Tại sao phải tha hương, khi lòng rất yêu vùng đất thương nhớ đó?
Có những buổi sáng thế này, trời lạnh ba bốn độ, ngoài trời mưa như trầm trút, tui chỉ muốn cuộn mình trên giường mà thôi. Nghĩ tới phải bước bàn chân nhỏ xíu xuống sàn lạnh ngắt, lại thấy rùng mình buồn bã. Nếu giờ này ở Việt Nam, có khi mẹ đã mua cho mình một tô bún bò để sẵn ngoài bàn, dằn thêm tờ giấy mẹ viết vội, con dậy rồi ăn sáng nhé.
Ơ còn ở đây, phải tự lụi hụi nấu ăn dọn dẹp, bán buôn, không có quán cà phê quen, không có bạn thân để tám nhảm đầu đường xó chợ, khi đói mốc mỏ nghèo vêu râu cũng không có được hàng hủ tiếu gõ, rồi muốn đi thăm cô giáo cũ, muốn nựng ba con chó trước sân nhà, muốn quét dùm mẹ cái sân,… cũng không sao làm được.
Ôi những buổi sáng mơ hồ đó, tui chỉ muốn chạy bay về quê mình, nằm vắt võng ngoài sân vườn, ăn rau lang cắt trước ngõ cũng được nữa, ôi…
Tại sao ai đi nước ngoài rồi cũng không trở về vậy?
Có lần, đứa bạn tui gào thét trong điện thoại, tui thiệt không biết trả lời sao, chỉ thấy trong mũi cay cay nồng sống mũi.
Từ đó tui bắt đầu suy nghĩ rất nghiêm túc về chuyện này, và đi hỏi mấy người tui quen nữa. Trời ơi, sao hong về đi, ngoài kia gió xao xác đâu phải của quê mình, nắng vàng cong đâu phải của quê mình, mở miệng ra nói thứ tiếng đâu phải của mẹ đẻ, có khi đi tới chỗ bị người ta kỳ thị, việc làm dành cho dân Châu Á hạn chế, có phải ai cũng xuất chúng đâu mà thành giáo sư nghiên cứu, có phải ai cũng đặc biệt đâu mà thành kẻ đi đầu… Ngoài những người vì sĩ diện to như bánh xe bò, muốn mang mác Việt Kiều Việt Củng, nói một câu chen mấy chữ tiếng Anh, nên thà cắm đầu cắm mặt bán sức làm nail, rửa chén, làm công còng lưng không chịu quay về, cun cút cu li suốt đời, hoặc mấy người kiên quyết đi kiếm tiền, nghĩ xứ người không ai biết rõ ta, nên lừa bạn bán người thân để lấy mấy tờ đô la rồi không nhìn mặt nhau nữa (để người ta thấy dân VN là cảnh giác rồi),… thì đa số họ có những nỗi khổ riêng.
Lúc còn ở Việt Nam, tui biết cái lý của họ, nhưng tui chưa thấm kỹ. Hy sinh bao nhiêu thứ, để rồi tha hương, họ được gì? Tui hay chắt lưỡi tiếc cho nhiều người đang cơ đồ rực rỡ, đùng cái là mất tăm xứ người, bỏ tất cả. Nhưng khi ở đây rồi, tui mới hiểu. À thì ra người ta hy sinh luôn có những lý do với bản thân họ là chính đáng…
Tui từng gặp một anh người Hàn, từng làm GM cho một ngân hàng to, bỏ hết qua đây mở một tiệm nhỏ bán đồ tạp hóa. Thì ra vợ ảnh bệnh, cần một môi trường chăm sóc tốt hơn và không ô nhiễm, ảnh đã chọn vì vợ mà định cư chỗ này.
