Người Mỹ xót xa nhìn đậu nành chất cao thành “ngọn núi” sau đòn trả đũa chiến tranh thương mại của Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc đã áp đặt thuế quan đối với sản phẩm đậu nành của Mỹ để đáp trả động thái tương tự của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với hàng hóa Trung Quốc.
Người nông dân Mỹ đang tìm cách khắc phục khó khăn trong chiến tranh thương mại khi hướng sang thị trường Ấn Độ, tuy nhiên, đây là thị trường không dễ tiếp cận như Trung Quốc.
Thị trường lao đao
Hiện nay, những mảnh đất nông nghiệp trù phú ở phía Đông Dakotas đang bước vào vụ thu hoạch đậu nành. Vào thời điểm này hàng năm, Kevin Karel sẽ thường kiểm tra máy tính vào mỗi buổi sáng để xem lượng đậu nành mà các công ty Trung Quốc đã mua khi ông ngủ.
Trong 20 năm qua, quận Cass là nơi có sản lượng đậu nành cao nhất tính trền toàn nước Mỹ, người nông dân ở đây trở nên giàu có khi phần lớn số đậu nành của họ được xuất khẩu sang Trung Quốc làm thức ăn cho lợn, gà.
Nhưng năm nay, người Trung Quốc gần như đã ngừng thu mua. Thị trường lớn nhất cho một trong những sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Mỹ đã đóng cửa. Chính phủ Trung Quốc đã áp đặt thuế quan đối với sản phẩm đậu nành của Mỹ để đáp trả động thái tương tự của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với hàng hóa Trung Quốc.
Số liệu mới nhất của liên bang cho thấy, tính đến thời điểm giữa tháng 10, sản lượng đậu nành của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm 94% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kevin Karel là Tổng giám đốc của Công ty Arthur. Công ty có 6 dây chuyền chế biến ngũ cốc ở phía đông Bắc Dakotas và ông đã bắt đầu tích trữ khoảng 1 triệu giạ đậu nành (1 giạ tương đương 20-22kg) ở khu đất trống phía sau khu chế biến. Lượng đậu nành chất đống cao như núi và được phủ một lớp bạt chống nước.
Những người nông dân Mỹ đang hy vọng giá sẽ tăng trở lại trước khi số đậu nành bị thối.
"Chúng tôi rất lo lắng", The New York Times dẫn lời Karel.
Theo NYT, Tổng thống Trump coi thuế quan là một công cụ để thúc đẩy quan hệ kinh tế Mỹ-Trung Quốc và các đối tác thương mại khác. Ông cho biết, các biện pháp nghiêm khắc của ông sẽ phục hồi các ngành công nghiệp của Mỹ như sản xuất thép và ô tô - vốn đang gặp bất lợi so với các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.
Tuy nhiên, đối với cách lĩnh vực như ngành nông nghiệp - phát triển dựa vào thị trường xuất khẩu nước ngoài sẽ phải trả giá đắt hơn trong thời đại toàn cầu hóa.
Giống như hầu hết các sản phẩm xuất khẩu thành công của Mỹ, đậu nành được sản xuất với hiệu suất cao bởi chỉ cần vài nhân công sử dụng công nghệ tiên tiến, như máy kéo kết nối vệ tinh, tối ưu việc chăm sóc. Năm ngoái, Mỹ đã xuất khẩu 26 tỷ USD đậu nành, và hơn một nửa trong số đó đã được chuyển tới Trung Quốc.
Quyết định áp đặt thuế quan đối với sản phẩm đậu nành của Mỹ là đòn đả kích mạnh đối với những người ủng hộ Tổng thống Trump ở các nông trại vùng Trung Tây nước Mỹ.
Một số nông dân ở Bắc Dakotas cho biết họ tin tưởng ông Trump sẽ đàm phán vì lợi ích của đất nước. Karel tiết lộ, nhiều khách hàng của ông đã đội chiếc mũ "Make America Great Again" (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) màu đỏ và nói rằng nỗi đau của việc kinh doanh thất bại và giảm lợi nhuận là xứng đáng.
Họ nói rằng họ sẽ chịu đựng nỗi đau này để,con cái của họ được hưởng lợi trong tương lai. Tuy nhiên, một số khác cho biết, họ không hiểu rõ mục đích của chính phủ.
"Tôi đang quan sát và tìm ra ai là người chiến thắng cuộc chiến thuế quan này," Greg Gebeke, đồng nghiệp của Karel nói. "Nhưng tôi biết ai là kẻ thua cuộc, đó là chúng tôi. Và điều đó thật đau đớn".
