Người Việt tại Úc làm ăn ra sao?
Dân số Úc hiện nay vào khoảng 19 triệu người trong đó khoảng 23% là di dân. Cộng đồng người Việt với khoảng 154.000 người, được xem là một trong năm cộng đồng có số dân cao nhất
Người Việt tại Úc sống phân bố cùng khắp các bang và vùng lãnh thổ Úc. Tuy nhiên, người Việt tập trung nhiều ở bang New South Wales (NSW) với khoảng 58.000 người. Riêng tại Fairfield (một thị xã thuộc bang NSW) có 14% dân số là người Việt.
Dưới đây là đôi nét về chuyện làm ăn của người Việt tại Úc.
Người Việt rất giỏi làm ăn và đã thành công ở nhiều lãnh vực, nếu biết tiếng Anh thì dĩ nhiên sẽ có nhiều cơ hội hơn. Bài viết này chỉ đề cập đến công việc làm ăn của đại bộ phận người Việt không thể sử dụng tiếng Anh như là một ngôn ngữ thứ hai.
Tùy theo “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” của từng bang, người Việt sinh sống bằng nhiều ngành nghề khác nhau. Chẳng hạn như người Việt ở bang Queensland có thế mạnh về đánh bắt hải sản, người Việt ở Sydney hay Melbourne thì may tại gia, giữ trẻ, mở nhà hàng, buôn bán nhỏ… Người Việt ở bang Tây Úc rất thành công trong lĩnh vực nông nghiệp (mà người Việt thường gọi là làm “farm”).
Nghề làm “farm” ở Úc rất công phu, thu nhập không phải là ít. Trong những lần về Việt Nam chơi, giới làm “farm” đã tranh thủ đem vào Úc đủ thứ các hạt giống rau cải. Vì thế cho nên có thể nói rằng, hiện thời trên toàn nước Úc, bất cứ loại rau cải nào có ở Việt Nam thì xem như có ở xứ kangaroo này: Từ rau răm, rau quế, ngò om, ngò gai, hành hương, hẹ… cho đến rau đắng, cần nước, xà lách xoong… Những thứ rau này ở Việt Nam thuộc hàng dân dã tầm thường nhưng sang đến Úc trở thành cao lương mỹ vị vì rất đắt tiền. Chẳng hạn rau răm 15 AUD/kg (khoảng 168.700 đồng VN), ngò gai, ngò om 45 AUD/kg (khoảng 500.000 đồng VN), rau muống 6 AUD/kg. Đặc biệt, vào mùa đông, giá cả tăng lên gấp bội vì khó trồng hơn, phải chăm sóc kỹ lưỡng trong nhà kín. Bởi vậy mùa đông được xem là mùa hốt bạc của giới làm “farm”.
Cười ra nước mắt có lẽ là nghề làm bánh mì, cả thợ làm bánh mì và chủ lò bánh mì đều có nỗi khổ, nhưng không có nỗi khổ nào giống nỗi khổ nào. Thợ làm bánh mì phải thức hôm thức khuya để sáng hôm sau bánh được giao tận nơi cho các “shop tàu” (người Việt thường gọi những cửa hiệu bán những sản phẩm, hàng hóa châu Á là “shop tàu” để phân biệt với những siêu thị của Úc) và vì vậy, hạnh phúc gia đình thường là không ổn hoặc không lấy vợ được. Bánh mì Việt Nam rất khác bánh mì Úc. Người Việt mình ở đây vẫn thích ăn những loại bánh mì giống như ở Việt Nam, cho nên giới làm bánh mì người Việt luôn sẵn sàng làm hài lòng khách hàng, vẫn giữ cách chế biến bánh mì truyền thống.
Về phần chủ lò bánh mì, đôi khi cũng mở miệng kêu trời. “Luật” của các “shop tàu” là nếu bán không hết thì được “return” (có nghĩa là được trả hàng lại). Nhằm bữa xui, chủ lò gom về cả xe bánh mì ế.
Đối với những bà con có tuổi. Ở nhà có thời gian rảnh rỗi, có thể nấu các món ngon Việt Nam như xôi chè, phở, hủ tiếu, bún mắm… theo kiểu “take away” (mua mang đi chứ không phải ngồi ăn tại chỗ) đem bỏ mối cho các “shop tàu”, thu nhập không đến nỗi tệ.
Những năm sau này, mối quan hệ mậu dịch giữa Úc và Việt Nam phát triển thuận lợi, nhiều nông hải sản từ Việt Nam được nhập ồ ạt qua Úc chẳng hạn như cá kèo, cá bông lau, cá diêu hồng, các loại trái cây như nhãn, dừa, chuối sứ,… các loại rau củ như khoai mì, khoai sắn, khoai lang và các loại bánh mứt. Đây là những món ăn mà bất cứ người Việt xa quê nào cũng “cầm lòng không đặng”. Do đó, các “shop tàu” lúc nào cũng dập dìu khách thập phương mà đa số là người Việt.
Nguồn: Người Lao Động
Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao
Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.