RSS

Mỹ thảm bại trước Covid-19

12:28 29/05/2020

Tổng thống Trump luôn nói "nCoV sẽ biến mất kỳ diệu", nhưng virus vẫn tiếp tục tàn phá nước Mỹ và cướp đi tính mạng của hơn 100.000 người Mỹ.

Ngày 27/5 đánh dấu số người chết vì nCoV ở Mỹ vượt 100.000. Con số cho thấy mức độ nghiêm trọng của Covid-19, và đằng sau đó là nhiều câu chuyện đau buồn về các gia đình bị chia cắt, mất người thân và những người chết trong cô độc. Ngoài ra, những người đã chết không được tổ chức tang lễ đúng nghĩa vì hạn chế cách biệt cộng đồng.

Covid-19 cũng khoét sâu thêm nhiều vấn đề tồn tại ở Mỹ từ lâu như phân biệt chủng tộc, giai cấp. Nghiên cứu của giới dịch tễ học và bác sĩ lâm sàng chỉ ra các hạt có dân số da màu cao chiếm hơn nửa số ca nhiễm và gần 60% ca tử vong hồi giữa tháng 4.

Khi tầng lớp thượng lưu có thể thoải mái tận hưởng thời gian phong tỏa ở nhà, nhiều dân thường đau đầu với bài toán mất sinh kế. Khoảng 41 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong vòng 10 tuần, theo USA Today hôm 27/2. 

Nhân viên y tế chuyển xác bệnh nhân tới xe tải đông lạnh ở Bệnh viện Brooklyn, thành phố New York, hôm 9/4. Ảnh: AFP.

Nhân viên y tế chuyển xác bệnh nhân tới xe tải đông lạnh ở Bệnh viện Brooklyn, thành phố New York, hôm 9/4. Ảnh: AFP.

Stephen Collinson, nhà phân tích của CNN, nhận định mốc 100.000 người chết vì nCoV còn phản ánh câu chuyện về chính trị và vai trò của chính phủ. "Covid-19 là thách thức trăm năm có một đối với mọi quốc gia. Nhưng Mỹ đã chứng kiến một trong những nỗ lực ngăn chặn nCoV thất bại và gây chia rẽ chính trị nhiều nhất thế giới", Collinson cho hay.

Nhà phân tích này cho rằng Mỹ có thể đưa ra nhiều giải thích cho phản ứng sai lầm và thất bại trước đại dịch, như phản ứng ban đầu của Bắc Kinh, sai lầm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay lỗ hổng trong hệ thống chính phủ liên bang. Các thống đốc không sớm nhận ra mối đe dọa bùng phát ổ dịch trong viện dưỡng lão cũng có thể sẽ được xem là một trong số sai lầm nghiêm trọng nhất. 

Tuy nhiên, Collinson nhận định Tổng thống Donald Trump sẽ là người hứng nhiều chỉ trích nhất, dù hồi tháng 3 ông từng nói rằng "Tôi không thể gánh tất cả trách nhiệm trên vai".

"Thời điểm quốc gia đối mặt với hiểm nguy chính là lúc tổng thống thể hiện rõ nhất vai trò của mình. Đó là lý do tổng thống phải là người đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với nó tới cùng. Vị trí tổng thống là nơi giải quyết mọi vấn đề mà những người khác không thể xử lý được", Collinson nói.

Trong tuyên thệ nhậm chức năm 2016, Tổng thống Trump nói "Một mình tôi có thể làm tốt mọi thứ". Tuy nhiên, những thông điệp gây hoang mang, quyết định đầy mâu thuẫn khi phản ứng với đại dịch và đặc biệt là số người chết ở Mỹ vượt 100.000 dường như "phản bội" tuyên bố trước đây của ông.

Collinson cho rằng Trump có thể đã không phải hứng nhiều thất bại và chỉ trích về cuộc chiến chống Covid-19 nếu ngay từ đầu ông đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của đại dịch.

Trung Quốc phong tỏa thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc hôm 23/1. Hong Kong cũng báo cáo ca nhiễm đầu tiên cùng thời gian đó. Nhà Trắng đã tranh luận liệu Tổng thống Trump có nhận được cảnh báo về dịch bệnh này từ cơ quan tình báo Mỹ hay không hoặc nhận được khi nào. 

"Tuy nhiên, tất cả điều đó đều có trên các bản tin và trong một thế giới kết nối toàn cầu như hiện nay, rõ ràng dịch bệnh sẽ sớm lan tới Mỹ", Collinson nói.

Cảnh báo về đại dịch ngày càng rõ khi Italy phong tỏa vùng Lombardy hôm 8/3. Tuy nhiên, Trump liên tục phủ nhận mối đe dọa của nCoV đối với Mỹ và thậm chí cho rằng Washington hoàn toàn kiểm soát tình hình. "Chúng tôi đã gần như đóng cửa hoàn toàn với Trung Quốc", Trump nói hôm 2/2.

Nhân viên y tế đứng cầu nguyện tại Trung tâm Y tế Redwood Springs, ở Visalia, bang California, tháng này. Ảnh: Washington Post.

Nhân viên y tế đứng cầu nguyện tại Trung tâm Y tế Redwood Springs, ở Visalia, bang California, tháng này. Ảnh: Washington Post.'

