Mỹ: Nỗ lực cứu chồng mắc Covid-19 của người phụ nữ gốc Việt
Chloe Nguyen và chồng cùng mắc Covid-19. Cô bị nhẹ còn chồng phải thở máy. Và đó là khi Chloe chạy đua tìm cách cứu mạng chồng trong tuyệt vọng.
Chuỗi hạt bình an treo trên kính chiếu hậu của Chloe Nguyen lắc lư khi cô rời khỏi xa lộ I-15 ở Lake Elsinore, California hướng đến một trung tâm xét nghiệm Covid-19 ở sân vận động Diamond. Các nhân viên y tế đứng trước những dãy lều trắng, mặc trang phục phòng hộ kín mít, trong khi những chiếc xe xếp hàng, vào ngày 16/4.
Chloe tắt nhạc những bài hát tiếng Việt. Cô dí sát giấy phép lái xe vào cửa kính xe để người bên ngoài có thể ghi tên cô. Chloe biết thủ tục vì đã 2 lần trải qua quá trình này và cả hai lần đều cho kết quả dương tính.
Cách đó 65 km, Ted Le, 32 tuổi, chồng cô đang phải thở máy. Anh bất tỉnh trong phòng chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện thung lũng Pomona, hạt Los Angeles kể từ 24/3. Không được vào giường bệnh, Chloe đã 24 ngày chưa chạm vào chồng.
Từ đầu tháng tư, Chloe đã bắt đầu đọc liệu pháp dùng huyết tương của bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục để cứu người bệnh nặng. Trên khắp đất nước, các bệnh viện và ngân hàng máu kêu gọi người hồi phục hiến huyết tương.
Không đủ huyết tương cho tất cả các bệnh nhân vì có những người tái dương tính. Những người đã khỏi bệnh như Chloe muốn hiến huyết tương phải chờ đợi hoặc bị từ chối vì không đáp ứng các điều kiện, trong khi có những người không thể quyên góp vì chưa đủ tạo ra kháng thể. Quy định cũng không cho phép người đồng tính nam tặng huyết tương.
Ở thời điểm này, các triệu chứng của Chloe từ sốt, sổ mũi, mệt mỏi, mất vị giác... đã chấm dứt. Cô đã dương tính 19 ngày trước, có nghĩa chỉ cần 9 ngày nữa có thể hiến huyết tương. Nhưng nhờ kết quả âm tính này, cô có thể quyên góp sớm hơn để cứu chồng.
Chloe, chồng và con trai hơn 2 tuổi. Ảnh: The Atlantic.
Chỉ một ngày trước xét nghiệm lần 3 của Chloe, Bệnh viện Pomona được phép dùng huyết tương điều trị, chỉ có điều họ chưa có một người hiến nào khả thi. Thực tế có nhiều người hồi phục đã đăng ký, song các trung tâm máu vẫn đang rà soát những người đủ điều kiện, sau đó mới thiết lập cuộc hẹn với họ. Chloe cũng đăng lời cầu xin lên các mạng truyền thông xã hội, kêu gọi những người đã dương tính một tháng trở lại đây giúp đỡ chồng mình.
Khi Chloe dừng trước một nhân viên y tế trong bãi đậu xe sân vận động Diamond, cô hạ cửa và tháo khẩu trang. "Ok, ngửa cổ bạn ra phía sau", nhân viên y tế nói. "Tôi sẽ đặt nó vào mũi, xoay tròn khoảng 5 lần. Sẽ khó chịu một chút".
Chloe ngửa cổ ra phía sau, dây an toàn vẫn đeo ngang ngực. "Thở bằng miệng bạn". Cằm Chloe há miệng. Cô cau mày. "Một, hai, ba, bốn. Bạn làm đúng rồi đó", nhân viên y tế nói.
Đôi mắt Chloe ươn ướt. Cô đặt tay lên vô lăng, khẩu trang lủng lẳng bên tai trái.
"Bạn sẽ nhận được một cuộc gọi nếu dương tính. Một email nếu âm tính". Sẽ mất từ 3-10 ngày mới có kết quả. Chloe không biết chồng mình có sống được tới lúc đó không.
Chloe luôn nghĩ chồng mình không thể bị Covid-19 đánh bại. Anh không có vấn đề sức khỏe nào, không hút thuốc, không nghiện thứ gì. Vào ngày 17/3, khi Ted, làm trong một tiệm nail trở về nhà, anh bị sổ mũi. Tối đó anh sốt 38,5 độ. Sáng hôm sau sốt lên 39,5 độ.
Ted, còn làm thêm nghề chạy taxi công nghệ và thợ xăm. Anh không muốn tới bệnh viện vì bảo hiểm đã hết hạn. Bốn ngày trôi qua, anh nằm trên giường rên rỉ vì đau nhức cơ thể và đau đầu khủng khiếp, đôi mắt đỏ ngầu. Chloe năn nỉ chồng đi bác sĩ. Đến ngày 23/3, Ted hầu như không thể đi bộ hay ăn uống. Anh mất vị giác, khó thở.
