RSS

Lầm to khi thử 14 việc nhất định phải làm khi đến Sydney

10:00 10/04/2019

Đối với những người ham mới lạ và thích phiêu lưu, Sydney là một thành phố quyến rũ không sao kể xiết, với những hoạt động đa dạng mà không kém phần hấp dẫn. Tuy nhiên, có nhiều thú vui trong số đó đã bị tâng bốc quá mức, “tiếng” thì nhiều nhưng “miếng” chẳng bao nhiêu. Dưới đây là danh sách 14 hoạt động nhất-định-phải-thử của du khách, nhưng lại là cơn ác mộng trong mắt dân bản xứ.

 

1, Nhập hội với đám đông tại Circular Quay ở lễ hội Vivid Sydney

 

Khi mùa thu dần qua, người dân Úc đã chuẩn bị lên đèn để đón chào lễ hội ánh sáng Vivid Sydney diễn ra vào cuối tháng 5. Đối với nhiều người, thành phố Sydney chìm trong ánh đèn muôn màu rực rỡ và các chương trình ca nhạc, sáng tạo kèm theo quả thực chẳng khác chốn thần tiên.

Thế nhưng, với những người đã chứng kiến quang cảnh tráng lệ này suốt hơn 10 năm mà nói, đây chính là một cơn ác mộng. Có hơn 2.25 triệu du khách tề tựu tại Sydney, hầu hết đều dồn về Circular Quay, nơi diễn ra “bữa tiệc ánh sáng” thịnh soạn nhất. Mặc dù khung cảnh hoa lệ này rất thích hợp để đăng lên tường nhà Instagram, nhưng bạn sẽ nghẹt thở nếu cố len vào đám đông.

Đừng phí sức như thế, hãy tìm đến những góc khác yên tĩnh hơn. Toàn thành phố là một tác phẩm tuyệt mỹ của ánh sáng, không nên dồn hết sự chú ý lên một góc nhỏ trong đó.

2. Rong chơi bên Cảng Darling mỗi tối thứ Bảy

Không chỉ tối thứ Bảy, mà còn là ngày nghỉ, lễ Giáng Sinh, lễ hội Vivid, ngày nắng hay ngày mưa… Miễn là rơi vào khung giờ cao điểm thì việc tập trung ở Cảng Darling chẳng khác nào đi chịu tội. Viễn cảnh bị vây giữa một hàng người đi ăn tôm hùm giá trên trời đã đủ kinh hoàng rồi, nhưng bạn sẽ phải tiếp tục chịu đựng đám đông tản bộ chậm rì và mấy thanh niên nhảy nhót lung tung trên vỉa hè sau khi đã quậy tưng trong club Home.

Đó là còn chưa kể đến cả tá màn ảo thuật vừa kỳ quặc vừa nhiều sơ hở, và hàng đống trò bất ngờ khiến bạn vô tình kẹt cứng giữa đám đông hiếu kì – được rồi, công bằng mà nói thì thỉnh thoảng cũng xuất hiện vài màn biểu diễn không lố lăng cho lắm. Nhưng, bạn vẫn nên đến phố người Hoa gần đó và hưởng thụ màn “ảo thuật” vi diệu của thức ăn. Thử hòa vào dòng người xếp hàng trước cửa nhà hàng Emperor’s Puffs và nếm thử tay nghề của họ đi, bạn sẽ phát hiện công sức chờ đợi của mình rất đáng giá!

3. Chụp ảnh tại mỏm đá Wedding Cake

Một khối sa thạch trắng muốt, góc cạnh, phía sau là đại dương xanh thẳm – quả là khung cảnh lý tưởng cho một bức ảnh được thả tim tới tấp trên Instagram. Song, đừng để vẻ ngoài mỹ lệ của nơi này mê hoặc tâm trí bạn: nó thực sự rất nguy hiểm. Thậm chí, cơ quan chức năng NSW còn phải đề ra mức phạt lên đến 3,300 đô la cho hành vi trèo qua rào chắn để tiếp cận mỏm đá.

Đáng buồn hơn là Wedding Cake Rock được dự báo có khả năng sụt lún vào lòng đại dương bất cứ lúc nào. Đừng nên liều cả mạng sống của mình vì vài bức ảnh đẹp mắt trên mạng xã hội! Thay vào đó, bạn có thể chiêm ngưỡng mỏm đá qua hàng rào bảo vệ. Dù có thể không được hoàn mỹ cho lắm, nhưng ít ra bạn không phải mang tội danh phá hủy cảnh quan. Nếu vẫn chưa hài lòng, hãy thử đi dọc theo quãng đường 26km ven biển thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Gia, nơi có thác nước, chỗ ngắm cá voi và cả nơi cắm trại.

