RSS

Ngưỡng mộ bà mẹ Việt ở Úc nuôi 5 đứa con với hàng nghìn công thức nấu ăn ngon miệng

18:00 20/05/2018

Làm hai việc, đảm nhiệm đưa đón và kèm học cho 5 con nhỏ, nhưng bữa tối nào chị Đào cũng khiến cả nhà ngạc nhiên với những món ăn ngon và đẹp mắt do mình nấu.

Chị Lâm Anh Đào, 45 tuổi, sinh ra tại miền Nam, Việt Nam nhưng xa quê từ nhỏ và hiện định cư tại Australia cùng ông xã người Việt và 5 con, bé lớn nhất 15 tuổi, bé út 3,5 tuổi. 

top2-5863-1437722811.jpg

Chị Lâm Anh Đào là tác giả một trang mạng chia sẻ hàng nghìn công thức nấu ăn, cách trình bày, trang trí món ăn… Ảnh: NVCC.

Ngoài công việc chính là quản lý website cho một trường đại học tại Melbourne, Australia vào các ngày hành chính, chị Đào còn dạy piano cho một trung tâm vào dịp cuối tuần. Hằng ngày, chị vẫn tự tay nấu cho chồng con cả hai bữa sáng, tối. Chị Đào còn xây dựng một trang mạng chia sẻ hàng nghìn công thức nấu ăn, cách trình bày, trang trí món ăn… và được rất đông đảo các bà mẹ yêu thích, học hỏi.

Chị Lâm Anh Đào chia sẻ, để cân bằng giữa công việc và gia đình, bắt đầu từ lúc sinh bé thứ hai, chị đã tự lập ra một thời khóa biểu và luôn tuân thủ nghiêm ngặt: Thay vì dậy lúc 7h sáng, chị dậy sớm hơn một tiếng rưỡi và trong lúc chồng con còn ngủ, chị lau nhà, dọn dẹp… và chuẩn bị ướp những món ăn cho bữa tối.

Những việc này tốn của chị khoảng 30 phút. Sau đó, chị Đào làm các món ăn sáng như trứng chiên rau củ, bánh mì ngọt hay bánh xèo và chuẩn bị đồ ăn cho con mang đi học.

7h30, cả nhà dùng bữa sáng rồi chị đưa con tới trường và đến chỗ làm. Buổi chiều, sau khi đón trẻ về, chị vào bếp nấu bữa tối trong lúc 4 con lớn tự tắm rửa và có 30 phút giải trí bằng cách xem phim hoạt hình hay chơi nhạc. Sau giờ ăn tối, chị xem bài vở cho các con rồi cùng các cháu trò chuyện, đọc sách.

chi-Dao2-7520-1437710828.jpg

5 con của chị Lâm Anh Đào, lớn nhất 15 tuổi, bé thứ hai 12 tuổi, bé thứ ba 10 tuổi, bé thứ tư 9 tuổi và em út 3 tuổi rưỡi. Ảnh:NVCC.

Để vẫn nấu được các món ngon mà không mất quá nhiều thời gian, chị lên thực đơn cho các bữa ăn theo tuần và đi chợ mua đầy đủ thực phẩm vào cuối tuần. Buổi sáng, chị luôn ướp sẵn thịt, cá và chuẩn bị rau luộc hay nguyên liệu nấu canh để sẵn trong tủ lạnh, chiều về chỉ cần nấu trong 40-60 phút.

“Mình thường dùng 2 bếp cho việc chiên, xào. Khi gần đến bữa chính mới nấu canh và luộc rau để rau còn xanh khi dọn ra bàn và canh không bị đục vì hâm đi hâm lại… Trong lúc xào, chiên, mình tranh thủ làm món tráng miệng, khi thì thạch, lúc là trái cây theo mùa, với kiểu trang trí tùy thích”, chị chia sẻ kinh nghiệm.