Chloe thuyết phục không ngừng, cuối cùng Ted cũng đồng ý. Cô chở chồng đến Bệnh viện Pomona, nơi cô đang làm việc ca đêm như một thư ký sắp xếp lịch hẹn cho bác sĩ. Cô thả chồng trước phòng cấp cứu. Những người thường không được phép vào khu vực có bệnh nhân nghi ngờ hoặc được xác nhận Covid-19.
"Nhắn tin cho em. Cho em biết khi họ khám xong", cô nói với chồng. Cô không nghĩ anh phải ở đây lâu.
"Họ đã lấy 20 ống máu'", anh nhắn vài giờ sau khi nhập viện, gửi một bức ảnh đeo khẩu trang.
Một ngày sau Ted nhắn cho vợ: "Họ sẽ chuyển anh vào phòng cấp cứu". Đây là tin nhắn cuối cùng cô nhận trước khi chồng đặt nội khí quản.
Cùng ngày hôm đó Chloe lái xe đến địa điểm xét nghiệm ở hồ Alsinore lần đầu tiên, cùng với cha mẹ cô và con trai Kendrick. Không ai trong số họ có triệu chứng, nhưng Chloe muốn tất cả được kiểm tra. Vợ chồng cô sống cùng nhà với bố mẹ cô. Kết quả cho thấy Chloe và người cha 74 tuổi dương tính. Từ hôm đó, mẹ của Chloe dẫn theo cháu sang nhà mẹ của Ted.
Các triệu chứng của Chloe mãi 5 ngày sau mới xuất hiện và rất nhẹ, hầu như không ho và đau họng. Cha cô cũng tương tự. Nếu không phải vì mức độ của Ted nặng, có lẽ họ không bao giờ đi xét nghiệm hoặc nhận ra mình nhiễm virus này.
Ngày qua ngày trôi qua trong thời gian tự cách ly tại nhà, Chloe lướt mạng và chờ điện thoại từ y bác sĩ. Ông chủ của cô đã bỏ mật ong, trà, yến mạch, cam, giấy vệ sinh trước nhà cho Chloe. Chị dâu cô nấu súp gà, bún, phở đặt trước hiên. Bên ngoài cửa sổ, cô thấy hàng xóm đang đi dạo. Cô thấy những người bán dong trong khu phố không đeo khẩu trang.
Vào ngày 11/4, trong khi nhiều người đang chuẩn bị ăn mừng lễ Phục sinh thì Ted bị viêm phổi. Bác sĩ cập nhật thông tin hàng ngày cho Chloe qua FaceTime, khi đứng cạnh giường bệnh. "Bác sĩ không thể cho tôi hi vọng viển vông và tôi hiểu điều đó", Chloe nói.
Cô hiểu rằng Ted sẽ là trường hợp được ưu tiên hàng đầu trong điều trị huyết tương. Bác sĩ hứa sẽ "làm mọi thứ trong khả năng để đảm bảo chồng tôi được huyết tương. Ông ấy hứa với tôi và tôi tin ông", Chloe nói.
Chloe biết không có cách nào chắc chắn về liệu pháp này. Phức tạp hơn, Ted có nhóm máu B, còn cô nhóm máu A. Chỉ khi không có lựa chọn thích hợp thì mới thử sang nhóm máu không khớp, điều hiếm gặp nhưng không phải không thể có hiệu quả về mặt y tế. Chloe gạt đi bất đồng này. Bởi đây là điều mà cô thấy mình có một chút khả năng kiểm soát.
Chloe năm nay 31 tuổi. Cô sinh ra ở Việt Nam và đến Mỹ năm 2010, khi được dì bảo trợ. Ba năm sau cô gặp Ted. Họ kết hôn năm 2015.
Hai năm sau Chloe hạ sinh Kendrick. "Con trai tôi yêu bố. Hai bố con như hình với bóng. Bất cứ lúc nào chồng tôi đi làm về, thằng bé chạy đến ôm cổ bố và bám bố cả đêm", cô kể. Mỗi tuần, Ted có một ngày nghỉ làm. Riêng Chloe, ngoài bệnh viện, cô cũng đang làm công việc thứ 2 tại một phòng khám mắt, nhiệm vụ là làm hóa đơn y tế.
Hai lần, Kendrick thấy cha qua FaceTime của bà nội. Bố bất tỉnh với mớ dây dợ quanh mũi miệng. "Bố ơi. Bệnh viện", thằng bé hét lên sợ hãi.
Trong một cuộc trò chuyện khác, Chloe nói với chồng: "Anh phải chiến đấu bởi vì cả nhà đang chiến đấu vì anh. Tất cả các y bác sĩ đang giúp đỡ, làm mọi thứ họ có thể. Con trai nhớ anh. Anh phải kiên trì và mạnh mẽ".
Vào tuần Chloe có kết quả lần 3, cô là một trong 500 người hoàn thành khảo sát trực tuyến để hiến huyết tương qua Ngân hàng máu San Diego. Chỉ có 10 người trong số họ đáp ứng các tiêu chí cơ bản.