4. Chỉ gọi pad Thái khi đến nhà hàng món Thái

Khi vào nhà hàng, có sẵn một món ăn hợp ý để gọi ngay sẽ giúp bạn tiết kiệm cả thời gian lẫn công sức suy nghĩ. Pad Thái là sự lựa chọn hàng đầu của thực khách: vị ngọt dịu, mì tươi dễ ăn, bên trên rải đầy đậu phộng nghiền và giá đỗ, rau thơm. Thế nhưng, ngay cả những nơi được cho là có món pad Thái xuất sắc nhất thì ăn mãi cũng chán.

Thay vì vậy, hãy thử gọi món cá hấp cà ri trứng vừa dai vừa mềm, hưởng thụ nước dùng cay cay trước đã. Quên “vùng an toàn” của bản thân đi, cứ chọn một món mà bạn chưa ăn bao giờ, như súp cá chua cay hay loại rau kỳ lạ nào đó. Không phải lo về việc menu nghèo nàn, nhất là khi bước vào Spice I Am – nhà hàng với tận 82 món trong thực đơn. Biết đâu bạn sẽ tìm ra món ăn ưa thích mới thì sao?

5. Mua sắm điên cuồng trong dịp đại hạ giá vào lễ Boxing Day ở Myer (CBD)

Sẵn sàng cho “cơn lốc” mua sắm chưa? Bạn có dám tranh một bộ drap trải giường queen size với một cụ già thấp bé không? Những thứ bạn vơ vào giỏ hàng thật sự cần thiết chứ? Mua sắm trong ngày Boxing Day thực sự là một cuộc hỗn chiến, nơi bạn phải liều mạng giành giật như thể sắp đến ngày tận thế, sau đó lại phải cố hết sức chen ra khỏi đám đông cuồn cuộn ùa vào các trung tâm thương mại.

Nếu bạn đủ can đảm để ghé qua Myer tại CBD, nhớ phải bám chặt thang cuốn để không bị dòng người đông nghẹt xô ngã. Chương trình sale off này còn kéo dài đến tận sau lễ: các nhà bán hàng chỉ chực chờ cơ hội để hạ giá nhằm đẩy mạnh doanh thu. Đừng bị dụ dỗ quá dễ dàng, hãy tập trung vào món hàng bạn thực sự cần. Và nếu bạn muốn vung tiền cho vui, sao không thử cân nhắc mấy món độc lạ trong những tiệm đồ cổ có tiếng nhất Sydney?

6. Đến bãi biển Bondi sau 9 giờ sáng mùa hè

Sau khi tra trên Google Maps, bạn chắc như đinh đóng cột rằng từ Inner West đến Bondi chỉ mất có 20 phút. Nhưng đó là chuyện lúc 3 giờ chiều ngày thứ Ba. Sau khi nhốt mình trong ô tô không có máy lạnh suốt 45 phút để nhích tới bãi biển vào Chủ nhật, bạn sẽ phát hiện đời không như là mơ.

Sydney nổi tiếng khắp thế giới vì những bãi biển đẹp say lòng người, Bondi cũng vậy, nhưng đừng hòng tận hưởng một cuộc sống như thần tiên ở đây sau 9 giờ sáng. Dòng người lũ lượt tràn vào sàn catwalk, lối đi bộ và các kiến trúc theo phong cách Art Deco sẽ khiến bạn choáng váng. Chúng ta đến đây để tận hưởng vị mặn của biển sâu, chứ không phải chết chìm trong hơi người. Thay vì vậy, cứ ghé thăm những bãi biển vắng người như Little Bay hoặc Shelly ở Manly là tốt nhất.

7. Ăn trưa ở chợ cá Sydney

Nhìn những con cua bị bẻ càng và đàn cá tươi rói quẫy đuôi trong nước biển là một trải nghiệm thú vị, cứ như thể chúng sắp nhảy gọn vào đĩa để bạn dùng bữa ngay lập tức vậy. Nếu những nhà hàng ven cảng xa hoa không thỏa mãn nổi thú vui này của mình, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ đến việc ghé qua chợ cá Sydney, nơi có những thuyền đánh cá với đủ loại hải sản tươi ngon mà giá lại rẻ.

Có nhiều hàng quán nổi danh về món nướng, chiên, xào hấp dẫn. Song bạn phải nhớ đây là bến cảng, có những loại hải sản được đánh bắt trong ngày nhưng đã qua thời điểm có hương vị tươi ngon nhất. Hỗn hợp mùi tanh của hải sản, ruồi nhặng, cò ruồi và nước bẩn tù đọng bên cạnh bàn ăn rất có thể sẽ khiến bạn phát tởm. Quên việc ghé thăm chợ đi, hãy tìm cho mình một địa điểm thích hợp hơn như Công viên Vịnh Blackwattle với thảm cỏ xanh mượt và khung cảnh quang đãng chẳng hạn.

