RSS

Người Việt chi 3-4 tỉ USD du học: Sẽ còn tăng tiếp, tăng nữa!

19:00 06/08/2018

Thị trường du học trong những năm gần đây trở nên đa dạng và sôi động hơn rất nhiều với sự tham gia của các gia đình trung lưu sẵn sàng chi trả học phí đắt đỏ để con cái có một môi trường giáo dục khác biệt.

Du học không chỉ là cơ hội của học sinh xuất sắc

Từ khi con trai còn chưa bước vào kỳ thi cuối cùng của thời phổ thông, chị Thuận đã sốt sắng hỏi người quen về ý định “cho con đi du học Nhật Bản có ổn hay không”.

Không giống như nhiều phụ huynh trí thức khác, hai vợ chồng chị Thuận, người học hết phổ thông, người chỉ học hết lớp 7, hiện tại làm kinh doanh tự do nên như chị nói là hoàn toàn “mù tịt” về mấy chuyện học hành của con.

Con trai chị học khá ổn, nhưng không phải dạng xuất sắc. “Nếu đỗ đại học nào kha khá thì học trong nước cũng được. Nhưng nếu không may chỉ đỗ mấy trường lẹt đẹt thì tôi muốn đầu tư cho cháu đi du học luôn, không chỉ học kiến thức mà để cháu mở mang tầm mắt” – chị Thuận chia sẻ.

Trong khi nhiều học sinh Việt Nam sang Nhật dưới hình thức du học nhưng lại để làm việc là chính, học là phụ thì vợ chồng chị khẳng định luôn là không cần con phải làm gì cả, sang là để học thôi và anh chị sẵn sàng chi tiền cho con học hành đàng hoàng mấy năm ở đất nước Mặt Trời mọc đắt đỏ.

Khác với chị Thuận, chị Vinh năm nay mới có con lên lớp 4, nhưng hễ cuối tuần thấy ở đâu tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm du học, chị đều có mặt.

Hầu như lần nào mình cũng dắt con đi theo. Cháu nghe có thể chưa hiểu hết nhưng mình muốn cho cháu tiếp xúc với những câu chuyện này, làm quen với những người có cùng mục tiêu với gia đình mình. Mình tin những câu chuyện của các anh chị, cô chú đi trước có thể làm nhen nhóm mơ ước, động lực cho con về sau”.

Chị Vinh chia sẻ, vợ chồng chị chỉ học đại học trong nước. Chính vì thế, cho con đi du học là ước mơ của 2 vợ chồng, và chị tin nhiều phụ huynh bây giờ cũng có ước mơ đó, không riêng gì gia đình chị.

“Dù vậy mình vẫn hiểu, đó mới chỉ là ước mơ của bố mẹ. Quan trọng là bố mẹ phải làm thế nào để đi du học cũng là ước mơ của con. Mình không ủng hộ việc cứ có tiền là cho con đi du học, không cần biết con có muốn hay không và con có đủ khả năng để học tập ở nước ngoài hay không”.

Chính vì thế, ngay từ bây giờ, bên cạnh việc “thổi ước mơ” cho con, chị Vinh đã tìm hiểu về hành trang chuẩn bị cho con đi du học. Chị đặc biệt đầu tư cho con học tiếng Anh, từ các phần mềm học ở nhà cho tới học ở các trung tâm uy tín.

“Hai vợ chồng làm công ăn lương, không giàu có gì nhưng cũng sẽ cố gắng dành dụm để hỗ trợ phần nào chi phí đi du học của con sau này. Còn nếu con xin được học bổng thì tốt quá” – chị chia sẻ về kế hoạch dài hạn của gia đình.

Kỳ vọng về tư duy, nhận thức    

Theo thống kê của Cục Đào tạo nước ngoài, Bộ GD-ĐT, năm 2016 có khoảng 130 nghìn du học sinh Việt Nam đang học tập ở nước ngoài. Trong đó, khoảng 10% đi học bằng tiền ngân sách Nhà nước, học bổng của Chính phủ hoặc các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Du học tự túc chiếm đến 90%.

Theo báo cáo thuộc nghiên cứu “Giá trị của giáo dục” của HSBC, năm 2016, ước tính chi phí du học của học sinh Việt Nam rơi vào khoảng 3 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

Chi 3-4 tỉ USD du học: Sẽ còn tăng tiếp, tăng nữa

Thống kê của Cục Đào tạo nước ngoài về số lượng du học sinh Việt Nam đang học tập ở các nước. Biểu đồ: Nguyễn Thảo

Quốc gia được du học sinh Việt Nam lựa chọn nhiều nhất là Nhật Bản với 38.000 sinh viên. Tiếp đó là Australia với 31.000 sinh viên, Mỹ 28.000 sinh viên, Trung Quốc 13.000 sinh viên và Anh 11.000 sinh viên.

Chia sẻ với VietNamNet, bà Đỗ Thị Mai Hương – Giám đốc trung tâm Kênh du học, người đã có kinh nghiệm 13 năm làm tư vấn du học – cho biết, trước đây thường phải có học bổng các bạn mới đi du học, nhưng hiện nay thị trường du học đã đa dạng hơn rất nhiều.

“Chỉ có khoảng 10% là có học bổng toàn phần, còn lại là phải chi trả hoàn toàn hoặc có học bổng bán phần. Thường thì phụ huynh đến với trung tâm du học đều thuộc tầng lớp trung lưu trở lên. Những gia đình không có thu nhập tốt thì phải là những bạn có thành tích học tập xuất sắc để xin học bổng”.