Hy vọng vào hướng đi mới
Ngành công nghiệp chế biến đậu nành ở Bắc Dakota được tạo ra bởi nhu cầu đậu nành của Trung Quốc, khi đậu nành được nghiền nhỏ để làm thức ăn gia súc và chế biến dầu ăn cho con người.
Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới. Trong năm 2017, nước này tiêu thụ 110 triệu tấn đậu nành, 87% trong số đó đã được nhập khẩu và phần lớn đến từ Brazil hoặc Mỹ.
Mặc dù đậu nành được trồng khắp vùng Trung Tây, nhưng do gần với Thái Bình Dương nên phần lớn đậu nành trên các cánh đồng ở Bắc Dakotas được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Vào giữa những năm 1990, đã có 450.000 mẫu đậu nành trong tiểu bang. Năm ngoái, toàn tiểu bang có 6,4 triệu mẫu. Khi sản lượng sản xuất đậu nành tăng, các công ty đã chi hàng triệu USD để mua các dây chuyền chế biến ngũ cốc lớn hơn. Một vài năm trước, ông Gebeke đã đổi dây chuyền chế biến lúa mỳ thành dây chuyền chế biến đậu nành thứ hai.
Trong khi đó, vào năm 2016, công ty của Karel đã mở một cơ sở sấy, lưu trữ và đóng hàng với diện tích có thể chứa 2,7 triệu giạ đậu nành cho chuyến hàng tiếp theo.
Nông dân trồng đậu nành cũng đã chi hàng triệu USD để "nuôi dưỡng" thị trường Trung Quốc. Nông dân ở Bắc Dakotas và các tiểu bang khác đóng góp phần trăm thu nhập nhất định của họ vào một quỹ liên bang có tên là Soybean Verification (tạm dịch Chứng nhận đậu nành), chi trả phí tiếp cận thị trưởng, để thuyết phục nông dân Trung Quốc dùng đậu nành Mỹ.
Vào năm 2015, nông dân trồng đậu nành ở Bắc Dakotas đã tài trợ một sự kiện được tổ chức tại Thượng Hải để vinh danh 10 khách hàng "trung thành nhất" với đậu nành Mỹ.
"Tôi đã đến Trung Quốc 25 lần trong thập kỷ qua nói về đâụ nành Mỹ", Kirk Leeds, Giám đốc điều hành Hiệp hội đậu nành Iowa cho biết.
Ông Gebeke, 65 tuổi, đã nhớ lại quyết định đình chỉ bán lúa mỳ cho Liên Xô vào năm 1979 của Tổng thống Mỹ bấy giờ là Jimmy Carter. Lệnh cấm vận đã chấm dứt hai năm sau đó, nhưng vào thời điểm đó, Liên Xô đã thu mua được nhiều ngũ cốc hơn từ Ukraine.
Nói về vụ đậu nành, ông nói, "Dù cho lãnh đạo hai nước có gặp nhau vào ngày mai và giải quyết được mọi vấn đề thì tôi cũng không cho rằng, chúng tôi có thể lấy lại được tất cả thị trường".
Một số nhà phân tích dự đoán rằng Trung Quốc sẽ buộc phải mua thêm đậu nành Mỹ sau khi các nguồn cung khác cạn kiệt. Những người khác cũng cho rằng, Trung Quốc và Mỹ dự kiến sẽ đạt được một thỏa thuận để hủy bỏ thuế quan.
Nhưng chờ đợi sẽ mang lại rủi ro. Đậu nành sẽ bị hỏng và vụ thu hoạch vào mùa xuân tới của Brazil sẽ tạo ra sự cạnh tranh mới với đậu nành Mỹ.
"Thật không may, 'hy vọng' là một kế hoạch tiếp cận tồi tệ ", Nancy Johnson, Chủ tịch Hiệp hội nông dân trồng đậu nành Bắc Dakotas cho biết.
Nông dân trồng đậu nành Mỹ buộc phải tìm thị trường mới. Jim Sutter, Giám đốc điều hành của Hiệp hội xuất khẩu đậu nành Mỹ, cho biết ông đã tập trung vào việc thuyết phục hiệp hội cung cấp kinh phí cho nhóm thương mại sang Ấn Độ và thực hiện một chiến dịch quảng cáo ở đất nước đông dân thứ hai thế giới này.
"Người dân Ấn Độ sẽ ăn nhiều protein hơn khi nền kinh tế phát triển, nhưng công việc của chúng tôi là đẩy nhanh tốc độ đó", ông Sutter nói.
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.