Mỹ: Luật 'chống mặt nạ' làm dấy lên lo ngại khi đeo khẩu trang
Luật chống mặt nạ từng giúp ngăn chặn tổ chức phân biệt chủng tộc nhưng hiện lại khiến một số người ngại đeo khẩu trang phòng Covid-19.
Đầu tháng 4, Muriel Bowser – thị trưởng thủ đô Washington, D.C. yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng để chống Covid-19, trong bối cảnh người Mỹ chưa có thói quen đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, điều 22–3312.03 của Bộ luật Washington, D.C. lại quy định "không người nào trên 16 tuổi được phép xuất hiện trên đường xá và nơi công cộng, hoặc tổ chức các buổi họp mặt và tuần hành, khi đeo mặt nạ hoặc mũ chụp đầu khiến một phần của gương mặt bị giấu kín hoặc che phủ" với ý định gây thương tích, đe dọa, hoặc nhằm vi phạm các điều luật dân sự hoặc hình sự khác.
Một phụ nữ đeo khăn bandana làm khẩu trang chống Covid-19 tại Washington vào ngày 2/4. Ảnh: Reuters.
Dù luật của Washington, D.C. chỉ phạt khi người đeo mặt nạ (trong đó bao gồm khẩu trang) có ý đồ xấu, bản thân việc bị cáo buộc vi phạm cũng có thể đem lại rắc rối nghiêm trọng. Ví dụ ngày 13/3, hai người đàn ông bị cảnh sát hộ tống ra khỏi siêu thị vì "có hành vi đáng ngờ" trong lúc đeo khẩu trang.
Đặt trong bối cảnh Covid-19, sự tồn tại của quy định pháp lý tương tự điều luật 22–3312.03 (được gọi chung là "luật chống mặt nạ") vô tình tạo tâm lý lo ngại và bối rối. Với những người thường thuộc đối tượng hay bị cảnh sát chú ý, việc đeo khẩu trang cũng tương đương với hành động "mời gọi sự rắc rối", theo Quartz.
Ban đầu, luật chống mặt nạ được các bang ban hành từ giữa thế kỷ 20 để ngăn cản Ku Klax Klan khi thành viên tổ chức này đội mũ che kín mặt để khủng bố người da đen. Hiện, ít nhất 18 tiểu bang và thủ đô Washington, D.C. có luật hạn chế việc đeo đồ che mặt nơi công cộng, Trung tâm Quốc tế về Luật phi lợi nhuận cho hay.
Quy định chống mặt nạ ở mỗi địa phương khác nhau. Một số ít các bang đặt ra lệnh cấm gần triệt để với việc đeo đồ che mặt tại nơi công cộng. Ví dụ, điều 13A-11-9 Luật Hình sự bang Alabama quy định, người nào che mặt và lảng vảng tại nơi công cộng có thể bị phạt tối đa 30 ngày tù. Tương tự, điều 240.35 Luật Hình sự bang New York đặt ra hình phạt tối đa 15 ngày tù với hành vi che mặt và lảng vảng tại nơi công cộng từ hai người trở lên, trừ tiệc hóa trang hoặc sự kiện giải trí được cấp phép.
Luật chống mặt nạ ở một số bang như Delaware, New Mexico, Connecticut nghiêm cấm người che mặt có ý định tước đoạt quyền lợi hợp hiến của người khác. Một số bang khác lại nghiêm cấm hành vi đeo mặt nạ trong khi phạm tội hoặc dự định phạm tội như California, Michigan, North Dakota.
Dù có nguồn gốc lâu đời, quy định chống mặt nạ tới nay vẫn còn hiệu lực. Cảnh sát thành phố New York từng xử phạt người biểu tình vì đeo mặt nạ trong cuộc vận động chiếm đóng phố Wall vào năm 2011, theo New York Magazine. Năm 2018, cảnh sát bang Georgia bắt người dân phải cởi bỏ mặt nạ và khăn bandana che mặt khi muốn tuần hành phản đối buổi diễn thuyết của những kẻ theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.
Gần đây, một số giới chức người Mỹ gốc Phi đã bày tỏ quan ngại trước việc phải xuất hiện tại nơi công cộng khi đeo khẩu trang. Ví dụ, trong thư gửi tới Thống đốc bang Georgia, Thượng nghị sĩ bang Nikema Williams nói "người dân đang dùng mọi thứ có sẵn trong nhà như băng đô, khăn quàng,... để che mặt" nên ông sợ họ bị cảnh sát chú ý khi đi siêu thị hoặc hiệu thuốc.
Ngày 13/3, hai người phản ánh bị cảnh sát hộ tống khỏi siêu thị vì "có hành vi đáng ngờ" và đeo khẩu trang. Ảnh: Halo Dale.
Trước lo ngại này, nhà chức trách một số bang đã lên tiếng trấn an người dân. Ngày 8/4, Trưởng công tố viên bang Alabama thông báo sẽ không thực thi luật này với người đeo khẩu trang che mũi và miệng.
Ngày 13/4, Brian Kemp – Thống đốc bang Georgia, đã ký sắc lệnh tạm ngưng thực thi điều luật xử phạt hành vi đeo đồ che mặt vì lý do sức khỏe công cộng. Vị này giải thích rằng quyết định này nhằm muốn mọi người cảm thấy an toàn khi đeo khẩu trang để bảo vệ trước Covid-19 mà không phải sợ vướng lao lý.
Quốc Đạt (Theo Quartz, ICNL, Fox 5 Atlanta)
Link nguồn: https://vnexpress.net/luat-chong-mat-na-lam-day-len-lo-ngai-khi-deo-khau-trang-4089758.html
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.