Lý do ngày càng nhiều học sinh Việt Nam chọn du học, theo bà Hương, một phần là khi các em và gia đình nhìn thấy sự thành công của các du học sinh về mặt nhận thức, tư duy, cách làm việc.

“Cũng có một bộ phận phụ huynh cho con đi du học để con học cách tự lập” Bà Hương chia sẻ, kỳ vọng lớn nhất của phụ huynh khi cho con đi du học là cơ hội tiếp cận môi trường học thuật thực tiễn, hiện đại, không bị nặng về lý thuyết”.

Nguyên nhân thứ hai là kỳ vọng về mặt tư duy, nhận thức, ngôn ngữ. Phụ huynh cho rằng nếu kiến thức không tiếp nhận được một cách xuất sắc thì học sinh cũng có nền tảng ngôn ngữ tốt hơn là học trong nước.

Thứ ba là cơ hội ở lại làm việc và định cư ở một đất nước có nền văn hoá, kinh tế phát triển là điều phụ huynh mong muốn nêú có điều kiện.

Tăng ứng viên ngoài Hà Nội, TP.HCM

“Một trong những xu hướng thú vị nhất của thị trường du học hiện nay là số lượng ứng viên từ các tỉnh, thành phố ngoài Hà Nội và TP.HCM ngày càng tăng. Thị trường mở rộng với ngày càng nhiều những nhà cung cấp dịch vụ – trung tâm tư vấn, lớp học ôn thi, và một cộng đồng du học sinh Việt Nam phát triển mạnh mẽ – đã giúp học sinh bên ngoài 2 thành phố lớn của Việt Nam làm quen với quá trình nộp hồ sơ ứng tuyển một cách dễ dàng hơn. Đây là tin tốt vì điều đó có nghĩa là nhiều học sinh hơn đang được tiếp cận với những cơ hội giáo dục khác nhau” – Luke Taylor, Giám đốc Trung tâm tư vấn du học Spark Prep, Cử nhân ĐH Stanford, Mỹ chia sẻ.

Hầu hết các ứng viên xin hỗ trợ tài chính ở một mức độ nào đó, bởi vì ngay cả đối với những gia đình khá giả, học phí trung bình $65,000/ năm với đại học Mỹ vẫn là một khoản tiền khổng lồ.

“Cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, sẽ có ngày càng nhiều gia đình trở nên giàu có, và tôi dự kiến là số lượng gia đình đóng toàn bộ học phí cho con em mình sẽ dần tăng lên” – Luke lạc quan.

Các gia đình đưa con đi du học nước ngoài vì nhiều lý do, nhưng 2 lý do quan trọng nhất là sự tiếp xúc với một cung cách giáo dục khác biệt và một mạng lưới giúp học sinh phát triển khi học tập trong một môi trường quốc tế. Nhiều gia đình Việt Nam tin rằng điều này sẽ giúp con em mình có nhiều khả năng thành công hơn sau khi tốt nghiệp – những học sinh này sẽ vừa có kiến thức chuyên môn tốt, vừa có một mạng lưới mối quan hệ trên khắp thế giới. Vị giám đốc tư vấn du học này giải thích.

Khảo sát của HSBC năm 2017 cho thấy, xu hướng du học trên toàn cầu vẫn đang tiếp tục tăng trưởng, chứ không riêng Việt Nam.

Theo báo cáo, 42% trong tổng số hơn 8.000 bậc cha mẹ ở 15 quốc gia và lãnh thổ tham gia khảo sát cho biết họ sẽ cân nhắc cho con đi học đại học ở nước ngoài, tăng 7% so với kết quả của cuộc khảo sát năm 2016.

Trong số 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có tỷ lệ cha mẹ sẽ cân nhắc cho con đi du học cao nhất có 4 quốc gia, vùng lãnh thổ Châu Á, cụ thể là: Ấn Độ 62% (tăng 15%), Indonesia 61% (tăng 1%), Trung Quốc 59% (tăng 15%), và Hồng Kông 52% (giảm 2%).

Nguyên nhân chủ yếu các bậc cha mẹ chọn cho con đi du học là: có kinh nghiệm làm việc quốc tế (49%), phát triển các kỹ năng ngôn ngữ (49%) và được tiếp cận với các trải nghiệm, ý tưởng, và nền văn hóa mới (48%). 

Theo Vietnamnet

Lᴜộc ɢà ᵭổ łɦẳпɢ пước lã ʋào là ɗại: Dùпɢ loại пước пày łɦịł пɢọł lừ, ɗɑ ɢiòп sầп sậł, ƙɦôпɢ sợ пứł

Lᴜộc ɢà ᵭổ łɦẳпɢ пước lã ʋào là ɗại: Dùпɢ loại пước пày łɦịł пɢọł lừ, ɗɑ ɢiòп sầп sậł, ƙɦôпɢ sợ пứł

Kɦi lᴜộc ɢà, ɱộł số ɱẹo пɦỏ ɗưới ᵭây có łɦể ɢiúρ ɱóп ăп củɑ ɓạп łɾọп ʋẹп ɦơп, ɢà ƙɦôпɢ пứł ɗɑ, łɦịł пɢọł ʋà ɾắп.