Tết trong lòng những người con xa xứ
Hàn Quốc những ngày này lạnh lắm chị ơi. Cả tuần nay, hôm nào cũng âm mười mấy độ. Trong tủ lạnh ấm hơn thời tiết ngoài trời. Tuyết rơi phủ kín lối đi, lạnh đến nỗi ga cũng bị đóng băng, không nấu nướng gì được. Em thấy nhớ những mùa đông lạnh ở Thường Xuân quê em, nhớ da diết không khí lạnh những ngày tết ở Thanh Hóa quê mình”.
Đó là những dòng tin nhắn nghẹn ngào Tiên gửi về cho tôi từ Hàn Quốc xa xôi, vào thời điểm Tết Nguyên đán chỉ còn cách chúng tôi vài tờ lịch cuối.
Tiên vốn là người sống tình cảm, nặng lòng với gia đình, với quê hương. Tôi biết chắc chắn điều đó bởi suốt từ những năm tháng còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, chúng tôi đã có rất nhiều thứ “cùng”. Cùng quê Thanh Hóa, cùng theo học một ngành, cùng ở một phòng, cùng nhau đăng ký tham gia Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội, năng nổ bên nhau trong mọi hoạt động của ban liên lạc hội đồng hương. Ngày ấy, chúng tôi vẫn thường quả quyết với nhau về tương lai: “Chắc chắn sẽ về quê lập nghiệp. Không gì bằng cống hiến sức mình cho quê hương”. Thế rồi, cùng với biết bao sự biến đổi ở đời, tôi tiếp tục theo đuổi chí hướng của mình còn Tiên rẽ sang một hướng khác. Vì một lý do nào đó, Tiên không về quê chờ đợi cơ hội như tôi. Con bé lấy một anh cùng quê, gần nhà, đã có thâm niên làm việc tại Hàn Quốc rồi cứ thế theo chồng sang xứ người, bỏ lại tôi vẫn kiên nhẫn ở quê nhà tiếp tục chuỗi ngày đợi chờ. Tôi thương tất cả những lý do “xa xứ” của Tiên. Và ngay khi đọc được những dòng tin nhắn của nó, tôi ước gì mình có thể gom được chút không khí tết của quê hương, gửi kèm dăm ba cặp bánh chưng xanh gói bằng lá dong hái trong vườn nhà nó cùng với chục nem chua, đặc sản Thanh Hóa mình. Tôi nhắn với nó thế. Nó gửi lại cái icon khóc lóc dữ lắm, nói: “Chị gửi cho em ngay đi, gửi cho em hết”. Tôi hỏi: “Thế bên Hàn những ngày này, vợ chồng em làm gì?”. Tiên bảo: “Em với chồng tham gia Hội đồng hương người Việt bên Hàn. Hội tổ chức nhiều hoạt động lắm, đi dã ngoại, gói bánh chưng, nấu nướng, ăn uống cùng nhau chúc mừng năm mới”. Tôi ngồi buồn, thương nó mãi khi đọc những dòng tin nhắn cuối cùng của nó trước khi nó chào tôi để chuẩn bị đi làm: “Người Hàn họ cũng ăn tết âm như mình, cũng tưng bừng, rộn ràng, mới mẻ lắm nhưng với em hay cả chồng em ở lâu năm bên này cũng thế, không được ở bên gia đình đón tết cổ truyền, thắp nén hương giao thừa, ăn miếng bánh chưng chấm mật cứ cảm thấy trống trải, mất mát điều gì quý giá lắm”.
Lương Dũng chuẩn bị cùng bạn bè người Việt đón Tết Nguyên đán trên đất Nhật.
Lương Dũng (Hoằng Hóa) cũng là một trong nhiều bạn trẻ tôi quen biết chấp nhận cuộc sống khó khăn, vất vả, thiếu thốn trăm bề với ước mong xây dựng tương lai tốt đẹp nơi xứ người. Từ khi còn là cậu thanh niên rụt rè, ngơ ngác trước một nước Nhật lạ lẫm, xa xôi đến nay, Dũng đã là quản lý của một công ty xuất khẩu lao động người Việt tại Nhật với thâm niên bốn năm xa xứ. Dũng chia sẻ: “Để đạt được kết quả như ngày hôm nay, mình đã phải nỗ lực rất nhiều trong suốt bốn năm qua. Nỗ lực là thứ duy nhất giúp mình có thể tồn tại và phát triển được ở một đất nước nguyên tắc như Nhật Bản”. Tôi nói trong sự đồng cảm sâu sắc: “Hẳn rằng cậu đã phải buồn rất nhiều”. Dũng cười, hỏi lại tôi: “Cậu biết lúc nào là lúc tớ cảm thấy buồn nhất không?”. Tôi im lặng, Dũng tiếp tục chia sẻ: “Những ngày lễ tết là những ngày tớ cảm thấy buồn nhất. Nhớ nhà, nhớ quê mà bất lực. Suốt ba năm đầu vừa học vừa làm, kinh tế eo hẹp, không đủ điều kiện để về. Đến khi đi làm, tiền bạc rủng rỉnh hơn thì không làm sao dứt công việc ra được. Tết nào gọi điện về nhà mẹ cũng khóc, bảo nhớ con, thương con. Bố thì kể đủ chuyện sắm sửa đồ tết, gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa... Nhiều khi buồn phát khóc, chỉ thèm được thấy bầu không khí tết quê nhà”. Tôi rưng rưng hỏi Dũng về những việc Dũng thường làm trong những ngày tết xa nhà, xa quê. Dũng đáp: “Người Nhật không đón tết âm như mình nên thường thì tớ vẫn phải đi làm. Vừa làm vừa cắm tai nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc tết hay nghe mấy bản nhạc tết quen thuộc thì trong lòng cũng nghẹn ngào rồi”.
