RSS

Ta đi làm ở Trời Tây

21:00 20/07/2019

“Bệnh ì, lười học hỏi và quan liêu trong nghề nghiệp đã hạn chế tôi quá nhiều trong hành trình tìm việc phù hợp ở xứ người. Ở đây, cơ may hoàn toàn không mỉm cười với kẻ bất tài, lười biếng”.

Thùy Mai, du học, làm thêm, làm việc, Tây, ta

Tác giả trong thời gian du học tại Úc – Ảnh do nhân vật cung cấp

Tôi, một phụ nữ vừa bước vào tuổi ba mươi lăm, khăn gói lên đường du học sau cuộc chia tay đầy nước mắt với chồng và hai đứa con. Chuyến bay dài tám tiếng của Hãng Hàng không Việt Nam đưa tôi đến với Melbourne, thành phố lớn thứ hai sau Sydney của đất nước Úc rộng lớn và xinh đẹp.

Melbourne vào thu thật lãng mạn và trữ tình. Những tòa nhà với kiến trúc Victoria ngập tràn hoa hồng, lãng đãng phủ đầy dây thường xuân. Muôn ngàn lá đỏ, lá vàng xào xạc dệt lên sắc xanh mượt mà của những thảm cỏ trải dài theo các đại lộ.

Xe của trường đưa tôi và ba cô bạn khác đi qua trung tâm thành phố. Tôi như choáng ngợp trước vẻ đẹp hiện đại của các tòa cao ốc của Melbourne. Xen lẫn trong sự kiêu hãnh của một thành phố phát triển, đâu đó chấm phá nét trầm mặc của những tháp nhà thờ cổ kính. Melbourne đã được tạp chí “The Economist” bình chọn là “Thành phố dễ sống nhất thế giới” dựa vào các tiêu chí văn hóa, thời tiết, giá cả sinh hoạt và điều kiện xã hội.

Tôi bận rộn việc học tiếng Anh của mình tại campus Clayton, trường Đại học Monash, một trong tám trường đại học hàng đầu của nước Úc. Clayton cách trung tâm thành phố khoảng 45 phút đi tàu điện. Tôi được nghỉ hai tháng sau khi kết thúc khóa học bồi dưỡng tiếng Anh. Melbourne lúc này bắt đầu vào đông. Cảm thấy chán vì mình đã khám phá gần hết thành phố xinh đẹp này, tôi lao vào cuộc hành trình mới để thử sức mình ở đất lạ xứ người.

Và thế là… tôi đi làm ở “Tây”.

Nông trại

“Tây” chỉ là cách ví von của người Việt Nam nếu một ai đó đi ra nước ngoài. Sau nhiều ngày tìm việc trên mạng, tôi đã được một farm (nông trại) nho ở vùng Tongala, cách Melbourne 300 km nhận làm.

Người chủ farm nho là một người Úc gốc Việt. Chị có giọng nói nhỏ nhẹ, dễ thương đặc trưng của người Nam Bộ. Công việc chính của tôi ở farm chủ yếu là cắt cành nho. Một luống nho khoảng 5 cây. Một ngày trung bình nếu cắt được hai luống nho, tôi sẽ được trả 100 đô-la Úc.

Chị chủ nông trại bảo tôi việc nhẹ nhàng và đơn giản, chỉ cần siêng năng là có thể kiếm được 1.400 đô trong hai tuần. Phát cuồng vì nghĩ mình sắp kiếm được món hời, tôi rủ thêm ba cô bạn ở cùng đi làm farm. Cả bọn thích thú chuẩn bị hành lý lên đường.

Đúng 10 giờ vào một ngày Chủ nhật đẹp trời, chúng tôi lên Southern Cross, ga trung chuyển giữa các tuyến tàu qua CBD của Melbourne để bắt chuyến tàu Vlines về Tongala. Sau hơn bốn tiếng đồng hồ lắc lư trên tàu, chúng tôi được vợ chồng chị chủ ra tận ga đón về farm. Đường về farm đi ngang qua các cánh rừng vắng vẻ, không thấy bóng dáng người, chỉ thấy những chú căng-gu-ru ngơ ngác nhảy ngang qua đường.

Khác với mường tượng của chúng tôi về một nơi ở thôn dã hiền hòa xinh đẹp như chúng tôi đã từng xem trong bộ phim “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”, nơi mà chúng tôi sẽ ở trong suốt hai tuần trông tạm bợ, tuềnh toàng và nhếch nhác như các lều đào vàng ở vùng Ballarat.

Phải có chừng hơn 40 người đến từ các nước khác nhau của Châu Á để làm farm như chúng tôi. Bốn chúng tôi cùng ở trong một căn phòng nhỏ hẹp mà mỗi ngày mỗi đứa phải trả 10 đồng. Không có nước máy sinh hoạt ngoại trừ nước mưa và các ao hồ nhỏ hẹp, vàng quánh. Bốn chúng tôi ngao ngán nhìn nhau, tự hỏi không biết mình đang làm gì ở cái chốn khỉ ho cò gáy này.

Một đêm ngủ say như chết sau chuyến đi dài. Người quản lý farm gọi chúng tôi dậy từ lúc 5 giờ sáng. Mắt còn cay xè vì ngái ngủ, chúng tôi cố gắng chuẩn bị thức ăn của ngày hôm trước để chuẩn bị ra farm. Lụ xụ trong chiếc áo phao dày xịch, tôi vội vàng xỏ chân vào đôi bốt và bước ra ngoài. Tiết trời lạnh giá khiến tôi ù hết cả tai, mắt cay xé. Người quản lý bảo 40 người chúng tôi sẽ chia làm hai nhóm. Mỗi nhóm lên hai xe để đi ra farm nho.