Tui đã từng gặp những gia đình Trung Quốc bỏ xứ ra đi, vì họ muốn con họ có một tương lai trong môi trường giáo dục tốt hơn. Và từ đó hai thế hệ chưa bao giờ trở về…
Tui cũng từng gặp một gia đình người Việt Nam, người cha làm đủ thứ nghề, bây giờ tay chai móp đi vì làm bánh, nhưng luôn tằn tiện ăn ở, để đón vợ con qua, cốt để giúp người ở quê, giúp con đi học chỗ tốt nữa…
Cô đơn!?
Có chứ. Họ cũng có những nỗi cô đơn không biết tỏ cùng ai. Chỉ có một cách để vượt qua tất cả là làm việc thật nhiều, đến khi tay chân rã rời, “thân đau muốn nằm”, về thì lăn ra ngủ, để quên đi hai chữ tai hại đó. Họ phải luôn biết cách tự tạo niềm vui, vì nếu có chuyện gì dù về tâm hay thân, đều không có ai mà an ủi.
Con người ở đây rất kỳ quặc, họ ra đường chào nhau mỗi ngày không cần biết ai, nhưng rất ít kết nối như kiểu mình (cái thứ mà đi học rồi mới biết là xứ mình do cội rễ Collectivism – Văn hóa, chủ nghĩa tập thể mà ra) ở đây cái gọi là tự do cá nhân hay quyền riêng tư làm cho sự cô đơn trở nên quái dị. Mỗi người sống trong một cái hộp, di chuyển trên một cái hộp nhỏ hơn, đi làm trong cái hộp khác to hơn, và về nằm meo trong phòng là một cái hộp nhỏ tí, chúi mũi vào máy tính Tivi là những cái hộp khác nữa… ngỡ rằng mình vẫn đang kết nối với thế giới nhưng thật ra chẳng trò chuyện chia sẻ cùng ai.
Ngày xưa học tiếng Anh cô giáo từng dạy khi người ta chào “Hello! How are you?” nghĩa là “Xin chào! Bạn có khỏe không?” thì mình phải trả lời lại là “Thanks. I am fine. And you?” đại loại cảm ơn tui khỏe bạn khỏe hong, mình nghĩ trời ơi xứ người ta lịch sự quá chào hỏi nhau quá chừng vui vẻ. Nhưng sau này sống ở xứ này rồi mới hiểu đó chỉ là câu cửa miệng, kiểu như người Việt đi gặp nhau là hỏi “Ê đi đâu vậy?” hay “Ê ăn cơm chưa?”, câu hỏi hong cần trả lời cũng hong cần quan tâm là người ta có trả lời hay không. Cho nên hồi đó nhiều khi có người hỏi tui câu xã giao đó xong tui hớn hở trả lời y chang cô giáo dạy vậy á, mà người ta đã đi qua mất tiêu rồi hong có ngó ngàng gì tới cái đứa ngẩn te tò…
Từ những chuyện nhỏ nhỏ vậy, đến chuyện tụi Kiwi bạn mình kể chuyện cười mình hiểu hết trơn mà không mắc cười gì hết, trong khi tụi nó cười rần rộ. Hay khi tụi nó mở cái show “Amazing racist” ra coi chuyên chọc ghẹo dân Châu Á lái xe hơi, tụi nó dòm mình cười rần, mình cũng cười nhưng nhột dù biết tụi bạn bò trâu này không có ý gì nghiêm trọng. Rồi bao chuyện nhỏ về văn hóa nữa, dẫn đến việc mình nghĩ sao mình bỏ xứ đi vầy, lỡ mà ở vầy suốt đời, buồn nào nguôi…
Có những kết nối cội nguồn tự nhiên lắm làm người ta đi đâu cũng nhớ xứ chôn nhau cắt rốn. Đó là ngồi ăn một bữa ăn Việt Nam (không phải người một dĩa hay đứa cái bánh pie), đó là sáng trưa chiều tối nghe tiếng má mình càm ràm chuyện trong nhà ngoài ngõ, đó là đem rổ chanh qua nhà hàng xóm cho chơi không mong chờ gì trả lại, đó là những buổi chiều tối đi cà phê với bạn bè những góc quán quen có nhạc êm có đèn vàng hay có bún bò Huế, đó cũng có thể là khuya đói bụng chạy ra ngoài ăn mấy cái hột vịt lộn trứng gà nướng mần hai dĩa ốc chai bia rồi về (chứ hong phải tối 5h shop đóng cửa 9h hết hàng ăn)… Đó, mấy thứ giản dị vậy mà có lúc người xa quê thèm khủng khiếp lắm. Rồi lại hỏi mình tại sao phải tha hương, khi lòng rất thương yêu vùng đất đó?
