Không chú trọng thi cử, những nền giáo dục hàng đầu thế giới đề cao điều gì
Học sinh Việt Nam luôn được biết đến với nhiều thành tích nổi trội ở các môn khoa học tự nhiên thiên về lý thuyết như Toán, Lý, Hóa… hơn so với học sinh ở các nước tiên tiến khác. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta thông minh hơn, mà bởi những nền giáo dục hàng đầu thế giới thường chú trọng tính ứng dụng, thực tiễn cao hơn lý thuyết.
Thực tế, chỉ cần nhìn vào cách học tập của học sinh Việt Nam, người ta cũng dễ dàng hiểu tại sao chúng ta đạt được nhiều thành tích về lý thuyết đến như thế. Các em học sinh không chỉ học ở trường mà còn đến rất nhiều lớp học thêm để bổ túc kiến thức và khi về nhà thì dành hàng giờ đồng hồ ở góc học tập cặm cụi làm bài. Như vậy, trung bình mỗi em học sinh sẽ phải học từ 8-10 giờ đồng hồ (chưa kể đến giai đoạn ôn thi), bất kể cấp học nào.
Sự dồn ép con trẻ ngay từ nhỏ đã cướp mất tuổi thơ các em. Điều này không chỉ ngăn cản các em không phát huy toàn diện khả năng trí tuệ của mình mà nguy hiểm hơn là có thể dẫn đến nguy cơ trầm cảm.
Nguyên nhân chính của việc này một phần là vì các bậc phụ huynh luôn muốn con mình phải xuất sắc, đạt điểm cao ở tất cả các môn. Thêm vào đó, giáo trình học của Việt Nam có khối lượng kiến thức quá nặng, dẫn đến việc thầy cô phải giảng nhanh để dạy hết chương trình, nhưng không phải em nào cũng hiểu hết.
Nền giáo dục của các nước phát triển khác trên thế giới, đặc biệt tại Âu – Mỹ lại khác biệt nhiều so với Việt Nam. Mặc dù mỗi quốc gia đều có một tiêu chí riêng, đề cao những giá trị khác nhau nhưng nhìn chung, các em học sinh không có quá nhiều áp lực, không cần đi học thêm và được phát triển bản thân toàn diện thay vì trở thành những “mọt sách”.
Nhật Bản: Đạo đức là số 1
Năm 2013, khi thảm họa động đất và sóng thần xảy ra ở vùng Đông Bắc Nhật Bản, cả thế giới phải cảm phục hình ảnh những đoàn người bình tĩnh xếp hàng nhận đồ và di chuyển trong im lặng mà không náo loạn hay tranh giành. Đây hẳn là kết quả của sự chú trọng và đề cao giảng dạy đạo đức ở đất nước mặt trời mọc.
Cụ thể, ở Nhật Bản, học sinh không phải trải qua các kỳ thi cho tới năm lớp 4. Người Nhật quan niệm rằng 3 năm đầu là thời điểm để trẻ rèn luyện nhân cách, xây dựng và bồi đắp những đức tính tốt, hướng trẻ trở thành những người biết đối nhân xử thế, quan tâm tới những người xung quanh và cộng đồng.
Với tiêu chí “con người = đạo đức”, cả gia đình, nhà trường và xã hội Nhật Bản luôn dành mọi tâm sức để dạy dỗ trẻ em biết tôn trọng người khác, yêu thiên nhiên, biết cảm thông, chia sẻ và khiêm tốn. Bởi vì trong tư tưởng của người Nhật vẫn còn mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của dân tộc mình, xem đạo đức là cốt lõi, là điều mà một học sinh phải biết đến đầu tiên nên một cảnh sát Nhật có thể dành hàng giờ đồng hồ để giải quyết việc nhặt được của rơi chỉ đáng giá 1USD của một cậu bé 5 tuổi, một nhà ga hoạt động trong suốt 3 năm chỉ để đưa đón một hành khách duy nhất đến trường mỗi ngày… Có thể những điều này bị cho là “lãng phí” thì với người Nhật, “đầu tư” cho đạo đức luôn là xứng đáng!
Mỹ: Tôn trọng người khác là tôn trọng chính mình
Giáo dục Mỹ có điều đặc biệt mà hiếm quốc gia nào có được. Nếu ở Mỹ giáo viên cho điểm và nhận xét học sinh, thì học sinh cũng được nhận xét và đánh giá chất lượng giáo viên.
Người Mỹ cho rằng, nếu bó buộc học sinh vào những kiến thức khô cứng sẽ làm mất tính sáng tạo của trẻ, dẫn đến khó khăn để thích nghi với cuộc sống đang biến động hàng ngày trong tương lai. Vậy nên, các chương trình học tại các trường ở Mỹ rất giàu tính trải nghiệm, kích thích sự tìm tòi, khuyến khích trẻ đưa ra tất cả suy nghĩ “xung quanh một câu hỏi”. Tất nhiên, tất cả những suy nghĩ của các em đều được tôn trọng như nhau và chắc chắn sẽ không có ai bị chê cười hay phán xét vì đưa ra ý kiến “chẳng giống ai”.
Giáo viên thường nhắc nhở học sinh của mình rằng: “Bất kỳ ai trong các em cũng có quyền loại bỏ, thậm chí là tẩy chay một nhãn hiệu mà mình không thấy thích. Nhưng không được quyền ép người khác đứng về phe mình, vì như thế là thiếu tôn trọng quyền của tự do của người khác ”
Phần Lan: Hợp tác chứ không cạnh tranh
Giáo dục Phần Lan xem công bằng là một trong những điều quan trọng nhất. Ông Olli Luukkainen, chủ tịch hội đồng giáo viên Phần Lan chia sẻ: “Tất cả trẻ em ở Phần Lan dù thành thị hay nông thôn đều được hưởng một nền giáo dục như nhau.”
GS Pasi Sahlberg, công tác tại bộ giáo dục và văn hóa Phần Lan phát biểu: “Chúng tôi dạy trẻ học cách HỌC, chứ KHÔNG dạy trẻ học cách để thi”
Giải thích cho quan điểm này, ông nói: “Chúng tôi không tin vào thi cử, không tin rằng có một kỳ thi thống nhất là việc tốt. 12 năm học đầu tiên trong đời học sinh chỉ có một kỳ thi duy nhất vào lúc các em đã ở độ tuổi 18-19, đó là kỳ thi trước khi vào đại học. Nhờ thế thầy và trò có nhiều thời gian để dạy và học những gì họ ưa thích. Các thầy cô của chúng tôi tuyệt đối không giảng dạy vì thi cử, học sinh cũng tuyệt đối không học vì thi cử. Trường học của chúng tôi là nơi học tập vui thích 100%. Ưu điểm của chế độ học tập ở Phần Lan là ươm trồng tinh thần hợp tác chứ không phải là tinh thần cạnh tranh. Chúng tôi không lo học sinh sau này sẽ cảm thấy sợ hãi khi bước vào xã hội ”.
Nguồn: Dkn.tv
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.