Lật tẩy các chiêu lừa đảo visa Úc của dịch vụ di trú “dởm” & cách phòng tránh
Một khi cánh cửa vào Úc ngày càng thu hẹp thì càng có những lời mách nước dụ dỗ, lợi dụng sự cả tin, không hiểu luật pháp của khách hàng nhằm trục lợi. Hậu quả không chỉ hồ sơ bị từ chối mà còn có khả năng người đó không bao giờ được quay trở lại Úc.
Các chiêu lừa đảo không chừa một loại visa nào
Với tâm lý tuyệt vọng của những người có visa gần hết hạn, hoặc đã hết hạn và đang ở Úc trái phép, những người này thường là con mồi béo bở cho các dịch vụ di trú lừa đảo, trục lợi để thu về hàng chục ngàn đô la trên mỗi cá nhân.
Và đã gọi là lừa đảo thì các dịch vụ di trú này không từ một loại visa nào, và thường thấy nhất là những loại visa sau đây:
Visa tỵ nạn
Đây là loại visa chỉ dành cho những đối tượng có khả năng bị đàn áp, bị tra tấn, hành hạ nếu quay về quốc gia nguyên quán, và số lượng visa được cấp cũng rất ít. Nói một cách khác, cơ hội để xin được visa tỵ nạn đối với người Việt là gần như không thể vì Việt Nam không có chiến tranh, không có xung đột, nội chiến, phản ứng xã hội về tôn giáo, về đồng tính cũng không gay gắt. Và chắc chắn một sinh viên ngoại quốc sau khi tốt nghiệp tại Úc lại càng không thể nào xin được visa này.
Đã có những dịch vụ di trú hứa hẹn rằng họ có thể nộp visa tỵ nạn với mức phí lên đến $20,000, trong khi đó phí nộp hồ sơ tỵ nạn chỉ khoảng $60 và họ cũng chỉ có thể nộp hồ sơ để lấy được visa chờ kéo dài thời gian ở Úc chứ không thể lấy được visa tỵ nạn.
Visa bảo lãnh người lao động 457, 489, 186
Đã có những siêu lừa đảo di trú hứa hẹn sẽ tìm công ty bảo lãnh người lao động với giá có thể lên đến $100,000. Nhưng đến khi người lao động sang Úc đã không thể tìm ra công ty bảo lãnh mình, và cả trung tâm di trú kia cũng không thể liên lạc được. Họ trở nên bơ vơ nơi đất khách quê người, không tiền bạc và việc làm, và bỗng dưng trở thành người sống bất hợp pháp.
Lúc này, bằng mọi giá họ phải xin tiếp một visa khác để được sống hợp pháp, từ đó, sự tuyệt vọng và thiếu hiểu biết lại khiến họ một lần nữa trở thành miếng mồi ngon cho các trung tâm di trú lừa đảo hoặc các luật sư vô lương tâm.
Visa đầu tư 188, 888
Đây cũng là những loại visa được sử dụng để làm mồi nhử. Với chính sách đầu tư của chính phủ Úc cho phép các nhà đầu tư có thể đầu tư nhiều khoản tiền khác nhau, với mỗi khoản tiền sẽ đi kèm với các điều kiện khác nhau, nên có vẻ hình thức đầu tư vẫn còn là một cánh cửa cho những ai khát khao tìm kiếm một tấm vé đến định cư tại Úc.
Hình thức lừa đảo dễ thấy nhất là kêu gọi người đầu tư đóng tiền mua trái phiếu chính phủ, nhưng sau đó các công ty di trú này ôm tiền và biến mất.
Hình thức khác là kêu gọi đầu tư vào bất động sản với số tiền đặt cọc lên tới 40% – 50% kèm lời quảng cáo sẽ có visa thường trú Úc. Theo chính sách mua nhà tại Úc hiện nay, người mua nhà chỉ cần đóng khoản cọc 10%, và cũng không hề có luật nào cho phép mua nhà sẽ có ngay visa thường trú. Với những lời quảng cáo như thế này, người dân phải cẩn thận tìm hiểu trước khi giao tiền.
Visa du lịch
Có những người dụ dỗ di dân tìm cách xin visa du lịch, sau đó trốn lại, sinh con để lấy thường trú. Hoặc họ hứa hẹn sẽ xin miễn điều khoản 8503 – điều khoản cấm ở lại sau khi visa hết hạn. Những lời hứa này là vô căn cứ, nếu không muốn nói là bất hợp pháp, và không ít người đã phải sống trái phép tại Úc chỉ vì những lời rỉ tai như thế này.