Bà mẹ 5 con bộc bạch, với chị, nấu ăn là một đam mê nên chị luôn tìm thấy niềm vui và không hề cảm thấy vất vả. Tình yêu với các món ăn nhen nhóm trong chị từ những ngày còn trẻ đi làm nghề tiếp thị. Khi đó, mỗi lần qua nước khác công tác, được giới thiệu những món ngon, chị rất chăm chú và khi về nhà là làm cho chồng con ăn.

Chưa qua bất cứ trường lớp nấu ăn nào nhưng các món chị làm đều được chồng con tấm tắc không chỉ vì ngon miệng mà cả hình thức bắt mắt. Chị Đào chia sẻ rất thích trang trí món ăn và thường tranh thủ cắt tỉa trong lúc kho cá hay hầm thịt. “Những lúc trang trí đĩa trái cây, tôi tiện dạy cho các con luôn để cháu biết làm sao tạo ra món tráng miệng đơn giản mà ngon, đồng thời hiểu được tâm tình của người mẹ”, chị nói.

Chính chồng con là động lực để chị luôn thấy yêu đời và vui vẻ vào bếp. Chị cho biết, dù là người có chức vị cao trong xã hội nhưng khi về nhà, anh xã không câu nệ việc gì, luôn giúp vợ rửa bát, giặt quần áo, hút bụi, tắm cho bé út. “Thực ra, phụ nữ không cần gì to tát ngoài sự bao dung và tấm lòng chân thật của người bạn đời. Thế nên các ông chồng đừng tiếc một câu nói mát tai hay những cử chỉ giúp đỡ nho nhỏ khi trở về nhà”, chị Đào nhắn nhủ. 

chi-dao-3-7321-1437710828.jpg

Một trong những món chị Đào làm được các con yêu thích. Ảnh: NVCC.

Bận công việc, chăm lo cho bếp núc nhưng mối quan tâm hàng đầu của chị vẫn là chăm sóc và giáo dục 5 con. Chị kể, cậu cả đang học lớp 9, có vẻ ngoài to con nhưng tính tình trầm lặng, thích đọc sách, chơi trống và luôn giúp mẹ nhắc nhở các em làm bài. Bé gái thứ hai đang học lớp 7, thường giúp mẹ soạn bàn ăn, trải khăn bàn và các việc vặt trong nhà.

“Các con ở độ tuổi dậy thì rất dễ tổn thương và có nhiều tâm sự nên luôn được vợ chồng mình dành thời gian nhiều hơn so với các em. Mình luôn dành 30 phút mỗi tối lắng nghe con tâm sự và trò chuyện với con về công việc, vui buồn của bản thân.

Bạn hãy mở lòng với con, con sẽ thấy tin tưởng mà nói tâm sự của mình. Với các bé nhỏ mình luôn kể chuyện cổ tích cho các bé nghe trước khi ngủ. Mình khuyến khích các con nói tiếng Việt ở nhà”, chị chia sẻ.

Chị cho rằng, chìa khóa để dạy con thành công là phải hiểu được tính cách của mỗi trẻ để tìm ra phương pháp tiện lợi và hiệu quả nhất. Các bé luôn được khuyến khích tự làm bài, trừ khi gặp bài quá khó mới nhờ bố mẹ chỉ dẫn.

Mỗi trẻ cũng được mẹ hướng dẫn cách tự lập thời khóa biểu thích hợp để vừa học vừa chơi, cân bằng sinh hoạt của chính mình. Một điều chị luôn tâm niệm khi giáo dục con là không áp đặt mỗi bé theo khuôn mẫu nào hay so sánh với bất cứ ai. 

Vì dành hết thời gian cho gia đình, công việc nên chị Đào hầu như không còn dịp một mình đi bơi hay đến phòng tập yoga… “Nhưng như vậy không có nghĩa là tôi bỏ bê bản thân. Tôi xem các việc như lau nhà, dọn dẹp là bài tập thể dục buổi sáng. Cái đẹp của người phụ nữ có gia đình không phải là dáng siêu mẫu hay áo quần thời trang mà là ở khuôn mặt vui vẻ, tính hài hòa với chồng con và sự thân thiện với mọi người”, chị Lâm Anh Đào nói.

Nguồn: Alouc.com

Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao

Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao

Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.