RSS

Nhờ gen chơi tennis giỏi, gia đình gốc Việt hòa nhập thành công với xã hội Mỹ

20:00 15/01/2019

Con cháu gia đình ông Pham đều trở thành những tay vợt xuất sắc chơi ở cấp đại học. Người ta tin rằng gia đình này có gen di truyền năng khiếu quần vợt.

Tennis giúp một gia đình gốc Việt hòa nhập với văn hóa Mỹ và giúp thế hệ trẻ thành công trong một xã hội cạnh tranh.

Lần đầu tiên gặp Doan Pham, Elliott McDermed cảm thấy hơi khớp. Người đàn ông gốc Việt này, không cười nói, chỉ đứng một chỗ và dõi theo hai con trai tập tennis, theo Kansas City.

"Thấy thế tôi giữ khoảng cách với ông ấy", McDermed, chủ câu lạc bộ tennis kiêm huấn luyện viên có thể kể vanh vách những tên tuổi thành công trong làng quần vợt xuất thân từ thành phố Kansas, bang Missouri, nhớ lại.

Đã 10 năm trôi qua kể từ lần đầu gặp mặt, McDermed hiện không còn cảm thấy sợ người đàn ông gốc Việt lạnh lùng năm nào. Ấn tượng ban đầu đã hoàn toàn thay đổi, theo miêu tả của McDermed, Doan Pham giờ là "người thân thiện và cởi mở". Không chỉ Nam và Vinh, hai đứa con trai của ông Pham, mà hầu hết cháu trai và cháu gái của người đàn ông này đều qua "lò đào tạo" của McDermed.

Con cháu gia đình ông Pham đều trở thành những tay vợt xuất sắc chơi ở cấp đại học. Người ta tin rằng gia đình này có gen di truyền năng khiếu quần vợt. Ví dụ, Vinh, cậu con trai cả, chơi tennis trong màu áo của trường đại học Missouri-Kansas City cho đến khi tốt nghiệp vào năm 2016. Nam, cậu con thứ đang học lớp 12, cũng đã được đại học Illinois tuyển vào đội quần vợt của trường. Ông Pham là bác ruột của cặp sinh đôi Katherine và Josephine Cao, hai tay vợt của đại học Memphis, ngoài ra còn Jennifer Dien và Thompson Tong, cả hai đứa cháu đều là vận động viên quần vợt giải đại học.

"Tôi thấy kinh ngạc khi mà tất cả các em đều đạt tới trình độ cao như vậy", McDermed nói. "Tỉ lệ thành công trên toàn quốc không đúng trong trường hợp này. Chỉ cần một trong số 10 em mà anh đào tạo được chọn chơi ở giải đại học đã là một thành công, nhưng ở đây, 100% (con cháu của ông Doan Pham) đều đang là vận động viên quần vợt".

Vào cuối những năm 1970, sau chiến tranh ở Việt Nam, trong làn sóng người di cư, một cầu thủ tennis đã rời bỏ Sài Gòn sang Mỹ. Người đàn ông này chính là ông của đám trẻ gốc Việt khiến huấn luyện viên McDermed thán phục.

Cả gia đình, con dâu, con rể, cháu ngoại, cháu nội, sống quây quần với nhau trong nhiều năm. Ngoài người thân ruột thịt, họ gần như không mở rộng quan hệ thân thiết với người ngoài.

Cuộc đời sang trang mới với gia đình sùng đạo Phật này khi cha của Jennifer, ông Sam Dien, mở một cửa hàng buôn bán đồ điện tử và thuê chị em gái trong gia đình làm việc. "Tôi nhớ các cô chú dặn bọn trẻ chúng tôi đừng bén mảng ra phía trước cửa hàng. Muốn gì thì cứ ở đằng sau, sẽ có người lớn đến giúp", Thompson Tong nhớ lại.

Khi Jennifer, đứa lớn nhất trong hội, lên 10 tuổi, cô bé bắt đầu học chơi tennis với cha. "Lúc xem Jen tập luyện, bọn trẻ chúng tôi nghĩ kiểu: 'Cùng chơi thôi!' và 'Dù 5 tuổi cũng chơi được'... chả có gì để mất", Katherine nói. "Sau đó, chú Sam Dien bắt đầu hướng dẫn tất cả".

Theo chân Jennifer, tất cả bọn trẻ đều tập luyện ở câu lạc bộ của McDermed và trưởng thành thành những cầu thủ tennis hàng đầu của thành phố rồi được tuyển chọn chơi cho các đội đại học.

Nhờ thành công của bọn trẻ, mối quan hệ xã hội của các ông bố bà mẹ bắt đầu mở rộng vượt ra bên ngoài gia đình khép kín này. "Hồi trước, người lớn trong nhà thường đi chùa và đó là hoạt động bên ngoài duy nhất của cả nhà, cho đến khi tất cả chúng tôi tham gia các giải và du đấu", Thompson nói. "Đó là lúc cha mẹ tôi và các cô, các bác bắt đầu đi đây đi đó, gặp gỡ người này người kia".

Ông Qua, cha của Thompson, đồng ý rằng quần vợt đã giúp cả nhà thoát khỏi "vỏ ốc" và hòa nhập vào xã hội, văn hóa Mỹ. "Nếu anh nhận thấy con cái đam mê chơi tennis và anh muốn tiếp cho chúng niềm đam mê đó thì cách chúng tôi giúp bọn trẻ là như thế đó", Kevin Cao, cha của cặp song sinh nói. "Miễn là anh chịu đầu tư lâu dài, chắc chắn cuối cùng anh sẽ được tưởng thưởng xứng đáng".

Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao

Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao

Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.