Đường lên farm nho vắng rợn người, chỉ có những tiếng kêu buồn thảm thiết của những chú quạ. Đó đây xuất hiện những dấu chân không biết của loài thú nào trông kỳ dị và bí hiểm. Tôi liếc mắt nhìn ba cô bạn của mình.

Kể từ khi đến nơi ở cho đến bây giờ, chúng tôi vốn là những đứa lắm lời, nhiều chuyện không biết tự tắt tiếng khi nào. Chẳng ai thèm nói với ai một lời. Tôi đọc được trong ánh mắt của ba cô bạn sự hoang mang và lo lắng. Cố gắng mở miệng để tếu táo đùa một câu cho không khí bớt phần ảm đạm nhưng hơi lạnh thọc sâu vào cổ họng khiến lưỡi tôi cứng đơ.

Từ nơi ở lên farm nho mất một tiếng đồng hồ. Đến nơi, mỗi chúng tôi được giao một chiếc kéo để cắt cành nho. Tôi bắt đầu công việc đầu tiên của mình từ khi đặt chân lên nước Úc với hai luống nho dài.

Đưa kéo cắt một dây nho đầu tiên, tôi lấy hết sức bình sinh mới cắt được. Thân nho tuy nhỏ, mảnh nhưng lại rất dai. Rồi nhát thứ hai, ba, tư rồi thứ năm, hai tay tôi tê cứng, lòng bàn tay sưng rộp lên. Cắt mãi vẫn chưa hết được một cây nho, tôi thảng thốt nhìn sang cô bạn “đồng nghiệp” người Nepal ở bên cạnh. Có vẻ như cô cũng mới vào làm giống tôi. Nhìn cô bặm môi bặm miệng cố cắt đứt thân nho trong cái giá lạnh tê người, tôi chợt nhếch miệng cười. Một nụ cười khan, khô và cay đắng.

Tôi là một sinh viên cao học, được học bổng do chính phủ Úc và Việt Nam hợp tác tài trợ. Lương một tháng của tôi dư sức để ăn, ở và chi tiêu ở Melbourne. Tại sao lại gồng mình đến nơi này? Tôi vừa rủa thầm sự ngu ngốc, dại dột của mình, vừa miệt mài làm theo quán tính cho đến khi họng khô rốc, bụng đói cồn cào.

Chúng tôi í ới gọi nhau ăn trưa. Không có lò vi sóng để hâm thức ăn, chúng tôi trệu trạo nhai lát bánh mì kẹp thịt xông khói cứng đơ, vất vưởng mùi ôi thiu của ngày hôm trước. Không khí nặng nề bao trùm. Vẫn không ai mở miêng nói được câu nào. Chúng tôi uể oải kết thúc bữa ăn với chai nước mưa mà tôi nhanh tay lấy được từ chỗ trú chân tối hôm qua.

Bìa rừng là nơi chúng tôi thường đến để giải quyết vệ sinh cá nhân trong suốt hai tuần làm farm. Nếu như ở Melbourne, nhà vệ sinh công cộng nhan nhản khắp nơi và không hề thấy bóng dáng ai tè bậy ngoài đường, thì ở trên farm, chúng tôi trở lại với thói quen như khi mình đang ở Việt nam. Mấy cô bạn người Nepal khinh khỉnh bảo chúng tôi cứ tè bậy như họ ngay ở luống nho mình làm. Đi ra bìa rừng vừa mất thời gian, vừa nguy hiểm vì lỡ có thú dữ tấn công.

Một ngày làm việc nặng nề, chậm chạp trôi qua. Tôi chỉ cắt được một luống nho. Không hoàn thành chỉ tiêu, tôi chỉ nhận được 50 đồng. Các cô bạn của tôi cũng thế.

Buổi tối, sau khi tắm rửa trong cái giá lạnh -10C với thùng nước vàng quạch, chúng tôi lại ngủ với nhau trong căn phòng chật chội. Hơi lạnh từ nền nhà tản vào lưng khiến tôi lạnh thấu xương, không tài nào chợp mắt được. Tôi ứa nước mắt. Nhiều trạng thái cảm xúc pha trộn. Tôi nhớ nhà, nhớ hai con. Nhớ hai đôi mắt long lanh như sao, nhớ giọng nói nũng nịu yêu yêu đến lạ. Nếu như bây giờ đang ở Việt Nam, hẳn tôi đang nằm trên một đống chăn nệm thơm tho trong căn phòng ấm cúng cùng với chồng và hai con.

Hai ba ngày một lần, chúng tôi được vợ chồng chủ farm chở ra chợ mua thức ăn. Nói là chợ nhưng nó chẳng khác chợ quê ở Việt Nam là bao lăm. Thức ăn đắt khủng khiếp vì tốn công vận chuyển. Muốn ăn ngon và đầy đủ chất, chúng tôi phải tiêu mất 10 đồng một ngày mỗi đứa. Dù xót tiền nhưng cũng chẵng có cách nào hơn. Một tuần lại trôi qua với ngày làm việc dài đăng đẵng, với những bữa ăn lạnh ngắt, với bàn tay phồng rộp và thân xác mỏi nhừ. Một cuộc sống không internet, không ti vi và không di động