RSS

Nỗi khổ mang danh Việt kiều

03:00 25/09/2020

Không ít Việt kiều về thăm quê rồi kêu trời bởi chi phí tốn kém, từ quà cáp, du dịch, ăn uống, mua sắm... không chỉ cho người thân trong nhà mà cả họ hàng dòng tộc.

Vài năm lại đây, nhiều người Việt Nam có xu hướng sang nước ngoài định cư, tìm kiếm một công việc với mức lương cao hơn, đời sống tốt hơn. Khi có điều kiện, thi thoảng họ về thăm người thân, họ hàng, quê hương - nơi mình sinh ra và lớn lên, nơi mình gắn bó.

Trong khi đó, phần lớn người thân của họ lại nghĩ rằng, xứ người là "miền đất hứa" nên kiếm tiền rất dễ dàng. Và chắc là “ở bển” sống sung sướng lắm, từ đó, hình thành suy nghĩ “thâm căn cố đế” rằng cứ Việt kiều thì là người giàu có, Việt kiều về nước thế nào chẳng có quà cáp, bao cả gia đình, người thân ăn uống, mua sắm, du lịch.

Việt-kiều, Việt kiều, moi-tiền, quà-cáp, người-thân, quê-hương, gia-đình

Việt kiều về nước trong niềm hân hoan chào đón của người thân

Thực tế, có Việt kiều phải méo mặt với những bữa tiệc linh đình mời bà con họ hàng xa đến mấy đời trong làng, ngõ xóm.

Như trường hợp của chị Nga (32 tuổi, định cư ở Úc), sau 6 năm trời trở về Rạch Giá. Anh trai cô tiếp đón linh đình, mời tất cả bạn bè, anh em đến để "chia sẻ" niềm vui với gia đình sau bao năm đoàn tụ và đón người con xa quê hương. Bữa tiệc chào mừng ngày trở về lên đến cả trăm mâm, mà anh trai cô cứ nhất quyết phải tổ chức ở khách sạn năm sao cho xứng đáng với mác Việt kiều.

Chưa hết, hôm đó cả nhà phải mặc đồ tây. Anh trai dắt cô như ngôi sao trên thảm đỏ giới thiệu với mọi người cô là chủ của một cửa hiệu thiết kế thời trang nổi tiếng ở xứ người. Cô chỉ biết cười ngượng ngùng vì chẳng ai biết được sự thật cô chỉ là công nhân của một xưởng may bên Úc. Bữa liên hoan mặn với hóa đơn lên đến hai trăm triệu cũng đủ làm cô choáng váng. Ở được mấy ngày, cô xin phép về nước nếu không sẽ còn phải bao gia đình đi nghỉ resort ở biển, đi picnic,...

Nhiều Việt kiều phải làm lụng rất vất vả ở xứ người, nhưng nghĩ đến người thân ở nhà còn lam lũ, thiếu thốn hơn nên cố “cày” thêm 1-2 giờ để chắt bóp gửi về nhà. Tuy nhiên, sự vất vả ấy thì không ai biết đến. Những người ở nhà lại suy nghĩ bên đó làm ăn khấm khá lắm mới gửi tiền về, và họ đương nhiên coi đó là chuyện thường.

Em gái anh Tấn (Việt kiều định cư bên Canada) thấy mấy bà cô hàng xóm nói bóng nói gió nhà có Việt kiều mà để mẹ già chui ra chui vào túp lều tranh. Tức tốc, cô thảo thư bảo anh gửi tiền về xây nhà cho mẹ và mua cho mẹ đủ thứ tiện nghi.

Việt-kiều, Việt kiều, moi-tiền, quà-cáp, người-thân, quê-hương, gia-đình

Những bữa tiệc linh đình mừng người con xa quê hương trở về.

Anh Tấn lắc đầu chua chát: "Mình là con trai trưởng phải để mẹ cho em gái nuôi nên có trách nhiệm đóng góp chút ít. Hôm vừa rồi, mình bay về nước thăm nhà. Về đến nơi, không thấy mẹ đâu, thấy em rể đang ngồi điều hòa nhậu bia cùng lũ bạn rồi hát karaoke ầm ĩ. Em gái mình bảo mẹ già yếu gửi mẹ đến viện dưỡng lão rồi, tiền anh gửi về mỗi tháng đều trích vào đó. Thế là mình mất không cả ngôi nhà tổ tiên xây mới cùng bao nhiêu tiền tích cóp mà chưa báo đáp được mẹ ngày nào".

Anh Hoàng (Việt kiều Mỹ) cũng cùng hoàn cảnh tương tự khi đầu tư cho chị gái làm ăn bằng việc mua một chiếc Mercedes 24 chỗ. Từ ngày có xe bà chị làm ăn khấm khá. Tiền bà chị giữ, chi phí cho xe như tiền bảo hiểm, tiền bảo trì, anh vẫn tiếp tục chi viện. Nhưng đến khi chiếc xe gặp tai nạn, bà chị ngay lập tức khai báo tên anh làm chủ sở hữu. Anh phải bay về nước giải quyết và chịu phạt đến 30.000 USD. Sau vụ việc này, vợ anh phát hiện ra và đã đâm đơn ly hôn.

Thậm chí, có Việt kiều còn bị chính người thân của mình lừa gạt vì suy nghĩ nếu có mất mát chút đỉnh thì cũng không đáng kể gì.

Chị Thi Anh (Việt kiều Hà Lan) tâm sự: "Mình đã bị chính người chị ruột lừa tiền vì quá tin tưởng. Chả là, mấy năm trước về nước chị gái dẫn đi thăm vùng lấn biển, chị bảo dự trù mua vài lô, chỉ cần 1 năm sau là giá gấp đôi. Bạn chị ấy năm ngoái mượn tiền mua 2 lô, năm nay nó bán một lô, tiền lời đủ chi trả cho cả hai. Ngay chiều hôm đó, hai chị em đi thăm đất, và quyết định mua 4 lô. Chị mình tạm thời đứng tên dùm, khi nào nhà nước cho Việt kiều đứng tên thì sẽ sang tên cho em. Mỗi lần mình gọi điện thoại về Việt Nam hỏi thăm, chị gái đều báo tin vui vì giá đất tăng. Một năm sau, mình ngỏ ý muốn bán vì bên này đang khó khăn mới ngã ngửa chị mới thú nhận không mua mảnh đất nào cả mà đã dồn vào tiền mở kinh doanh nhà hàng nhưng thua lỗ. Lúc đó mình chỉ còn biết ngậm đắng nuốt cay vì đồng tiền mồ hôi xương máu đã biến mất lúc nào không hay".

Với tâm lý đề phòng, sợ bị người thân moi tiền nên một số Việt kiều giờ mỗi lần về thăm quê hương lại phải đắn đo, suy tính. Số lần về quê của họ cũng thưa dần.

 

Link nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/noi-kho-mang-danh-viet-kieu-180252.html

Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao

Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao

Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.