Nỗi ám ảnh của di dân Việt để bước chân vào thị trường lao động tại Úc
Để bước chân vào thị trường lao động tại Úc, không ít sinh viên và di dân tay nghề người Việt đang rất vất vả.
Từ năm 1988, hệ thống visa dành cho di dân tay nghề đã thu hút hàng trăm ngàn những lao động có trình độ cao từ khắp nơi trên thế giới đổ về Úc.
Thế nhưng có thể thấy những chính sách này sau đó đã mang lại tác dụng phụ là việc phí phạm nguồn lao động có trình độ cao. Có không ít lao động di dân Việt đã vướng vào những con sóng kiếm việc làm tại Úc đến mức ám ảnh.
Anh Vũ Chương, tốt nghiệp Thạc sỹ ngành Kế toán và Tài chính của Đại học UTS, Sydney chia sẻ, anh mất hơn một năm không thể đi xin việc vì hầu hết những công việc phù hợp đều có yêu cầu phải là công dân Úc hoặc thường trú nhân .
Theo anh Cương, không có PR rất khó xin việc. Mà bản thân anh tiếng Anh không tốt lắm, mới tốt nghiệp cũng chưa có kinh nghiệm nên lại càng không tự tin đi tìm việc. Chính vì vậy anh Chương đã mất năm đầu tiên chỉ tập trung lo lấy PR.
Sau 7 năm kể từ ngày tốt nghiệp, hiện nay anh Vũ Chương đã có một công việc toàn thời ổn định trong lĩnh vực xây dựng với mức lương 6 số, và hoàn toàn không dính dáng gì tới bằng cấp đã học.
Anh Chương chia sẻ, anh hài lòng với cuộc sống và công việc hiện tại, và cũng không có ý định tìm việc đúng ngành học.
Không chỉ riêng trường hợp của anh Chương mà còn rất nhiều du học sinh có bằng cấp Cử nhân, Thạc sỹ, nhưng rất vất vả trong chuyện tìm một công việc đúng nghề sau khi tốt nghiệp.
Lý do hầu hết được đưa ra cho việc này là thiếu kinh nghiệm làm việc, tiếng Anh không đủ tự tin hoặc chưa có visa dài hạn đáp ứng điều kiện của công ty.
Có rất nhiều sinh viên khác đã phải chấp nhận làm những công việc đơn giản, lương thấp và không ổn định trong lĩnh vực bán lẻ, hay nhà hàng, trong lúc vẫn tiếp tục nộp đơn hi vọng một ngày nào đó may mắn sẽ mỉm cười.
Điều đáng nói là không chỉ các sinh viên quốc tế mới tốt nghiệp gặp khó khăn trong chuyện tìm việc mà nhiều lao động tay nghề mới sang Úc với visa thường trú cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Trường hợp của Thành N. sau đây là một ví dụ.
Theo đó, N. có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong mảng hành chính nhân sự cho một tập đoàn lớn ở Việt Nam trước khi được bảo lãnh sang Úc theo diện vợ chồng.
Vậy nhưng khi sang Úc đã gặp không ít khó khăn. Hiện nay anh đang làm thêm tại một nhà hàng ở Sydney.
Theo Thành N., lý do từ chối mà các nhà tuyển dụng đưa ra lúc nào cũng là anh không có kinh nghiệm trong lĩnh vực của công ty tuyển dụng.
Dù có kinh nghiệm gần 20 năm làm nhân sự trong lĩnh vực xe hơi, nhưng họ từ chối vì anh không có kinh nghiệm trong lĩnh vực khác như giáo dục, tài chính, công nghệ…
Thành N. cho rằng những lý do nhà tuyển dụng đưa ra hết sức vô lý, đó chỉ là cái cớ để họ loại người.
Số liệu từ Nha Thống Kê Úc cho thấy cứ 3 di dân có việc làm thì có 1 người nói rất khó khăn để có được công việc đầu tiên, và con số này cũng chẳng cải thiện gì trong vài năm qua.
Được biết, tỷ lệ thất nghiệp của những di dân mới đến Úc không thuộc nguồn gốc nói tiếng Anh đã tăng gấp đôi.
Hội đồng Các cộng đồng sắc tộc cho hay, đây là vấn đề rất đáng quan ngại.
Thông tin thêm cho hay, trong 12 tháng qua đã có thêm khoảng 400,000 việc làm trên toàn nước Úc.
Tuy nhiên số liệu tháng 1 năm nay cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trung bình lại tăng lên mức 5.5% vì có thêm nhiều người tìm việc, tỷ lệ cao nhất là ở Victoria và Tasmania.
Như vậy có thể thấy rằng số lượng việc làm mở ra không đáp ứng đủ số lượng dân số đang tăng lên, chủ yếu là từ di dân.
Những lý do thường thấy được đưa ra để lý giải cho chuyện di dân tìm việc khó khăn là rào cản tiếng Anh, thiếu kinh nghiệm về văn hoá, xã hội, và cả thành kiến.
Chính vì vậy mà nhiều di dân thậm chí phải đổi tên để ít nhất được một cơ hội phỏng vấn.
Theo Hoàng V., một quản lý tại một tập đoàn công nghệ ở Sydney thừa nhận, khi nhận hồ sơ ứng tuyển, ông sẽ bỏ qua những hồ sơ có tên Ấn Độ hay Trung Đông.
Lí do Hoàng V. đưa ra là những người như vậy sẽ không phù hợp với team của anh, nếu một người khác biệt văn hoá làm chung với nhóm đa số là người Việt thì sẽ rất lạc lõng.
Anh V. cũng cho biết thêm, công ty luôn đăng quảng cáo tuyển dụng công khai, thế nhưng nếu có nhân viên trong công ty giới thiệu người, họ luôn ưu tiên cho phỏng vấn trước, vì ít nhất người đó đã được bảo đảm về nhân cách.
Và cũng chính vì thực trạng khó tìm việc làm như trên nên có không ít di dân đã cảm thấy nản lòng.
Với anh Thành N., đã gần một năm trôi qua, kinh tế trong gia đình anh hiện đang hoàn toàn phụ thuộc vào người vợ, điều đó khiến anh đôi khi cảm thấy bị ức chế và dễ nóng giận.
Còn với anh Vũ Chương, ngoài số tiền bỏ ra để hoàn tất 2 tấm bằng Thạc sỹ, anh còn phải chi rất nhiều tiền cho việc thi tiếng Anh IETLS, học Professional Year để lấy PR, anh tin rằng mục tiêu của người lao động, đặc biệt là di dân, cũng chỉ mong có cuộc sống ổn định và dư dả, bất kể là công việc gì.
Theo: Báo Úc
Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao
Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.