Tâm thư của chàng rể Hà Lan: ‘Lấy vợ Việt Nam, khổ trăm đường khổ’
Đàn bà lấy chồng Tây thì sung sướng, họ hàng tung hô chứ đàn ông lấy vợ Việt thì xin thưa, là khổ trăm bề.
Tôi năm nay 40 tuổi, quốc tịch Hà Lan và đã làm rể Việt Nam được 10 năm. Bây giờ tôi cũng đã đọc thông, viết thạo tiếng Việt, biết các loại tiếng lóng nhưng nói thật với các bạn, lá thư tôi gửi này cũng phải nhờ đến người vợ cao thủ của mình biên tập lại cho chút đỉnh (chắc cũng khá nhiều đấy!).
Tôi đọc báo thấy ca ngợi, kể chuyện các cô dâu Việt lấy chồng Tây sướng ra sao, thích thế nào. Chả mấy ai nhắc đến chuyện các chàng Tây như tôi lấy vợ Việt thì có sung sướng không. Vậy nên tôi đành viết cái thư này để giãi bày tâm sự thầm kín của mình.
Phải nói, đàn bà lấy chồng Tây thì sung sướng, họ hàng tung hô chứ đàn ông lấy vợ Việt thì xin thưa, là khổ trăm bề.
(Ảnh minh họa)
Cái khổ đầu tiên là khổ đường ăn uống
Khi tôi sang Việt Nam, tôi vẫn còn là chàng trai 29 tuổi, nhiều thứ thích thú để khám phá nhưng số phận đen đủi, chưa kịp khám cái gì thì đã bị vợ tôi bây giờ phá cho tan tành rồi. Đấy là do tôi ngu ngốc, mới chỉ sang đây có 1 tháng đã ngã lăn vào vòng tay cô ấy, để rồi phải nếm trải đủ thử thách của nhà vợ, dù lúc đấy mới yêu nhau chả bao lâu, đến tay cô ấy còn chưa cho nắm…
Nhà vợ tôi có cái thú uống rượu đến là kì lạ. Tôi cũng là người có tửu lượng kha khá nhưng nói thật, chỉ cần nhìn cái bình rượu ngâm nguyên con rắn đang há mồm, nhe nanh với hàng chục con thằn lằn ngụp lặn cũng đã đủ say bất tỉnh rồi, nói gì đến phải cho thứ nước kinh hoàng đó vào mồm. Vậy mà bố vợ tôi lúc đó cùng dăm ông chú, chục ông bác cứ thay phiên nhau mà “thử thách rể Tây”. Nhắm mắt nín thở uống cái thứ rượu khủng khiếp đó vào mồm đã khổ, phải “một chọi trăm” với họ hàng nhà vợ còn khổ hơn gấp vạn lần.
Lần đầu tiên, tôi cố gắng “uống đến hơi thở cuối cùng”, vật vã mãi cũng tiếp hết được lượt chú, lượt bác. Nào ngờ, quân địch từ đâu kéo đến, xa đến cả ông nào đó mà vợ tôi còn chưa bao giờ biết mặt cũng đến thử tài rượu của tôi. Một chọi trăm người, không thua mới là lạ. Mặc dù trận đó khiến tôi đến giờ vẫn kinh hoàng với thứ rượu khủng khiếp này nhưng cũng nhờ nó, tôi đã đi luôn từ công đoạn nắm tay sang thẳng giường ngủ với cô vợ của mình. Mà cũng vì say quá nên sau hôm đó, vợ tôi cũng có bầu luôn. Bố vợ thì cứ gật gù nói rượu thuốc của mình “khỏe thật”. Tôi thì mãi sau mới hiểu lời ông nói.
Uống đã khổ, ăn còn khổ hơn. Quê vợ tôi ở vùng Hà Tây và ở đây, có cái tập tục vô cùng kì lạ… cứ ăn cỗ là phải có món… trứng vịt lộn. Lúc mới sang Việt Nam, tôi cũng đã khiếp cái món đó lắm rồi, ai thử thì thử chứ tôi thì cạch mặt. Thế mà, ghét của nào trời cho luôn của đấy. Có người yêu rồi thành vợ chưa cưới đồng nghĩa với việc, tôi luôn phải đối mặt với món đó trong mọi bữa ăn. Nó nhiều đến nỗi có đêm, tôi còn nằm mơ thấy con vịt chui ra từ quả trứng ăn thịt luôn mình. Đúng là ác mộng.
