RSS

Thán phục bà mẹ rửa chén mướn có con gái giành học bổng 6 tỷ của đại học Mỹ

19:08 15/12/2019

Đối với những ông bố bà mẹ có điều kiện nuôi con ăn học đã quá khó đằng này lại có một chị làm nghề rửa chén thuê nhưng nuôi con gái học hành chẳng kém ai. Thậm chí trước Tết nhà chị lại nhận được tin vui khi con gái của chị là Nguyễn Vũ Linh đậu học bổng du học Mỹ.

Tổng giá trị học bổng là 6 tỷ đồng (gồm vé máy bay, học phí, nhà ở và ăn uống) của Đại học Vanderbilt, top 14 trường tốt nhất nước Mỹ (theo US News). Nghe tin vui của con, mấy đêm liền chị không sao ngủ nổi.  Người mẹ nghèo ấy có tên là Vũ Thị The, 51 tuổi sinh sống ở Hà Nội. Chị thú nhận không biết học bổng “to” thế nào hay trường nhận con vào học danh giá ra sao. Chị chỉ thấy vừa mừng vừa lo khi con đi xa cách mẹ nửa vòng trái đất sẽ không ai chăm sóc. Tốt nghiệp xong, Linh mới sang Mỹ nhưng từ bây giờ, chị The đã dành dụm tiền để mua dần áo ấm, vali và đồ dùng cho con. Chị tính sẽ làm thêm cho Linh lọ ruốc hay muối lạc phòng thời gian đầu chưa quen đồ ăn lạ.

Người mẹ nghèo rửa chén thuê để nuôi con gái ăn học

Một ngày của chị The bắt đầu từ 5h. Chị dậy sớm giặt giũ, nấu cơm cho con ăn đi học. Xong xuôi, chị tranh thủ qua quán lẩu rửa chén, đến ủy ban phường quét dọn rồi sau đó quay về quán. Cứ như thế, ngày làm việc của chị bận rộn với cả hai nơi và kết thúc vào nửa đêm. Chị tâm sự, nhờ bận rộn như vậy, thu nhập mỗi tháng của chị bây giờ mới “khấm khá” hơn trước với khoảng hơn 4 triệu đồng. Số tiền ít ỏi này giúp chị trang trải chi phí học hành cho con và sinh hoạt hàng tháng. Rửa chén nhiều trong nước lạnh khiến đôi bàn tay không đeo găng của chị ửng đỏ.

Được biết gia cảnh của chị trước kia cũng không mấy khá giả khi chị sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Nam Định. Cha mẹ mất sớm, lại không được đi học, chị lên Hà Nội làm thuê và ở cùng gia đình người cậu. Ngày đó, chị The đi bế trẻ và bán hàng thuê ở chợ Đồng Xuân kiếm sống. Sau này, chị kết hôn rồi sinh được một người con gái đặt tên Linh. Chồng chị qua đời vì bệnh tật lúc con gái mới hơn 4 tuổi. Mỗi lần nhắc lại, chị The không sao quên được cảnh bế con đến nhà tang lễ chịu tang chồng.

Để có tiền nuôi con, chị The làm đủ nghề, từ quét đường, nướng bắp, đến rửa chén, dọn dẹp. Không ít lần từ sau khi chồng mất, cuộc sống khó khăn khiến chị phải nhịn đói đi làm. Ai cho miếng gì ngon, chị gói lại mang về cho Linh. Biết mẹ nhịn phần mình, Linh mời mẹ ăn cùng. Mỗi lần như vậy, chị The chỉ biết ôm con vào lòng. Khó khăn đến mấy chị The cũng quyết cho Linh ăn học đến nơi đến chốn vì muốn con có tương lai, không phải vất vả như mình. Làm được bao nhiêu tiền, chị dành cả cho Linh đi học. Không muốn ai biết Linh là con gái nhà nghèo nên dù đói khổ, chị The vẫn cố may cho con những bộ quần áo mới.

Nguyễn Vũ Linh, con gái tài giỏi của chị The

Kể về con, giọng chị The trở nên hào hứng. Linh giờ là nữ sinh trung học nhưng chị The vẫn giữ thói quen gọi con là “bé”. “Linh hiếu học từ nhỏ. Bé thuộc mặt chữ rồi tự ghép vần trước khi vào lớp một dù tôi không cho con đi học thêm ngày nào. Tôi nhận thấy tiếng Anh sẽ thông dụng nên đầu tư cho con học ngoại ngữ ngay khi vừa hết lớp 1”,  chị The kể. Suốt những năm cấp một đến cấp hai, con gái chị luôn đạt học sinh xuất sắc. Năm cấp ba, Linh thi đỗ học bổng một trường quốc tế có tiếng ở Hà Nội. Mỗi tháng, tiền học thêm các môn ngoại khóa của Linh hết khoảng 2-3 triệu đồng.

Không được đi học, lại bận kiếm sống, chị The không có nhiều thời gian cũng như kiến thức để cùng con học hay kiểm soát việc học của Linh. Thế nên, chị chỉ biết động viên Linh cố gắng. Chị không gây áp lực điểm số cho Linh nhưng muốn con chú tâm học hành. “Tôi bảo Linh, ‘con muốn thoát nghèo thì phải học. Mẹ tin ở sự tự giác của con. Mẹ tin con sẽ làm được những việc con muốn. Mẹ mong con gái là người tài, đức vẹn toàn; hiếu thuận với mẹ cha và hòa đồng với bạn bè’. Tôi không ép cháu học vì nếu không muốn, ép mấy con cũng tỏ ra đối phó”,  chị The tâm sự.

