Mẹ 8X dạy con bài học về quản lý tài chính từ việc "trả công" cho bé làm việc nhà
Người mẹ trẻ thông thái này áp dụng nhất quán các nguyên tắc dạy con thông qua 3 loại công việc: chăm sóc, phát triển bản thân, đóng góp cho gia đình và các công việc khó để kiếm tiền.
Những chủ đề như hay làm quen với tiền từ khi còn nhỏ vốn luôn nhận phải rất nhiều tranh cãi. Thế nhưng với chị Kim Hoa (32 tuổi, hiện đang sống tại Hà Nội) thì lại quan điểm khác. Chị cho rằng chỉ cần bố mẹ vững vàng về kiến thức giáo dục trẻ, áp dụng hợp lý phù hợp trong từng hoàn cảnh gia đình thì từ những vấn đề nhạy cảm ấy có thể dạy được con rất nhiều bài học hay. Từ đó, chị đã có cách rất hay dạy hai con: Sâu (7 tuổi) và Minh (3 tuổi) làm việc nhà, tích cóp tiền và tự quản lý, chi tiêu tiền của mình từ khi các con còn rất nhỏ.
Ba mẹ con chị Hoa, bé Sâu và bé Minh.
Hiện tại cả hai bé Sâu và Minh đều có ý thức rất tốt về làm việc nhà, mua đồ dùng cho mình: "Các ý định mua đồ đều hỏi qua bố mẹ, nếu bố mẹ khuyên mà vẫn cố tình mua thì con tự chịu vì 'lạm phát'. Hôm trước, cô con gái 7 tuổi có nói 1 câu mà mình bất ngờ: 'Mẹ ơi thực ra các món đồ ở siêu thị người ta chỉ trang trí bắt mắt với thay đổi kiểu dáng chút thôi. Mình lúc ấy rất thích nhưng mua về lại chán ngay ấy mẹ nhỉ, rồi lần sau lại cứ muốn phải mua, phải mua cái mới ấy'. Bởi trước khi mua 1 món cháu phải quan sát và cân nhắc rất kỹ nên mới rút ra như vậy. Đặc biệt hơn, hai chị em cũng biết tự bảo ban nhau làm việc để được nhận tiền từ mẹ".
Để tránh con làm gì cũng đòi tiền hay phải có tiền mới làm dẫn đến tâm lý trao đổi sòng phẳng và nặng tính tiền bạc, chị Hoa phân các công việc làm 3 loại: Những công việc thuộc trách nhiệm đối với bản thân sẽ không trả tiền công, những công việc đóng góp tự nguyện cho gia đình cũng không trả tiền công và những công việc khó được trả tiền công.
Bé Sâu từ khi 4 tuổi bắt đầu làm việc nhà để góp hạt lạc, đổi lấy tiền để mua bộ đồ chơi bác sĩ mà bé yêu thích (mẹ quy định 1 bộ đồ chơi bác sĩ tương đương 30 hạt lạc).
Trông em để em vui vẻ, không tè dầm cũng là một công việc có thể kiếm ra tiền của Sâu.
Bạn nhỏ sung sướng khi cuối cùng mình nỗ lực bao lâu cũng đã đạt được món đồ yêu thích.
Cụ thể những công việc thuộc trách nhiệm đối với bản thân của một đứa trẻ bao gồm: Vệ sinh cá nhân (đánh răng, rửa mặt, tắm, gội, sấy tóc, mặc quần áo, đi vệ sinh…), chăm sóc bản thân (ăn cơm sáng/trưa/tối đúng bữa, uống nước và ăn trái cây hàng ngày, ngủ trưa và tối đúng giờ, đi bộ đến trường hoặc đi bộ tập thể dục…) và phát triển bản thân (đọc sách cuối ngày và nghe tiếng Anh sáng/tối, đi học đúng giờ hoặc sớm hơn…).
Những công việc đóng góp tự nguyện cho gia đình bao gồm: Rèn ý thức tự giác (dọn đồ dùng bát đũa của mình sau khi ăn, cất dọn đồ chơi sau khi chơi xong, dọn và cất ghế ăn sau khi ăn xong, giữ trật tự khi có người đang ngủ hoặc đang đọc sách...), tạo thói quen tốt (là các công việc liên quan đến việc tuân thủ các nguyên tắc trong gia đình như: tắt các thiết bị điện/khóa nước khi không dùng, không vứt rác bừa bãi, không khạc nhổ, tham gia chơi/đọc sách cùng cả nhà vào mỗi tối…).
Chị Hoa luôn chú trọng phát triển dạy con làm việc nhà vì qua đó có thể lồng ghép được rất nhiều bài học, rèn luyện kỹ năng.
