Nhìn nước Úc cấm sử dụng túi nilon mà nghĩ tới ý thức bảo vệ môi trường ở Việt Nam
Tôi là người rất thích bánh pía – những chiếc bánh ngọt ngào, bên ngoài là nhiều lớp vỏ mỏng tang thơm tho, bên trong có trứng muối và dậy mùi sầu riêng, đậu xanh. Tôi phải lòng nó từ nhiều năm trước, khi đến Việt Nam.
Nhưng từ khi để ý thấy từng chiếc bánh bị bao phủ bởi một lớp nylon, rồi xếp trong một khay nhựa mỏng. Tất cả được bọc trong một gói nhựa to hơn, dày hơn và in ấn cầu kỳ. Và rồi bịch bánh đó được mang về nhà trong một túi nilon khác. Tôi chất vấn lương tâm mình. Tôi có hơi tàn nhẫn khi ăn bánh pía không?
Tôi vẫn thèm nhưng hai năm gần đây không dám mua nhiều nữa. Bởi mỗi người Australia được nhắc nhở từ khi còn nhỏ rằng một túi nylon bình thường mất khoảng 25 năm mới có thể phân huỷ hoàn toàn, một chai nhựa phải cần tới 450 năm. Đồ nhựa chúng ta đang xài một cách dư thừa sẽ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của thế hệ sẽ gọi ta là… tổ tiên.
Người Việt có thói quen sản xuất và sử dụng bịch nylon một cách dư thừa. Người tiêu thụ sẵn sàng chấp nhận việc đồ vật mới mua, đặc biệt là đồ ăn được (bị) gói lại bằng nhiều lớp nhựa không cần thiết.
Những nghiên cứu mới ước tính đến 2050, số lượng cá biển sống ở các đại dương trên thế giới sẽ thua số lượng rác thải bằng nhựa ngoài khơi. Tin buồn là Việt Nam nằm trong số 5 đất nước góp phần thải rác plastic ra biển nhiều nhất.
Tôi đã nhiều lần đi chơi biển Việt Nam cùng các bạn người Việt. Họ, sau khi say đắm bãi biển trước mắt, chụp hình các kiểu, đặt một câu hỏi với tôi: “Đẹp lắm phải không, anh Cam?”
Thú thật mà nói, trong những tình huống này “anh Cam” chỉ khát khao được trả lời “Chưa đẹp lắm”. Chắc bạn đã đoán trước được tại sao. Lý do là so với những bãi biển ở Australia, bãi biển Việt Nam, dù chúng ngoạn mục thế nào đi chăng nữa, cũng thường có một điểm trừ to tướng là rác.
Chuyện trên xảy ra ở Phan Thiết. Tôi không biết người ta có dọn rác thường xuyên hay chăng. Song có lẽ vì người ta cũng xả rác thường xuyên nên tôi vẫn thấy rác vừa nổi trên mặt nước, vừa rải khắp nơi trên cát. Không phải rất nhiều nhưng chúng đủ để làm hư phong cảnh và cảm xúc của người yêu thiên nhiên.
Rác ở khắp các địa điểm công cộng, không chỉ gần biển. Chúng khiến nhiều người nước ngoài tự hỏi: tại sao một dân tộc có lòng tự tôn, có nền văn hoá và nhiều thành tích lịch sử đáng tự hào như Việt Nam, lại không tự hào di sản thiên nhiên của mình. Rất nhiều người dửng dưng với cảnh đẹp tự nhiên và cảnh quan đô thị, đến mức có thể khoanh tay đứng nhìn đất nước mình nhiều rác đến như vậy?
Thoạt nhìn vấn đề có vẻ đơn giản, nhưng thực sự không phải. Cá nhân tôi suy nghĩ nhiều ngày rồi bật ra tới vài lý do vì sao người Việt Nam có thói quen vứt rác bừa bãi.
