RSS

Những lựa chọn nhân sự hàng đầu trong chính quyền Biden

10:42 08/11/2020

Sau khi đắc cử, Biden sẽ nhanh chóng đối mặt thách thức là thành lập nhóm chuyển giao quyền lực để lãnh đạo quốc gia bị chia rẽ dưới thời Trump.

Sau một chiến dịch tranh cử tập trung chỉ trích cách xử lý Covid-19 của Donald Trump, Joe Biden sẽ phải chứng tỏ rằng đội ngũ của ông có thể đối phó tốt hơn với khủng hoảng y tế. Ông cũng chịu áp lực lựa chọn nhân sự và quan chức nội các sao cho làm hài lòng những người theo chủ nghĩa tự do, để đảm bảo họ sẽ ủng hộ các chính sách của ông sau này.

"Đây sẽ là một trong những quá trình chuyển giao quyền lực quan trọng nhất, khó khăn nhất và tốn kém nhất lịch sử Mỹ hiện đại", Chris Korge, chủ tịch tài chính Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ viết trong thư gửi đến các nhà tài trợ hồi tháng trước. "Có quá nhiều việc phải làm".

Joe Biden tại Delaware ngày 6/11. Ảnh: AFP.

Joe Biden phát biểu tại Delaware ngày 6/11. Ảnh: AFP.

Theo Hợp tác vì Dịch vụ Công, tổ chức phi lợi nhuận tư vấn cho các ứng viên tổng thống về quá trình chuyển đổi, Biden sẽ phải bổ nhiệm chính trị hơn 4.000 người, bao gồm hơn 1.200 vị trí cần được Thượng viện thông qua. Có 700 vị trí trong nhánh hành pháp cần được Thượng viện thông qua, 153 trong số đó đang bỏ trống.

Chris Lu, giám đốc điều hành quá trình chuyển đổi năm 2008 của Tổng thống Barack Obama, cho biết có những ghế trống trong một số bộ sẽ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề vị thế của đất nước trên trường quốc tế và khủng hoảng khí hậu.

"Nhiều quan chức chuyên môn giỏi đã rời đi, đặc biệt là những cơ quan như Bộ Ngoại giao, Cục Bảo vệ Môi sinh Mỹ hay Bộ Nội vụ", ông nói.

Ưu tiên số một của Biden sẽ là gấp rút xử lý Covid-19. Ông nhiều khả năng sẽ nhanh chóng thông báo các vị trí trong nội các phụ trách chính sách ứng phó đại dịch, theo những nguồn tin giấu tên tham gia vào kế hoạch chuyển đổi quyền lực.

Những vai trò đó bao gồm lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh và giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia.

Thượng nghị sĩ Delaware Chris Coons, đồng minh và là bạn bè lâu năm của Biden, được coi là ứng viên hàng đầu cho chức ngoại trưởng và ông ngày càng lên tiếng nhiều về chính sách đối ngoại trong những tuần gần đây. Ông đã viết một bài luận về ngoại giao và gần đây tham gia vào một cuộc thảo luận về tương lai chính sách đối ngoại của Mỹ.

(Từ phải sang) Joe Biden, Obama và Chris Coons tại Delaware năm 2010. Ảnh: AFP.

(Từ phải sang) Joe Biden, Obama và Chris Coons tại Delaware năm 2010. Ảnh: AFP.

Biden cũng được cho là sẽ tìm đến một số đối thủ cũ và những người mà ông từng xem xét để chọn "phó tướng", bổ nhiệm họ vào các vị trí hàng đầu trong nội các.

Nghị sĩ Californa Karen Bass, từng được Biden cân nhắc cho vị trí ứng viên phó tổng thống, có thể ngồi vào ghế Bộ trưởng Gia cư và Phát triển Đô thị.