Ngọc Sơn (24 tuổi, huyện Đông Sơn) kể với tôi một câu chuyện tương tự như Dũng. Tết trong lòng những người con xa xứ như Tiên, như Dũng, như Sơn chưa bao giờ là câu chuyện thôi nhớ nhung, hoài niệm. Sơn tạm biệt quê nhà, quyết định sang Nhật theo diện vừa học vừa làm tính ra cũng đã ngót nghét ba năm rồi. Những ngày đầu tiên, khi Sơn chia sẻ với tôi về dự định sang Nhật “cố gắng học tập, làm việc vài năm kiếm đồng vốn về lo cho tương lai sau này” đã khiến tôi hoài nghi rất nhiều. Tôi biết Sơn từ những ngày Sơn còn là lính nghĩa vụ trên đơn vị bố tôi công tác. Sơn hay nói, hay cười, hồn nhiên như bất kỳ chàng trai hai mươi tuổi nào. Nhưng Sơn ham vui và bướng bỉnh. Tôi không nghĩ được rằng, trong vô vàn những lựa chọn cho tương lai, Sơn lại chọn con đường xa xứ với bộn bề những lo toan, vất vả. Năm nào cũng thế, mỗi dịp tết đến, tôi đều chúc cậu những điều quen thuộc: Chúc sức khỏe, chúc niềm vui, chúc mọi sự an lành trong năm mới. Sơn vẫn thường nhắn lại, kiểu trẻ con: “Em về quê rồi, tết nhất nhớ thầy u quá, không chịu được”. Tôi biết, Sơn không về, một mình em lại lủi thủi trong phòng trọ với vài ba món nhậu, lon bia tự chúc mừng tự vui. Cũng có năm tết vào lúc công việc rảnh rang hơn một chút, bạn bè người Việt của Sơn bên Nhật lại rôm rả gọi nhau “tụ tập”. Năm ngoái, đứa bạn cùng công ty với Sơn được bố mẹ ở Việt Nam gửi sang cho mấy bó lá dong, thế là lại rủ nhau mua nguyên liệu về gói bánh chưng. Ăn miếng bánh mà đứa nào cũng chực rớt nước mắt” – Sơn nói với tôi như vậy.
Hầu hết những người xa xứ mà tôi biết đều là những người trẻ. Đứng trước những lựa chọn cho tương lai của mình, họ phải chấp nhận xa quê, xa gia đình, xa những ngày tết cổ truyền vốn là dịp để sum vầy đầm ấm. Trong vô vàn bài viết, lời tâm sự của người con xa xứ trải lòng về ngày tết không có gia đình bên cạnh, không có mùi khói hương thành kính, không có “bánh chưng xanh tựa đất, bánh dày tròn tựa trời”... Tôi vẫn không sao quên được những dòng Trương Anh Tú đã viết trong “Tết người xa xứ” gửi về từ CHLB Đức: “Tết ở xứ người, dù vật chất có đầy đủ đến đâu cũng không thể làm vơi đi nỗi nhớ nhà, vì tết là quê hương, là đoàn tụ gia đình, là cội nguồn nơi người ta tìm về”.
Những người con xa xứ, cho dù chỉ có thể “ăn tết” bằng hoài niệm, bằng ký ức nhưng trong sâu thẳm tâm hồn họ, tết vẫn là điều gì đó thiêng liêng, nặng lòng nhiều lắm!
Người Việt ở Úc làm nghề gì phổ biến với mức thu nhập ra sao
Người Việt ở Úc làm gì nhiều nhất và thu nhập mỗi ngành nghề như thế nào? Có nghề có thể kiếm 2000 AUD/ tuần.