Những người Mỹ không tin Trump nhiễm nCoV
Những phát ngôn, hành động bất nhất của Trump trước đây khiến nhiều người Mỹ hoài nghi mọi thứ về ông, kể cả thông báo Tổng thống nhiễm nCoV.
Thức dậy vào sáng thứ 6 với thông tin Tổng thống Donald Trump cùng Đệ nhất phu phân Melania dương tính với nCoV, một số người Mỹ tỏ ra hoài nghi, cho rằng đây chỉ là một "chiêu trò" chính trị nữa của ông chủ Nhà Trắng, trong bối cảnh cuộc đua đến bầu cử tổng thống đang vào giai đoạn gay cấn.
"Trò lừa bịp ư? Hay đây là lời nói dối? Tổng thống có ốm nặng hơn những gì ông tuyên bố không, hay ông hoàn toàn không ốm? Có khi nào tin tức chấn động này chỉ là trò lừa đảo cực đoan?", không ít người Mỹ viết trên mạng xã hội, khi biết Tổng thống Trump, người trước đó luôn đánh giá thấp mối đe dọa của Covid-19, đã nhiễm nCoV.
"Tôi không tin đâu. Đây dường như là cách ông ấy cố gắng để được mọi người cảm thông", Anthony Collier, tài xế xe tải ở Atlanta, nói.
Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 1/10. Ảnh: AFP.
Không có bằng chứng nào chứng minh cho những thuyết âm mưu hoàn toàn không có căn cứ này. Ngay cả khi Nhà Trắng và các cơ quan truyền thông cập nhật thông tin về sức khỏe của Tổng thống và việc ông được đưa vào Trung tâm Quân y Walter Reed ở bang Maryland, những người tin vào thuyết âm mưu lại chuyển từ hoài nghi Trump bị ốm sang nghi ngờ Nhà Trắng có nói thật về tình trạng sức khỏe của Tổng thống hay không.
Giới quan sát ví những thuyết âm mưu không có căn cứ kiểu này như một loại virus sinh sôi nảy nở ở nước Mỹ, đặc biệt là sau những tuyên bố, hành động phớt lờ thực tế, công kích tất cả của chính Tổng thống Trump trước đây.
"Không có gì ngạc nhiên khi không ai tin ông ấy. Chúng tôi đang sống ở đất nước mà không ai tin tưởng bất kỳ điều gì", Armando Iannucci, nhà phê bình chính trị và giám đốc chương trình truyền hình Veep, nói.
"Loại virus mà ông ấy phán tán là virus nghi ngờ bất kỳ thông tin thực tế nào", Iannucci cho biết. "Nghi ngờ sự thật, nghi ngờ tin tức. Chỉ đơn giản là nghi ngờ, xem đó là trò bịp bợm, nói nó không tồn tại cho tới khi nó thực sự tồn tại".
Nicole Hemmer, nhà sử học chuyên nghiên cứu về vai trò của truyền thông bảo thủ trong chính trị Mỹ, cho rằng sự hoài nghi này không có gì đáng ngạc nhiên, nếu xem xét tới nhiều thông tin sai lệch mà Nhà Trắng từng đưa ra, khiến công chúng Mỹ hoang mang, hỗn loạn và phân tâm.
Tình hình không được cải thiện sau các tuyên bố không rõ ràng và đầy đủ từ các quan chức Nhà Trắng hôm 2/10. Cả Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows và Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany đều từ chối trả lời các câu hỏi như: Tổng thống đã biết điều gì và ông ấy biết những điều đó khi nào. Ví dụ Tổng thống đã biết Hope Kicks, trợ lý thân cận của ông, nhiễm nCoV khi nào.
"Tôi sẽ không đưa ra các mốc thời gian cụ thể", McEnany trả lời Fox News.
Trong khi đó, tiến sĩ Scott Atlas, cố vấn Covid-19 hàng đầu Nhà Trắng, tuyên bố với Fox News rằng Tổng thống Trump "sẽ bình phục hoàn toàn nhanh chóng".
Tổng thống Trump nằm trong nhóm người dễ tổn thương vì Covid-19, bởi ông đã 74 tuổi và bị thừa cân, hai yếu tố gây nguy cơ đáng kể. Trump gần đây cũng gặp khó khăn khi đi xuống dốc và nâng cốc nước lên miệng. Tuy nhiên, tiến sĩ Atlas khẳng định ông "chưa từng thấy ai, ở bất kỳ độ tuổi nào, có nhiều năng lượng và mạnh mẽ" hơn Trump.
Nhận xét của Atlas đã khiến Chris Wallace, người điều hành cuộc tranh luận đầu tiên giữa Trump và Biden, phải lên tiếng cảnh báo "nCoV là loại virus không thể đoán trước" và cho rằng tiến sĩ Atlas không nắm được tình hình vì không phải là nhà dịch tễ học hay chuyên gia bệnh truyền nhiễm. "Ông ấy không thể biết, vì Tổng thống mới ở giai đoạn đầu của bệnh", Wallace nói.