Linh là nguồn động lực để chị The tiếp tục cố gắng

Không muốn làm mẹ buồn, Linh chăm chỉ học ngày đêm. Nhiều hôm thấy Linh bận học quên ăn, chị The lại ngồi bên xúc cho con từng muỗng. Nhiều lần, con gái muốn đi làm thêm phụ mẹ kiếm tiền nhưng chị The một mực phản đối vì sợ con ham rồi chểnh mảng học hành. Chị The nhận mình là người nghiêm khắc nên dù yêu con cỡ nào cũng không bao giờ thổ lộ. Chị tránh quát mắng hay so bì con với các bạn mà chỉ nhắc Linh cần cố gắng và tin con làm được.

Chị The muốn Linh biết giúp đỡ, quan tâm tới những hoàn cảnh khó khăn hơn xung quanh nên ủng hộ việc con dạy học từ thiện cho trẻ em nghèo. Chị dạy con, cho đi là hạnh phúc và giúp đỡ người khác không mong được trả lại. Từ lớp 9, Linh thường lặn lội tới các xóm nghèo ven sông để dạy các em học. Thấy con phải đi bộ 3 km từ bến xe buýt vào chỗ dạy, chị The vay mượn mua cho con xe đạp điện. Tiền xe chị trả dần sau vài năm mới hết. Trong mắt chị The, Linh là đứa con hiếu thảo và ngoan ngoãn. Chị xúc động khi con nói sau này có tiền, sẽ mua tặng mẹ một chiếc áo dài thật đẹp. Với chị, con gái là cả nguồn sống và sự hy vọng, thế nên, dù cuộc sống thiếu trước hụt sau, chị The chưa từng nghĩ sẽ đi bước nữa. “Tôi từng có mẹ kế nên hiểu. Hơn nữa, nếu lấy chồng, tôi phải lo cho gia đình người ta, tình cảm cũng phải chia sẻ, trong khi tôi chỉ muốn dành trọn cho con gái”,  chị The nói.

Chị The hy sinh đời mình để xây dựng tương lai cho con gái

Khi được hỏi về mẹ, Linh tự hào nhắc tới người vừa là bạn, vừa là thầy luôn dõi theo em, không phán xét, không áp lực mà đơn thuần là cổ vũ. Trong Linh, mẹ là người hy sinh hết mình vì con cái.  “Mẹ làm quần quật và không nghĩ về mình. Công việc bận nên mẹ thường bỏ bữa. Phía sau mỗi chúng ta luôn có hình bóng của một người, dù là cha mẹ hay thầy cô, và em may mắn có mẹ”, Linh tâm sự. Hôm biết tin đỗ đại học Mỹ, Linh gọi điện báo tin cho mẹ trước tiên. Linh cho hay, học bổng này có ý nghĩa với em không chỉ vì đó là ngôi trường ước mơ từ lâu mà còn vì không phụ lòng mong đợi và tin tưởng của mẹ. Linh mơ ước du học từ hồi lớp 3 nên sau nhiều năm, đây là giấc mơ thành hiện thực dù biết tương lai còn khó.

Cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt đối với những người nghèo khó thì họ càng vất vả trăm chiều. Thế nhưng thay vì ngã gục, đầu hàng số phận thì chị The lại vùng dậy, quyết lao động kiếm tiền đầu tư cho con để mong thay đổi được cuộc sống. Con người hơn nhau là ở chỗ này, giàu nghèo không phải thể hiện ngoài mặt mà quan trọng là ý chí ở mỗi người. Chị The hy sinh đời chị để nuôi dạy, xây dựng tương lai sáng lạng cho đứa con thơ là sự lựa chọn cao cả, là tấm lòng yêu thương vô bờ bến của người mẹ nghèo. Thế nên ngày hôm nay nhận lại được quả ngọt là món quà hoàn toàn xứng đáng cho chị và bé Linh. Những ngày tháng phía trước sẽ có không ít khó khăn thế nhưng bao vất vả hai mẹ con chị trải qua thì những gì sắp tới sẽ chỉ là chuyện nhỏ. Nhìn chị rồi tự thấy xấu hổ cho mình, tự nghĩ cuộc sống của mình cũng ít nhiều sung sướng hơn chị thì hà cớ gì suốt ngày cứ than vãn, kêu ca? Và không biết những người có chung hoàn cảnh như chị liệu mấy ai làm được điều tuyệt vời như vậy hay không? Hy vọng chị ấy sẽ có nhiều sức khỏe để lo cho đứa con gái đang trên đường thực hiện giấc mơ của hai mẹ con, giấc mơ về một tương lai tươi sáng.

Theo Ngoisao.net

Tiп ɱới пɦấł ʋụ 18 łɾẻ 2 – 6 łɦáпɢ łᴜổi ɓị łiêɱ пɦầɱ ʋắc xiп ρɦòпɢ Coʋiɗ-19

Tiп ɱới пɦấł ʋụ 18 łɾẻ 2 – 6 łɦáпɢ łᴜổi ɓị łiêɱ пɦầɱ ʋắc xiп ρɦòпɢ Coʋiɗ-19

Tɦôпɢ łiп łừ Sở Y łế Hà Nội ᵭêɱ 4/11 cɦo ɓiếł 18 łɾẻ ᵭộ łᴜổi łừ 2 – 6 łɦáпɢ ở ɦᴜyệп Qᴜốc Oɑi ᵭếп łɾạɱ y łế xã łiêɱ ʋắc xiп пɦưпɢ ɓị łiêɱ пɦầɱ ʋắc xiп ρɦòпɢ Coʋiɗ-19 Pfizeɾ.