Mỹ cấm visa quan chức TQ, bóng đen phủ lên đàm phán thương mại
Hôm thứ Ba 8/10, Mỹ áp dụng lệnh cấm visa lên các quan chức Trung Quốc liên quan đến việc giam cầm người thiểu số Hồi giáo tại Tân Cương. Động thái này đã phủ bóng đen lên cuộc đàm phán thương mại cấp cao sắp sửa diễn ra trong vài ngày tới ở Washington.
Bộ Ngoại giao Mỹ công bố lệnh cấm visa chỉ một ngày sau khi Bộ Thương mại Mỹ liệt 8 công ty và 20 Cục, Sở công an Trung Quốc vào danh sách đen vì liên quan đến việc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ không công bố tên cụ thể của quan chức nào bị cấm visa và cho hay hành động này là để “bổ sung” cho chế tài của Bộ Thương mại.
Đại Sứ quán Trung Quốc tại Washington lên án các hành động của Mỹ là “tạo ra cái cớ” để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
“Việc ở Tân Cương hoàn toàn là việc nội bộ của Trung Quốc, không cho phép nước ngoài can thiệp. Chúng tôi thúc giục Mỹ sửa lại sai lầm của họ ngay lập tức, ngừng ngay việc can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”, Đại Sứ quán Trung Quốc viết trên Twitter.
Thị trường chứng khoán có phản ứng tiêu cực ngay lập tức với hành động của Bộ Ngoại giao Mỹ do các nhà đầu tư lo ngại cuộc đàm phán vài ngày tới sẽ đổ bể.
Hôm thứ Năm và thứ Sáu tuần này, phái đoàn đàm phán cấp cao nhất của Trung Quốc sẽ tới Washington để nối lại đàm phán thương mại sau 2 tháng đình trệ. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc, sẽ làm việc với Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ Trưởng tài chính Steven Mnuchin của phía Mỹ.
Một nhà ngoại giao giấu tên của Trung Quốc nói với Reuters rằng Trung Quốc muốn ký thỏa thuận, nhưng nó không thể là thỏa thuận kiểu “anh thắng tôi thua”.
Ngoài ra, người này còn cho biết Mỹ phải chấp nhận sự khác biệt giữa hệ thống kinh tế của hai quốc gia, đặc biệt là mô hình phát triển kinh tế nhà nước lãnh đạo của Trung Quốc.
Trung Quốc sẵn sàng cải thiện việc bảo vệ tài sản trí tuệ, theo ông này, nhưng nói thêm rằng việc Mỹ tố cáo Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ là không công bằng.
Triển vọng đạt được thỏa thuận thương mại sau vòng đàm phán thứ 13 này đã ít ỏi khi mà ông Trump gạt bỏ ý kiến về một “thỏa thuận tạm thời”, thì nay lại càng khó khăn hơn sau khi hai bộ của Mỹ liên tục ra lệnh chế tài Trung Quốc.
Hôm thứ Hai, Bộ Thương mại Mỹ công bố thêm một loạt các tổ chức Trung Quốc bị cấm mua hàng hóa, dịch vụ của Mỹ. Trong danh sách này có Hikvision, công ty sản xuất video giám sát số một thế giới và Cục Công an của chính phủ khu tự trị Tân Cương.
Theo Bloomberg, Washington cũng đang cân nhắc các biện pháp cấm dòng tiền đổ vào Trung Quốc, với mục tiêu trước mắt là các quỹ hưu trí chính phủ.
Đàm phán thương mại sẽ diễn ra trước hạn Mỹ áp tăng thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc từ 25% lên 30% chỉ vài ngày. Ông Trump đã cảnh báo ông sẽ nâng thuế vào ngày 15/10 nếu đàm phán không có tiến triển.
Hôm thứ Hai, Tổng thống Mỹ dự đoán rằng ít có cơ hội để hai bên đạt một thỏa thuận chớp nhoáng nhưng ông cũng không hài lòng đối với một thỏa thuận một phần.
Không có dấu hiệu tích cực nào cho cuộc đàm phán sắp tới, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ rơi vào xung đột thương mại không giới hạn, ý kiến đang ngày càng được nhiều người chấp nhận.
“Tôi có thể cảm thấy xã hội Trung Quốc có ít kỳ vọng rằng vòng đàm phán mới sẽ có đột phá thực sự. Hầu hết mọi người nghĩ rằng các đợt thương chiến/ đàm phán luân phiên sẽ là tình trạng bình thường giữa Mỹ và Trung Quốc”, Hồ Tích Tiến, biên tập viên của tờ báo nhà nước Thời Báo Hoàn Cầu viết trên Twitter.
Nguồn: Trithucvn.net
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.