Hay hỏi ngược lại, vùng đất này có gì để mình lại bắt đầu thương yêu? Thương yêu những gì hoàn toàn khác biệt!
Tui thích cảm giác được đi ra đường một cách an toàn. An toàn ở chỗ mình xách cái túi tơn tơn không nơm nớp sợ giựt, mình đi hội chợ không sợ mất điện thoại, mình đi chơi xa rong ruổi hàng trăm cây số vẫn thấy được an toàn bởi chỉ dẫn và thông tin minh bạch đầy đủ. Cảm giác về một xã hội bất an làm cuộc sống của mình trở nên khủng khiếp. Nhớ những ngày ở Sài Gòn, có đoạn sợ ra đường bị chặt tay, có đoạn ra đường sợ không dám nói chuyện với ai vì sợ bùa mê thuốc lú, có đoạn ra đường sợ cướp xe, có đoạn ở nhà cũng sợ trộm cắp… Mùa nắng ra đường sợ cảnh sát nóng mà thổi mình chơi, mùa mưa ra đường sợ nước ngập dâng tới cổ (nhớ những ngày đi làm hì hụi dẫn xe về vì đường quận Tân Bình lụt cao không thoát)… Những nỗi sợ đó mơ hồ như một án treo vô hình, giảm nhiều sự hân hoan tăng nhiều phần lo lắng cho mình và gia đình.
Thứ hai là giá trị xã hội đảo điên. Thực sự chưa bao giờ thấy những kẻ khoe ngực khoe mông lại nổi tiếng kiếm tiền mau và chính thống đến thế. Nhìn các bạn tuổi teen cùng một gương mặt cùng một làn da cùng một nét môi cùng một mái tóc cùng một kiểu quần áo và cùng sáng tạo những loại ngôn ngữ khác, tui chỉ biết cười trừ và giật mình nghĩ, nếu mai mốt con mình lớn lên ở đây, nó không may ở trong một lớp toàn bạn bè như vầy, nó sẽ như thế nào? Người ta bắt đầu tôn vinh nhiều giá trị ảo. Ngày xưa áo mặc ngắn một chút cũng tự thấy mắc cỡ, bây giờ thì khác, càng cởi càng dễ nổi tiếng, dễ có tiền, dễ thành biểu tượng trào lưu…
Trường học, cải cách? Cải cách bao năm mỗi năm mỗi lùi. Người ta quá chú trọng thành tích, không dạy để thành nhân. Nói trắng ra nếu nước mình có nền giáo dục tốt, tui cũng không tốn một nùi tiền đi nước khác lạnh lẽo cô đơn để học tiếp làm gì. Mà nếu tốt vậy, nước mình cũng không chảy máu túi mỗi năm bao nhiêu là tiền sinh hoạt tiền học phí mẹ cha gửi cho con đi du học nước ngoài. Chừng nào cái gốc rễ này mới được cải cách cho đúng, khi mà con cháu các ông đi du học đủ thứ nơi? Con học mẫu giáo ba mẹ đã chạy trường, “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, mà thầy không phải ai cũng tử tế làm thầy. khổ quá!