Visa du học
Các bạn sinh viên lúc ở Việt Nam được tư vấn rằng chỉ cần qua Úc là dễ có việc làm, lương cao, dễ sống, chỉ cần học 1 ngày/tuần và chỉ cần ở vài năm học xong là có thể lấy quốc tịch Úc.
Với sự nhiễu loạn thông tin về thị trường du học như hiện nay, có rất nhiều du học sinh và phụ huynh mong muốn cho con em đi du học đã nghe theo các luật sư và đại diện tư vấn “dỏm” để rồi bị lừa đảo và khi đặt chân sang đến Úc thì đã quá muộn. Việc này ảnh hưởng đến tài chính gia đình và nhất là tương lai của các bạn sinh viên.
Vậy làm thế nào để hạn chế tối đa rủi ro?
Khi chọn đại diện di trú, cũng có thể coi như đã giao cuộc đời, tương lai của mình cho người đó, quý vị cũng nên tìm hiểu trước về luật pháp để có một số khái niệm căn bản nhất về loại visa mình định nộp.
Kiểm tra số đăng ký di trú
Quý vị có thể dễ dàng kiểm tra xem dịch vụ di trú đó đã có đăng ký hay chưa bằng cách tìm kiếm trên trang mạng https://www.mara.gov.au/
Kiểm tra luật sư/ văn phòng luật được phép hành nghề ở New South Wales:
https://www.lawsociety.com.au/community/findingalawyer/findalawyersearch/index.htm
Kiểm tra luật sư được phép hành nghề ở Victoria:
https://www.liv.asn.au/Specialists
Cẩn thận với những lời hứa chắc như đinh đóng cột
“Chắc chắn sẽ xin được visa”, “bảo đảm 100%”, “chỉ cần đóng tiền sẽ lấy visa trong thời gian nhanh nhất”, đi kèm với những lời hứa ‘như đinh đóng cột’ như vậy là một khoản phí không hề nhỏ, có khi lên tới vài chục ngàn đô la. Với những lời hứa hẹn như vậy cần phải cẩn thận, và tham khảo thêm nhiều nguồn, vì bất cứ luật sư nào cũng chỉ có thể hướng dẫn, hỗ trợ làm hồ sơ một cách đúng hướng, chứ không thể chắc chắn 100% rằng quý vị sẽ được cấp visa.
Có mối quen biết với Chính phủ, Tổng trưởng Di trú, hoặc có thể hối lộ
Có những người tự nhận mình có thể can thiệp vào quá trình xét duyệt visa bằng cách dựa vào mối quen biết với Tổng trưởng Di trú, đồng thời khoe những hình ảnh chụp chung với các nhân vật trong chính phủ và cam đoan có thể nhờ vả, hoặc hối lộ. Những chiêu thức này chắc chắn là lừa đảo. Việc xét duyệt visa đều phải dựa trên luật pháp chứ không thể dựa trên cảm tính, và đối với một đất nước thượng tôn pháp luật như Úc thì lại càng không thể hối lộ.
Không cần tiếng Anh, thiếu kinh nghiệm làm việc
Đối với các visa tay nghề, quý vị không nên nhắm mắt nghe theo những lời hứa hẹn ‘không cần tiếng Anh’, ‘không cần kinh nghiệm làm việc’. Những ai buông ra lời hứa như vậy chắc chắn là lừa đảo, lợi dụng sự cả tin của người dân. Tất cả các visa tay nghề đều yêu cầu tiếng Anh, và bằng cấp hoặc kinh nghiệm làm việc. Nếu thiếu những yếu tố này chắc chắn sẽ bị từ chối cấp visa.
Theo SBS Viet Nam
3 coп ɢiáρ пằɱ cɦơi łiềп ɾơi łɾúпɢ ᵭầᴜ, qᴜý пɦâп łɦeo ɢół ɢiúρ sự пɢɦiệρ lêп cɑo ʋᴜп ʋúł, ɢiàᴜ có пức ɗɑпɦ
Nɦữпɢ coп ɢiáρ пày ɱɑy ɱắп ʋậп łɾìпɦ ɦɑпɦ łɦôпɢ, có cơ ɦội łɦể ɦiệп łài пăпɢ, пâпɢ cɑo łɦᴜ пɦậρ.