Nhưng cộng đồng y tế công cộng Mỹ ngày càng lo ngại khi nhận thấy Covid-19 chắc chắn sẽ tấn công đất nước. Họ đã bày tỏ lo ngại về hệ thống bệnh viện, liệu có được chuẩn bị tốt để ứng phó với dịch. Ngày 25/2, Nancy Messonnier, người đứng đầu Trung tâm Miễn dịch và Bệnh hô hấp thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cảnh báo cuộc sống ở Mỹ có thể bị gián đoạn nghiêm trọng.  

Bà cho biết việc dịch lan rộng hơn ở Mỹ là "không thể tránh được" và cảnh báo mọi người cần bắt đầu thực hiện các biện pháp phòng ngừa."Câu hỏi không còn là liệu nó có xảy ra ở Mỹ không, vấn đề chỉ là khi nào và bao nhiêu người sẽ đổ bệnh", bà Messonnier nói.

Cảnh báo của quan chức CDC đã khiến Trump tức giận. Ông cho rằng nó đã gây hoảng sợ và khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc. Ngày 27/2, Trump nói rằng nCoV "sẽ biến mất kỳ diệu", trong khi chiều hôm trước, quan chức CDC Ann Shuchat cảnh báo sẽ có thêm ca nhiễm ở Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng đã nhắc lại điều này ít nhất 15 lần như một câu thần chú. Lần gần đây nhất ông nói nCoV sẽ biến mất là hôm 15/5. 

"Việc Trump phủ nhận mối đe dọa của Covid-19 trong giai đoạn đầu có thể sẽ được xem là một trong số nguyên nhân gây tổn hại nhiều nhất cho Mỹ trong cuộc khủng hoảng này", Collinson nói.

Ông thêm rằng điều này đã dẫn tới những thất bại khác, như khả năng xét nghiệm và thiếu hụt đồ bảo hộ cho nhân viên y tế. Nó cũng dẫn tới phản ứng chậm trễ của nhiều bang ở Mỹ. 

Nghiên cứu của Đại học Columbia công bố tuần trước cho thấy Mỹ có thể cứu mạng của ít nhất 36.000 và giúp khoảng 700.000 người không bị nhiễm bệnh nếu thực hiện biện pháp cách biệt cộng đồng sớm hơn một tuần hồi tháng 3.

Giới chức New York từng chỉ trích chính quyền Trump thất bại trong xây dựng hệ thống xét nghiệm. Họ cho rằng xét nghiệm có thể giúp biết được phạm vi và mức độ ảnh hưởng của Covid-19 trong cộng đồng. Đây cũng trở thành vấn đề gây nhiều tranh cãi gay gắt ở Mỹ trong những tháng đầu tiên đại dịch tấn công.

Trong những tuần gần đây, khi điểm nóng Covid-19 tập trung ở các thành phố lớn và khu vực đô thị, một cuộc tranh luận khốc liệt hơn về tốc độ mở cửa kinh tế lại nổ ra. Trump nói rằng Mỹ đã "thắng thế" trong cuộc chiến với Covid-19 và khẳng định quốc gia này dẫn đầu thế giới về xét nghiệm.

Theo dữ liệu mới nhất từ Dự án Theo dõi Covid-19, Mỹ đã thực hiện 15 triệu xét nghiệm. Dữ liệu của Đại học Oxford chỉ ra tỷ lệ xét nghiệm của Mỹ hiện là 45/1.000 người, đứng trước Canada, Anh nhưng vẫn thấp hơn Australia, Italy và New Zealand.

"Trong khi Trump muốn ca ngợi phản ứng với Covid-19 của Mỹ, số liệu thực tế có vẻ không ủng hộ ông", Collinson nói.

Tỷ lệ tử vong của Mỹ là 30/100.000 người, thấp hơn Anh, Pháp hay Italy, nhưng cao gấp nhiều lần Đức với 10/100.000 người, hay Hàn Quốc với 0,52/100.000 người, theo Đại học Johns Hopkins. Hiện, 14 bang ở Mỹ báo cáo số ca nhiễm tăng, trong khi 17 bang giữ mức ổn định và 19 bang giảm.

Ngôi mộ tập thể dành cho nạn nhân Covid-19 ở Hart Island, hạt Bronx, New York, hôm 9/4. Ảnh: AP.

Ngôi mộ tập thể dành cho nạn nhân Covid-19 ở Hart Island, hạt Bronx, New York, hôm 9/4. Ảnh: AP.

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dẫn dắt cuộc chiến chống Covid-19 tại Mỹ, đồng thời là cố vấn của Trump, hôm 27/5 cảnh báo đại dịch chưa qua và lo ngại số ca nhiễm có thể sẽ gia tăng khi ngày càng nhiều bang mở cửa trở lại.

"Đừng quá tự tin khi bạn mới mở cửa một tuần mà không thấy tác động tiêu cực nào xảy ra. Bởi những tác động đó có thể phải đợi thêm hai, ba tuần hoặc lâu hơn nữa", ông nói. 

Collinson cho rằng nguy cơ từ việc mở cửa, thiếu vaccine và phương pháp điều trị Covid-19 hiệu quả cho thấy số người chết ở Mỹ thậm chí sẽ tiếp tục tăng lên.

"Mỹ vượt mốc 100.000 ca tử vong được xem là thảm kịch bởi những người đó đáng lẽ đã không phải chết. Và không ai biết có bao nhiêu người nữa phải chết trước khi Covid-19 qua đi", Collinson nói.

Thanh Tâm (Theo CNN)

 

Link nguồn: https://vnexpress.net/my-tham-bai-truoc-covid-19-4106419.html

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.