Thượng nghị sĩ Illinois Tammy Duckworth, cũng từng được Biden cân nhắc làm "phó tướng" và cựu thị trưởng South Bend Pete Buttigieg, đối thủ cũ của Biden trong vòng bầu cử sơ bộ, là các ứng viên cho vị trí Bộ trưởng Cựu binh. Một nguồn tin am hiểu kế hoạch chuyển đổi cho biết Buttigieg cũng có thể là đại sứ tại Liên Hợp Quốc.

Michèle Flournoy, nữ cố vấn hàng đầu của hai bộ trưởng quốc phòng dưới thời Obama, là ứng viên hàng đầu cho ghế Bộ trưởng Quốc phòng, và cựu thống đốc Michigan Jennifer Granholm có thể là Bộ trưởng Năng lượng.

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Massachusetts Elizabeth Warren là có thể ngồi vào ghế Bộ trưởng Tài chính, mặc dù bà nhiều khả năng đối mặt thách thức trong quá trình phê duyệt tại Thượng viện, nếu bà được coi là quá cấp tiến.

Đội ngũ của Biden đang cân nhắc về cơ hội làm nên lịch sử: Mỹ chưa bao giờ có nữ bộ trưởng quốc phòng hay bộ trưởng quốc phòng da màu. Họ cũng chưa từng có bộ trưởng nội vụ da màu hay nữ bộ trưởng cựu chiến binh.

Michèle Flournoy tại Lầu Năm Góc năm 2010. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Michèle Flournoy tại Lầu Năm Góc năm 2010. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Biden có thể đối mặt cuộc chiến đầu tiên trong nhiệm kỳ xoay quanh việc bổ nhiệm phụ tá tại Nhà Trắng.

Đội ngũ của ông dự kiến công bố chánh văn phòng và giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia vài ngày sau khi đắc cử. Ông được cho là đang cân nhắc chọn một người trong số các cựu chánh văn phòng Steve Richetti, Bruce Reed và Ron Klain. Ông cũng có thể đưa Jeff Zeints và Brian Deese, hai quan chức hàng đầu trong Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời Obama, quay trở lại.

Jeff Hauser, giám đốc Dự án Cánh xoay, nhóm vận động cấp tiến chuyên gây áp lực lên các chính quyền Dân chủ để bổ nhiệm những người theo chủ nghĩa tự do vào các vị trí hàng đầu, cho biết những lựa chọn đó sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với sự thành công trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Biden.

"Tuần trăng mật của chính quyền Biden với những người cấp tiến sẽ rất ngắn, nếu ông ấy chọn những người theo chủ nghĩa ôn hòa", Hauser nói.

Hauser cho biết phe cánh tả coi Richetti và Reed là những lựa chọn "thực sự tồi tệ" vì Reed được coi là người ôn hòa còn Richetti là nhà vận động hành lang lâu năm.

Zeints và Deese cũng là những cái tên phe cấp tiến không ưa. Hauser cho biết họ thích Heather Boushey hoặc Jared Bernstein ngồi vào ghế lãnh đạo Hội đồng Kinh tế Quốc gia hơn, cả hai đều là cố vấn kinh tế cho chiến dịch của Biden.

Nếu Biden đắc cử, chưa rõ các quan chức chính quyền Trump sẽ làm việc chặt chẽ đến mức nào với nhóm chuyển giao quyền lực. Alan Kessler, nhà gây quỹ nổi tiếng của đảng Dân chủ, cho biết ông lo lắng về khả năng Trump có thể chỉ đạo các quan chức hàng đầu của mình không hợp tác với đội ngũ mới.

"Tổng thống đã nói 'tôi sẽ không rời đi một cách lặng lẽ và nếu tôi thua, đó là bởi vì cuộc bầu cử có gian lận', điều đó thật đáng lo ngại", Kessler nhận xét. "Điều đó có nghĩa là chiến dịch của Biden sẽ không thể tiến hành quá trình chuyển đổi ư? Không phải, nhưng việc đó sẽ khó khăn hơn nhiều nếu chính quyền hiện tại không hợp tác".

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan

Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.