8. Xem giải đua ngựa Melbourne Cup từ một pub ở Sydney

Giống như lễ Quốc Khánh, đây là dịp để mọi người đổ xô ra đường và uống cho thỏa thích. Nhưng bạn không thấy ý tưởng ăn mừng Melbourne Cup ở Sydney nghe… sai sai sao? Chỉ vì vài phút “đông vui” ngắn ngủi mà bạn phải len lỏi giữa biển người mướt mồ hôi trong club để xem một giải đấu thậm chí còn chẳng được tổ chức ở thành phố này!

Bạn đã từng xem The Bachelorette chưa? Ít ra khi xem show đó, bạn còn được ngắm các chàng tinh anh chứ không phải mấy tên đàn ông mở miệng ra là phà đầy hơi rượu vào mặt người đối diện như bây giờ. Thay vì cố sức bám trụ trong club xem đua ngựa, về nhà xem The Bachelorette với hội bạn là một lựa chọn sáng suốt. Hoặc bạn cũng có thể ghé Nup the Cup để quẩy tưng bừng mà không lo chen lấn.

9. Tham gia vào tiệc mừng năm mới ở Sydney

Thời điểm đếm ngược đến năm mới, những tràng pháo hoa rực rỡ sắc màu trên Cầu Cảng Sydney và Nhà hát Opera sẽ khiến bạn choáng ngợp. Tuy nhiên, ra đường lúc nửa đêm chỉ để cầu nguyện và ôm hôn người lạ là một việc hết sức tốn thời gian.

Vé dự tiệc đêm giao thừa được bán với số lượng lên đến hàng trăm, nhưng ai cũng ngầm hiểu khoảnh khắc tràn ngập tiếng cười và hạnh phúc này chỉ kéo dài trong 2 tiếng ngắn ngủi. Đổi lại, tất cả dự định cho một năm mới nghiêm chỉnh và chi tiêu hợp lý của bạn rất có thể sẽ tan tành ngay từ giây phút đầu tiên. Đừng nghĩ đến tiệc tùng, hãy thương yêu ví tiền của bạn bằng cách tìm đến những địa điểm xem pháo hoa miễn phí ở Sydney, có nhiều nơi còn chẳng cấm rượu bia nữa!

10. Năm 2019 rồi mà vẫn gọi Espresso Martini

Mọi người có vẻ hứng thú với hỗn hợp cà phê lạnh, vodka, rượu mùi và sugar syrup được lắc đều đến khi tạo một lớp bọt kem trên bề mặt. Đây là sự lựa chọn phổ biến và dễ dàng thỏa mãn khách hàng, song nó cũng ngăn cản sức sáng tạo của các bartender vì… quá dễ pha chế và chỉ là loại rượu nhẹ (có hẳn quy định về lượng caffein được dùng vào buổi tối, tin tôi đi, bạn không muốn thức trắng đêm vì lỡ uống nhiều đâu).

Cứ thả lỏng và trao quyền dẫn dắt khẩu vị của bạn vào tay các bartender tài hoa của chúng tôi. Mỗi một ly cocktail mà bạn gọi sẽ là một cuộc phiêu lưu hoàn toàn mới tại các quán bar ở Sydney.

11. Đến Newtown trước lúc giữa trưa

Ai cũng yêu cái khung cảnh nhộn nhịp và mua bán sầm uất ở Newtown vào ban đêm – có khi bạn đã từng bình chọn nơi này là vùng ngoại ô tuyệt nhất năm 2018 trên Time Out Index rồi ấy chứ! Nhưng, đối với người dân Sydney, đây là địa điểm bị thổi phồng nhiều thứ hai toàn thành phố, chỉ sau bãi biển Bondi.

Cuộc sống về đêm ở Newtown vô cùng sôi động với quán bar, pub có hát live và nhiều tụ điểm ca nhạc nổi danh, thế nhưng khi về sáng, nhịp điệu của nơi này lại ảm đạm chán chường. Rõ ràng nên có sự cân bằng giữa cuộc sống về đêm và ban ngày ở Newtown: làm “cú đêm” mãi có gì vui? Hãy “đánh thức” Newtown vào buổi sáng bằng việc ghé thăm các cửa hàng ở King Street và tổ chức tiệc tại Công viên Camperdown thử xem.

