Người phụ nữ Việt và trang sử cuộc đời mới trên đất Úc
Hien Le là một người phụ nữ Việt sở hữu 4 cơ sở kinh doanh ở Tây Úc. Tuy nhiên, ít ai biết bà đã từng trải qua một quãng đường dài kể từ đêm đầu tiên ở Perth, khi bà phải ngủ trên sàn một toilet công cộng ở ga tàu.
Hien Le, 55 tuổi, chồng tất cả hành lý lên một chiếc thuyền đánh cá 6m vào năm 1982 để lên chuyến hành trình dài đến nước Úc.
Mất 6 ngày để bà và 12 người khác, bao gồm cả chồng Le, đến được Úc.
“Tôi không muốn nói nhiều về chuyện đó, bởi vì đó là một câu chuyện buồn. Nhưng giờ thì tôi rất hạnh phúc vì đã có thể đứng lên và khiến ngày hôm nay xảy ra,” bà nói.
Ngày nắng ở Bunbury, một thành phố cảng ở phía nam Tây Úc, Le phục vụ cà phê trong một tiệm bánh, một trong số các cơ sở kinh doanh mà bà sở hữu.
Nói về đêm đầu tiên ở Perth, bà kể: “Khi nghe thấy tiếng ồn có người bước vào, bạn phải nín thở vì không muốn làm họ sợ.”
“Tôi đến đây không có gì trong tay cả – chỉ một bộ quần áo. Không có ai nói trước với tôi ở đây lạnh đến vậy, tôi đã khóc rất nhiều.”
Chẳng nói được mấy từ tiếng Anh, bà không thể tự bảo vệ mình khỏi những lạm dụng và phân biệt chủng tộc liên tiếp mà người khác nhắm vào.
Học tiếng Anh qua Days of Our Lives
Le nhớ lại chuyện một tài xế xe bus ở Perth từng từ chối dừng lại, khiến bà và đứa con sơ sinh của mình phải đi bộ hàng cây số dưới cái nóng đổ lửa.
“Nước mắt rơi, tôi nói với con trai một tháng tuổi, mẹ thề với con và thề với Chúa, từ giờ mẹ sẽ chỉ rơi nước mắt vì gia đình,” bà nói.
Bà đã tự học tiếng hơn ba năm, sử dụng một phương pháp đặc biệt.
“Tôi tự nhủ rằng mình phải học nhưng tôi không có thời gian. Tôi phải chăm sóc con nữa. Tôi không thể đi làm mà không có tiếng Anh được,” Le kể.
“Vào 2 giờ mỗi chiều, tôi sẽ cho con trai đi ngủ, ôm từ điển ngồi trước ti vi xem The Young and Restless và Days of Our Lives.”
“Tôi nghe từ, tưởng tượng ra và viết xuống, sau đó dùng từ điển để kiểm tra.”
Trả lại qua dịch vụ cộng đồng
Khi con trai lớn ốm nặng, Le quyết định đã đến lúc phải chuyển ra khỏi mái ấm ở Perth và chuyển đến Bunbury.
“Chúng tôi nghĩ sẽ chỉ ở lại 2 năm, nhưng giờ đã là 24 năm rồi,” bà nói.
“Trong gia đình tôi, tôi luôn là ‘đầu tàu’. Tôi phải cứng rắn, mạnh mẽ và biết mình đang đi đâu, sẽ làm gì để cả gia đình đi theo.”
Bên cạnh việc kinh doanh, Le còn dành một phần lớn thời gian giúp đỡ những cô gái trẻ Việt Nam khác – những người chuyển đến Úc để có cuộc sống tốt hơn.
“Tôi giúp rất nhiều người – bất cứ cái gì họ cần. Tôi chỉ nghĩ lại về lần đầu mình đến, không ai giúp mình cả, nên tôi đã cố hết sức,” bà nói.
“Tôi làm tất cả mọi thứ có thể – điều đó khiến tôi cảm thấy tốt hơn.”
Nổi tiếng trong cộng đồng
Chủ tịch hội cộng đồng người Việt tại Tây Úc, Anh Nguyen cho biết bà Le rất nổi tiếng trong cộng đồng bởi những việc làm nhân nghĩa của mình.
“Bà ấy rất thực tế và làm việc hàng giờ liền, ngủ rất ít,” ông nói.
“Bà ấy có một tính cách vui vẻ, hay cười, hài hước, không bao giờ phàn nàn về công việc vất vả của mình hay điều gì đó tương tự.”
“Bà ấy giúp đỡ mọi người mà không mong nhận lại gì – đó là phẩm chất quý giá nhất của bà ấy khiến mọi người yêu quý bà ấy rất nhiều. Bà ấy có một trái tim rộng lượng.”
Bản thân ông Nguyen cũng chạy trốn đến Úc bằng tàu năm 1981, tìm kiếm cơ hội tị nạn sau những khó khăn của Việt Nam hậu chiến.
“Chúng tôi không thể tin được là mình còn sống, đó là một điều kì diệu,” ông nói.
“Chúng tôi cảm thấy mình như được cứu rỗi.”
“Với tư tưởng đó, những người như Hien và tôi phải vượt qua mọi khó khăn và bắt đầu lại cuộc đời mà không nuối tiếc gì.”
Và đó chính xác là những gì Le nói mình đã làm.
“(Nếu) không cứng rắn tôi đã chế t từ lâu rồi,” bà nói.
Nguồn: Anh Nguyễn/VIET MAGAZINE (Theo abc.net.au)
Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao
Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.