Cảnh báo của Wallace càng tăng thêm mức độ tin cậy, khi chỉ vài giờ sau đó, Nhà Trắng thông báo Trump được đưa tới Trung tâm Quân y Walter Reed ở Bethesda, Maryland.
Không riêng người dân Mỹ, nhiều quan chức cũng tỏ ra nghi ngờ về thông tin Tổng thống nhiễm nCoV. "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu biết rằng đây chỉ là chiêu trò chính trị nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi thông tin về hồ sơ thuế và nhóm da trắng thượng đẳng", nghị sĩ Dân chủ Don Beyer ở bang Virginia nói, ám chỉ tới nhóm Proud Boys.
James Zogby, chủ tịch Viện Arab - Mỹ ở Washington, cũng thấy bối rối. Giống nhiều thành viên Dân chủ vẫn bị ám ảnh sau cuộc bầu cử 2016, tâm trí của Zogby chỉ toàn các câu hỏi về việc Trump sẽ có lợi thế chính trị gì khi bị nhiễm nCoV.
"Trong tình huống bình thường, chúng tôi sẽ nói 'Ôi, lạy Chúa, Tổng thống ốm rồi'. Nhưng giờ điều mà chúng tôi nghĩ tới chỉ là sự hoài nghi rằng điều đó có đúng hay không, liệu đây có phải chiêu trò của Trump và cách ông ấy thực hiện nó như thế nào. Điều này khá đáng buồn", Zogby nói.
Ngay cả những người không quan tâm tới chính trị cũng tự hỏi điều gì đang xảy ra với Trump. "Có rất nhiều thuyết âm mưu được đưa ra, như có khi nào Trump cố tình ốm để Mike Pence lên tiếp quản ghế tổng thống và có thể ân xá cho ông sau cuộc bầu cử", Josh Gunderson, thợ hàn 43 tuổi ở Waukesha, bang Wisconsin, nói. "Bất kỳ giả thuyết nào cũng hợp lý".
"Sự hỗn loạn và bối rối mà Trump đã tạo ra trong những năm tháng qua dẫn tới việc nhiều người không chắc chắn phải tin vào điều gì", Eli Pariser, chuyên gia về diễn ngôn kỹ thuật số và tác giả cuốn sách "The Filter Bubble", nói.
Nhiều nhà phân tích nhận định Tổng thống Trump và Nhà Trắng đang đối mặt với khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng, đồng thời tình trạng thiếu tín nhiệm cũng đang "ăn mòn" nền chính trị Mỹ.
Tổng thống Trump rời trực thăng Marine One để đến bệnh viện quân đội Walter Reed ở Bethesda, Maryland hôm 2/10. Ảnh: Reuters.
Trong khi đó, với nhóm ủng hộ "không lay chuyển" của Tổng thống, họ tỏ ra phẫn nộ khi nghe thấy bất kỳ ai hoài nghi thông tin về Trump.
"Tôi nghĩ mọi người đang nhìn nhận ông ấy một cách phiến diện. Bất kể bạn có nói điều gì về Tổng thống, ông ấy vẫn là người cởi mở và thẳng thắn", cựu nghị sĩ Sean Duffy, người từng phát biểu tại sự kiện tranh cử của Trump ở bang Wisconsin tháng trước, nói.
Pamela Fletcher, 60 tuổi, sống ở Grapeland, Texas, nói rằng bà đã bắt đầu cầu nguyện ngay sau khi biết tin Trump nhiễm nCoV. Fletcher thêm rằng Tổng thống đánh giá thấp mối đe dọa của Covid-19 chỉ nhằm mục đích tránh người Mỹ bị hoảng loạn. "Tôi tin rằng ông ấy đang cố giúp chúng tôi tránh khỏi lo lắng về việc sẽ bị nhiễm virus", bà nói.
Tuy nhiên, nhà phê bình chính trị Iannucci cho rằng việc Trump nhiễm nCoV và việc mọi người hoài nghi về thông tin này đối với Tổng thống chính là hậu quả của việc ông thường xuyên đánh giá thấp mối đe dọa của Covid-19, cũng như kêu gọi mọi người nên học cách hoài nghi mọi thứ.
"Hãy gắn bó với chúng tôi. Đừng tin những gì bạn thấy từ người khác hay từ tin tức giả... Những gì bạn đang thấy và những gì bạn đang đọc không phải là điều đang xảy ra", Trump từng nói với một nhóm ủng hộ ở bang Kansas hồi tháng 7/2018.
Link nguồn: https://vnexpress.net/nhung-nguoi-my-khong-tin-trump-nhiem-ncov-4170937.html
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.