Người Mỹ 'trải nghiệm sâu' với đợt áp thuế Trung Quốc từ hôm nay 1-9
Cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump với Trung Quốc với đợt áp thuế từ ngày 1-9 sẽ khiến người dân Mỹ “trải nghiệm sâu” hơn. Điều an ủi là phần lớn người Mỹ hiện công việc đang ổn định, lương cũng tăng.
Đợt áp thuế bổ sung với 112 tỉ USD hàng Trung Quốc từ ngày 1-9 được cho là ảnh hưởng trực tiếp đến “hầu bao” người dân Mỹ - Ảnh: AFP
Từ ngày 1-9, Chính phủ Mỹ bắt đầu thu thuế bổ sung 15% đợt đầu với 112 tỉ USD hàng nhập từ Trung Quốc. Danh sách hàng hóa rất đa dạng, song dễ thấy nhất lần này là một loạt hàng tiêu dùng thiết yếu từ đồng hồ thông minh, tivi tới giày dép, tã bỉm, dụng cụ thể thao, thịt và các sản phẩm bơ sữa.
Đối mặt tăng giá
Theo Hãng tin AP, lần đầu tiên kể từ khi ông Trump phát động thương chiến, giờ đây các gia đình Mỹ mới đối mặt với việc tăng giá. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ Mỹ cho biết sẽ buộc phải tăng giá bán hàng để đương đầu với mức thuế nhập khẩu mới áp với hàng Trung Quốc.
Cơ quan hải quan và biên phòng Mỹ (CBP) khẳng định sẽ không có khoảng thời gian nhân nhượng nào với thời điểm áp thuế 1-9. Có vẻ như "đạn đã lên nòng" và đúng 12h01 ngày 1-9 giờ Mỹ, mức thuế 15% sẽ chính thức áp với 69% hàng tiêu dùng nhập từ Trung Quốc, cao hơn nhiều so với tỉ lệ 29% số hàng hiện tại.
Hiệp hội Công nghệ tiêu dùng Mỹ cho biết trong đợt áp thuế ngày 1-9, có khoảng 52 tỉ USD hàng điện tử tiêu dùng gồm loa thông minh, tai nghe và tivi. Trong khi đó, Hiệp hội May mặc và da giày Mỹ ước tính đợt áp thuế này tác động tới khoảng 39 tỉ USD hàng hóa ngành này và tiếp tục tác động thêm với 12 tỉ USD hàng khác trong đợt 15-12 (đợt áp thuế bổ sung tiếp theo).
Nhà kinh tế học Chad Bown thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson nhận định: "Lần đầu tiên, cuộc chiến thương mại của ông Trump chắc chắn trực tiếp làm tăng giá rất nhiều hàng tiêu dùng của các gia đình như quần áo, giày dép, đồ chơi và đồ điện tử gia dụng".
Doanh nghiệp loay hoay ứng phó
Trong nhiều tháng qua, ông Trump luôn bảo vệ quan điểm cho rằng nước Mỹ "dễ dàng chiến thắng" trong các cuộc thương chiến, rằng Trung Quốc sẽ phải trả tiền thuế tăng thêm, rằng người Mỹ sẽ không tổn thất gì trong cuộc chiến này.
Trên thực tế, giới nhập khẩu Mỹ phải trả tiền thuế bổ sung đó. Họ cũng phải đứng trước quyết định đầy rủi ro: hoặc chấp nhận chi phí cao hơn và giảm bớt lợi nhuận, hoặc phải đẩy phần phí đội lên đó sang người mua và có nguy cơ "sập tiệm".
Tình thế hiện nay khiến giới doanh nghiệp Mỹ đối mặt với quyết định khó khăn hơn bao giờ hết. Sau nhiều năm đã quen với mức lạm phát siêu thấp, người tiêu dùng Mỹ ngày càng "đề kháng" mạnh hơn với việc tăng giá bán, nhất là khi họ có thể so sánh giá cả hàng tiêu dùng trên mạng và chọn loại rẻ nhất.
Các ông lớn bán lẻ như Walmart, Costco Wholesale, Target và Home Depot có thể sẽ điều chỉnh chuỗi cung cấp toàn cầu của họ và tận dụng vị thế của mình để buộc các nhà cung cấp chấp nhận giảm lợi nhuận để bù đắp vào thuế bổ sung. Theo Reuters, với tính toán đó, có thể họ sẽ giành được lợi thế cạnh tranh trong tình hình mới.
Điều duy nhất được cho là "an ủi" giới kinh doanh Mỹ lúc này là tâm trạng thoải mái hơn trong mùa mua sắm có thể khiến người tiêu dùng chưa vội "thắt hầu bao". Thêm nữa, với phần lớn người Mỹ hiện tại, công việc của họ đang ổn định và mức lương cũng tăng. Tỉ lệ thất nghiệp đang ở mức gần thấp nhất trong nửa thế kỷ.
Nguồn: Tuoitre.vn
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.