Ông chủ người Úc của WikiLeaks bị b.ắt sau 7 năm lẩn trốn bằng cách tị nạn
Assange bị bắt với cáo buộc không ra trình diện trước tòa và bị đưa về một đồn cảnh sát ở trung tâm thủ đô London.
Đại sứ Ecuador mời cảnh sát tới đại sứ quán ở London để bắt Assange sau 7 năm tị nạn trong cơ quan ngoại giao này.
Cảnh sát Anh thông báo họ đã bắt người sáng lập WikiLeaks Julian Assange tại đại sứ quán của Ecuador ở London sau khi Ecuador chấm dứt quy chế tị nạn đối với ông. Assange bị bắt với cáo buộc không ra trình diện trước tòa và bị đưa về một đồn cảnh sát ở trung tâm thủ đô London.
Video được công bố cho thấy Assange, 47 tuổi, quốc tịch Australia, bị nhiều cảnh sát mặc thường phục áp giải ra khỏi đại sứ quán Ecuador và bị đưa lên một xe chuyên dụng chờ sẵn. Assange có một số cử chỉ và lời nói thể hiện sự phản đối trước khi bị ép lên xe.
Thông báo của cảnh sát Anh cho biết họ được đại sứ Ecuador mời tới đại sứ quán ở London để bắt Assange sau khi nước này hủy chế độ tị nạn đối với người sáng lập WikiLeaks. Assange sẽ bị giam tại đồn cảnh sát cho tới khi ra trước tòa án Westminster.
Chính phủ Anh sau đó xác nhận về vụ bắt Assange, tuyên bố ông này sẽ phải đối mặt với công lý "theo cách phù hợp ở Anh". Tổng thống Ecuador Lenín Moreno khẳng định việc nước này hủy cơ chế tị nạn đối với Assange là "quyết định mang tính chủ quyền" sau khi ông này "liên tiếp vi phạm các quy tắc thường nhật và thông lệ quốc tế".
Tuy nhiên, quyết định của Ecuador vấp phải phản ứng quyết liệt từ WikiLeaks. "Ecuador chấm dứt bất hợp pháp việc tị nạn chính trị của Assange là vi phạm luật pháp quốc tế", đại diện WikiLeaks đăng trên Twitter sau khi cảnh sát Anh công bố thông tin.
Wikileaks là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế chuyên đăng tải các nội dung được gửi đến vô danh và các thông tin rò rỉ của các loại tài liệu chưa công bố, nhưng vẫn giữ tính nặc danh của nguồn tin. Trang web của tổ chức ra mắt vào tháng 12/2006 và một năm sau đó, trang web này tuyên bố cơ sở dữ liệu của họ đã có hơn 1,2 triệu tài liệu.
Mỹ cáo buộc trang WikiLeaks do Assange điều hành từ năm 2010 đã thu thập và công bố các tài liệu mật về cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan cùng nhiều bí mật ngoại giao, khiến hình ảnh của Mỹ bị tổn hại.
Assange trốn vào đại sứ quán Ecuador ở London để tránh bị dẫn độ về Thụy Điển phục vụ điều tra cáo buộc hiếp dâm. Mặc dù Thụy Điển hủy cuộc điều tra này vào năm 2017, Assange vẫn đối mặt với cáo buộc của Anh do trốn nộp tiền bảo lãnh và không xuất hiện trước tòa. Sau khi được Ecuador chấp nhận đơn xin tị nạn chính trị, Assange đã "cố thủ" trong đại sứ quán nước này ở London suốt 7 năm qua.
Tuy nhiên, quan hệ giữa Ecuador và ông chủ Wikileaks trở nên xấu đi từ khi Moreno đắc cử Tổng thống Ecuador năm 2017. Moreno miêu tả Assange như "viên đá trong giày", cho rằng việc ông tiếp tục ở sứ quán tại London là không thể kéo dài. Hồi cuối năm ngoái, Assange đã đệ đơn kiện sau khi đại sứ quán Ecuador ở London ra nội quy mới, cấm ông đưa ra các tuyên bố mang tính chính trị, phải thường xuyên lau dọn phòng tắm và chăm sóc tốt hơn cho chú mèo của mình.
Truyền thông năm ngoái đưa tin nhiều khả năng Tổng thống Moreno sẽ thỏa thuận với nhà chức trách Anh về việc không cho phép Assange tiếp tục tị nạn tại đại sứ quán Ecuador ở London. Assange có thể bị ngồi tù ít nhất một năm do không chấp hành lệnh bắt giữ mà Anh đưa ra từ năm 2012.
Nhà chức trách Anh cũng không thể bảo đảm Assange không bị dẫn độ sang Mỹ, nơi ông đối mặt với án tù do công bố các tài liệu mật. Công tố viên đặc biệt Robert Mueller cũng được cho là miêu tả ông chủ Wikileaks là một "công cụ của tình báo của Nga" khi công bố hàng nghìn email do các hacker lấy được của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2016.
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.