58 người trong số họ đã thiệt mạng với mùi hôi thối bốc ra khi cửa xe được mở, chỉ hai người may mắn sống sót. Chiếc xe tải tử thần đã rời khỏi Rotterdam và bị phát hiện trên đường di chuyển. Người lái xe đã bị bắt tại chỗ và bị kết án 10 năm tù với tội danh ngộ sát.
Thảm kịch Dover chưa nguôi ngoai, chỉ bốn năm sau, 23 người Trung Quốc đã thiệt mạng ở vịnh Morecambe, Anh. Bãi biển này là nơi sinh sản của hàng đàn hải âu nhưng gió lớn sóng dữ, rất nhiều người lao động nhập cư bất hợp pháp đã bị buộc phải kiếm sống ở đây bằng cách thu hoạch sò. Hàng năm đều có người bất hạnh thiệt mạng.
Xử lý ảnh: Đỗ Linh
Trước đó, vào năm 1993, một tàu hàng cũ mang tên Golden Venture đã chở hơn 200 người nhập cư bất hợp pháp đến Mỹ và mắc cạn tại bãi biển Rockaways. Khi con tàu mắc cạn, hơn 200 người này đã buộc phải bơi vào bờ, trong đó 10 người đã thiệt mạng do không biết bơi và kiệt sức.
Ở châu Âu, những kẻ buôn người có thu nhập gần 1 tỷ USD mỗi năm và lợi nhuận không kém những tay bán vũ khí và ma túy. Theo chuỗi lợi ích này, Địa Trung Hải đã trở thành một nấm mồ không đáy. Vô số người ôm lấy một tia hy vọng và cuối cùng chết trong tuyệt vọng. Một số người chìm xuống đáy biển và một số bị chết ngạt trên tàu.
Những năm gần đây, sự chú ý toàn cầu đã đổ dồn về bức hình ghi lại hình ảnh cái chết của cậu bé Syria Aylan Kurdi trên đường di chuyển sang châu Âu. Và có những con tàu tị nạn châu Phi nằm im lìm trên bờ biển Ý với ít nhất 400 người thi thể hay gần 800 nạn nhân thiệt mạng trên con tàu buôn lậu ngoài khơi Libya.
Theo những người sống sót kể lại, hơn 300 người đã bị những kẻ buôn người nhốt trong cabin, họ thậm chí "không có cơ hội chạy trốn".
Chống buôn lậu đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng của sự hợp tác giữa các quốc gia. Năm 2010, cảnh sát Pháp hợp tác với Trung Quốc để tiêu diệt một nhóm buôn người hoạt động ở Paris và Thượng Hải.
Vào tháng Năm năm nay, cảnh sát Hồng Kông đã đập tan một nhóm "Đầu rắn" và bắt giữ 93 người. Vào tháng 7, cảnh sát Anh đã bắt giữ tám thành viên của tập đoàn "Đầu rắn". Được biết, có ít nhất 400 người đang làm "nô lệ" cho nhóm này. Vào tháng 9, cảnh sát Đức đã triển khai 620 nhân viên để truy quét tập đoàn "Đầu rắn", thực hiện 25 lệnh khám xét trong một ngày.
Vượt biên càng ngày càng khó, chi phí càng cao
Năm 2018, Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống ma túy và tội phạm đã công bố nghiên cứu đầu tiên về buôn lậu người di cư toàn cầu. Theo thống kê, ít nhất 2,5 triệu người nhập cư đã đến các quốc gia châu Âu, Úc, Bắc Mỹ thông qua ít nhất 30 tuyến đường buôn lậu trong năm 2016, mang lại 7 tỷ USD doanh thu cho các tổ chức vận chuyển nhập cư trái phép. Khi các nước phát triển thắt chặt chính sách nhập cư và tăng cường giám sát các cảng và biên giới, chi phí buôn lậu vẫn đang tăng lên.
Chi phí để nhập cảnh vào Mỹ hiện nay đã tăng gấp đôi so với 10 năm trước. Vào khoảng những năm 1990, Trịnh Thúy Bình - bà trùm của tập đoàn "Đầu rắn", người gây ra vụ Golden Venture đã thu 20.000 đến 35.000 USD, đôi khi cao hơn của mỗi đồng hương cho quá trình vượt biên đến Mỹ. Trong những năm gần đây, rất nhiều di dân tìm cách đi qua Mexico vào Mỹ. Chỉ tính ở chặng đường cuối cùng họ đã phải tiêu tốn khoảng 7.000-10.000 USD, không bao gồm chi phí đến Mexico.
Nếu vào châu Âu, chi phí cũng cao không kém. Từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp, dù bằng một chiếc thuyền bơm hơi nhỏ, trung bình mỗi người sẽ mất 1000-2000 euro, đôi khi do thời tiết, kiểm soát biên giới thắt chặt v.v., chi phí vận chuyển có thể lên tới 7.000 euro.
Tất nhiên, người nhập cư có thể có được các dịch vụ vượt biên tốt hơn bằng cách trả nhiều tiền hơn, nhưng hầu hết những người vượt biên theo cách này đều là những người nghèo, hoặc khá hơn họ cũng chỉ là tầng lớp trung lưu.
Họ có thể phải đánh đổi tất cả để ra nước ngoài với số nợ cao ngất ngưởng nhưng mỗi năm, hàng ngàn người không thể đến đích và chết trên con đường di chuyển.
Có lẽ vì địa hình và điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhiều người nhập cư bất hợp pháp phải băng qua núi đồi, sa mạc và biển. Mỗi bước đi là sự đối đầu với thời tiết, bệnh tật và những tai nạn không thể đoán trước. Năm 2017, số người nhập cư chết trên biển chiếm 58% tổng số người thiệt mạng trong các hình thức nhập cư, chủ yếu xảy ra ở Địa Trung Hải.
Có lẽ vì cách đối xử tàn nhẫn của tập đoàn "Đầu rắn", đặc biệt là phụ nữ và trẻ em trong nhóm những người nhập cư bất hợp pháp, rất dễ bị bạo hành, bắn súng, hãm hiếp, bắt cóc, lừa đảo, tống tiền, buôn người v.v... Trong kết quả báo cáo các vụ án mạng vào năm 2017, 6% người nhập cư bất hợp pháp đã bị giết.
Mặc dù bi kịch trên con đường nhập cư bất hợp pháp vẫn tiếp diễn nhưng rất khó để đưa ra một đáp án chính thức, thống nhất cho lý do tại sao họ phải dấn thân vào con đường nguy hiểm này? Trung Đông, Châu Phi, Nam Mỹ v.v... Trong nhiều thế kỷ, ở một số khu vực di dân truyền thống thì ra nước ngoài đã trở thành một điều bình thường, một nền văn hóa xã hội và một con đường làm giàu.
Trước thảm kịch hiện tại, chúng ta vẫn không biết, những người trong container đó, họ đã có những giấc mơ như thế nào khi xuất phát, liệu những điểm đến của họ có người thân hay không, những người này cũng đã không còn có cơ hội đoàn tụ và sau lưng họ có bao nhiêu ngươi thân đang đau khổ. Văn hóa nhập cư sâu xa rất khó để giải quyết trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, hành vi xấu xa của các tổ chức buôn lậu thì không thể để nó tha hóa thêm được nữa.
Theo Trí Thức Trẻ
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.