Minh chứng cho thấy Trung Quốc không thể tách rời Mỹ: Từng sa thải 70% nhân viên có quốc tịch và quyền cư trú tại Mỹ, nhưng Huawei đang ráo riết tuyển dụng lại nhóm người này
Theo nhiều nguồn tin tiết lộ với Nikkei, Huawei Technologies đang tuyển dụng lại các giám đốc điều hành và nhà khoa học cấp cao có liên quan đến Mỹ, trong bối cảnh mối lo ngại về vấn đề gián điệp ngày càng tăng đối với công ty này.
Nikkei cho hay, nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới đã củng cố lại hệ thống an ninh điện tử trong các văn phòng ở nước ngoài và trụ sở ở Trung Quốc để giảm thiểu nguy cơ rò rỉ dữ liệu mật.
Huawei hiện vẫn đang đứng giữa mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc. Do đó, chính quyền Tổng thống Trump đã đưa công ty này vào danh sách đen để hạn chế việc sử dụng công nghệ của Mỹ, đặc biệt là họ không thể sử dụng phần mềm của Google cho các mẫu smartphone mới nhất. Huawei cho biết, việc bị liệt vào danh sách đen sẽ doanh thu giảm khoảng 10 tỷ USD vào năm nay.
Lệnh trừng phạt của Washington đã khiến Huawei phải cắt giảm nhân sự có quyền công dân hoặc cư trú tại Mỹ, bởi họ lo sợ các cơ quan của Mỹ có thể sẽ tận dụng điều này. Một số giám đốc điều hành của Huawei, với các vị trí nghiên cứu và phát triển cấp cao, gồm cả người Mỹ gốc Á, đã phải rời công ty hoặc được luân chuyển.
Nguồn thạo tin chia sẻ với Nikkei: "Một phần lý do khiến các giám đốc điều hành Mỹ rời Huawei là mối lo ngại rằng một số nhân viên của Mỹ có thể đã được cơ quan tình báo của Mỹ liên hệ. Công ty này đang lo lắng rằng những giám đốc điều hành cấp cao khác (có quốc tịch hoặc cư trú tại Mỹ) có thể sẽ như vậy."
Sunhom Steve Paak là một trong số các giám đốc điều hành mà nguồn tin này tiết lộ - CTO của HiSilicon Technologies, công ty con của Huawei. Paak, hiện đã rời công ty, là một nhân sự cấp cao Huawei đã "lôi kéo" từ Samsung. Tại Samsung Electronics, Paak từng giữ chức phó chủ tịch cấp cao về mảng phát triển chất bán dẫn.
Một nhân sự khác là Wang Hsin-shih, trưởng nhóm phát triển công nghệ của Huawei tại Đài Loan và là cựu phó chủ tịch của Farraday Technology. Wang từng làm việc tại Thung lũng Silicon và hiện cũng ngừng hoạt động tại Huawei.
Theo thông tin trên LinkedIn, Paak đã làm việc trong ngành công nghệ của Mỹ hơn 10 năm sau khi có tấm bằng Tiến sĩ tại Đại học Purdue. Hiện tại, ông và Wang không bình luận về vấn đề này. Huawei cũng từ chối lên tiếng.
Nguồn tin tiết lộ: "Chúng tôi hiểu việc Wang ra đi đột ngột và một phần nguyên nhân của việc đó là mối liên hệ của ông ấy với Mỹ." Nguồn tin khác xác nhận các nhân sự rời đi do Huawei lo ngại rằng các nhà khoa học có liên quan đến Mỹ làm việc tại đây có thể sẽ vi phạm lệnh trừng phạt của Washington.
Việc tái bổ nhiệm nhân sự là dấu hiệu mới nhất về tình trạng tách rời của hai nền kinh tế lớn nhất, khi họ cạnh tranh để giành ưu thế về kinh tế, tài chính, công nghệ và quân sự. Hồi tuần trước, phía Mỹ cho biết hai bên đã đạt được thoả thuận một phần với Trung Quốc và sẽ hoãn áp dụng gói thuế dự kiến có hiệu lực vào ngày 15/10. Tuy nhiên, thoả thuận sơ bộ này lại không đề cập đến 2 vấn đề vẫn đang gây tranh cãi. Đó là, liệu Mỹ có tiếp tục gán mác thao túng tiền tệ cho Trung Quốc, hay họ sẽ lại đưa Huawei vào danh sách đen vì lo ngại với vấn đề an ninh quốc gia.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, những nguồn tin này nhấn mạnh rằng việc tái cấu trúc nhân sự của Huawei một phần là do sự không chắc chắn về việc liệu các nhân viên có mối liên hệ với Mỹ có được coi là một hình thức chuyển giao công nghệ hay không. Nguồn tin cho biết: "Bạn không thể hoàn toàn đổ lỗi cho Huawei. Ai dám tin người Mỹ nữa sau những gì Washington đã làm?"
Huawei đã sa thải 70% nhân viên người Mỹ tại công ty con Futurewei ở Mỹ, với lý do "cắt giảm hoạt động kinh doanh" do lệnh cấm về công nghệ gây ra. Do đó, Huawei có thể không tiết lộ đầy đủ về các nhân viên đã ra đi và nguyên nhân của việc đó. Thay vào đó, công ty này chỉ nói đến việc tái cấu trúc công ty và sự thay đổi nhân sự ở các công ty lớn.
Trong nỗ lực tách rời khỏi công nghệ Mỹ, Huawei đã bắt đầu thực hiện một chiến dịch nhằm tìm kiếm các nhà cung ứng linh kiện khác ở châu Âu và châu Á. Họ đang đầu tư hàng tỷ USD để phát triển phần mềm riêng, thay thế hệ điều hành Android của Google. Cuộc chạy đua để giảm sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ giờ đây đã lan sang cả nguồn nhân lực và "bí quyết" của các nhà khoa học.
Các giám đốc điều hành cấp cao của Huawei đã nói rằng họ muốn tuyển dụng những "tài năng trẻ" từ khắp nơi trên thế giới. Ngoài ra, họ cũng công khai nói rằng những nhân sự mới trong năm nay có thể sẽ nhận được mức lương lên tới 2 triệu NDT (281.000 USD), cao hơn cả Google hay Apple.
Mới đây, tại một cuộc hội thảo diễn ra tại trụ sở chính của Huawei, CEO Nhậm Chính Phi phát biểu: "Chúng tôi có thể tìm kiếm các nhà toán học tại Nga, nhà khoa học tại châu Âu, nếu không thể tuyển dụng nhân sự từ Mỹ."
Theo Trí thức trẻ
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.