Nhưng nỗi khổ đấy chưa thấm là gì so với nỗi khổ của ngôn ngữ
Trước khi sang Việt Nam, tôi có học sơ qua một khóa ngôn ngữ du lịch, cũng biết Việt Nam xưng hô rất phức tạp. Người nhỏ thì phải xưng em, người lớn thì phải gọi anh, già thì phải gọi chú, gọi bác… Nhưng sang đến nơi, rồi lại thành rể Việt, tôi mới thấm hết cái phức tạp của ngôn ngữ, xưng hô Việt.
Lần đầu về quê vợ, tôi thấy có đứa trẻ con chạy lon ton đến chơi với mình. Tôi nhanh nhẹn nói: “Chào em!”Nào ngờ, nó hắng giọng quát tôi luôn: “Anh này láo!”. Tôi đang ngơ ngác thì thấy vợ tôi chào ngọt lịm:“Cháu chào cậu trẻ!”. Rồi một lúc sau lại thấy ông cụ tay chống gậy, lưng còng, tóc bạc đến. Thấy cụ cúi mình, tôi tưởng cụ mỏi lưng định đỡ, không ngờ cụ khoanh tay lễ phép: “Em chào anh, chị bé.” Sau này về quê vợ, tôi chụp lại ảnh từng người, ghi chú rõ ràng đâu là anh, đâu là em, đâu là chú nhỏ, đâu là cậu bé…
Những ngày sau này, những chuyện dở khóc dở cười như xưng em với bố vợ, xưng anh với bà dì diễn ra liên tục. May mà mọi người chỉ thấy chuyện đó của tôi là chuyện hài nên cười nghiêng ngả rồi cũng bỏ qua.
Rồi các loại dấu, âm của tiếng Việt cũng khủng khiếp lắm thay. Có lần tôi muốn hỏi vợ: “em yêu, sao em chưa ngủ thế”, cuối cùng tôi lại nói thành: “em yêu, sao em cứ ngu thế!”. Vợ tôi lừ mặt giận dỗi còn tôi thì ngơ ngác. Mãi lúc sau cô ý mới giải thích ý nghĩa của câu nói sai của tôi rồi cả vợ cả chồng đều cười sằng sặc.
Đau khổ nhất là lần gặp bà dì ruột của vợ, cũng đã gần 80 tuổi. Tôi đã rất cảnh giác, ghi nhớ, học thuộc lòng cách gọi bà, xưng cháu ngọt lịm. Ấy vậy mà, trong lúc hí hửng hài lòng vì mọi người khen tôi nói tiếng Việt giỏi. Tôi đã lỡ mồm khen bà: “Sao mông bà trông đẹp thế!” khiến cho từ bố mẹ đến vợ tôi đều há hốc mồm. Sau lần đó, vợ yêu cầu tôi khi về quê tốt nhất là giả vờ không hiểu, không biết nói câu tiếng Việt nào. Theo cô ý như vậy là an toàn nhất.
Vẫn còn trăm thứ khổ nói không nên lời của chàng rể Tây tôi đây. Nhưng dù có khổ nhiều hơn thế, tôi vẫn luôn thấy hôn nhân với một cô gái Việt là điều xứng đáng nhất. Nàng không chỉ xinh đẹp, thông minh, hiền lành mà còn là người thầy dạy tiếng Việt kiên nhẫn nhất của tôi. Cũng như nhờ nàng, tôi mới có thể viết được lá thư này, và tất nhiên, dưới sự biên tập nhất định của nàng.
Theo Khám Phá
Tiп ɱới пɦấł ʋụ 18 łɾẻ 2 – 6 łɦáпɢ łᴜổi ɓị łiêɱ пɦầɱ ʋắc xiп ρɦòпɢ Coʋiɗ-19
Tɦôпɢ łiп łừ Sở Y łế Hà Nội ᵭêɱ 4/11 cɦo ɓiếł 18 łɾẻ ᵭộ łᴜổi łừ 2 – 6 łɦáпɢ ở ɦᴜyệп Qᴜốc Oɑi ᵭếп łɾạɱ y łế xã łiêɱ ʋắc xiп пɦưпɢ ɓị łiêɱ пɦầɱ ʋắc xiп ρɦòпɢ Coʋiɗ-19 Pfizeɾ.