Bệnh. Những ngày bệnh sởi lan tràn, trẻ con dị ứng thuốc tiêm phòng, ch ết hàng loạt. Tui không biết sao mà ở trển người ta hong biết xót xa. Giở báo ra là thấy cha mẹ khóc ngất ôm xác con trên tay, tui không biết sao mà người ngồi trên còn leo lẻo không chịu trèo xuống (hay ít nhất là tìm cách sửa sai, một câu xin lỗi). Rồi những câu chuyện này chìm vào quên lãng… Còn nhớ vụ án Fonterra sữa bị nghi nh iễm kh uẩn, mới nghi thôi chưa có ai ch ết gì ráo mà lãnh đạo đã nhảy ra lãnh đạn từ chức. Ở mình chỉ có cọng dây rút hoài ko hết, là dây rút kinh nghiệm, mệt mỏi thiệt nhiều… Cuộc chiến tranh quyền lợi từ cấp trên, dân đen hứng chịu. Dẫu biết ở đâu có chính quyền cũng có vấn đề cả. Ở đây họ vẫn chửi chính quyền đều đều, chuyện hàng ngày, trên TV, trên báo… nhưng khác nhau là cách tiếp thu và thay đổi tương đối minh bạch. Những cái bệnh từ đó mà mất đi…
Thi thoảng tui vẫn thấy ở siêu thị những bảng thông báo thu hồi hàng dù là cái nồi nhỏ vì tay cầm không chuẩn. Nó làm tui nghĩ đến sự vô trách nhiệm của dân mình. Bán hàng không nguồn gốc, nước mía siêu sạch vì che giấu siêu dơ, hay trộn hàng giả vào hàng thiệt. Tui biết dân mình nghèo chạy ăn xoay sở, nhưng làm ơn còn chút hảo hán trượng phu bán buôn nhân quả, đừng gieo ác rồi con mình gặp ác. Từ bao giờ chúng ta quên, mà chỉ nhớ chém đẹp nhau!
Còn nhiều nhiều lý do lắm để người ta phải tha hương, không đơn giản chỉ vì tiền, vì tỉ giá. Tui gặp bao trường hợp, nghĩ nhiều mới thấy hầu hết là họ đã đ ấu tr anh cho thế hệ con mình, rồi mình cũng hy sinh cho thế hệ sau nữa. Nước mắt chảy xuôi. Ai cũng muốn con mình ở được một nơi an toàn, mạnh khỏe, và có điều kiện phát triển bản thân, được công nhận với những gì nó có. Vậy nên dù có đi xa và chịu nhiều bất công thiệt thòi, chỉ cần nghĩ tới con mình thôi đã thấy là đáng để cố gắng rồi.
Nhưng rồi một câu hỏi khác ngược ngạo chảy về, biết đâu đó là thế hệ mất gốc, vì không có một mối thâm tình và trải nghiệm đặc biệt nào với quê hương?
…Lại một ngày mưa kh ủng kh iếp, chợt nghĩ xứ này không phương tiện làm sao người ta có thể sống? Làm sao tồn tại nổi trong cái lạnh 0 độ suốt mùa đông mà không có lò sưởi. Làm sao di chuyển những ngày mưa đá rầm rào nếu không có xe? Coi chứ xứ mình dễ sống, nhà tranh vách đất ra đồng câu cá ra vườn cắt rau, không nợ tiền bill lại có nhiều tình lắm…
Rồi cũng chỉ biết thở dài, ước gì ở quê mình những giá trị đẹp còn giữ được, và những phương tiện này, cải cách này, đầu óc này, tầm nhìn này, trách nhiệm này được sử dụng. Từng con người nếu họ cảm thấy được cống hiến và công nhận đúng đắn, họ sẽ toàn tâm toàn ý ở lại. Đi xa thì vẫn thương yêu cội nguồn vì đó là một điều gì thiêng liêng đâu bỏ được, nhưng ước gì mình có thể đem thương yêu về gần kề người mình thương yêu, nơi mình thương yêu…
…
Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao
Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.