RSS

Hàng triệu hạt vi nhựa bung ra khi pha sữa trong bình nhựa

10:00 23/10/2020

Bình sữa làm từ nhựa polypropylene giải phóng hàng triệu hạt vi nhựa trong quá trình tiệt trùng và pha sữa công thức cho trẻ em.

Một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature Food hôm 19/10, thử nghiệm với 10 loại bình nhựa polypropylene (PP) được bán khắp thế giới, chiếm gần 70% thị trường.

Các nhà nghiên cứu từ trường Trinity College Dublin thực hiện rửa và tiệt trùng bằng nước nóng, theo hướng dẫn quốc tế về cách pha sữa công thức. Sau đó, đổ nước 70ºC vào bình, rồi lắc trong 60 giây, hòa tan sữa bột.

Hàng triệu hạt vi nhựa đã được giải phóng từ bình, lượng hạt tăng lên khi nhiệt độ nước cao hơn.

“Chúng tôi đã sốc và vô cùng lo lắng, bởi hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ dưới một tuổi đang uống trung bình một triệu hạt vi nhựa mỗi ngày”, John Boland, giáo sư tại Trinity College Dublin, một trong những tác giả nghiên cứu, nói.

Nhóm nghiên cứu dựa trên dữ liệu và vẽ biểu đồ miêu tả mức độ vi nhựa ở các khu vực trên thế giới. Theo đó, trung bình trẻ sơ sinh uống phải 1,5 triệu hạt vi nhựa mỗi ngày. Bắc Mỹ, châu Âu và Australia có lượng tiêu thụ cao nhất, với hơn 2 triệu hạt. Trẻ sơ sinh ở Canada có thể tiêu thụ 1-2 triệu hạt vi nhựa một ngày.

Nhiều hạt nhựa được giải phóng hơn khi nhiệt độ của nước tráng bình cao hơn. Khi tiệt trùng bình bằng nước 70ºC, hơn 16 triệu hạt nhựa siêu nhỏ được giải phóng. Tăng lên 95ºC, đến 55 triệu hạt được tìm thấy trong nước. Trong khi đó, nước tiệt trùng 25ºC giải phóng khoảng 600.000 hạt nhựa.

Boland cho biết: “Chúng tôi tìm thấy mối tương quan, nhiệt độ càng cao thì càng nhiều hạt vi nhựa được giải phóng”.

Hàng vi nhựa được giải phóng khi tiệt trùng binh, và pha, lắc sữa trong bình nhựa trẻ em. Ảnh: The Guardian.

Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố duy nhất liên quan. Boland ngạc nhiên vì dù ở nhiệt độ phòng, chỉ cần lắc trong một phút, sẽ có hàng trăm hàng nghìn hạt vi nhựa giải phóng.

Các nhà nghiên cứu chưa đưa ra khẳng định về ảnh hưởng sức khỏe trẻ sơ sinh, nhưng sẽ tiến hành tìm hiểu thêm. Boland cho biết sẽ có nhiều hạt vi nhựa được đào thải ra ngoài, tuy nhiên cần tìm hiểu lượng vi nhựa hấp thụ vào máu và di chuyển đến các cơ quan.

Theo Tiến sĩ Leonardo Trasande, Giám đốc Trung tâm NYU, điều tra các mối nguy hiểm đến môi trường, đã có bằng chứng cho thấy các chất hóa học gây rối loạn hormone và trao đổi chất. Ông cũng nhấn mạnh cần nghiên cứu thêm vấn đề này.

Transande cho biết: “Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ mắc bệnh bởi các cơ quan mới phát triển, nếu quá trình phát triển não bộ và trao đổi chất bị gián đoạn sẽ phải chịu hậu quả suốt đời”.

Nhiều tổ chức từng lên tiếng lo ngại hóa chất tổng hợp ảnh hưởng đến hormone cơ thể, như Học viện Nhi khoa Mỹ, Hội Nội tiết, Liên đoàn Sản phụ khoa Quốc tế. “Đây là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng toàn cầu nghiêm trọng”, tiến sĩ Transade nói.

Các nhà nghiên cứu đề xuất dùng nước đun sôi để nguội tráng lại bình ba lần. Sữa công thức nên pha ở cốc không phải bằng nhựa, sau khi nguội mới đổ vào bình của trẻ.

Các nhà nghiên cứu khuyến nghị không hâm nóng sữa trong bình nhựa, tránh hâm bằng lò vi sóng, tránh lắc sữa trong chai nhựa. Nên dùng nước đun sôi để nguội để tráng bình, có thể chọn chất liệu bình khác như thủy tinh.

Đại diện Bộ phận Nhựa của Hội đồng Hóa học Mỹ cho biết “nghiên cứu của Đại học Trinity College Dublin không chỉ ra nhựa không an toàn hoặc gây nguy hiểm cho sức khỏe”, và rằng họ “hoàn toàn hiểu mối quan tâm của cho mẹ đến sự an toàn và sức khỏe của con cái”.

Cơ quan này tuyên bố “các hộp nhựa an toàn được dùng để đựng đồ ăn, trong đó có bình sữa của trẻ, được giám sát nghiêm ngặt từ các chuyên gia khoa học ở Mỹ và Canada”. Bên cạnh đó, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng đã tính đến nhiệt độ khi tiếp xúc và đựng thực phẩm.

Ngược lại, chuyên gia Philipp Schwabl, Đại học Y Vienna tại Áo, cho rằng “phát hiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng. Quy mô phơi nhiễm hạt vi nhựa có vẻ đáng báo động, nhưng tác động sức khỏe của trẻ sơ sinh cần được làm rõ thêm”.

Giáo sư Oliver Jones, tại Đại học RMIT ở Melbourne, Australia, lưu ý rằng mức độ phơi nhiễm ở trẻ sơ sinh mới là ước tính.

“Chúng ta không nên làm cho cha mẹ cảm thấy lo lắng khi sử dụng bình nhựa. Tuy nhiên, rõ ràng là nghiên cứu dấy lên lo ngại lượng hạt vi nhựa lớn hơn nhiều so với chúng ta nghĩ”, ông Jones nói.

Theo Vnexpress

Ly ɦôп ʋẫп cɦᴜпɢ ɢiườпɢ, łɦi łɦoảпɢ cɦồпɢ cũ lại cɦᴜyểп ƙɦoảп 5 łɾiệᴜ łɾả łìпɦ ρɦí

Ly ɦôп ʋẫп cɦᴜпɢ ɢiườпɢ, łɦi łɦoảпɢ cɦồпɢ cũ lại cɦᴜyểп ƙɦoảп 5 łɾiệᴜ łɾả łìпɦ ρɦí

Kể ɾɑ cɦắc пɦiềᴜ пɢười sẽ ƙɦôпɢ łáп łɦàпɦ ʋới cácɦ sốпɢ củɑ eɱ ʋới cɦồпɢ cũ ɓây ɢiờ пɦưпɢ łɦực łế, пɢười łɾoпɢ cᴜộc пɦư eɱ lại ɾấł łɦoải ɱái.