12. Kết hợp uống rượu, ăn hải sản và nhảy múa trong bữa tiệc trên du thuyền

Từng yếu tố trên đây tách ra thì có vẻ thú vị, nhưng nếu hợp lại thì sẽ biến thành thảm họa. Vì vị trí đặc thù mà Sydney đã phải gồng mình gánh vác những bữa tiệc xa hoa, hỗn tạp như thế này. Cả người dân bản địa lẫn du khách đều bị mê hoặc trước khung cảnh tuyệt đẹp của bến cảng và chìm đắm trong những bữa tiệc trên du thuyền, ăn tối trên biển cũng như sự kết hợp có một không hai giữa âm nhạc sôi động từ DJ, món hàu thơm ngon và rượu Aperol Spritze. Nhưng chúng ta vẫn nên phân biệt rạch ròi giữa việc uống rượu trong club, đi ăn hải sản tươi và ngắm cảng biển đêm để có trải nghiệm tốt hơn.

13. Tham gia buổi hòa nhạc Carols in the Domain

Thật lòng mà nói, chen chúc giữa đám đông toàn các gia đình hạnh phúc để nghe những ca khúc Giáng Sinh xưa cũ trình bày bởi các ca sĩ từ Australian Idol không phải là ý tưởng hay để tận hưởng kỳ nghỉ lễ. Có lẽ The Wiggles sẽ khiến con bạn bật cười khanh khách, nhưng người lớn thì chỉ thấy trống rỗng. Ngay cả Todd McKenny cũng không thể mang lại bầu không khí ấm áp ngày xưa mỗi khi concert diễn ra. Michael Bublé thì hấp dẫn đấy, nhưng tôi nghĩ bạn vẫn nên ở nhà và đón xem show Love Actually trong khi đợi người khác kể về buổi hòa nhạc thì hơn.

Vẫn muốn làm gì đó thú vị trong kỳ nghỉ lễ ư? Đi ngắm đèn Giáng Sinh trên những con phố đẹp nhất Sydney, hoặc thử làm ca sĩ và thu âm bài hát mừng lễ cho riêng mình cũng hay ho lắm đấy!

14. Chen chúc giữa đám đông đến xem cuộc thi vẽ chân dung Archibald

Có lẽ chẳng có cuộc thi nào lại mang đậm chất “Sydney” như Archibald. Đến hẹn lại lên, chúng ta lại có dịp sắm vai nhà phê bình nghệ thuật (dẫu chỉ là nghiệp dư) để nhận xét về kỹ năng khắc họa từng lỗ chân lông và nếp nhăn trên gương mặt người mẫu. Đây cũng là nơi để các con nghiện “drama” được dịp hóng hớt vì có quá nhiều thị phi: năm 1938, Max Meldrum đã thẳng thừng bác bỏ chiến thắng của Nora Heysen bởi “tác phẩm của phụ nữ không thể nào xuất sắc bằng đàn ông”.

Nghe qua đã thấy tò mò nhỉ? Archibald là nơi giao hòa giữa nhiều trường phái nghệ thuật của nhiều họa sĩ khác nhau. Song, nó cũng chỉ là chỗ để các “ông lớn” trong giới kinh tế và chính trị tìm người vẽ chân dung cho mình mà thôi. Nếu muốn tìm được tác phẩm hút mắt, hãy ghé qua Wynne (khi mua một vé vào cửa Archibald, bạn có quyền vào thẳng Wynne). Nơi này quy tụ những bức tranh phong cảnh xuất thần nhất từ nhiều thí sinh bản xứ.

Nguồn: Vietucnews.net

Tɦᴜốc ɓổ ƙɦôпɢ ɓằпɢ łɦực ρɦẩɱ ɓổ: Cácɦ cɦăɱ sóc пɢũ łạпɢ łốł пɦấł ɢiúρ ɓạп sốпɢ łɦọ ɦơп

Tɦᴜốc ɓổ ƙɦôпɢ ɓằпɢ łɦực ρɦẩɱ ɓổ: Cácɦ cɦăɱ sóc пɢũ łạпɢ łốł пɦấł ɢiúρ ɓạп sốпɢ łɦọ ɦơп

Tɦeo các ɓác sĩ, sức ƙɦỏe củɑ пɢũ łạпɢ qᴜyếł ᵭịпɦ łᴜổi łɦọ củɑ ɓạп. Đây ℓà ɓí qᴜyếł ℓựɑ cɦọп łɦực ρɦẩɱ cɦăɱ sóc cơ łɦể łốł пɦấł ɓạп пêп łɦɑɱ ƙɦảo ᵭể ℓᴜôп ƙɦỏe ɱạпɦ ʋà łɾườпɢ łɦọ.