Người Mỹ tới nghỉ hưu ở Việt Nam vì chi phí y tế rẻ và mức sống khá
Nhiều người Mỹ về hưu, bao gồm các cựu binh Mỹ, đã quay trở lại Việt Nam và tận hưởng cuộc sống với chất lượng ngày càng tăng.
Hơn 58.000 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam. Kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, rất nhiều cựu binh Mỹ đã quay trở lại Việt Nam để tìm kiếm sự thấu hiểu, tha thứ hoặc hòa giải. Giờ đây, nhiều người đến Việt Nam với những lý do thực tế hơn: giá nhà rẻ, chi phí y tế thấp và mức sống ngày càng nâng cao.
John Rockhold, cựu binh từng tham gia chiến tranh Việt Nam, đứng trên một con đường ở TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: LAT)
John Rockhold ở thung lũng San Fernando đã đăng ký vào lực lượng Hải quân Mỹ ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông. Là một hạ sĩ quan hải quân, Rockhold từng dành nhiều tháng vận hành những chiếc thuyền thả đặc nhiệm hải quân Mỹ vào ban đêm, dọc theo những bờ biển dài của Việt Nam.
Sau khi rời quân ngũ, Rockhold làm công việc của một nhà thầu quốc phòng, hoạt động chủ yếu tại châu Phi. Ông quay trở lại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1992. Sau đó, Rockhold định cư tại Việt Nam vào năm 1995 – cùng năm Mỹ và Việt Nam chính thức bình thường hóa quan hệ. Cựu binh Mỹ kết hôn với một phụ nữ Việt Nam vào năm 2009.
Rockhold yêu thích cuộc sống tại Việt Nam tới mức ông đã thuyết phục mẹ ông chuyển từ Santa Maria, bang California, Mỹ tới Việt Nam vào năm 2009.
“Bà đến dự đám cưới và quyết định ở lại”, Rockhold vừa nói vừa cười.
Mẹ của cựu binh Mỹ sống tại Việt Nam cho tới khi bà qua đời vào năm 2015. Khi đó bà 94 tuổi.
Rockhold hiện 66 tuổi và có hai con, lần lượt 10 tuổi và 9 tuổi. Vợ ông là bà Tu Viet Nga.
Hai con của Rockhold đều sinh mổ. Chi phí cho một ca sinh mổ, bao gồm 4 ngày ở bệnh viện, khoảng 1.200 USD, ít hơn nhiều so với ở Mỹ.
Gia đình Rockhold hiện sống trong một căn hộ ở tầng 20 nhìn ra sông Sài Gòn. Họ mua căn hộ diện tích khoảng 170 m2 có 4 phòng ngủ, 3 phòng tắm với giá khoảng 250.000 USD vào năm 2011.
Sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam và các nước láng giềng Đông Nam Á đã tạo ra một bối cảnh mà ít người nghĩ tới trước đây: Ngày càng nhiều người Mỹ lớn tuổi đang hưởng thụ một cuộc sống gợi nhớ đến Florida, Nevada và Arizona, nhưng lại là ở Việt Nam.
Chi phí hàng tháng tại đây hiếm khi vượt quá 2.000 USD, thậm chí với cả những người sống trong một căn hộ lớn như gia đình Rockhold, bao gồm cả tiền thuê đầu bếp và người lau dọn.
Trong khi đó hàng xóm cũng rất thân thiện: Phần lớn người Việt Nam sinh ra sau chiến tranh và Rockhold nói rằng ông hiếm khi gặp phải sự oán giận, ngay cả khi ông chia sẻ về thời kỳ quân ngũ trước đây.
Người Mỹ tại Việt Nam
Phần lớn chủ sở hữu của các căn hộ trong tòa chung cư nơi Rockhold đang sống thuộc nhóm trung lưu phát triển mạnh tại Việt Nam. Cựu binh Mỹ ước tính khoảng 1/5 cư dân trong tòa nhà 25 tầng là người nước ngoài.
“Người Việt rất tốt với tôi, đặc biệt khi so sánh với chính đất nước của tôi sau khi tôi trở về từ chiến tranh”, Rockhold nói.
Khi nghỉ hưu, Rockhold luôn bận rộn: Ông giúp Việt Nam nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng và tham gia vào một tổ chức từ thiện cung cấp năng lượng mặt trời cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Trang trại của vợ ông chỉ cách nơi Rockhold từng chiến đấu khoảng 45 phút lái xe.
“Tôi chưa từng có suy nghĩ rằng, 30 năm sau tôi sẽ sở hữu một vài thứ ở Việt Nam”, Rockhold cho biết.
Hiện chưa có con số thống kê chính xác bao nhiêu người Mỹ nghỉ hưu đang sống ở Việt Nam. Các cuộc phỏng vấn của báo Los Angeles Times với hơn 10 người Mỹ về hưu đang sống ở Việt Nam cho thấy, một số người ở lại Việt Nam với thị thực du lịch 1 năm, một số người khác ở đây chỉ trong 1 hoặc 2 mùa, và cũng có những người đủ điều kiện cư trú lâu dài bằng cách kết hôn với người Việt Nam như Rockhold.
Cựu binh Michael Gormalley đã trở lại Việt Nam để giảng dạy tiếng Anh tình nguyện cho các trường phổ thông ở nông thôn từ năm 2008. Năm 2014, ông bắt đầu giảng dạy tại một trường đại học ở Việt Nam.
Ông Gormalley, 71 tuổi, từng là hiệu trưởng của một trường ở Pittsfield, Massachusetts, Mỹ. Cựu binh Mỹ nói rằng việc ông tham gia giảng dạy để “thể hiện sự tôn trọng với những người Mỹ và người Việt Nam đã thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam”.
Frederick R. Burke, một luật sư của hãng luật Baker McKenzie và là người có mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng người Mỹ tại Việt Nam, đã đưa ra nhận định về việc các cựu binh Mỹ chọn sống ở Việt Nam.
“Họ muốn trở lại và muốn hòa giải. Họ thường kết hôn với một phụ nữ Việt Nam, và các lợi ích dành cho cựu binh cũng như an sinh xã hội tốt hơn nhiều so với ở Los Angeles”, Burke cho biết.
Rockhold nói rằng việc chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể.
“Đây là một trong những nơi an toàn nhất thế giới, chuyện móc túi vặt gần như chưa nghe thấy bao giờ”, cựu binh Mỹ nói thêm.
Rockhold cũng chia sẻ rằng một số người bạn của ông là người Mỹ tại Việt Nam nhưng chưa từng tham gia quân ngũ ở Việt Nam.
“Chi phí sinh hoạt ở đây rất thấp”, cựu binh Mỹ cho biết.
Tiп ɱới пɦấł ʋụ 18 łɾẻ 2 – 6 łɦáпɢ łᴜổi ɓị łiêɱ пɦầɱ ʋắc xiп ρɦòпɢ Coʋiɗ-19
Tɦôпɢ łiп łừ Sở Y łế Hà Nội ᵭêɱ 4/11 cɦo ɓiếł 18 łɾẻ ᵭộ łᴜổi łừ 2 – 6 łɦáпɢ ở ɦᴜyệп Qᴜốc Oɑi ᵭếп łɾạɱ y łế xã łiêɱ ʋắc xiп пɦưпɢ ɓị łiêɱ пɦầɱ ʋắc xiп ρɦòпɢ Coʋiɗ-19 Pfizeɾ.