Thứ nhất, người Việt cần cù lao động, chăm làm ở nhiều lĩnh vực, nhưng khi nói đến chuyện rác thì phải công nhận nhiều người hơi lười biếng. Ví dụ, tôi thấy không thiếu thùng rác đã được đặt sẵn ở các bãi biển nhưng nhiều người dù ngồi chơi gần đó vẫn không bỏ rác vào thùng.
Khá nhiều người có thái độ dửng dưng trước tình trạng rác thải bừa bãi xung quanh khu vực sinh sống. Tôi không dám nói họ thiếu mắt thẩm mỹ. Tôi đoán anh tài xế xe tải biết thưởng thức vẻ đẹp của cô gái suýt bị anh ta ném cái vỏ ly nước mía trúng người, nhưng chắc anh không biết rằng có một cảnh quan rộng hơn mà anh ta vừa tiện tay phá hủy.
Thứ hai, có cái gọi là tâm lý số đông. Người này vứt rác bừa bãi ở ngoài bãi biển, bên bờ sông hay ở chỗ công cộng khác thì người khác làm theo một cách khá tự nhiên. Con cái làm theo cha mẹ, em út làm theo anh chị, bạn bè bắt chước nhau. Người “bề dưới” không cố ý làm điều sai hay xấu mà có lẽ chỉ gạt bỏ ý thức về môi trường để làm theo gương của “bề trên”.
Song, vấn đề rác không chỉ xuất phát từ các cá nhân. Nó dường như còn liên quan đến hành vi của cộng đồng.
Tôi thấy hành động khuyến khích người dân bảo vệ môi trường chưa đủ quyết liệt. Chế tài xử lý việc bỏ rác trái nơi quy định chưa được thực hiện nghiêm túc khiến người dân chưa sợ.
Cuối cùng nhưng rất quan trọng, hình như một số người không được giáo dục đầy đủ kiến thức về tác động của việc ô nhiễm môi trường. Như chính các nhà sản xuất với bao bì nhựa, mà sau này sẽ thành rác thải nhựa, và rộng hơn là thói quen tiêu dùng của người Việt. Điều tra của Ngân hàng thế giới cũng chỉ ra rằng Việt Nam đứng thứ 16 thế giới về tỷ lệ rác thải plastic, với 60% khối lượng rác thải ra là những thứ hợp chất khó phân hủy loại này. Đó là một trong số không nhiều các bảng xếp hạng toàn cầu mà Việt Nam nằm top đầu.
Vậy thì phải làm sao? Mỗi người có thể hết mình nói không với người bán hàng khi những người này rục rịch bỏ đồ mình mua vào túi nhựa và chuẩn bị tròng thêm một túi khác ra ngoài. Bạn có thể mang ba lô hoặc túi vải của chính bạn đến siêu thị rồi nói ra hai từ đơn giản: “Khỏi bịch” cho thật lịch sự là đủ. Về khía cạnh cộng đồng, các bậc phụ huynh, đàn anh chị có thể làm gương, động viên con em bỏ rác đúng nơi quy định. Và ai cũng có thể bỏ ra một phút, lên mạng gõ cụm từ “rác thải đại dương”.
Còn tôi ngồi đây và ước có ngày có thể thoải mái ăn bánh pía.
Theo Vnexpress
Tɦᴜốc ɓổ ƙɦôпɢ ɓằпɢ łɦực ρɦẩɱ ɓổ: Cácɦ cɦăɱ sóc пɢũ łạпɢ łốł пɦấł ɢiúρ ɓạп sốпɢ łɦọ ɦơп
Tɦeo các ɓác sĩ, sức ƙɦỏe củɑ пɢũ łạпɢ qᴜyếł ᵭịпɦ łᴜổi łɦọ củɑ ɓạп. Đây ℓà ɓí qᴜyếł ℓựɑ cɦọп łɦực ρɦẩɱ cɦăɱ sóc cơ łɦể łốł пɦấł ɓạп пêп łɦɑɱ ƙɦảo ᵭể ℓᴜôп ƙɦỏe ɱạпɦ ʋà łɾườпɢ łɦọ.