Và danh sách những công việc được chị Hoa tạo ra cơ hội để các con được kiếm tiền cũng rất dài. Đó là từ những việc khó – nhiều tiền công như: cọ toilet, trông em quét và dọn nhà, lấy quần áo trong máy sấy và phân bổ vào tủ, lấy bát trong máy rửa và xếp vào tủ bát, nhặt rau sạch, xếp bát vào máy rửa… Cho đến những việc dễ, tốn ít công sức sẽ có ít tiền công hơn như: gấp quần áo cho cả nhà, lau máy trộn bột của mẹ, cất khuôn làm bánh, chuẩn bị bàn ăn, tưới cây, dọn dẹp bàn ăn sau khi ăn cho cả nhà, gom và phân loại quần áo cho vào máy giặt...
Chị Hoa cũng tiết lộ thêm các nguyên tắc áp dụng: "Các con mình chỉ được nhận tiền công vào cuối tuần khi hoàn thành đúng yêu cầu về độ sạch, thời gian và sự khéo léo. Việc thuộc trách nhiệm bản thân và tự nguyện đóng góp vào gia đình không nhận được tiền công. Không hoàn thành trách nhiệm cá nhân hoặc vi phạm nội quy gia đình sẽ bị phạt 20.000 đồng/1 lần vi phạm. Trả tiền ngay vào quỹ, thường xuyên khích lệ và tăng độ khó của công việc".
Từ khi bé Sâu được 4 tuổi, chị đã nhất quán và kiên trì áp dụng những nguyên tắc này. Nhờ vậy, con gái chị đặc biệt hiểu rõ và rất có ý thức thực hiện đúng chuẩn.
Hạt lạc được quy đổi thành tiền vào cuối ngày.
Số tiền con kiếm được, mẹ chia giúp vào các lọ để dễ dàng quản lý, chi tiêu.
Sau khi các con kiếm được tiền, chị Hoa cũng dạy con công thức quản lý tiền theo nguyên tắc 6 chiếc lọ: "Mình dạy con chia tiền vào 6 chiếc lọ, tương đương với 6 loại quỹ khác nhau. Quỹ 1 là tự do tài chính (đây là số tiền tiết kiệm gửi ngân hàng hoặc đầu tư sinh lợi, không được tiêu tiền này vì nó như con ngỗng, cần cho nó đẻ trứng vàng). Quỹ 2 dùng để phát triển cá nhân (học hành). Quỹ 3 dùng để chi tiêu dài hạn (mua đồ dùng, đồ chơi). Quỹ 4 dùng để chi tiêu ngắn hạn, chi dùng hàng ngày. Quỹ 5 là để đi chơi, giải trí và phải tiêu hết khi có để tái tạo năng lượng cho lao động. Cuối cùng là quỹ 6 dùng để sẻ chia trong các hoạt động từ thiện, biếu tặng".
Tùy vào hoàn cảnh mà số quỹ, tỉ lệ phân chia có thể thay đổi.
Hình ảnh cả gia đình chị Hoa bên nhau
Tuy nhiên, chị Hoa cũng lưu ý tùy theo từng hoàn cảnh mà có đủ 6 quỹ hay ít hơn và tỉ lệ mỗi quỹ chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng thu nhập cũng tùy hoàn cảnh của gia đình và con. Với mỗi món tiền kiếm được như (mừng tuổi, làm việc nhà, được cho, phần thưởng...) bố mẹ đều phải phân ra các quỹ ngay lập tức cho con hoặc hướng dẫn để con tự làm.
Quá trình nuôi dạy con luôn mang lại cho bản thân người bố, người mẹ những bài học thật quý giá để trưởng thành cùng con và chị Hoa cũng không là ngoại lệ. Thông qua việc dạy con làm việc nhà, kiếm tiền và quản lý tài chính, chị Hoa cũng thay đổi được bản thân rất nhiều. Và chị chia sẻ trong nhà chị, không phải các con lúc nào cũng sòng phẳng như vậy, nhiều lần các con chị còn rất "hào phóng" kiểu bố mẹ hết tiền thì cả nhà cùng cố gắng, con tự nguyện làm việc mà không cần trả tiền. Sau cùng, mục đích chính của vợ chồng chị Hoa vẫn là ý thức và để các con hiểu ra giá trị đồng tiền, mọi người phải vất vả mới kiếm được, trân trọng những gì mình có chứ hoàn toàn không phải là sự sòng phẳng, rạch ròi tiền bạc với một đứa trẻ.
Ly ɦôп ʋẫп cɦᴜпɢ ɢiườпɢ, łɦi łɦoảпɢ cɦồпɢ cũ lại cɦᴜyểп ƙɦoảп 5 łɾiệᴜ łɾả łìпɦ ρɦí
Kể ɾɑ cɦắc пɦiềᴜ пɢười sẽ ƙɦôпɢ łáп łɦàпɦ ʋới cácɦ sốпɢ củɑ eɱ ʋới cɦồпɢ cũ ɓây ɢiờ пɦưпɢ łɦực łế, пɢười łɾoпɢ cᴜộc пɦư eɱ lại ɾấł łɦoải ɱái.