Các cuộc hẹn lấy hiến huyết tương đang được tiến hành nhưng chưa có mẫu nào được gửi đến bệnh nhân Covid-19. Đến ngày 15/4, Hội chữ thập đỏ Mỹ, nơi Chloe cũng điền đơn hiến tặng, đã thu thập đủ huyết tương cho 80-100 bệnh nhân, trong khi có khoảng 400 bệnh nhân nguy kịch đang cần. "Chúng tôi không thể đáp ứng đủ các nhu cầu. Tôi nghĩ hầu hết các ngân hàng máu trên cả nước cũng trong tình trạng tương tự", Pampee Young, giám đốc Hội chữ thập đỏ Mỹ cho biết.
Trong thời gian cách ly, Chloe theo dõi tin tức từng phút. Cô đăng một bài viết về xét nghiệm kháng thể ở Los Angeles lên Facebook mình. "Sẽ rất hữu ích nếu chúng ta xét nghiệm kháng thể nhanh chóng để xác định ai có thể trở thành người hiến tặng", cô viết.
Chỉ một ngày sau xét nghiệm lần 3, Chloe nhận được kết quả âm tính. Hôm đó cô cũng biết mình có thể quay lại bệnh viện làm việc. Công việc có thể giúp mình bớt đau khổ, cô đã nghĩ vậy.
Chloe lái xe thẳng đến bệnh viện đưa ra các giấy tờ cần thiết để có thể trở lại làm. Cô đi đến khu Hồi sức cấp cứu. Các nhân viên y tá có vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy Chloe nhưng không ai ngăn cản. Chloe nhìn chằm chằm chồng qua cửa sổ. Một y tá mang đến chiếc ghế, nhưng cô chỉ muốn đứng.
Chồng cô nằm đó trông thoải mái, cô nghĩ, nhưng hoàn toàn không biết chuyện gì đang xảy ra. Sau khoảng 15 phút, bác sĩ của Ted đã tìm thấy cô. "Anh ấy đang bị suy thận", ông nói.
Suốt thời gian qua Chloe đã cố bám vào phương pháp điều trị huyết tương, mong một phép màu nào đó. Bây giờ cô cảm thấy suy sụp. "Vô vọng rồi", cô nói.
Không có cách nào để ôm anh, để an ủi hay xoa dịu nỗi đau cho anh. "Tại thời điểm này tôi không thể làm gì được nữa". Cô rệu rã trở về nhà và cố ngủ thiếp đi.
Một giờ sáng hôm sau, một y tá gọi Chloe. Độ bão hòa oxy của chồng cô giảm xuống mức thấp nhất. "Anh ấy có thể có thể không qua được đêm nay", nhân viên y tế nói.
"Làm ơn cứu anh ấy", Chloe năn nỉ.
Không lâu sau cô nhận cuộc gọi khác. "Chúng tôi không thể cứu được anh ấy. Tim anh ấy rất yếu. Không có oxy trong máu, da tái xanh...".
Hai ngày trôi qua kể từ khi bệnh viện này được chấp thuận thử nghiệm điều trị huyết tương, một ngày trôi qua kể từ khi Chloe có kết quả xét nghiệm âm tính, bây giờ, Ted không còn nữa. Khóc lóc một mình, Chloe bám lấy điện thoại như thể nó có thể cho cô một đáp án khác. Bên ngoài mặt trời bắt đầu mọc.
Vài ngày sau khi Ted mất, 6 bệnh nhân tại bệnh viện này đã nhận được huyết tương. Chưa có báo cáo họ cải thiện, nhưng một phát ngôn viên xác định tất cả các bệnh nhân điều trị phương pháp này vẫn còn sống.
Khi có kết quả âm tính, cuối cùng Chloe cũng được gặp con trai. Cuối tuần đó, cô bế Kendrick và vẫn chưa nói với bé bố đã đi rồi.
Chủ nhật ngày 19/4, Chloe lên kế hoạch tang lễ cho chồng. Xong xuôi, cô nhìn quanh phòng ngủ. Quần áo của chồng treo trong tủ, ảnh cưới trên tường. "Tôi không muốn ở trong căn phòng này nữa", cô nói và tính sẽ chuyển đi nơi khác.
Chloe vẫn lên kế hoạch hiến huyết tương để trao tặng hi vọng cho người khác. Gần đây cô lái xe đến một ngân hàng máu ở hạt Ventura, bang California. Sau khi kiểm tra, nhân viên y tế bảo cô thiếu máu do thiếu sắt.
Các nhân viên y tế lo cô có thể không hồi phục an toàn sau khi hiến nên bảo cô cố gắng tăng mức huyết sắc tố bằng thực phẩm hay thuốc bổ sung nhiều sắt. Điều này có nghĩa Chloe phải mất thêm vài tuần nữa. Thật khó để cô chấp nhận mình vẫn bị từ chối.
Cô biết, với các gia đình và bệnh nhân Covid-19 mỗi ngày là rất quan trọng. Cuộc hẹn hiến huyết tương tiếp theo của Chloe là ngày 13/5.
Bảo Nhiên (Theo The Atlantic)
Link nguồn: https://vnexpress.net/no-luc-cuu-chong-mac-covid-19-cua-nguoi-phu-nu-goc-viet-4096895.html
Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao
Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.